05 tháng 7, 2006

Núp Bóng Thuộc Cấp (CT26)


Phan Long

Ðọc lại chuỗi dài những tháng ngày bị sách nhiễu của Nhà Dân Chủ Ðỗ Nam Hải, người ta thấy có điểm lạ. Khi công an dàn cảnh tai nạn lưu thông để lục soát xe và lấy sách của ông Hải ngày 8/12/2005, hai người ký giấy bắt người và giữ sách là Trung tá và Thượng tá công an. Ðến ngày 16/1/2006, thì đến phó chủ tịch UBND Thành Phố, Nguyễn Thành Tài, ký giấy đòi phạt 20 triệu đồng VN. Ngày 14/2/2006, lại một Trung tá công an quận ký giấy đòi ông Hải đến hạch sách. Trong suốt thời gian này, ông Hải khẳng định việc công an tịch thu sách của ông là vi phạm pháp luật, và việc phó chủ tịch UBND thành phố đòi phạt tiền lại càng chứng tỏ nhà nước hoặc chẳng hiểu gì về luật pháp hoặc chẳng xem pháp luật ra gì.

Ðến ngày 21/6/2006, giới cầm quyền ra biện pháp mạnh hơn, đòi siết đồ đạc của ông Hải để trừ vào tiền phạt, nhưng lần này giao cho một chủ tịch UBND quận ký quyết định và 2 tuần sau đó, giao cho UBND phường thi hành.

Ðiều người ta lấy làm lạ là thường khi một vụ việc kéo dài, nghĩa là gặp nhiều rắc rối phức tạp, thì càng lúc vụ việc càng được chuyển lên cấp cao hơn chứ ít khi đi ngược xuống cấp thấp. Và theo kinh nghiệm quá khứ, khi chế độ càng muốn ra tay làm mạnh để hù dọa những người khác chính kiến, lại càng tăng cấp bộ trách nhiệm, chứ không giao ngược cho cấp thấp tại địa phương.

Hơn thế nữa, cách hành xử này đối với trường hợp của ông Ðỗ Nam Hải không phải là hiện tượng đơn lẻ, nhưng xảy ra khá nhiều trong những tháng gần đây. Ngoài việc công an hăm dọa và cấm các nạn nhân bị sách nhiễu không được thuật lại các buổi công an tra khảo với thế giới bên ngoài, người ta còn thấy sự biến mất của các quan chức cấp cao cấp khi tiến vào khâu trực tiếp ức hiếp, đàn áp người dân. Việc đập phá nơi thờ phượng, đánh đấm các nhà dân chủ, và ngay cả giết hại đồng bào thiểu số Tây Nguyên đều được giao cho cán bộ phường, xã thực hiện, ít là trên giấy tờ.

Có nhiều giả thuyết để giải thích hiện tượng này. Có người cho rằng, trong thời buổi mở cửa buôn bán với thế giới hiện nay, các quan chức lớn sợ bị quốc tế chế nhạo vì chính họ biết những lệnh lạc của mình rất quái dị so với tiêu chuẩn hành xử của một chính phủ bình thường trên thế giới; và nếu các lệnh này vi phạm nhân quyền trầm trọng, những thành phố mà họ cai trị còn có thể bị khước từ các giao kèo kinh tế béo bở. Cũng có người cho rằng, việc đùn đẩy cho cấp dưới này chỉ vì các quan chức lớn sợ mất mặt với dân chúng và chính tập thể đảng viên của họ. Ai cũng biết lệnh lạc của Nhà Nước ngày nay chỉ để hù dọa, chứ chẳng còn mấy ai tuân theo. Vì dẫn đầu trong việc coi thường luật pháp trên cả nước chính là cán bộ có chức quyền, đảng viên cao cấp, và thân nhân của họ.

Tuy nhiên, nếu có dịp so sánh với cách hành xử của giai cấp cai trị thuộc các chế độ độc tài khác vào cuối giai đoạn cầm quyền của họ, người ta có thể thấy một lý do chính xác hơn. Tại các nơi này, từ Ðông Âu đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong những tháng ngày cuối cùng, những vụ trực tiếp áp bức người dân, từ đánh đập các nhà dân chủ đến giết người tập thể theo kiểu trừ khử chủng tộc, v.v... đều được đẩy cho cán bộ cấp thấp thực hiện. Khi nhóm lãnh đạo tại thượng tầng đều biết không thể cưỡng lại xu hướng dân chủ của nhân loại hôm nay, và ngày tàn của các chế độ độc tài còn lại trên thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian, họ biết sẽ có ngày phải trả lời trước tòa án dân tộc và trước tòa án quốc tế về những hành động côn đồ, đẫm máu của ngày hôm nay. Cùng lúc đó họ vẫn muốn đè bẹp các lực lượng dân chủ hầu kéo dài những ngày tháng cai trị để cào vét càng nhiều càng tốt trước khi ra đi. Ðể đạt được cả 2 mục tiêu này, cách hay nhất, và có lẽ "duy nhất", là đẩy các hành động trực tiếp đàn áp dân chúng cho cấp dưới thi hành.

Dĩ nhiên, trong mọi chế độ độc tài, bao giờ cũng có những thành phần sẵn sàng lăn vào thi hành các mệnh lệnh để mong tiến lên "chiếu trên" tuy vẫn biết những tấm gương "dê tế thần" trước đây và sau này. Tuy vậy, đại đa số cán bộ cấp thấp đều bị giằng co giữa 2 nhu cầu, vừa phải giữ miếng cơm hiện tại cho bản thân và gia đình, vừa phải trả lời lương tâm và lo sợ về các hình phạt của dân tộc và nhân loại có ngày sẽ ập xuống. Tại các phiên xử tội phạm chống lại nhân loại trước tòa án quốc tế trong những năm qua, loại bào chữa "tôi chỉ thi hành theo lệnh trên" đã quá nhàm và không còn thuyết phục được ai. Ngày nay mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Và với thời đại tin học và Internet ngày nay, từng hành động áp bức của các nhân sự của chế độ đang được chuyển ra nước ngoài và ghi lại thành hồ sơ. Cộng đồng người Việt hải ngoại đang tiếp tay tích cực trong việc này và chuyển tiếp dữ kiện đến các cơ quan lưu trữ quốc tế về tội phạm chống lại loài người.

Trước tình cảnh đó, nếu là người có lương tâm hoặc không muốn bị chịu án chung với chế độ mai sau, những cán bộ cấp thấp phải làm gì ?

Thật khó để trả lời câu hỏi này, vì có quá nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, thái độ và cách hành xử của công an, cảnh sát Serbia trong những tuần lễ cuối của chế độ độc tài Slobodan Milosevic có thể là những thí dụ cụ thể cho những ai cần biết. Vào những ngày sôi nổi tháng 9 năm 2000 đó, khi được lệnh dàn xe cảnh sát ngang các ngã đường chính để chặn từng đoàn biểu tình từ các tỉnh kéo về thủ đô Belgrade, các đoàn công an và cảnh sát đã tuân lệnh và làm đúng như vậy. Nhưng khi đoàn xe của dân chúng lũ lượt kéo đến, công an tại các nút chặn ôn tồn thương lượng với đại diện đoàn biểu tình và đồng ý khoanh tay đứng nhìn để dân chúng đẩy xe công an vào lề đường. Tại tòa nhà quốc hội cũng vậy. Khi được lệnh, cảnh sát Serbia nhanh chóng dàn hàng bao quanh tòa nhà này. Nhưng khi dân chúng kéo đến, họ tiếp tục đứng yên bất động. Dân chúng lập tức hiểu ý, đi xuyên qua hàng rào cảnh sát tiến vào quốc hội đòi Milosevic phải tôn trọng kết quả bầu cử. Thế là cảnh sát không đụng đến dân và dân không đụng đến cảnh sát.

Một cách tổng quát, cán bộ cấp thấp tại một số chế độ độc tài đã chọn cách hành xử rất khôn khéo, đó là tuân hành những mệnh lệnh có tính hình thức và hù dọa, nhưng không thực sự nhúng tay vào những vụ đàn áp quần chúng và tuyệt đối không đụng đến tính mạng người dân. Nếu cấp trên chỉ thị những hành động tàn bạo, hãy để họ tự làm lấy, đặc biệt là những kẻ hưởng lợi nhiều nhất hiện nay và có phương tiện lẩn tránh ngày mai đang ngồi ngất ngưởng ở thượng tầng.

Như dân chúng tại các chế độ độc tài vừa sụp đổ, người dân Việt Nam sẽ nhớ rất rõ những ai đàn áp họ nhưng cũng rất tinh tế nhận ra những ai cố tránh không áp bức họ theo lệnh trên. Nếu không có tài sản tích lũy và phương tiện để chạy ra nước ngoài như những kẻ cai trị ở thượng tầng, các cán bộ cấp thấp vẫn có thể chọn tương lai cho mình bằng các hành xử đúng đắn trong những ngày trước mặt.

Không có nhận xét nào: