Năm 1969, nhà phản kháng Andrei Amalrik của Nga đã viết “Liên Bang Xô Viết Có Thể Sống Còn Đến Năm 1984?” và tiên đoán sự sụp đổ toàn diện của Liên Xô dựa trên lý luận: Bất kỳ tập đoàn lãnh đạo nào phải dồn hết tiềm năng vào việc kiểm soát đời sống tinh thần và vật chất của người dân, tập đoàn đó sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn. Ông đưa ra hình ảnh người công an lúc nào cũng phải nâng súng chỉa vào nhân dân; theo thời gian, khẩu súng trở nên nặng trĩu đến độ không cầm nổi nữa; đuối sức, anh ta hạ súng và nhân dân trong gọng kềm áp bức sẽ phá ngục. Điều tiên đoán của ông bị thế giới Tây phương coi là viễn mộng. Tuy nhiên, ý tưởng của ông đã tạo sự lo lắng cho chính quyền Xô Viết vì họ biết rằng chỉ cần một tia tự do nhỏ cũng đủ để làm bùng phát cơn bão lửa đốt cháy toàn bộ hệ thống độc tài của chế độ. Những người có khả năng bật lên tia lửa tự do này chính là những nhân vật phản kháng mà nhà cầm quyền đã nỗ lực đàn áp. Tiên đoán của ông Andrei Amalrik đã xảy ra trong sự kinh ngạc của thế giới dù muộn mất 6 năm.
Điều gì đã khiến cho ông Andrei Amalrik tiên đoán thành công? Cái ông có mà Tây phương không có là cảm nhận của ông về sức mạnh khủng khiếp của Tự Do. Những nhà phản kháng hiểu rõ được sức mạnh này có thể chuyển hóa toàn bộ đời sống con người, giải phóng một xã hội mà trong đó sự thật hay giả trá hoàn toàn bị kiểm soát bởi chế độ độc tài, giải phóng ngay cả một người đang ở trong ngục tù. Ý thức về sức mạnh của tự do này chính là mẫu số chung của những nhà phản kháng. Dù khác biệt với nhau về sách lược đấu tranh, họ đã cùng đồng ý với nhau rằng: Một xã hội tự do cho phép mọi người nói lên quan điểm của mình mà không phải lo sợ bị phỉ báng, tấn công, đàn áp, bắt giam hay tù đày. Điều này được áp dụng giữa chính họ - những người phản kháng với nhau. Dù không cùng quan điểm nhưng họ đều thấy rằng thành công chỉ đến khi tình trạng phản kháng từ nhiều cá nhân, nhiều khuynh hướng tiếp tục tồn tại và phát triển. Khi nhận thức rằng sức mạnh của bạo quyền không chỉ nằm ở quân đội và công an mà ở khả năng kiểm soát những điều được nói, được nghe, được viết, được đọc, và trên hết là được suy nghĩ. Các nhà phản kháng đã thực hiện, áp dụng những điều này cho chính họ mà không lo lắng những áp suất không riêng gì đền từ bạo quyền, mà từ chính những người cùng chí hướng.
Hơn 16 năm trôi qua sau ngày hệ thống cộng sản bị sụp đổ. Việt Nam là một trong 4 nước hiếm hoi còn bị lôi theo con đường chủ nghĩa lỗi thời. Tuy nhiên, 16 năm qua cũng đã xảy ra nhiều đổi thay tích cực. Tích cực nhất là sự trưởng thành và phát triển của các phong trào dân chủ VN. Khái niệm dân chủ đã trở thành mục tiêu tranh đấu của nhiều người. Nhưng dân chủ không thể nào có được nếu con người không thực sự có tự do. Một xã hội dân chủ mang theo nó nhiều điều kiện căn bản: Luật pháp, hiến pháp, độc lập tư pháp, đa đảng, tự do tôn giáo, tự do báo chí... Nhưng quan trọng hơn hết là quyền tự do của quần chúng trong việc chọn lựa thành phần lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, bầu cử chưa phải là thước đo chính xác của dân chủ. Nó chỉ là một phương tiện tích cực hoặc tiêu cực tùy vào hoàn cảnh và phương thức áp dụng. Không ai phủ nhận những điều hay lẽ phải được định rõ trong hiến pháp nước ta. Nhưng thực tế cho thấy đó chỉ là những văn bản vô ý nghĩa. Tương tự, bầu cử, tham gia nghị trường, trưng cầu dân ý cũng sẽ vô ý nghĩa nếu nó vẫn nằm trong vòng dàn dựng, kiểm soát hoặc khống chế của bạo quyền. Đôi khi, nó không những chỉ vô ý nghĩa mà còn đóng vai trò chứng minh và xác định chính nghĩa giả hình của tập đoàn thiểu số lãnh đạo dựa vào kết quả của những tiến trình dân chủ không thật này. Dân chủ chỉ có thật khi nhân dân thực sự tự do tham gia vào tiến trình tuyển chọn, tự do lên tiếng, tự do phản đối và thay đổi được những bất công của tiến trình chọn lựa trong một môi trường mà ai cũng có thể bày tỏ ý kiến của mình và không sợ bị đàn áp, khủng bố. Có như thế thì mọi cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý, tham gia nghị trường mới thực sự có ý nghĩa và dẫn đến nền dân chủ thực sự.
Ngày hôm nay, những nhà đấu tranh cho dân chủ nước ta đang đứng trước một vận hội mới và thử thách mới. Vận hội của những ngọn lửa dân chủ đã bước vào giai đoạn không thể bị dập tắt, những ngọn thác đòi hỏi tự do không thể xoay ngược dòng. Thử thách ở những khác biệt về tầm nhìn tương lai trong sách lược đấu tranh và thử thách ở nỗ lực phân rẽ, khủng bố từ bạo quyền. Thử thách sẽ được vượt qua, vận hội sẽ được nắm bắt, nếu và chỉ nếu: Tinh thần phản kháng, những con người phản kháng phải tồn tại và cùng phát triển. Chính họ phải là biểu tượng của khát vọng tự do để trở thành chất xúc tác cho mọi phong trào quần chúng nương theo, bùng nổ và dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của hệ thống độc tài.
Ban biên tập Canh Tân
05 tháng 6, 2006
Đình Công và Dự Thảo Luật Lao Động (CT25)
Hương Cốm
Từ khi có luật Lao động năm 1995, đến giữa tháng 4 năm 2006 này đã có 1,250 cuộc đình công. Theo luật thì các cuộc đình công đều không xảy ra đúng trình tự, thủ tục quy định. Bộ luật lao động hiện hành quy định người lao động ít nhất phải “đi qua 4 bước, trong 20 ngày và tuân thủ 7 điều kiện”. Đó là những điều kiện rất phi lý mà người lao động không thể có.
Ngày xưa khi đảng cộng sản mới ra đời, lấy việc đình công làm vũ khí, xúi giục công nhân đình công, đập phá máy móc và đưa ra các yêu sách chính trị kinh hãi. Nay có được chính quyền, họ đưa ra những điều kiện và luật lệ phức tạp ràng buộc, đẩy người lao động đến chỗ không có lối thoát và luẩn quẩn không thể thực hiện quyền của mình. Người lao động bị Đảng dùng quyền lực của mình để xây những bức tường vây lại, ngăn chặn thông tin và cả ánh nắng mặt trời.
Nhưng tức nước thì vỡ bờ
Trong khi kinh tế Việt Nam đang phát triển và chi phí đang tăng lên, mức lương tối thiểu của người Lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài bị giảm từ 50 USD (1995) xuống còn 30 USD (2006). Người lao động ngày càng bị vắt kiệt và đảng cộng sản đứng ra bảo kê việc đó thông qua tổ chức công đoàn trực tiếp nằm dưới sự lãnh đạo của đảng. Công đoàn là quốc doanh và ăn lương của chủ lao động. Bởi vậy công đoàn hiện nay là người vệ sỹ, tên gác cổng cho tập đoàn tư bản đỏ.
Kinh tế cần những cái bắt tay và những cuộc mặc cả
Đảng nói “chúng tôi hy sinh quyền lợi con dân mình, chúng tôi sẽ không cho đình công và để mặc cho các ông vắt kiệt sức họ, hút đi sinh khí của họ, đánh thức họ lúc 6h sáng và đừng trả họ về với những xa lộ đầy bụi vào lúc 9h đêm với những ánh mắt vô hồn, bạc nhược. Đổi lại, các ông đầu tư vào đây, ông có đất đai, có nguồn lao động rẻ, có cơ chế, ông lãnh phần chung chi với chúng tôi, ông kêu gọi những thằng khác vào nữa để chúng ta cùng chia nhau ăn, và để chúng tôi mở mày mở mặt với thế giới. Để đảng chúng tôi có thể tự hào”.
Người lao động cũng vậy. Họ cần sự thương lượng và thỏa hiệp.
Thế nhưng, họ luôn luôn là người yếu thế và vũ khí cuối cùng của họ chỉ còn là sức lao động. Mặc dù cho chồng con còn đói, bố mẹ già còn ốm đau bệnh tật và bao nhiêu nhu cầu khác, họ vẫn quyết định đình công. Trong thời khắc quan trọng của cuộc đình công, họ không hề có người đại diện. Họ chỉ biết đứng co cụm lại với nhau, xiết chặt tay, truyền cho nhau lòng tự tin vừa mới run rẩy nảy mầm.
Dự luật sửa đổi có gì mới và ngưòi lao động có thể đòi được những gì ?
Thứ nhất: Dự luật vẫn cấm đình công từ các tranh chấp tập thể về quyền, mà chỉ muốn đưa những quyền đình công trong những tranh chấp về lợi ích. Điều đó có nghĩa là một lần nữa nhà nước muốn phân chia rõ quyền về chính trị của công nhân lao động và lợi ích của họ. Công nhân lao động chỉ được đòi những tranh chấp liên quan đến lợi ích chứ không phải liên quan đến quyền dân sự và chính trị. Dự thảo luật cấm đình công từ các tranh chấp tập thể về quyền nhưng trên 90% các cuộc đình công vừa rồi đều xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền. Nếu quy định như thế thì nó lại là một đòn trừng phạt trở lại người lao động đang bị thiệt thòi nhiều nhất.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Hồng Khanh cho rằng chỉ cho đình công khi tranh chấp lao động về lợi ích là ''không hợp lý, không thực tế và có một cái gì đó rất gò ép và hạn chế quyền đình công của người lao động''. Người lao động không cô đơn. Những đại biểu quốc hội có lương tri, những đảng phái trong nước và ở nước ngoài vẫn đứng cạnh các bạn.
Thứ hai: đảng cố tình đánh giá sai vai trò của người lao động hiện nay. Hiện nay đảng cộng sản không còn là đại diện của giai cấp công nhân lao động nữa, họ cũng từ lâu không phải là đại diện của Dân tộc Việt Nam. Họ chỉ là một đám lưu manh, tham nhũng và hoạt động theo kiểu Mafia. Thế mà đảng vẫn tự mình bảo “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là đại diện trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân”. Đó là một lời nói dối trơ trẽn và đáng bị vạch mặt chỉ tay.
Những nô lệ xưa kia được coi là vật sở hữu. Bởi vậy người chủ của nô lệ thường vỗ béo và chăm sóc họ phòng khi nếu có bán đi thì cũng được giá. Ngày nay, đảng cộng sản Việt Nam, thông qua các chính sách của mình, dung túng cho những người chủ coi công nhân lao động như công cụ. Công nhân lao động bị tăng ca, làm vào những ngày lễ, chỗ làm việc chật hẹp, thiếu không khí, thiếu ánh sáng, thức ăn thiếu dinh dưỡng… Người lao động bị vắt chanh bỏ vỏ, bị gạt ra ngoài lề, bị cô lập trong đói nghèo và bất bình đẳng. Họ bị vắt kiệt sức mình và để cuối cùng, bị đảng tước luôn vũ khí tự vệ duy nhất của công nhân. Đó là quyền đình công.
Trong dự thảo, đảng còn giành cho mình quyền lãnh đạo đình công thông qua công đoàn. Quy định này cũng bị các đại biểu quốc hội phản đối. Thực tế người lao động có quyền cử ra các đại diện của mình để đối thoại, đàm phán và mặc cả với giới chủ mà không cần vai trò của công đoàn, vì công đoàn chưa bao giờ đứng ra tổ chức và lãnh đạo được một cuộc đình công nào cả. Họ là cái bắt tay giữa đảng và giới chủ.
Thứ ba: Đình công là vấn đề trực tiếp của chính người công nhân lao động với chính phủ và sau đó là với đảng. Các cuộc đình công của công nhân lao đông đã làm rung chuyển Hà Nội và sẽ còn nhiều cuộc đình công khác nữa sẽ làm nổ tung chế độ nửa người nửa ngợm này. Ngày xưa khi đảng cộng sản lãnh đạo các công nhân cảng Ba son, mỏ than Hồng Gai, đóng tàu Bến Thủy… đã gây được những áp lực lên chính quyền thực dân Pháp. Ngày nay việc làm của CNLĐ cũng đang làm lung lay chế độ Hà Nội. Đó là một cuộc đấu tranh hoàn toàn chính đáng và lẽ phải thuộc về người lao động. Chính người lao động làm nên của cải vật chất cho xã hội và sẽ là lực lượng canh tân đất nước.
Thứ tư: Chính phủ đã quy định một mức lương tối thiểu thấp để làm khổ người lao động và ve vãn bọn tư bản nước ngoài, nhưng thực ra lương thấp chắc gì đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vì những quốc gia phát triển lương công nhân rất cao vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt.
Vấn đề quan trọng hơn là luật pháp, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, con người... Tham nhũng là yếu tố lớn nhất làm mất đầu tư hiện nay. Nhà đầu tư đã bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc để chung chi, lót tay cho các quan chức của đảng nên sau đó các ông chủ này đã quay lại bóc lột công nhân. Thực ra chính là đảng đang bóc lột người lao động một cách gián tiếp.
Người lao động đang đứng bên nhau, và đang trở thành một nhóm xã hội vững chắc. Chúng tôi là thiểu số đại biểu quốc hội có lương tri, là những người yêu tự do dân chủ hoạt động cho các đảng phái khác nhau từ khắp nơi ở trong cũng như ngoài nước, sẽ sát cánh cùng các bạn cất lên tiếng nói đập tan áp bức, đem phú cường cho người Việt Nam.
Đến cuối năm 2006 Quốc hội lại xem xét một lần nữa dự luật, bởi vậy từ nay đến cuối năm, người lao động phải tổ chức thật nhiều cuộc đình công để đòi quyền lợi của mình và giành lợi thế tại nghị trường. Chúng ta hãy cùng nhau đấu tranh để bảo vệ không chỉ cho mình mà cho tầng lớp người lao động Việt Nam. Ta có thể đình công để đòi hỏi những điều kiện sau:
- Đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc như về giờ làm, phương tiện, chỗ ngồi, ánh sáng, dinh dưỡng bữa ăn, phụ cấp lao động; đòi nâng mức lương tối thiểu cao hơn nữa vì giá cả leo thang quá nhiều.
- Đình công đòi mua bảo hiểm đầy đủ và đúng luật, được khám y tế định kỳ.
- Đình công đòi những tranh chấp tập thể về quyền như thành lập công đoàn của mình, họp nhóm, hội hè, trao đổi thông tin, chứ không chỉ tranh chấp về lợi ích.
- Đình công đòi quyền đình công cả ngoài phạm vi doanh nghiệp để khi doanh nghiệp đóng cổng thì cuộc đình công vẫn hợp pháp và có thể tràn ra đường;
- Đòi có quyền tham gia vào bộ phận giám sát thực hiện luật lao động, đòi được quyền thành lập hội, tổ nhóm người lao động tự nguyện.
- Đòi được thương lượng trực tiếp giữa đại diện của người lao động với giới chủ; chứ không phải là công đoàn, chính quyền và giới chủ.
- Đòi được xây dựng nhà ở tạm, nhà lưu trú cho công nhân và tiến hành các biện pháp đăng ký; đòi được bảo vệ khỏi sự côn đồ của công an đi vòi tiền tạm trú.
- Đòi hỏi phải được thông tin, có báo chí độc lập, là tiếng nói của người lao động chứ không phải của tổ chức chính quyền và tổng liên đoàn;
- Đình công để chống tham nhũng, chống độc tài, đồng thời bày tỏ sự cổ vũ cho những đại biểu quốc hội vì quyền lợi của người lao động đã lên tiếng.
Đảng Ta Tiến Lên Chủ Nghĩa Tư Bản (CT25)
Trần Nghĩa
Một trong những điều mới lạ nhưng trái khoáy trong Đại Hội X của đảng ta là đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi trong ngày thứ 7 của Đại Hội. Báo cáo chính trị Đại Hội X ghi rõ: “Đảng ta chủ trương: đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Cũng theo bản báo cáo chính trị này thì nền kinh tế nước ta hiện nay có 5 thành phần: “kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản Nhà Nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Riêng về kinh tế tư nhân, đảng ta còn ghi chú là có những quy mô từ nhỏ đến lớn như sau: “cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân”. Theo lời của phó thủ tướng Vũ Khoan trong một cuộc phỏng vấn của báo chí bên lề Đại Hội X thì “đảng viên được làm kinh tế không giới hạn quy mô”. Vấn đề được đặt ra là chủ trương mới này trái ngược với những điều cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin. Tuy có một số đại biểu trong Đại Hội đã yêu cầu phải đưa ra những lý luận để biện minh cho chính sách này vì các cơ sở đã lúng túng trong việc giải thích, chủ yếu là: “Đa số ý kiến tại đại hội nhất trí cao với việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân”.
Đảng ta luôn khẳng định và tái khẳng định trong Đại Hội X là tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin. Nhưng sự việc đưa ra chủ trương đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô đã thêm một lần nữa chứng tỏ sự phản nghịch với kinh điển Mác Lênin. Cách đây 20 năm, đảng ta vì muốn sống còn nên đã một lần phản thầy, phản chủ thuyết, đưa ra chính sách “đổi mới”, từ bỏ nền kinh tế XHCN để chạy theo kinh tế thị trường, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Thực tế thì, trong đảng ta, không còn ai ôm ấp lý tưởng Mác Lênin và đã luôn luôn đi ngược lại chủ nghĩa đã từng được tôn thờ.
Đã có một thời, các lãnh đạo chí tôn của đảng ta chủ trương xóa bỏ giai cấp tư sản và những giai cấp “phản động” đối với tiến trình cộng sản hóa. Hàng chục ngàn nông dân Việt Nam đã bị quy kết là địa chủ, bị đấu tố, bị giết hại trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc chỉ vì có vài mẫu ruộng. Bao nhiêu nhà tư sản, dù trong quá khứ đã ủng hộ cán bộ đảng, đã từng được đảng ban danh hiệu “có công với cách mạng” đã bị xử tử, đã bị đầy ải trong các trại cải tạo, các nhà tù ác ôn của họ. Lý luận của đảng là phải cải tạo xã hội để tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải dấy lên lòng căm thù đối với chủ nghĩa tư bản và tất cả những gì có liên quan đến chủ nghĩa tư bản, trong đó có kinh tế tư nhân, phải dẹp bỏ quyền tư hữu, cấm làm ăn buôn bán dù là cá thể... Lúc đó, đảng ta tuyên bố kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin. Mà thật, chủ nghĩa Mác Lênin chủ trương như thế.
Ngày hôm nay, khi đảng ta đi ngược lại chủ thuyết Mác Lênin và cần phải đưa những lý luận giải thích thì đại hội X của đảng đã đưa ra lời khẳng định rằng : “Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chúng ta không xem kinh tế tư nhân là gắn với chủ nghĩa tư bản”. Để biện minh cho chủ trương “đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô”, lãnh đạo cũng quanh co đưa ra luận cứ: “Chúng ta nhận thức rằng, trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, đất nước ta còn nghèo, phải tập trung phát triển nguồn lực sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Muốn thế, phải huy động mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng và phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc, của mọi thành phần kinh tế, thực hiện khẩu hiệu, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”.
Thực tế tại Việt Nam thì từ lâu nay, nền kinh tế tư nhân, nếu không phải cán bộ, đảng viên đảng CSVN, thì cũng là vợ con, giòng họ của các quan chức nắm cả trong tay. Đây là một cái máy giặt khổng lồ để rửa tiền tham nhũng, cướp đoạt đất đai, tài sản của dân do đảng ta tiến hành bất chấp dư luận và lòng oán hận của nhân dân. Cũng vì lợi ích thiết thực về tiền bạc cũng như về pháp lý mà đã có sự “nhất trí cao” trong đại hội. Quả là một chính sách khuyến khích tham nhũng nhằm tích lũy của cải để đầu tư làm kinh tế tư nhân xí xóa tội lỗi.
Người ta còn nhớ, cách đây khoảng 40 năm, đã có nhiều đảng viên bị thủ tiêu, tù đầy vì chủ nghĩa xét lại. Ngày hôm nay, toàn đảng CSVN, không phải là xét lại mà còn đi ngược chủ thuyết. Đảng ta đã tráo trở biện minh rằng: “phát triển kinh tế đến đâu thì thay đổi chính trị đến đó cho phù hợp để giữ vai trò lãnh đạo của đảng”. Đảng ta ơi, nếu đã không còn đi theo chủ nghĩa Mác Lênin nữa thì vứt quách nó đi cho rồi. Đừng mượn nó làm cái bình phong để áp dụng chế độ độc tài đảng trị trên đất nước Việt Nam nữa.
Giúp Dân Hay Giúp Chế Độ Độc Tài? (CT25)
Trích Michael Schuman (Time)
Khi làm ăn với với Miến Điện, các nước Châu Á đã góp phần giúp cho chế độ quân phiệt duy trì quyền lực, trong khi người dân Miến Điện vẫn mắc kẹt trong cảnh nghèo nàn, bị đàn áp và quản lý kinh tế hỗn loạn.
Thaung Htun đã không về lại quê hương suốt 17 năm qua, nhưng vị bác sĩ 49 tuổi này vẫn không từ bỏ hy vọng một ngày nào đó chế độ dân chủ sẽ đến với Miến Điện và ông sẽ được an toàn về nhà. Vào năm 1988, ông tham gia một cuộc nổi dậy của sinh viên chống chế độ quân phiệt Miến Điện và sau đó phải trốn đến Thái Lan khi phong trào này bị các viên tướng cầm quyền đàn áp. Hai năm sau, các viên tướng thanh trừng đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sau khi đảng này giành được chiến thắng huy hoàng trong cuộc bầu cử năm 1990. Thaung Htun cùng các đảng viên dân chủ khác lại phải đào tẩu trong một cuộc truy lùng của chính phủ. Ngày nay, ông vẫn tiếp tục vận động cho đường lối đấu tranh của mình và đã nhận được thiện cảm của rất nhiều người. Giám mục Nam Phi Desmond Tutu và cựu Tổng thống Cộng hòa Czech - Vaclav Havel, đã đưa ra một lời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thúc đẩy các viên tướng cầm quyền ở Miến Điện phải cải cách chính trị, cảnh báo rằng Miến Điện đang “đe dọa hòa bình và sự ổn định khu vực”. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gọi Miến Điện là “tiền đồn chuyên chế”, và Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng biện pháp trừng phạt cấm vận. Bà Suu Kyi khẳng định rằng mọi ngoại tệ đều góp phần hợp pháp hóa và làm giàu cho giới tướng lĩnh. Sau tất cả những năm lưu đày, Thaung Htun vẫn không bỏ cuộc. “Tôi tin rằng một ngày nào đó trong đời, tôi có thể về lại quê hương”, ông nói, “Lịch sử đứng về phía chúng ta”.
Trong khi Thaung Htun tuyệt vọng cố gắng ngăn cản dòng tiền từ nước ngoài đổ về Miến Điện thì Gong, thị trưởng của thành phố Trung Quốc Ruili gần biên giới Miến Điện, lại tìm cách đổ tiền từ đại lục vào đây. Chính phủ Trung Quốc đã biến vùng biên giới gần Ruili thành một khu vực kinh tế đặc biệt. Hơn 400 triệu đô la được đổ vào Khu vực Kinh tế Thương mại Biên giới Jiegao mỗi năm. Thị trưởng Gong hy vọng việc buôn bán qua Jiegao sẽ tăng gấp ba lên đến 1,2 tỷ đôla vào năm 2008. Ông đã mở rộng cây cầu bắt ngang sông Ruili để giải quyết vấn đề vận chuyển và hiện đang xây dựng một cổng tháp trịnh trọng tại biên giới để tượng trưng cho mối quan hệ nở rộ của Trung Quốc với Miến Điện. Ông Gong nói đùa: “Hai nước có quan hệ rất chặt chẽ với nhau, những con gà Miến Điện đẻ trứng ngay trên đất Trung Quốc”.
Quan hệ mậu dịch chính thức giữa hai nước đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm, lên đến 1,1 tỷ đôla vào năm 2004 và Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp chính về đầu tư và viện trợ nước ngoài cho Miến Điện. Nhưng Trung Quốc không phải là nước Châu Á duy nhất hỗ trợ cho chính phủ Junta, bất chấp họ khét tiếng về chính sách đàn áp thô bạo. Nhiều nước láng giềng khác của Miến Điện cũng vui vẻ kinh doanh với nước này do bị thu hút bởi những tài nguyên thiên nhiên phong phú của họ. Hàng nhập cảng vào Thái Lan từ Miến Điện tăng vọt 50% trong 10 tháng đầu năm 2005 lên đến gần 1,5 tỷ đôla, và Ấn Độ cũng đang tìm cách đầu tư nhiều nguồn quan trọng vào đây, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Kết quả là két tiền của chính phủ Junta được chất đầy hơn bao giờ hết. Vào năm 1988, Miến Điện tuyên bố dự trữ ngoại tệ mạnh chỉ có 89 triệu đô la, nhưng vào năm 2004, họ có đến 685 triệu đô la, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tất cả các khoản viện trợ, thương mại và đầu tư này đã cho phép chính phủ quân phiệt Miến Điện gạt bỏ 15 năm sức ép từ cộng đồng quốc tế nhằm mang lại cải cách dân chủ. Với các viên tướng, “mối quan tâm chính là bảo đảm sự tồn tại của mình, và họ có đủ tiền để làm điều đó”, theo Robert Templer, giám đốc chương trình Châu Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại New York.
Thực vậy, chế độ quân phiệt tỏ ra kiên cố hơn bao giờ hết. Chính phủ Junta, tự đặt cho mình một cái tên hoa mỹ là Hội đồng Phát triển và Hòa bình Quốc gia, được thống trị bởi những người theo đường lối cứng rắn do chủ tịch hội đồng là Tướng Than Shwe đứng đầu. Các tài nguyên thiên nhiên tùy nghi sử dụng đã giúp các viên tướng dễ dàng hơn trong việc ngoan cố bám víu quyền lực. Miến Điện có những nguồn dự trữ khí thiên nhiên đáng kể nằm gần ba quốc gia phát triển nhanh nhưng lại đói năng lượng là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Dù hầu hết các công ty dầu hoả lớn bị lệnh cấm vận cấm đầu tư nhưng những người nước ngoài tranh giành từng mẫu dầu ở đây không hề vắng bóng. Hai công ty hoạt động hiện tại, Total của Pháp và Petronas của Malaysia, cung cấp cho Miến Điện khoảng một tỷ đô la lợi nhuận vào năm 2005. Vào năm 2004, một tập đoàn do Daewoo International của Nam Hàn đứng đầu, bao gồm Korea Gas, ONGC Videsh và Gas Authority của Ấn Độ, khám phá ra những nguồn dự trữ dầu hỏa lớn hơn cả các mỏ dầu hiện tại. Có thể họ cần một khoản đầu tư khoảng 2 tỷ đô la để phát triển các mỏ dầu này. Một nhóm đầu tư khác, kể cả Tập đoàn Dầu mỏ Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc đã ký sáu hợp đồng với chính phủ Miến Điện để khai thác nhiều mỏ dầu hơn. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch một hệ thống ống dẫn trị giá một tỷ đôla để dẫn khí thiên nhiên từ Miến Điện.
Những công ty Châu Á khác còn đầu tư vào các cánh đồng ngọc trai, khách sạn, sản xuất xe vận tải và thậm chí cả sản xuất bút chì. Các công ty Singapore là một trong những công ty nhiệt tình nhất, bỏ ra gần 1,6 tỷ đô la vào 72 dự án ở Miến Điện. Mức lương thấp - có lẽ thấp nhất Đông Nam Á - là một sức hút lớn với những ngành công nghiệp nặng như kỹ nghệ dệt. Dòng tiền từ các nước Châu Á không hề có khuynh hướng chậm lại. “Chúng tôi không có kế hoạch hạn chế các hoạt động kinh doanh của Nhật tại Miến Điện”, Hideaki Mizukoshi, giám đốc Văn phòng Châu Á và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật, cho biết, “Dân chủ không phải là tiêu chuẩn duy nhất khi quyết định mối quan hệ của chúng tôi với một quốc gia”.
Các nhà điều hành và các nhà ngoại giao trong khu vực giãy nãy khi nghe nói rằng họ đang hy sinh nhân quyền vì lợi nhuận. Nhiều viên chức và các nhà đầu tư Châu Á tin rằng kinh doanh và thương mại có cơ hội lớn hơn lệnh cấm vận trong việc thúc đẩy cải cách chính trị bằng cách mở cửa một đất nước cô lập. Ông Gong của Ruili lý luận rằng vai trò kinh tế của Trung Quốc “đang góp phần thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế ở Miến Điện”. Quan niệm này đã khiến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn đàn chính trị chính trong khu vực, mời Miến Điện gia nhập làm thành viên vào năm 1997.
Trên thực tế, cả quan hệ kinh doanh lẫn các biện pháp cô lập đều không biến các viên tướng này thành những công dân thẳng thắn được chút nào. Trong một báo cáo vào tháng 2 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “hồ sơ nhân quyền cực kỳ nghèo nàn của chính phủ này đang ngày càng tệ hại hơn” trong năm 2004 với “vô số vụ ngược đãi nghiêm trọng”, kể cả lao động cưỡng bức, tử hình, tra tấn, cưỡng hiếp tù nhân và các đối thủ chính trị. Gần 700.000 người trốn khỏi Miến Điện hiện đang tị nạn tại Thái Lan, Malaysia, Bangladesh và Ấn Độ.
Chính phủ Junta là một mối nguy hiểm không chỉ với người dân của chính họ. Miến Điện là nơi sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp lớn thứ nhì thế giới sau Afghanistan. Nạn buôn người ở Miến Điện nhan nhản, các phụ nữ trẻ bị buộc phải làm gái mãi dâm ở Thái Lan và nhiều nơi khác. Với sự bùng nổ buôn bán ma túy và tình dục, Miến Điện “có thể trở thành người góp phần lớn nhất cho các loại HIV mới trên thế giới”.
Trong khi chính phủ Junta được hưởng lợi từ các hỗ trợ kinh tế của các nước láng giềng thì họ gần như không làm gì cho phúc lợi của khoảng 50 triệu người dân Miến Điện. Thu nhập đầu người chỉ có 225$, một trong các nước thấp nhất Châu Á. Tương lai không có vẻ gì sáng sủa hơn. Dù chính phủ Junta tuyên bố GDP trong năm tài chính năm ngoái của Miến Điện tăng lên đến mức kinh ngạc là 12,6% - thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ - nhưng các nhà kinh tế vẫn cho rằng những con số thống kê chính thức này chỉ thuần túy là tưởng tượng. Đơn vị Tình báo Kinh tế ước tính mức GDP giảm xuống 2,7% vào năm 2004 và tăng lên chỉ có 1,5% trong năm 2005. Dù vậy, các viên tướng vẫn sống trong xa hoa. Vào đầu năm 2005, một cảnh sát đột nhập vào nhà cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Nyunt Tin, hiện đang bị bắt vì tội tham nhũng, đã tìm thấy một kho đồ quý giá gồm có vàng, tiền mặt và đồ trang sức.
Một cuộc đi dạo ngang biên giới Trung Quốc vào miền bắc Miến Điện có thể cho thấy người dân Miến Điện hầu như chẳng được lợi lộc gì từ những cuộc giao thương giữa hai nước. Trong khi Ruili của Gong là một thủ phủ hiện đại với những con đường rộng lớn, những tòa nhà không ngừng được xây dựng và thu nhập đầu người cao gấp năm lần khu lân cận, thì thị trấn Miến Điện Muse ngay bên kia biên giới hầu như chỉ là một mớ những túp lều tồi tàn làm bằng tre rạ, tranh lá và những tấm thiếc. Những chiếc xe buýt trong thành phố cũ kỹ đến mức mưa dột qua nóc xe. Ngôi chợ chính với những gian hàng trưng bày toàn hàng hóa Trung Quốc gần như trống rỗng. Từng đoàn người ăn xin quấy nhiễu các nhóm du lịch Trung Quốc để xin từng xu lẻ. Những ngôi nhà bê-tông duy nhất là những căn biệt thự hai tầng thuộc sở hữu của các thương nhân buôn ngọc Trung Quốc. “Thương mại không có gì tốt đẹp với người Miến Điện; nó chỉ tốt cho chính phủ mà thôi”, Aung Kyaw Zaw, một cựu phiến quân chống chính phủ sống tại Trung Quốc, than phiền, “Trung Quốc gởi rất nhiều đến Miến Điện, nhưng người dân ở đây chỉ ngày càng nghèo hơn”.
Và tuyệt vọng hơn. Trong khi đất nước này từng màu mỡ đến mức được gọi là bát cơm của khu vực, thì ngày nay, một phần ba số trẻ em Miến Điện bị suy dinh dưỡng kinh niên hoặc bị còi xương. Không thể tìm được việc làm trong những lĩnh vực mà mình lựa chọn, các sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý phải đi lái taxi, còn các bác sĩ thì làm dịch vụ bất động sản. Mại dâm là một trong số hiếm hoi những ngành nghề thịnh vượng hiển nhiên. Những người cò mồi ở khu trung tâm thường quấy rầy du khách mời chào đổi tiền hoặc thuê xe nay còn giới thiệu những dịch vụ bổ sung: “Xoa bóp? Phụ nữ?”.
Chính phủ Junta đổ lỗi cho Mỹ về những khó khăn tài chính trong nước. Phong trào dân chủ Miến Điện khẳng định dân chúng ủng hộ sự trừng phạt này, nhưng thật khó tìm được sự hỗ trợ ở những người Miến Điện bình thường. “Chúng tôi muốn áp lực từ cộng đồng quốc tế, nhưng chúng tôi không muốn bị trừng phạt”, một phóng viên Miến Điện tại Rangoon nói, “Người dân của chúng tôi rất, rất nghèo”. Tuy nhiên, những chính sách kinh tế bất ổn và lạc lỏng của chính phủ Junta còn gây thiệt hại đáng kể hơn nhiều so với lệnh trừng phạt. Một biện pháp đo lường sự thất bại kinh tế của nước này là trong khi tỷ giá hối đoái chính thức vào khoảng 1 đôla/6 đồng kyat, thì giá trị thị trường chợ đen của 1 đôla là 1,160 kyat. Khi các viên tướng muốn chấm dứt sự sụt giá tiền tệ, họ bắt giam những người đổi tiền bất hợp pháp - thường rất nhẫn nhục - đang hoạt động ở các cửa hàng hoặc chợ búa. Ngành ngân hàng chỉ hoạt động được khoảng ba năm sau khi bị mất tín nhiệm của dân chúng và bị hụt tiền gởi do sự giám sát kém cỏi của chính phủ. Tất cả những hỗn loạn kinh tế này chứ không phải chính trị, mới là điều quan trọng nhất trong suy nghĩ của hầu hết người dân Miến Điện. “Chúng tôi không nghĩ về Aung San Suu Kyi hay Tướng Than Shwe”, một thương nhân Miến Điện nói, “Chúng tôi nghĩ về thức ăn, quần áo và nhà cửa”.
Trở lại văn phòng của mình ở New York, Thaung Htun nhìn thấy một tia hy vọng mong manh. Ông tin rằng chính phủ Junta đang gây cho Châu Á nhiều thiệt hại và lúng túng đến mức chính phủ các nước trong khu vực đang dần phải xem việc cải cách Miến Điện là một sự cần thiết. “Có một sự chuyển hướng chính sách trong khu vực này”, ông nói, “Nếu Miến Điện là một quốc gia thất bại thì họ sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho những lân bang”.
Có vẻ như một số người bạn của Miến Điện thật sự đang quay lưng với các viên tướng, ngay cả trong “câu lạc bộ” ASEAN. Các thành viên thường không công khai chỉ trích chính phủ junta, do một chính sách tránh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau. Nhưng quan điểm này đã thay đổi đột ngột tại một cuộc họp thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN chính thức kêu gọi Miến Điện “xúc tiến” cải cách dân chủ và phóng thích các tù nhân chính trị. Dù không nhắc đến tên Suu Kyi nhưng rõ ràng ASEAN đang muốn ám chỉ đến bà. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đi đến kết luận rằng các viên tướng Miến Điện là những đối tác kinh doanh khốn nạn. Với mọi thứ từ việc quản lý tiền tệ và những quy định bất hợp lý cho đến việc thiếu điện và đường xá tồi tệ. 40% công ty dệt Nam Hàn từng hoạt động tại nước này đã bỏ đi trong ba năm qua, và khoảng một phần tư tổng số công ty Nhật cũng rút lui kể từ cuối những năm 1990. Nhà sản xuất đồ lót Triumph đã đóng cửa nhà máy của mình ở Miến Điện vào năm 2002 sau khi một nhóm nhân quyền Anh phát động một chiến dịch có khẩu hiệu “Nâng đỡ bộ ngực, không nâng đỡ kẻ độc tài”. Người khổng lồ dầu mỏ Unocal của Mỹ cũng vẫy tay từ biệt.
Những người Miến Điện như Ye Winn đang hy vọng đó là sự thật. Người thương nhân 59 tuổi này đã gầy dựng một cửa hàng tại khu vực kinh tế Jiegao của Ruili tám năm trước đây để xuất cảng máy móc Trung Quốc vào Miến Điện. Trước đây việc kinh doanh rất phát đạt, nhưng sau đó doanh thu bắt đầu giảm xuống khoảng 40% và vẫn còn đang tiếp tục giảm. Ông cho biết các khách hàng Miến Điện của mình đang trở nên nghèo khó đến mức thậm chí còn không mua nổi các thứ hàng hóa Trung Quốc rẻ tiền. Chính phủ Miến Điện đã đề ra quá nhiều hạn chế mới đến mức nhiều người buộc phải buôn lậu. Nhưng Ye Winn nói ông rất sợ gặp rắc rối, vì vậy nên ông chỉ ngồi giữa một cửa hàng ngột ngạt, hút thuốc và tự hỏi mình có thể làm gì để kiếm tiền. “Tất cả chúng tôi đều hy vọng và chờ đợi chính phủ Miến Điện thay đổi”, ông nói, “Không có cải cách, mọi việc chỉ ngày càng tệ hại mà thôi”. Đó là một số phận mà những người dân bị áp bức của Miến Điện - và các nước Châu Á khác - rất khó chịu đựng nổi.
Cả Nước Bị Bóng Đè (CT25)
Vũ Thạch
Quyết định tháng 7 năm 2005 của Hiệp Hội Âu Châu đánh vào xe đạp nhập cảng từ Trung Quốc đã làm nhiều người tại Đông Á tỉnh mộng. Những giới cầm quyền, các quan chức về mậu dịch lẫn nhiều nhà sản xuất vốn tin rằng hễ vào được cơ chế WTO là xong, khỏi còn phải lo ngại về hạn ngạch hay thuế nhập cảng nữa, đã bừng tỉnh với thực tế đã không diễn ra như họ luôn mong đợi. Quyết định của Hiệp Hội Âu Châu cho thấy rõ vai trò và chức năng của WTO là giúp cho các nước đồng phát triển nhưng phải ở trong một sân chơi công bằng và trong sáng. Những quốc gia, những kẻ quen với lề lối kinh tế thị trường hoang dã và nhiều mánh khóe sẽ phải trả giá cho những hành xử của họ khi trở thành thành viên của WTO.
Sau nhiều tháng điều tra theo yêu cầu của các hãng sản xuất xe đạp nội địa, Hiệp Hội Âu Châu đã đi đến kết luận Trung Quốc cố tình bán phá giá để giết các đối thủ tại Âu Châu. Trung Quốc với sự chủ mưu kế hoạch của chính phủ chứ không phải chỉ từ các công ty tư nhân đã chuyên chở các xe đạp này đến thị trường Âu Châu và bán dưới giá vốn sản xuất. Theo đúng các điều khoản cho phép của WTO, thuế nhập cảng xe đạp Trung Quốc tăng lập tức từ 30,6% lên 48,5%. Nhưng điều làm nhiều người ngạc nhiên là trong cùng một bản tuyên phạt, bỗng nhiên xe đạp nhập cảng từ Việt Nam cũng bị đánh thuế 34,5%.
Hiện nay, Hiệp Hội Âu Châu đang điều tra tiếp vào lãnh vực giày dép và quần áo nhập cảng từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia tại Âu Châu cho biết thì nhiều phần cả Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị trừng phạt như nhau trong những ngày tới. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có hiện tượng “chết chung”, “chết chùm” như vậy. Tại sao Trung Quốc vi phạm mà Việt Nam bị ảnh hưởng lây?
Trước hết, Hiệp Hội Âu Châu, cũng như Bộ Thương Mãi Hoa Kỳ vào năm ngoái, ước tính giá vốn sản xuất của một món hàng dựa trên câu hỏi đầu tiên rằng tại nước xuất cảng thực sự có một nền kinh tế thị trường hay không. Nếu đây là nơi mà mọi giá cả được quyết định bởi thị trường tự do thì giá vốn có thể tính được ngay theo các dữ kiện lấy từ thị trường. Ngược lại, nếu giá cả vẫn phần lớn do Nhà nước qui định hay tài trợ gián tiếp qua hệ thống hãng xưởng quốc doanh, giá vốn sản xuất phải được tính theo một công thức riêng để công bằng cho các nhà sản xuất tại Âu Châu cũng như các nước thành viên khác trong WTO. Hiển nhiên kết luận điều tra dễ dàng chứng minh Trung Quốc không có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và vẫn còn nằm trong sự kiểm soát, khống chế và điều hành bởi bộ máy chính phủ.
Và khi đã kết luận “Nền Kinh Tế Thị Trường Theo Đặc Tính Trung Quốc” không đủ gọi là kinh tế thị trường, thì khó mà không kết luận tương tự về cái khuôn được đảng CSVN vác về nước ta áp dụng với cái tên mới - “Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng XHCN”. Đó là đặc điểm thứ nhất dẫn Việt Nam đến cảnh chết chung, chết trùng với Trung Quốc.
Đặc điểm thứ nhì dẫn đến “chết trùng” nằm ở cách hành xử tùy tiện và võ đoán của Nhà nước Bắc Kinh và Hà Nội. Cả hai nền kinh tế đều mang theo mình dày đặc những cái gọi là “bí mật quốc gia”, kể cả những thương ước ngầm lén giữa hai nước. Tính trong suốt, minh bạch, vốn là nền tảng căn bản của nền kinh tế thị trường đích thực, vì vậy, gần như hoàn toàn vắng bóng ở đây. Từ đó người ta khó có thể xác định chính xác xuất xứ của các thành phẩm kinh tế. Nhiều món hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam để tránh hạn ngạch của nhiều nước, và nhiều hàng hóa được thầu lại tại Việt Nam nhưng xuất cảng dưới nhãn hiệu Trung Quốc. Kết quả là nhiều hàng hóa Việt Nam bị liệt vào cùng hạng với Trung Quốc để nhận sự trừng phạt. Sự không trong suốt và lối sản xuất hàng hóa nhập nhằng giữa hai nước dẫn đến lý do chết chung, chết chùm thứ 2 của Việt Nam cùng với đàn anh Trung Quốc.
Đứng dưới bóng Trung Quốc đã và đang kéo theo nhiều hệ quả tai hại cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài những cảnh “lạc đạn” vì đứng quá gần và rập khuôn quá giống Trung Quốc như vừa nêu trên, chính Trung Quốc cũng là nguồn đe dọa lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, việc thả lỏng cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa đã giết chết vô số các nhà sản xuất Việt Nam. Với dân số khổng lồ dẫn đến nhân công rẻ mạt, với nguyên tắc sản xuất 1 triệu món hàng đầu thì tốn kém nhưng tới cái 1 triệu lẻ 1 thì rẻ như bèo, Trung Quốc dễ dàng giết chết khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Các hàng Trung Quốc cho Việt Nam thầu lại thường là những mối hàng lợi rất ít vì tốn nhiều nguyên vật liệu. Ngược lại, có vô số dẫn chứng về việc Trung Quốc dùng vị trí tại các thị trường và kích thước kinh tế của họ để giành mối, chận đầu, giành các nguồn vốn đầu tư, giành các kiến thức công nghệ, v.v... khỏi tay các nhà sản xuất Việt Nam. Cho đến nay, vẫn theo thói thần phục đàn anh và đặt quyền lợi của đảng lên trên hết, lãnh đạo đảng ta vẫn hoàn toàn im lặng với lời biện giải: “tế nhị trong quan hệ hữu nghị”. Lời biện giải này giúp cho lãnh đạo đảng ta bám vào ghế quyền lực trong khi lãnh hải, lãnh thổ và nguồn lợi kinh tế từng bước rơi vào tay của các đồng chí môi hở răng lạnh Bắc triều.
Nhiều kinh tế gia quốc tế nhận định rằng ngày nào Việt Nam bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc ngày đó nền kinh tế của Việt Nam mới có thể tiến nhanh và tiến xa hơn được. Có lẽ 80 triệu người Việt Nam còn mơ ước điều đó gấp chục lần các nhà kinh tế kể trên. Tuy nhiên, những “mơ ước” này sẽ chỉ là những “ước mơ” vì:
- Đảng CSVN chưa bao giờ đặt lợi ích hay sinh mạng của đất nước lên trên tham vọng duy trì quyền cai trị bằng mọi giá;
- Đảng CSVN chưa bao giờ đứng một mình về tư tưởng, và nay chỉ còn Bắc Kinh làm chỗ dựa tư tưởng duy nhất để tiếp tục biện minh cho thể chế cai trị XHCN hiện nay;
- Đảng CSVN, suốt từ ngày thành lập và ngay cả trong thời gian chiến tranh, chưa bao giờ xa rời chủ trương dựa vào nguồn lực nước ngoài để đối phó với dân tộc.
Hoa Giữa Rừng Gươm (CT25)
Nguyễn Thái Bình và Nhóm Phóng Viên Hà Nội
Thông minh xinh đẹp, nổi tiếng trong số dân oan khiếu kiện, đó là chị Đỗ thị Minh Hằng (số 1 Trại Nhãn Ô chợ Dừa Hà Nội). Chị là người đã từng viết đơn tố cáo quan chức, cán bộ cộng sản ăn bẩn, ăn cả xác người chết sau cái chết của con trai chị là cháu Dũng tại chân cầu Xương Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Sau đó nhờ sự tiếp tay của nhóm phóng viên Hà Nội chuyên phụ trách mảng dân oan, bài thứ 2 về cái chết của con chị được tung ra với nhan đề: Mất con, mất của, lại còn mất nốt niềm tin đã nhanh chóng lan ra trên các trang web của Hải Ngoại và ít nhiều để lại ấn tượng cho bạn đọc. Bài viết đã nói lên tính chất dã man tàn bạo của luật pháp Việt Nam, của những kẻ luôn tự tôn vinh: “vịn vai đời mà sống” cho nên sẵn sàng vịn vai cả người chết để làm tiền trên lưng nạn nhân là chủ xe - kẻ đã gây ra cái chết oan nghiệt cho cháu Dũng khi xe chở quá tải, nổ lốp giữa đường lại không bật đèn trần, đèn mui hay bất cứ một tín hiệu nào trong đêm tối… Năm năm trời vụ án vẫn nằm trong mịt mù của bóng tối. Con chị chết không được một nén nhang, một lời hỏi han, chia xẻ từ phía chủ xe và công an - những người thụ án, mặc nước mắt người mẹ thấm đẫm từ đầu đến cuối lá đơn. Từ đó chị tham gia trong đoàn quân khiếu kiện đông đảo tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng và là người dẫn đầu đoàn quân với những tên tuổi sáng ngời như chị Vũ thị Bình từ Hải Phòng, bác Nguyễn văn Nghiệp ở Đồng Tháp, chị Trần thị Bông ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn thị Lợi ở Đà Lạt v.v... Họ chuyên chặn xe các đoàn đại biểu quốc hội tại 37 Hùng Vương hoặc nhà riêng của các lãnh đạo để đưa đơn. Mỗi lần như vậy chị la hét đến khản giọng, quyết không chuyển đơn cho bất cứ nhân viên dưới quyền nào mà yêu cầu đích thân lãnh đạo phải ra nhận đơn, từ Phạm Gia Khiêm, Quách Lê Thanh, Nguyễn văn Yểu, Lê Đình Đấu, Trương Vĩnh Trọng v.v... Chị và bạn bè đã hát vang những bài ca cách mạng do chính các chị “tự biên tự diễn”: Vùng lên dân oan Việt Nam anh hùng, vùng lên xông pha vượt qua bão bùng, thề cứu lấy nước nhà thề hy sinh thân mình, cầm đơn cương quyết xốc tới… Bao nhiêu lần bị lãnh đạo nhận diện, cật vấn, đối chất, công an xô đẩy, quăng quật túm tay, bấm huyệt... mà chị gan không núng, chí không sờn, cứ vèo vèo xe máy, phía sau là bác Ba Nghiệp đeo đầy huân chương nhận đơn của bà con chất đầy bao tải, để đưa thẳng vào tận cổng nhà lãnh đạo yêu cầu giải quyết. Không ít lần bị lãnh đạo “chơi khăm” nhận đơn ra vẻ quan tâm, xong xe đi chưa được 1 quãng ngắn đã thò tay ra cửa xe vứt hết đơn vào gốc cây ven đường, cả đoàn lại xông lên chặn bằng được, dù lái xe tha hồ luồn lách lẩn trốn, cuối cùng trước đông đủ bà con chị bắt kẻ lừa dân phải nhận một bài học thích đáng, ra khỏi xe, nhận lại đơn và biến hắn thành cái đích để dồn mọi sự xỉ nhục lên đầu: “Ôi bác Trọng ơi là bác Trọng ơi, nghe bác phát biểu trên đài trên báo thấy những là phải biết thương dân, để dân oan ức là lãnh đạo có tội, nào là dân có quyền khiếu nại các cơ quan công quyền của nhà nước để đòi hỏi quyền lợi cho mình v.v... nghe mà rớm mắt, ứa lệ, nhưng hôm nay chứng kiến cảnh bác giả vờ nhận đơn rồi nhẫn tâm vứt đơn của bà con xuống lề đường, gốc cây mà tất cả dân oan Việt Nam đều…ứa lệ đũng quần…bác Trọng ơi là bác Trọng ơi…”.
Năm năm trời vụ việc không hề được giải quyết. Công lý vẫn trong màn đêm dày đặc, cấp trên chỉ đạo cho cấp dưới, cấp dưới lại chỉ đạo ngược lại cấp trên bằng hàng chục chiếc phong bì biếu xén… Thế là hoà cả làng, chỉ có đứa con ngoan ngoãn của chị là thua thiệt đủ đường, nào không làm chủ tốc độ, nào xe cháu điều khiển là xe ăn cắp v.v.... Cực chẳng đã, chị phải nhờ người chuyển đơn lên mạng toàn cầu và trở thành cái gai trước mặt kẻ cầm quyền là chính đảng cộng sản. Sau khi rung chuông bài đầu tiên với khẩu hiệu đầy ấn tượng: Cộng hoà XHCN lầm than, mù loà, mị dân, lừa dối,... chị đã lọt vào tầm ngắm của Đảng và được mời lên đồn công an làm việc. Tại đồn công an phường Ô chợ Dừa các cán bộ công an từ bộ, sở, phường thay nhau chất vấn chị: Nào ai là người đã viết đơn cho chị, ai tiếp tay đưa bài lên mạng, thực chất xã hội mình dân chủ gấp triệu lần tư bản, sao lại như khẩu hiệu của bài viết được? đây là 1 sự vu khống trắng trợn, một sự xuyên tạc, báng bổ quá trình đổi mới 20 năm của Đảng, kèm lời đe doạ: Chị hãy cẩn thận, nếu còn tiếp tục lợi dụng dân chủ kiện tụng theo kiểu này bản thân chị sẽ không bao giờ được bước chân ra khỏi địa phận Việt Nam, con cái chị sẽ không thể đi đâu xin việc được…
Lần thứ 2 với bài báo: Mất con mất của lại thêm mất nốt niềm tin, chị lại bị mời lên đồn để “vạch lá bắt sâu”:
- Tại sao chị có bài báo này? Ai đưa cho chị?
- Tôi không biết: Sáng ra mở cửa đã thấy trước cửa rồi.
- Chị đưa đơn cho ai để người ta viết bài nói xấu chế độ?
- Đơn của tôi rải khắp thành phố, cứ ông đi qua, bà đi lại, các cháu học sinh đi ngang tôi cũng phát. Khi Đỗ Nam Hải ra nhận đơn tôi cũng đưa, nhà sư Thích Đàm Thoa bảo cần 1 bộ nhờ người đưa lên mạng tôi cũng đưa… Sự Thật có đường đi riêng của nó, làm sao các anh cấm đoán được?
- Rõ ràng trong đơn chị viết kính gửi bà Louise Arbour, Cao ủy Liên Hiệp Quốc, chữ chị còn rành rành ra đây còn cãi...
- Đúng là tay tôi viết, không tìm được công bằng trong nước thì tôi phải tìm đến thế giới, oan có đầu, nợ có chủ, tôi phải khấn 9 phương Trời, 10 phương Phật để mong nỗi oan của con tôi được giải toả, tại sao 5 năm trời các anh không giải quyết đi? Chúng tôi có muốn đi vòng trên đường thẳng đâu? Lỗi tại tình người, luật pháp và đạo lý của nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam đấy chứ, đâu phải lỗi tại tôi.
- Chị ám chỉ ai là quỷ đỏ, quỷ đói, ăn cả xác người chết?
- Tôi đâu có ám chỉ mà sự thật rành rành ra đấy, cái chết của con tôi đã bị các anh lợi dụng triệt để tống tiền lái xe, ăn ngập cả trăm triệu… phần xương, phần thịt còn dắt trên kẽ răng công an các anh… không là quỷ đói, quỷ đỏ thì là người lương thiện à? Công an là bạn dân hay là nạn dân?
- Chị nghĩ sao về câu khẩu hiệu trong bài? Thực tế Việt Nam đang đà phát triển, kinh tế, chính trị ổn định nhất ba nước Đông Dương, hơn cả Trung Quốc, Thái Lan, sao lại dám nói là lầm than.
- Bản thân tôi và cả chục triệu dân oan Việt Nam đang lầm than đây này. Nếu không là sự mù loà, mị dân, lừa dối tại sao số án oan có thể nhiều đến thế, người người kêu oan, nhà nhà kêu oan, số vụ việc tồn đọng lại dai dẳng đến thế 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn thế…
- Chị liệu hồn, nếu lần sau chúng tôi còn bắt gặp chị nhặt những bài này trước cửa, chúng tôi sẽ lập biên bản.
- Nghị định 69 CP về tự do ngôn luận các anh để đi đâu ?
Bí lời, cán bộ đập bàn ra oai:
- Đề nghị chị xử sự cho đúng mực, đừng dân chủ quá trớn.
Nóng tiết chị đập bàn trở lại:
- Các anh doạ ai hả? 6 khẩu hiệu của công an nhân dân các anh để đi đâu hay đem vào lăng ướp theo xác ông Hồ rồi: Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép!...
Không chất vấn nổi người đàn bà chân yếu tay mềm nhưng đại diện cho lẽ phải, chính nghĩa, chúng dở trò doạ nạt dụ dỗ, cưỡng ép chị về nhà để có cớ lấy thêm giấy tờ, tài liệu, nhằm hoàn tất hồ sơ vụ án lấy công, lĩnh thưởng, kéo theo cả đại diện hội phụ nữ, nơi chị tham gia hoạt động từ thiện, xã hội. Biết không về không xong với các “chú lính chì dũng cảm” gan lì có một không 2 trên thế giới, chị đành phải tương kế tựu kế, hòng hạ bệ chúng trước đám đông:
- Đề nghị các anh dừng lại trước cửa cho tôi khám, nhỡ các anh bỏ thuốc phiện, chất nổ, đồ buôn lậu vào nhà tôi thì sao, dựng vụ, vu khống là nghề của công an các anh mà, làm sao tôi tin được?
Cực chẳng đã cả 4 tên giơ cao tay quá đầu để chị chứng kiến bà hội trưởng hội phụ nữ nắn từng túi áo, túi quần của chúng.
Cuộc khám xét diễn ra suốt 2 tiếng đồng hồ, 10 giờ đêm chúng lại điệu chị lên đồn cùng 1 đống tang vật vụ án - gồm toàn những bài rút trên mạng toàn cầu, những tờ rơi của các nhà dân chủ, bản phô tô văn bản tài liệu liên quan đến “tiền, đồ” của các lãnh đạo - cũng chính là tiền đồ của dân tộc Việt Nam. Đơn giản vì tiền USD và nhà hàng, khách sạn, biệt thự của vua, quan “đồng chí” càng lớn thì tiền đồ của dân tộc càng sa lầy thảm bại.
11 giờ đêm, sau cả 3 tiếng đồng hồ tra vấn, đấu tố, viết bản cam đoan, tường trình, chị mới được chúng thả cho về, để “nghỉ ngơi tĩnh dưỡng” sáng mai - 8 giờ lên làm việc tiếp. Nội dung chủ yếu là cấm đi kiện trong kỳ đại hội Đảng, không nên quan hệ với đối tượng xấu, chuyên nhận tiền của bọn “lưu vong phản động” về ăn chia (được nhà sư Thích Đàm Thoa kịp thời tố giác với cơ quan an ninh) nhằm ngăn chặn một việc làm vô cùng xấu: Bắn tin cho nước ngoài lấy tiền v.v và v.v
Biết mình đại diện cho chân lý, chính nghĩa, ma quỷ phải sợ người chứ không thể ngược lại, nên suốt buổi làm việc chị đã tỏ rõ chất thép của mình, kể cả viện dẫn đến cái chết:
- Đời tôi đã ba lần tự tử hụt vì không muốn sống với lũ quỷ các anh, giờ kể cả phải hy sinh mạng sống, tôi đâu có sá. Còn phải sống ngày nào trên đời trong bầu không khí ô nhiễm vì bị các anh vấy bẩn này tôi đâu có thiết. Chết trong còn hơn sống đục…vì thế việc các anh anh làm, còn đường tôi tôi đi.
12 giờ chúng phải thả cho chị ra sau khi đã bị chị dồn vào tận chân… của các lẽ phải, điều hay ở đời, cái mà bọn chúng phải biết mà tránh để khỏi để lại hậu hoạ cho con cháu: Một đời làm lại (tay sai nha lại) tam đại dở hơi.
Dù phải dồn hết tinh lực vào trận đấu trí, bảo vệ lẽ phải, niềm tin đến mức run người, lạc giọng, được bọn chúng dở giọng mua chuộc, mua phở, nước ngọt, chị không hề động đến một giọt, mà còn khẳng khái dồn ép chúng:
- Tôi ăn phở, uống nước của các anh để bị các anh cho thuốc độc, hơi độc, chất gây nghiện vào nhằm phi tang nhân chứng à? Bao nhiêu nhà dân chủ, bao nhiêu lãnh đạo có lương tâm, từ Dương Bạch Mai, Hoàng văn Thái, Đặng Kim Giang, Lê Trọng Tấn…đều bị các anh ngấm ngầm hạ độc, người dân Việt Nam ai còn lạ gì bộ mặt thật của các anh- những con chó săn trung thành của Đảng cộng sản khủng bố, bóc lột, tham tàn, đểu cáng mị dân này….
Suốt 7 ngày chúng họp, dù bị cấm đoán đi kiện, gặp gỡ bà con khiếu kiện, cả một tá chó săn trung thành khủng bố đàn áp về tinh thần ngồi canh trước cửa hoặc bám theo từng bước, chị vẫn lặng lẽ giúp dân theo cách của mình. Trước đó - người cha của chị bằng tấm lòng cứu nhân độ thế - thân như chiếc bóng lạt phai mà tâm lại như kho báu như lai phật đường, cứu 3 vạn người bệnh trong dịch sốt xuất huyết mùa hè 1969 (được bộ trưởng bộ Y tế Tôn Thất Tùng mời vào bệnh viện đầu ngành của trung ương để cùng đội ngũ bác sĩ kết hợp đông tây y chữa bệnh cho dân). Nay ông đi rồi, hào quang linh diệu từ muôn phương còn để lại, thì chị- vốn là con gái duy nhất của ông không thể làm trái những điều ông đã dạy, những việc ông đã làm, đó là phải biết “cứu người trong cõi luân thường vi vô”. Điều mà văn hoá Đảng cấm nghẹt thì chị theo văn hoá truyền thống dân tộc giúp họ - những người dân thấp cổ bé họng, đầy mình oan khiên, những thân phận chị Dậu vật vờ câm nín mà tiền đồ đen tối hơn tiền đồ chị Dậu từ năm 1930, từ khi có đảng tiếm quyền, bóc lột, đè trăm thứ thuế lên đầu, thẳng tay lừa đảo họ bằng những dự án ma, lấy đất chia nhau và sẵn sàng đàn áp nếu không chịu nhận số tiền đền bù, thực chất là bố thí sau khi đã cướp không miếng đất hương hoả tổ tiên của họ. Một hành động của lũ Bá Kiến thời nay: Lấy 10 vứt trả 1… vì thương….
Chứng kiến cảnh chị tất bật bên bà con khiếu kiện ba miền, nhường cơm xẻ áo, nay bị gọi lên đồn chất vấn, mai có công an đến nhà dò hỏi, xét nét, phao tin đồn nhảm để hạ thấp uy tín danh dự chị, những cựu chiến binh già truyền tay nhau bài thơ viết về chị còn tươi màu mực:
Hoa Giữa Rừng Gươm
Cánh hoa giữa rừng gươm
Làm bao người khiếp hãi
Cũng bao người muốn hái
Lại bị giáo gươm khua
Ôi thời đại yêu ma
Công an là giẻ rách
Lãnh đạo mình tắc trách
Ăn hết phần dân ta
Lừa dối và điêu ngoa
Nhũng tham và khủng bố
Bao nhiêu trò nhăng nhố
Từ ngày đảng sinh ra
Đảng uống dòng suối đen
Của độc tài chết chóc
Quên nỗi khổ người dân
Đảng lạnh lùng cướp bóc
Dân tộc còn lao đao
Bởi đảng kia dối trá
(Văn hoá đảng càng cao
Dân mình càng mất giá )
CCB Võ Quế Dương
Xin mượn đầu đề bài thơ để làm tựa đề cho bài viết về chị- một cái tên không thể nào lột tả chính xác hơn, vì chị vốn dĩ đã là một bông hoa nức tiếng Hà thành xưa nay, lại biết chọn cách sống cho mình theo tấm gương lẫm liệt của người cha, đi ngược với những gì đảng làm: Đó là tham nhũng, khủng bố, dối lừa, mị dân v.v... nên phải chịu cảnh làm một bông hoa giữa rừng gươm của kẻ thù dân tộc- đó là Đảng cộng sản Việt Nam và bè lũ hôn quân của Đảng.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)