05 tháng 10, 2006

Cướp Bầu Hậu (CT29)


Vân Yên

Có một thời nhiều làng xóm quê ở Việt Nam, vào những đêm tối trời người ta thường thấy có nhiều ma trơi hiện lên, lập lòe bay chấp chới ở nghĩa trang của làng; rồi lũ chó đang nằm trong nhà đột nhiên chạy rống lên sủa ăng ẳng như bị ma đuổi; trẻ con đang ngủ bỗng giật mình khóc thét. Các bà già trong nhà vội thắp vài nén hương rồi lầm rầm khấn vái, còn các ông già bảo “đó là lũ ma đói đi lang thang tìm kiếm cái ăn”. Có cụ bảo: “Đấy là điềm chẳng lành, dương thịnh âm suy, dưới âm có loạn, nên các quan ôn quan dịch đi tuần tra để bắt lính”. Tất nhiên bây giờ chẳng ai tin vào các cách giải thích như thế. Riêng cụ giáo ở làng thì từ tốn bảo rằng:

... Ăn cắp là lấy một cái gì đó của người khác đang mang trên mình mà người đó không biết. Ăn trộm là vào nơi ở của người ta để lấy đi một cái gì đó trong lúc người ta vắng nhà. Còn ăn cướp là dùng sức mạnh hay vũ khí uy hiếp người ta để chiếm đoạt tài sản. Các cụ xưa còn chia ra làm hai loại ăn cướp. Cướp đêm là do bọn đạo tặc thực hiện, còn cướp ngày là do bọn quan lại thực hiện. Vì vậy ca dao có câu:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.


Như vậy là ăn cắp, ăn trộm hay ăn cướp đều giống nhau ở chỗ chiếm đoạt tài sản của người khác lúc họ còn sống. Nếu áp dụng luật sa-ri-a của đạo Hồi thì những người phạm tội đó đều bị trừng trị nghiêm khắc, có khi bị chặt cụt cả tay.

Ở thôn quê ta lại nơi này nơi khác có những gia đình không có con thừa tự, cho nên họ thường hiến cúng cho đình làng hay chùa làng vài sào ruộng, để khi qua đời thì hàng năm đình làng hay chùa làng sẽ có vài đĩa xôi với nải chuối và mấy nén hương làm giỗ cho vong linh họ. Việc cúng đất cho đình làng hay chùa làng đó gọi là “bầu hậu”, được thông qua bởi chính quyền sở tại và có bia gắn ở đình hay chùa để nhớ tên, nhớ ngày. Riêng miền Bắc Việt Nam có tới năm, sáu vạn trường hợp bầu hậu như vậy. Đây là một thuần phong mỹ tục của người Việt có từ thời xa xưa, mang tính nhân bản, người chết được tưởng nhớ, còn đình hay chùa làng có ruộng cày cấy tạo kinh phí bảo quản, trùng tu.

Nhưng từ lúc nhà nước ban lành luật cải cách ruộng đất, tất cả các loại ruộng đất, tất nhiên cả ruộng bầu hậu cũng bị tịch thu hết. Hệ quả là đình chùa dần dần đổ nát vì không có tiền tu sửa, sư sãi và các ông từ coi đình cũng phải rời làng vì không có ruộng đất sinh sống. Tất nhiên là không còn ai làm giỗ cho năm, sáu vạn người đã bầu hậu hàng chục vạn sào ruộng kia nữa. Bia bầu hậu ở đình hay chùa làng cũng bị người ta mang ra kê lối đi, bắc cầu ao hoặc nung vôi....

Cụ giáo thở dài: “Đấy là một hình thức ăn cướp, nhưng là ăn cướp người chết!”.

Có người hỏi lại: “Cứ tạm coi ma trơi là vong linh những người chết không được cúng giỗ hiện lên đi kiếm cái ăn, thế nhưng vì sao bây giờ chúng ta ít thấy ma trơi xuất hiện như thời sau cải cách ruộng đất?”.

Cụ đáp: “Nếu đi tìm cái ăn mãi mà không thấy nơi đâu giỗ chạp, thì đến ma trơi cũng phải chết đói mất! Chứ nếu còn thì có khi ma trơi cũng tụ về vườn hoa Mai Xuân Thưởng để khiếu kiện đấy!”.

Hóa ra, cải cách ruộng đất là giúp cho người ta chết hai lần?

Không có nhận xét nào: