05 tháng 8, 2006

Mẹ Việt Nam & Những Bà Mẹ Việt Nam (CT27)


T.H.

Trời quang. Mây tạnh. Sấm chớp dọa nạt nhẹ nhàng rồi cũng yên, cũng lặng. Chiếc vồng ngũ sắc nở căng phồng sau ngọn mưa Ngâu, che khuất đâu đó nhịp cầu Ô Thước tủi buồn. Ráng chiều thắm đậm. Màu trời óng ánh. Mùa Vu Lan mở hội.

Đã ngót hai ngàn năm xa cách. Mẹ Âu Cơ khoan thai vén mây truyền thuyết, đủng đỉnh bước về trần gian, tìm thăm đàn con vẫn có tiếng là văn hiến, khi nhân loại bừng bừng khí thế chực lao vào thiên niên kỷ mới.

Trăm con một mẹ chia hai
Đường lên chủ nghĩa có dài ngàn năm?
[1]

Đàn con của mẹ Âu Cơ tan hợp, hợp tan bao phen, nghe nói nay đã quy về một mối. Mẹ được báo cáo là nửa bọc con trên rừng đã xuống tận đồng bằng để thực hiện khẩu hiệu thống nhất và bình đẳng.

Nhưng, trước đó, phải ra sức giành độc lập.

*

Nghe cũng đúng. Phải giành độc lập. Mẹ Trưng từng khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Mẹ Triệu cũng từng cố giành quyền tự chủ đất nước. Thành công hay thất bại, không chỉ là cái tước hiệu Nữ Vương. Thành công hay thất bại, không chỉ là cái ngai vàng. Thành công hay thất bại, phần lớn được định bởi sức sống của cả nước sau đó....

Thời nào cũng vậy. Nay cũng vậy. Phải giành độc lập. Có kẻ hô to: Không có gì quý hơn độc lập.... Át cả lời tạ từ trong những cuộc chia ly màu đỏ. Át cả giọng mẹ tìm con trên đường đất nâu sơ tán.

Nhiều bà mẹ gánh gồng chạy giặc bị thất lạc đàn con, luống cuống mất hồn tìm kiếm cho đến lúc không thể lết được nữa. Đâu đó tiếng thất thanh lạc giọng của những đứa con, vang vọng từng giây:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?
[2]

Phải giành lấy mùa Xuân độc lập.

Bằng mọi cách. Kể cả cách rao bán những thứ chưa có trong tay. Những thứ đang cố giành. Cho chủ khác.

Bằng mọi giá. Kể cả xương trắng máu đào. Ngập sông. Đầy đồng. Rẻ mạt.

Mùa Xuân. Lòng Xuân. Gỗ có mắt nhưng thấy đâu? Nấm có tai nhưng nghe đâu?

Nắng chẳng hồng tươi, núi chẳng xanh
Mây chì ngừng đứng lặng bên thành.
Nhạc trời chim cũng thôi lên tiếng,
Có những lòng xuân khóc chiến chinh.
[3]

Đã có kẻ độc quyền lãnh đạo. Mẹ Việt Nam không trả giá được. Đã có kẻ xưng độc quyền quản lý. Những bà mẹ Việt Nam, tất nhiên, không được trả giá.

Mà cũng không thể. Bởi đó không chỉ là máu xương chính mình. Nó gồm cả máu xương con mình.

Độc lập được đánh đổi bằng mớ huy chương Thanh Đề như thế đấy.

Độc lập trở thành món quà chuyền tay từ thực dân sang bầu bạn quốc tế, cũng như thế đấy.

*

Một nửa bọc con của Mẹ, với huy chương Thanh Đề đỏ ngực, che kín cả những mảnh áo rách lòi xương, bắt đầu được truy lãnh giải thưởng Đảo Huyền.

Khởi đi từ những nhà thơ tình, người ta nghe những giai điệu mới. Về những vị trí mới. Về các tương quan mới. Về mớ định nghĩa mới.

Trong đó có cả chữ Trung, chữ Hiếu.

Hiếu là hạnh đứng sau trăm hạnh. Kính dâng các bậc sinh thành:

Anh em ơi! Quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lừng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi...
[4]

Hiếu là đức cội nguồn muôn đức. Kính dâng những bà mẹ Việt Nam:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
thờ Mao Chủ Tịch,
thờ Xít-ta-lin bất diệt.
[5]

Cải cách ruộng đất.

Cải tạo xã hội.

Cải biến lòng người.

Những đứa con thôi nhớ về những bà mẹ quê vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu [6]. Những đứa con thôi chờ nụ cười son, và đồng quà ngon. [6]

Đức Mục Kiền Liên gặp mẹ ngay trên đất Bắc, nhiều vô kể, tại những đình làng lập lòe ánh đuốc ma trơi chủ nghĩa. Những Thanh Đề trở thành “bọn tàn hung tử thù”, được chôn sống để nhìn lưỡi cày lướt ngọt qua cổ. Những Thanh Đề bị dán nhãn “địa chủ - đối lập”, được ném đá cho vỡ vụn. Những Thanh Đề thuộc diện “lừng chừng - phản động”, được đánh hèo cho bẹp dí.... Còn nhiều nữa. Đã nói là vô kể.

Những bà mẹ còn lại, ít huy chương hào nhoáng hơn, được ban phát cho sự cao cả kéo dài:

Không phải chết, sống mỏi mòn mới khiếp
Sống niêu cơm manh áo cũng đọa đày
Sống yên lành, song cũng khó yên thay
Sống lao tù, sống bệnh hoạn lắt lay
Sống đau nhức cả thần kinh bắp thịt
Năm tháng kéo ùn ùn lên bất tuyệt…
[7]

Ôi! Oan khiên nghiệp chướng nào phủ lấp tình mẫu tử?

Ôi! Đảo huyền. Đám con nào hành hình treo ngược mẹ, ngay trong mùa Kiết Hạ Vu Lan?

*

Có thời, một nửa thế giới xưng độc lập với một nửa còn lại. Một nửa Việt Nam cũng nương trào lưu, nướng dân đen, xưng độc lập, xong, đòi giải phóng nửa kia, gọi là để tất thành bức tranh thế giới đại đồng dở dang màu đỏ. Bằng đại bác đêm đêm vọng về thành phố [8]. Bằng những con mắt bình minh tắt trên giòng sông, những con mắt mùa Đông tắt trong hoàng hôn. [8]

Đao kiếm không có mắt. Người cầm mã tấu cũng y vậy. Tấm lòng, nếu có, cũng để nước cuốn trôi [8]. Đừng nói chuyện anh em một bọc, khi bạo lực đại bác đã động phòng hoa chúc với mắt nhắm mù lòa. Chiến trường “B” mở cửa. Những bà mẹ Việt Nam, cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy [6], và cho dù chưa kịp hoàn hồn hết sợ hình ảnh những ngôi đình làng bập bùng ánh đuốc, lại phải lật đật bẻ hột gạo làm đôi, tách hột muối làm ba, và rứt nguyên đùm trứng góp vốn cho chiến tranh. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. [6]

Nên chi,

Đất này chẳng có niềm vui
Ngày quệt mồ hôi, đêm chùi lệ ướt
Trại lính trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba...
Trẻ con đói xanh như tàu lá
Cày bừa phụ nữ đảm đang
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ…
[7]

Ôi! Oan khiên nghiệp chướng nào tròng vào cổ những đứa con bất hạnh cái nghĩa vụ bất kham đánh giặc đêm ngày?

Đánh giặc đêm ngày. Cố yên tâm đánh giặc đêm ngày. Mẹ chỉ có thể nuôi bằng khoai sắn. Nhưng, đã có Đảng lo toan tìm kiếm đồng minh vĩnh cửu: Mù lòa và dốt nát đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành đến cuối đường quá độ. Đã có Đảng lo toan cho sứ mạng rạch ròi định danh kẻ thù: Tất cả sẽ trở thành kẻ thù, kể cả những người đồng sàng dị mộng trong đảng. Yên chí! Tất cả đều là kẻ thù. Ngoại trừ cặp bài trùng đồng minh vĩnh cửu nói trên.

*

Kết quả là nước nhà thống nhất.

Có kẻ dèm pha rằng chỉ trên mặt lãnh thổ. Mặc. Nó sẽ được cải tạo chung thân. Số phận của mọi suy nghĩ lô-gích đều như thế cả. Hiểu chứ?

Kết quả là Nam-Bắc bình đẳng.

Có người xấu miệng sửa sai thành bình sản. Mặc. Nó sẽ là nạn nhân tư sản đầu tiên được chế độ chiếu cố. Mọi người đều ngang bằng quyền lợi ở mức vô sản. Trừ đảng. Hiểu chứ?

Kết quả nhân đôi vẫn là đất miền Nam được giải phóng, cùng lúc với người miền Bắc. Một lối hòa hợp không hòa giải. Bởi thiếu hóa giải. Mặc. Đàn anh hài lòng là tốt thôi. Dân tộc chỉ là chiêu bài. Quốc tế vô sản mới là cứu cánh. Hiểu chứ?

Hiểu! Nên chi, đón người vào Nam đã có nhiều con tàu há mồm kêu giúp: Mẹ muốn sống. Mẹ muốn con sống. Chúng Tôi Muốn Sống!

Hiểu! Nên chi, nhiều bà mẹ trong Nam từng vắt cơm cho con trai bên này và con rể bên kia. Nuôi bây đánh giặc đêm ngày? Cuối đường mới bật câu tự hỏi sao thời trước lại đổ cháo nguội xuống hầm cho nó?

Hiểu! Nên chi, nhiều bà mẹ từng xào mắm ruốc thăm con học quân trường, ít lâu sau lại mang ruốc khô thăm nuôi con trong tù cải tạo. Khuyên nó đừng lo, thằng em đã thoát nghĩa vụ quân sự. Rồi tất tả ra về.

Còn chạy thăm dâu, nuôi cháu đang bị tù vượt biên.

Hiểu! Nên chi, sơ yếu lý lịch của mẹ chỉ vỏn vẹn bốn chữ: Suốt Đời Chạy Giặc.

nơi nhà anh gửi em bà mẹ
tuổi già cũng nhận lắm gian truân
xưa kia chạy giặc quanh miền bắc
vào trung ở sát chỗ hung tàn
68-72-75 dành sạch cả
dắt díu vào Nam địu với quang
bốn năm chòi lá kinh tế mới
Tây Nam khói lửa khắp bừng bừng
mẹ sống suốt đời đi chạy giặc...
chả mấy hồng nhan cũng đoạn trường
[9]

Hiểu! Nên chi, tương lai nhiều bà mẹ trẻ, mẹ già, là ở một nơi khác, chưa rõ:

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về…
[10]

Hiểu! Hiểu rất rõ: Độc lập, thống nhất không hề đồng nghĩa với chấm dứt chiến tranh. Lý do có gì khó? Tiến trình bình sản còn giới hạn trong nước, dù nguyên cả nước. Biên cương tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn hẹp, tính nguyên cả khối. Chiến tranh đã lan theo đường mòn Bắc-Nam vào tận Sài Gòn. Chiến tranh vẫn có thể bào thêm đường mòn Đông-Tây lấn qua Nam Vang, vì e dân tộc láng giềng tuyệt chủng!

Có kể gì nỗi lo chính xương mẹ trắng, máu cha hồng, chất dọc, chảy quanh trụ đồng phương Bắc lần nữa?

Chiến tranh như mưa ngập đồng
Mẹ bao phen tiễn biệt chồng, lìa con
Thời gian núi lở sông mòn
Mẹ Cha xanh cỏ, con còn viễn chinh..
[11]

Kẻ thù phương Bắc, với cái dân số trên một tỷ người, nghe chừng không suy suyển mấy thời hậu chiến. Dân tộc bạn Khờ-me chỉ đỏ màu da chứ không tuyệt chủng.

Chỉ có dân tộc ta, nhờ đó, được xếp hạng kế cận đầu bảng, trên danh sách mấy quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới.

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, Cục Thống Kê Trung Ương đỡ mất những ngày nhìn mây trôi qua khung cửa. Đừng đề cập đến số tử thương. Hãy quên số đào ngũ B-quay. Nhưng cần ghi lại số thương binh cụt chân vì mìn cá nhân và chống chiến xa. Diện này rất đông và có trợ cấp. Không nhiều, nhưng cán bộ địa phương sẽ có thêm cơ hội xà xẻo cải thiện kinh tế gia đình. Còn phần họ ư? Câu trả lời Nga ngữ là Makeno. Dịch sang tiếng Việt là mặc-kệ-nó.

Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan…
[10]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, Cục Nhà Đất thi đua học bổ túc văn hóa, làm các con tính cộng trừ nhân chia cho thật lẹ. Bình quân mỗi đầu người cần một chỗ nằm nửa thước ngang, hai thước dài.

Trên hay dưới mặt đất, như nhau. Mẹ hay con, như nhau. Phần hương hỏa kể bỏ.

những đêm không còn tiếng hát trên đá đen
đất nước nằm co, con người không chỗ ở
gió chảy ngoài trời trầy sướt đỏ…
[12]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, có đám trẻ mồ côi bắt đầu cuộc đời bằng số không, và ra sức khư khư ôm giữ hoài hiện tại. Bởi có đâu tương lai khi thiếu mẹ? Và có đâu tương lai khi chính sách xóa đói giảm nghèo đòi xóa cả số không?

Suốt bờ lề hôn ám
Mẹ già mở mắt buồn trông
Những em bé thoát thai từ mạng nhện
Lớn lên bằng gai góc
Bằng lau sậy mọc chồn bãi rác
Trận đồ tương lai cuồng nộ phát sinh
Bẫy lừa và nọc độc…
[13]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, những bà mẹ làm công nhân sẽ tự động được tiệt sản mà không cần nêu ý kiến lúc lâm bồn. Đó là công việc chính của các bác sĩ, còn phụ sản và sức khỏe đứa bé chỉ là chuyện vặt.

Cũng nhờ đó, những bà mẹ khác được khuyến khích không nhất thiết phải giữ con trong bụng. Phá thai miễn phí là chính sách được ưu tiên nâng cấp để lên hàng đầu thế giới.

Chiếc kéo Đảng dùng cắt tem phân phối
Gạo ngô từng lạng từng cân
Đã cắt nhỏ tình thân cốt nhục
Manh áo, niêu cơm, cuộc đời rữa mục
Vợ chẳng cậy chồng, con chẳng cậy cha
Mẹ hiền đành ôm bụng tống thai ra…
[7]

*

Vu Lan Bồn. Lễ giải đảo huyền, gỡ bỏ hình phạt treo ngược. Lễ xá tội vong nhân. Mùa báo hiếu. Hồi hướng công đức về Mẹ.

Mẹ Việt Nam và những bà mẹ Việt Nam.

Bao nhiêu bông hồng là đủ?

Mẹ trong lòng dân tộc? Dân tộc trong lòng mẹ? Chỗ đứng nào cho hai thiểu số cấu xé giành giật “lẽ phải” nhất định thuộc về một siêu cường nào khác, mà quên hẳn Mẹ? Chỗ đứng nào cho các loại nghĩa vụ quốc tế từng đập chết ngất truyền thống hiếu hòa dung nạp của dân tộc?

Chẳng ai trả lời. Nhưng sao cùng cảm một nỗi đau như nhau, cho Mẹ?

Các loại nghĩa vụ quốc tế, rồi cũng theo độ dầy mỏng của đồng rúp và đồng đô-la mà thay đổi hình dạng. Tốt nhất là đừng đề cập tới vào những lúc không cần thiết, như khi truyền thống hiếu hòa dân tộc chưa hồi tỉnh.

Tuy nhiên, lẽ phải, sau đợt thống kê toàn bộ thương vong ở cuối các cuộc chiến liên tục nửa thế kỷ qua, dù không báo trước đặc tính tạm thời giai đoạn, đã đứng về phía không chỉ quên mất Mẹ, mà còn đủ sức tàn ác để treo ngược Mẹ bằng sợi chỉ đỏ mệnh danh tất yếu lịch sử.

Dù yên ắng trên mặt, dường như bên dưới cái lịch sử phẳng lì đó vẫn nghe chừng có điều u uất?

Cả một nền văn học hoàn toàn được định hướng vững chắc, được nuôi dưỡng hùng hậu cho chiến tranh và ngược lại, những tưởng thời thống nhất sẽ sản sinh ra các đại tác phẩm tầm cỡ. Cho xứng đáng với “chân lý” đoạt về tay những quan thầy hào phóng. Cho xứng đáng với dãy Trường Sơn hai mặt Đông Tây cùng đen trụi một màu than. Cho xứng đáng với bao tầng đất đá cùng đỏ quạch một màu máu anh em chung bọc của cả hai miền Nam-Bắc. Thấm sâu vào lõi địa cầu đến chạm các túi dầu dưới thềm lục địa....

Cả một nền văn học vững chắc và hùng hậu đó, gần hai thập niên sau, vẫn lắc đầu bất lực. Hình như cái khung định hướng không cho phép các nhà văn nhà thơ viết về cả những điều bất toại cỏn con. Mà không nói bật được nỗi bất hạnh và bất bình của Mẹ, làm sao có được tác phẩm lớn để đời?

Sau cùng, có phải núi xương sông máu kia oan uổng, ở tầm vóc lớn là trên thực tế lịch sử giành độc lập, và ở phạm vi nhỏ hơn là không trở thành chất liệu cho các đại tác phẩm? Rủi thay, mà cũng may thay!

Mẹ ơi, xin đừng chờ!

Bởi có kẻ vẫn tiếp tục gào to: Không có gì quý hơn những huy chương.

Ơi. Những bông hồng. Đám con mù lòa ngỗ nghịch chưa kịp cài lên áo để mừng còn đó Mẹ Việt Nam, gai đã đâm thấu tim, xuyên phổi Mẹ. Chừng như bị cuốn vào một thứ trò chơi tuổi dại trường kỳ, chúng rộ cười ha hả, hỏi đố: Ai Thắng Ai? Có rõ đâu từ đó, cả bọn nhìn nhau, cùng biết là đời mình không lớn khôn thêm.

Suốt đời không thể lớn khôn thêm.

Đóa hồng rã cánh trước khi tàn. Mẹ Âu Cơ xoay lưng, vai run từng nhịp, bước chậm chân quay trở vào truyền thuyết.

Một mình.

Chú Thích:

(1) Mịch La Phong; (2) Quang Dũng; (3) Đông Hồ; (4) Xuân Diệu; (5) Tố Hữu; (6) Phạm Duy; (7) Nguyễn Chí Thiện; (8) Trịnh Công Sơn; (9) Chu Vương Miện; (10) Nguyễn Duy; (11) N.D.T.; (12)
Thường Quán; (13) Hoàng Xuân Sơn.

Không có nhận xét nào: