05 tháng 7, 2006

Giai Cấp Và Dân Tộc (CT26)

Lưu Tấn Đông

Hãy cùng nhìn lui lại để thấy Việt Nam ta đã tiến một bước dài so với thời kêu gọi thế giới cứu đói năm 1985. Lùi xa hơn nữa và nhìn thật kỹ, quả là ta đã nhảy vọt một tầm dài so với thời thống nhất ý chí tiêu diệt tư sản ngay sau 1975. Cũng có thể nói là ta đã mang hia bảy dặm so với thời Cách mạng mùa Thu 1945. Việt Nam ta ngày nay đã đủ ăn (chí ít là về mặt lương thực thực phẩm), người lao động tay chân đã vượt mức thù lao 1USD/ngày.

Nhưng nếu nhìn quanh, Việt Nam ta vẫn chưa bước ra khỏi bảng xếp hạng những quốc gia phát triển chậm nhất hành tinh, với năng lực sản xuất vào hàng thấp nhất thế giới, và không còn cách nào khác hơn là chuẩn bị hội nhập vào cuộc đua toàn cầu hóa với một mảnh kiến thức khá nông và một niềm tự tin cực mỏng.

Chúng ta sẽ chọn cách nhìn nào để triệt tiêu sức ỳ, đánh thức tiềm lực và đề xuất những giải pháp năng động đủ sức kích thích cả nước tiến lên cùng nhịp với nhân loại?

*


Thật ra, sức ỳ đó đến từ đâu?

Trước khi Đảng ta xuất hiện, có phải đó là chế độ phong kiến với sự lột xác của giai cấp nông nô thành nông dân được vua cấp ruộng? Đến khi Đảng ta ra đời, nhân danh đại diện giai cấp công nhân cách mạng và tiên tiến, có phải đó là sự đồng hóa nông dân và ngư dân vào giai cấp công nhân vốn không nhiều ở nửa đầu thế kỷ 20? Hay đó là lúc mà Đường Cách Mệnh từ những lối mòn dọc Trường Sơn sắp có điều kiện biến thành xa lộ, thì giai cấp công nhân thi đua phát huy cách mạng tính dưới hình thức lao nô trả nợ chiến phí hồi cuối thập niên 1970, biến dần thành “lao động hợp tác” ở Đài Loan, Mã Lai để chào mừng thế kỷ 21? Hay đó là thực tiễn hiện tại, công nhân liên doanh của ta vẫn bị chủ nhân đập giày vào mặt còn trí thức của ta bị trói tay ở giữa thời đại kinh tế tri thức chủ đạo của xu thế toàn cầu hóa, mà không ai trong chúng ta đoan chắc được vị trí của giai cấp công nhân hay vai trò lãnh đạo cả nước của giới đại diện giai cấp công nhân?

Nhìn từ một góc độ giản đơn khác, biết đâu chỉ vì Đảng chuyên chính lãnh đạo cả nước chỉ cốt để nhân danh sứ mệnh lịch sử mà bảo vệ quyền lợi của riêng mỗi giai cấp do nó đại diện, như Mác đã dạy? Khốn nỗi, Mác còn dạy thêm là một khi đã cướp chính quyền, giành quyền lãnh đạo, thì quy luật kế là việc ôm giữ quyền lực để bảo vệ người vô sản đã biến thành hữu sản sẽ trở thành lực cản cực lớn đối với các bước tiến tiếp theo của xã hội.

Dân tộc ta đứng đâu trong sự chọn lựa đó?

Dân tộc ta đã làm gì hoặc sẽ làm gì đối với trì lực đó?

*


Câu hỏi kế tiếp nữa là: Làm thế nào để đánh thức tiềm lực?

Tiềm lực còn ngủ yên, nói theo nhà thơ Nguyễn Duy, hẳn do bởi nhiều yếu tố. Nhìn từ góc tư duy của Đảng ta, cứ mỗi đận rập khuôn giáo điều, kiêu ngạo cộng sản và xa rời dân tộc... là đều gánh lấy thất bại thảm hại, chí ít là ở mặt triệt tiêu tiềm lực. “Cải Cách Ruộng Đất” theo mô thức TQ là một nỗi kinh hoàng kéo dài cho nông dân VN từng là giai cấp nền tảng cái nôi cách mạng của ta. Các sự cố “Nhân Văn-Giai Phẩm”, “Xét Lại-Chống Đảng”... đều kinh hoàng không kém. Cực điểm của nỗi kinh hoàng và hệ quả tận diệt tiềm lực, phải chăng chính là ba cuộc chiến Bắc-Nam, Kampuchia và cuộc “giáo trừng” của bọn bá quyền phương Bắc? Sau đó, liệu là còn chỗ nào cho tiềm lực ngoi dậy trong bối cảnh tem phiếu hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, trù dập trí thức, tiêu diệt tư sản, tập trung cải tạo, giáo dục nhồi nhét, y tế lá cây, bưng bít thông tin và ngoại giao khấu tấu? Tiềm lực còn đó để ngủ yên đã là may!

Có bao giờ nhân dân VN được hỏi và đồng ý với những chính sách dứt điểm tiềm lực liên tục do Đảng ta độc quyền phóng tay phát động như vừa kể?

Dân tộc ta cần làm gì đối với căn nguyên trù dập tiềm lực cả nước như vừa kể?

Để giải phóng tiềm lực, phải chăng chính chúng ta trước tiên phải tự giải phóng chính mình ra khỏi cỗ máy xay tiềm lực con người và tài nguyên đất nước?
*


Một vài việc cụ thể mà chúng ta có thể lựa chọn ngay là:

  1. Tập trung nỗ lực phấn đấu cho đất nước cất cánh, dân tộc thăng hoa, chứ không vì sự tồn tại hay tương lai của bất kỳ một giai cấp nào.
  2. Nếu đã có một giai cấp nào đó chọn lựa một đảng phái làm đại diện thì các giai cấp hay thành phần khác của dân tộc cũng có quyền ngang bằng để chọn một đảng phái đại diện cho từng tập thể của họ.
  3. Trong lúc toàn dân chưa thực sự có một chọn lựa nào về chính thể và chính phủ điều hành quốc gia, hãy ngưng sử dụng cụm từ “Chủ nghĩa Xã hội” trong các văn kiện của Chính phủ, Nhà nước và các loại văn thư hành chính.
  4. Điều chỉnh ý niệm “cơ quan ngôn luận”, để báo chí và các nhà xuất bản không nhất thiết trực thuộc bất cứ cơ quan chủ quản nào, mà có thể do tư nhân phát triển kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
  5. Cả nước cần sớm áp dụng chương trình giáo dục chính trị như một môn học nhiệm ý ở các cấp trung học và đại học.
  6. Chấm dứt vai trò chủ đạo và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh, đồng thời, tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho giới doanh nhân trong và ngoài nước.

Nhân dân hãy bỏ phiếu bầu cử theo đúng ý nghĩ của mình. Nếu điều kiện lựa chọn người ứng cử vẫn do sự thông qua của Đảng bộ các cấp, thì nhân dân chúng ta hãy lựa chọn lấy cho mình một thái độ ứng xử đúng đắn nhất là không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng.

Ban biên tập Canh Tân

Không có nhận xét nào: