05 tháng 5, 2006
Tham Nhũng: Cái Giá của Sự Thiếu Công Khai và Minh Bạch (CT24)
H. Vinh
Cuộc chiến chống tham nhũng đã khởi động được một thời gian không còn ngắn. Nhưng dường như, càng "chống" nạn tham nhũng càng tràn lan, từ nặng nề, rồi nghiêm trọng và đã đến mức được coi là "quốc nạn". Càng phát động "chống", nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn và những vụ tham nhũng càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Uông Chu Lưu đã phải nhìn nhận: "tham nhũng diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng lớn, phạm vi xảy ra với diện rộng và mang tính tổ chức giữa nhiều cá nhân và đơn vị".
Tham nhũng đã gây cho đất nước những thảm họa khôn lường. Nguyên khí quốc gia bị xâm hại, lãng phí, tạo ra đầy rẫy những bất công trong xã hội. Mặt khác, tham nhũng góp phần rất lớn trong việc làm đạo đức xã hội ngày càng bị băng hoại. Cái mất quan trọng hơn khó lòng lấy lại được là mất lòng tin vào sự nghiêm minh của luật pháp, vào bộ máy công quyền. Lòng tin của nhân dân, những chủ nhân của đất nước với bộ máy quản lý và điều hành đất nước bị mai một, tinh thần đoàn kết không được phát huy, sức mạnh dân tộc bị suy hao một cách nặng nề. Mặt khác, hình ảnh đất nước VN bị tổn thương trong con mắt bạn bè năm châu, nhất là các tổ chức, các nhà đầu tư quốc tế.
Nguyên nhân của nạn tham nhũng đã được mổ xẻ nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các phát biểu của các nhà nghiên cứu tại các hội thảo, các kiến nghị, cũng như trong các phát biểu của những nhà lãnh đạo Đảng cộng sản từ khóa này đến khóa khác. Quyết tâm của các nhà lãnh đạo cũng được khẳng định từ khóa này sang khóa khác, từ năm nọ sang năm kia. Với rất nhiều những ngôn từ mạnh mẽ, những câu nói hay ho, nào là tham nhũng là "Quốc nạn" nào là phải coi chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng... Các biện pháp từ nguyên tắc, văn bản pháp luật đến nội dung, phương pháp hành động đã tốn không ít giấy mực, văn bản, báo chí...
Nhưng hình như sự quyết tâm càng cao, thì nạn tham nhũng càng lấn tới? Đó là sự "phi lý mà có thật" đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta, một đất nước vào hạng nghèo đói của thế giới, nhưng được xếp hạng 102/146 nước trong danh sách tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và đứng hàng thứ 12/13 nước được coi là tham nhũng nhất Châu Á.
Nhìn lại các vụ án tham nhũng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta thấy một điều: Hầu hết, các tội phạm trong các vụ án tham nhũng lớn đều làm người dân phải giật mình vì những tài sản của mình bị chiếm đoạt mà không hề hay biết. Một Bùi Tiến Dũng với những mánh khóe, thủ đoạn rút ruột nhà nước, mà thực chất là mồ hôi, nước mắt của nhân dân để dùng hàng triệu đô la nướng vào cờ bạc, nuôi gái..., chắc chắn không chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc. Một Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu nhận hối lộ mua bán quota qua một quá trình không ngắn. Một Lã Thị Kim Oanh làm thất thoát hàng chục tỉ, đồng, những vụ án là thất thoát thậm chí hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước.... Xa hơn một chút, những Epco - Minh Phụng, những Tân Trường Sanh, những vụ Dầu Khí, Thủy cung Thăng Long... đã diễn ra mà không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Chúng ta thường thấy, các cơ quan chức năng "dễ dàng" bị lừa bởi những công ty ma, những dự án ảo, những chủ đầu tư lừa... Đến khi sự việc gây hậu quả nghiêm trọng thì mới biết rằng đã giao những dự án béo bở cho những người không một xu dính túi, đã bổ nhiệm những cán bộ không có năng lực, thậm chí là những thành phần bất hảo trong xã hội. Có những tiến sỹ xài bằng giả, ăn cắp bản quyền, đạo văn, đạo công trình khoa học nhưng đã không bị phát hiện. Có nhiều người khi bị vỡ lỡ những cuộc lừa đảo mới biết rằng, để được làm thân phận làm thuê xứ người đã tốn không biết bao nhiêu tiền của cho những tay cò mồi, những tổ chức lừa đảo. Chuyện hậu quả, những bất ngờ của nhân dân, của các cơ quan công quyền, trong những vụ việc tham nhũng, tiêu cực là chuyện dài tập, nhiều kỳ.
Một trong những nguyên nhân để căn bệnh tham nhũng hoành hành hiện nay, đó là tính công khai và minh bạch đã không được coi trọng. Sự giám sát của người dân, những chủ nhân thật sự của đất nước này đã không được thực sự phát huy. Tiêu chí dân chủ đã bị coi nhẹ. Mặc dù điều này không còn mới, xem ra việc thực hiện không đến nỗi khó khăn như người ta tưởng. Nhưng thực tế, điều này đã không được thực hiện hoặc có thực hiện cũng chỉ là nửa vời.
"Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ hiệu quả khi tất cả các cơ quan, ban ngành vào cuộc. Nhiều cán bộ hô chống tham nhũng nhưng hãy xem lại ngay tại đơn vị mình đã dám đấu tranh với tệ nạn này chưa?", Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng nói với báo giới, chiều 5/5/2005. Nhưng sau đó không lâu, chính tại cơ quan của Chính phủ, mấy quan chức của Thanh tra nhà nước bị bắt vì ... tham nhũng. Thứ trưởng Bộ GTVT, người đã đi lên từ PMU 18, hiện đang là một "ổ" tham nhũng mà người cầm đầu là Bùi Tiến Dũng vừa bị bắt và đang là đầu mối quan tâm của dư luận về những tài sản, những mối quan hệ gia đình trị. Dư luận đang nóng lên với những mối liên quan đến tham nhũng, đến tư cách cán bộ, đảng viên của ông Thứ trưởng này dần dần được hé lộ. Ông lại là nguời vừa chủ trì hội nghị tập huấn cho các cán bộ chủ chốt thuộc bộ phận triển khai Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng?. Chính những người đi chống tham nhũng lại là những kẻ tham nhũng. Chính những người rao giảng đạo đức về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí, lại là những người rút ruột nhà nước hàng tỉ đồng để nuôi gái, ăn nhậu. Chuyện chống "Quốc nạn" trở thành hài hước.
Từ những năm đầu đổi mới, câu nói: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã thực sự khơi dậy được tính minh bạch và công khai, phát huy được tác dụng không nhỏ của nó. Nhưng tiếc thay, công năng của nó đã không được tiếp sức để nó phát huy mà đã nhanh chóng không được người ta nhắc đến nữa.
Một dự án rất khó có thể móc ngoặc đùn cho các "sân sau", nếu tất cả được minh bạch về hồ sơ, về các yêu cầu và qui mô gói thầu, về những nhà thầu tham gia với đầy đủ hồ sơ năng lực của họ. Nếu có những khuất tất, chắc chắn sẽ có nhân dân, những người giám sát phản hồi nhanh chóng.
Một bộ máy nhà nước địa phương đến trung ương rất khó có thể trở thành "Vườn trẻ", nếu qui trình chọn lựa cán bộ được công khai với những tiêu chí cần thiết cho những công việc cụ thể, những ứng cử viên với đấy đủ hồ sơ về năng lực, kinh nghiệm, bằng cấp... Nếu sự lựa chọn không công bằng, không chính xác, chắc chắn sẽ có những phản hồi của cán bộ Công nhân viên của cơ quan đó.
Một thị trường thuốc không thể lên đến giá cắt cổ người bệnh, những chủ nhân đất nước đến khốn cùng trong ốm đau bệnh tật, nếu giá thuốc và những phương thức, những nhà cung cấp thuốc được minh bạch và lành mạnh trong kinh doanh.
Một cán bộ lãnh đạo của dân, ắt sẽ khó có khả năng móc ruột ngân sách, giấu diếm, tẩu tán tài sản của mình bằng những chiêu rửa tiền, khó có thể sử dụng bằng cấp giả để leo lên, nếu tất cả tài sản, quan hệ, trình độ, bằng cấp của anh được công khai, minh bạch cho nhân dân, những người bầu ra mình được biết và có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Những sai phạm khó có thể tiếp tục nếu những phản ánh của công luận, báo chí và nhân dân được công khai xử lý nghiêm minh với phương châm "Quân pháp bất vị thân" chắc chắn sẽ có tác dụng gia tăng lòng tin và có tác dụng răn đe mạnh mẽ...
Tất nhiên, vấn đề đi kèm theo việc phát hiện tham nhũng, là các biện pháp xử lý và ngăn chặn tham nhũng một cách kiên quyết và triệt để. Không thể có những vùng cấm cho tham nhũng, không cần thiết phải đưa vào diện "Xử lý nội bộ" dưới chiêu bài "ổn định lòng dân, ổn định tình hình". Tất cả những việc đó không được xử lý đúng mức đều thể hiện sự không quang minh, chính đại của những người đi chống tham nhũng và những kẻ tham nhũng.
Rất nhiều những ví dụ khác nữa, để có thể chứng minh rằng: Sự công khai, minh bạch góp phần không nhỏ cho công cuộc chống tham nhũng, làm ngược điều đó, nó ắt sẽ có tác dụng ngược lại. Những vụ án tham nhũng lớn đã qua, đã cho thấy cái giá phải trả là không nhỏ cho việc thiếu tính minh bạch và công khai trong xã hội.
Nhân dân là tai mắt của nhà nước, họ là người chủ thật sự của xã hội, hãy trả lại đúng vị trí đó cho nhân dân. Người chủ có quyền biết được, những đầy tớ của mình làm gì, thân nhân của họ ra sao? Tại sao người ta sợ sự minh bạch và công khai đến thế? Thói thường, chỉ những kẻ nào lương tâm không trong sáng, tự thấy bản thân mình không "sạch" mới phải che đậy sự thật của mình. Một người đàng hoàng, không có gì phải e ngại khi để cho người khác, nhất là những "ông chủ" hiểu rõ về mình. Một ông bố, bà mẹ không gương mẫu, không dám để con cái mình biết những việc mình làm. Một đứa con có những hành vi mờ ám, mới không dám để bố mẹ, anh em và những người khác biết những hành vi của mình. Ngoài ra, có gì cần phải bí mật, giấu diếm?
Người dân có quyền được biết những kẻ thay mặt mình quản lý tài sản, nắm vận mệnh của mình tổ chức, xã hội, đất nước thay mình là ai. Cũng không nên nghĩ rằng: Trình độ dân trí có hạn, biết nhiều sẽ không có lợi (?). hoặc "Công khai không có nghĩa là dán tất cả lên tường"?. Theo tôi, đó chỉ là một sự ngụy biện không đủ sức thuyết phục để che đậy những việc làm không đàng hoàng của những kẻ có tà tâm.
Người dân có đủ nhận thức để tin theo Đảng, theo nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ khi họ biết rõ rằng, đó thật sự là những người vì nước nhân dân phục vụ. Những năm tháng hào hùng của thời Thống nhất đất nước là một minh chứng hùng hồn. Ngược lại, dù có trăm ngàn những lời hứa, những câu hoa mỹ, những khẩu hiệu vang trời, nhưng bản thân người cán bộ không gương mẫu, người dân vẫn quay mặt đi. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" hiện tượng coi thường luật pháp, có nguyên nhân sâu xa từ những tấm gương đó.
Để góp phần có hiệu quả cho việc ngăn chặn và đầy lùi "quốc nạn" tham nhũng, sự công khai và minh bạch là điều không thể thiếu. Để những lời hô hào chống tham nhũng, những kế hoạch hành động có thể được thực hiện, cũng không ai khác, ngoài những người có trọng trách được giao cho nhiệm vụ nặng nề này phải là những người gương mẫu nhất. Trước hết, những người có cương vị và trách nhiệm cao nhất từ Tổng Bí thư, Thủ Tướng chính phủ, Chủ tịch nước... đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cán bộ cao nhất cần gương mẫu nhất về sự minh bạch và công khai của mình. Nói cách khác, khi đã chấp nhận vào cương vị là người phục vụ, cần biết chấp nhận sự giám sát quản lý của người được phục vụ là nhân dân, như vậy mới có thể tạo lòng tin nơi họ.
Nếu làm được như vậy, lòng tin của nhân dân ngày càng được củng cố, tính tự giác thực thi pháp luật, giám sát cơ quan công quyền được phát huy, sẽ có tác dụng tích cực trong mọi tầng lớp, hoạt động xã hội. "Quốc nạn" tham nhũng chắc chắn sẽ bị mất một môi trường nuôi dưỡng và lộng hành như hiện nay.
Chỉ có những con người công chính, mới xứng đáng làm những việc công chính. Đất nước này không thiếu những người tài đức, không thiếu những cán bộ lãnh đạo, nhân dân có đầy đủ khả năng để biết chọn ai đại diện cho mình, nếu tất cả được đàng hoàng lựa chọn. Những tâm hồn đen không hề muốn đưa ra ánh sáng, nhưng nếu không đưa được ra ánh sáng, thì chính những tâm hồn đen sẽ dẫn dắt xã hội vào con đường tối.
Đấu Tranh Công Khai hay Bí Mật (CT24)
Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ
Bí mật, ngụy trang, và lập mưu trong bóng tối tạo thêm vấn đề rất khó khăn cho những phong trào đấu tranh bất bạo động. Thường thì phía dân chủ khó giữ nổi các ý định hay kế hoạch khỏi những cặp mắt tình báo hay cảnh sát chính trị của chế độ.
Nhìn từ góc cạnh của phong trào thì bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn làm góp phần gia tăng sự sợ hãi. Và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người có thể tham gia vào hành động.
Bí mật, một khi bị lộ, sẽ góp phần tạo nên những ngờ vực và cáo buộc trong nội bộ phong trào (mà thường là oan uổng) về việc ai là nội gián cho đối phương. Bí mật cũng có thể ảnh hưởng trên khả năng duy trì chủ trương bất bạo động của phong trào. Ngược lại, sự công khai về chủ trương và kế hoạch không những tạo được ảnh hưởng ngược với các hậu quả nêu trên, mà còn góp phần tạo hình ảnh là phong trào đối kháng thực sự rất mạnh.
Vấn đề dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều so với vài giòng vắn tắt này, và có những lãnh vực hệ trọng trong hoạt động đối kháng cần phải giữ bí mật. Quyết định có nên giữ một việc mật hay không cần phải được lượng giá với đầy đủ dữ kiện bởi những người hiểu rõ cả về sự vận hành của đấu tranh bất bạo động và những phương tiện dọ thám của bạo quyền trong từng trường hợp cá biệt.
Những việc như soạn thảo, in ấn và phổ biến các tài liệu chui, sử dụng đài phát thanh bất hợp pháp trong nội địa quốc gia, cũng như việc thu thập dữ kiện tình báo về các hoạt động của bạo quyền là loại việc đòi hỏi độ bảo mật cao.
Trong suốt tiến trình đấu tranh bất bạo động, việc duy trì tiêu chuẩn gắt gao trong hành động ở mọi giai đoạn là điều cần thiết. Trong số những tiêu chuẩn này, yếu tố không sợ hãi và duy trì kỷ luật bất bạo động là những điều kiện luôn luôn phải có. Ðiều quan trọng cần nhớ là phải có số đông dân chúng thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi, nhưng số đông đó chỉ trở thành những người tham gia đáng trông cậy khi những tiêu chuẩn gắt gao được duy trì trong phong trào.
Leo Thang các Quyền Tự Do
Sự phát triển của các định chế xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị độc lập sẽ dần dần mở rộng vùng “không gian dân chủ” trong xã hội và thu nhỏ vùng kiểm soát của chế độ độc tài. Khi các định chế dân sự trong xã hội ngày càng lớn mạnh so với chế độ độc tài, thì bất kể chế độ muốn gì, quần chúng sẽ tự xây dựng dần dần một xã hội độc lập ngoài luồng kiểm soát của họ. Nếu và khi chế độ can thiệp để ngăn chặn sự “leo thang tự do” này, các cuộc tranh đấu bất bạo động sẽ khởi sự để bảo vệ vùng không gian tự do vừa giành được, và thế là chế độ độc tài phải đối phó thêm với một “mặt trận” mới trong cuộc đấu tranh.
Với thời gian, sự kết hợp giữa chiến dịch kháng cự và nỗ lực xây dựng định chế sẽ dẫn đến tình trạng mặc nhiên có tự do, từ đó sự sụp đổ của chế độ độc tài và việc thiết lập chính thức các cơ chế dân chủ sẽ phải đến vì tương quan quyền lực trong xã hội đã thay đổi từ căn bản.
Những Hình Thức Thách Đố Tượng Trưng
Vào giai đoạn đầu của chiến dịch làm suy yếu chế độ độc tài, hành động cần phải được giới hạn về tầm vóc và nên được hoạch định một phần để thử nghiệm và ảnh hưởng lên tâm trạng của quần chúng, sửa soạn họ cho cuộc đấu tranh kéo dài bằng phương cách bất hợp tác và phản kháng chính trị.
Hành động khởi đầu thường chỉ mang hình thức phản đối tượng trưng, biểu kiến bất hợp tác ngắn hạn trong một giới hạn. Nếu số người sẵn sàng tham gia còn ít thì hành động ban đầu có thể nhẹ nhàng như đặt vòng hoa tại một nơi mang ý nghĩa quan trọng. Ngược lại, nếu có số đông những người sẵn sàng hành động, thì những hình thức như 5 phút ngưng mọi hoạt động hoặc vài phút im lặng có thể áp dụng. Trong một số hoàn cảnh, một vài cá nhân có thể tuyệt thực, thực hiện đêm canh thức tại một nơi mang ý nghĩa, học sinh tẩy chay lớp học ngắn hạn, hoặc tọa kháng ngắn hạn tại một văn phòng quan trọng. Dưới một chế độ độc tài, khởi động bằng các hành động quyết liệt hơn hầu như chắc chắn sẽ bị đàn áp nặng nề.
Một số hành động biểu kiến khác, như đứng đầy người phía trước biệt thự của những kẻ độc tài, hoặc trước trụ sở chính của công an, v.v. có thể tạo mức rủi ro cao và do đó không nên dùng để khởi xướng một chiến dịch. Những hành động phản đối tượng trưng ban đầu có khi thu hút ngay được sự chú ý của dư luận toàn quốc và thế giới, thí dụ như những cuộc xuống đường đông đảo tại Miến Điện vào năm 1988, hoặc việc chiếm ngự và tuyệt thực của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989. Tuy nhiên, con số thương vong quá cao trong hai trường hợp này là điều mà các chiến lược gia phải đặc biệt quan tâm khi hoạch định các chiến dịch. Mặc dầu tạo được chấn động rất lớn về đạo đức và tâm lý, các hành động này tự chúng khó có thể đánh sập được chế độ độc tài, bởi vì đây là những hành động biểu kiến chứ không thay đổi thế lực của chế độ độc tài.
Thường thì khó mà cắt đứt được các nguồn thế lực hiện có của chế độ độc tài một cách toàn diện và nhanh chóng vào thời gian đầu của cuộc đấu tranh. Vì điều này đòi hỏi phải có hầu như toàn bộ dân chúng và mọi cơ chế của xã hội - mà trước đây phần lớn đều ngoan ngoãn phục tùng - cự tuyệt chế độ và bất ngờ cùng kháng cự lại bằng hình thức bất hợp tác quyết liệt và rộng khắp. Mức độ tham gia này chưa xảy ra, và là điều khó đạt tới nhất. Do đó trong hầu hết mọi trường hợp, ý định tung ngay ra một chiến dịch bất hợp tác và đối kháng toàn diện là một chiến lược không thực tế cho giai đoạn đầu chống lại độc tài.
“Vua quan coi dân như cỏ rác Dân coi vua quan như kẻ thù” * (CT24)
(* Lời Mạnh Tử)
Hùng Tâm
Tôi không phải là một đại trí thức, một học giả hay là một văn sỹ. Tôi chỉ may mắn là một người có óc giám thức và óc phê phán những điều phải trái thông thường. Bởi vậy tình cảm của tôi là biết yêu những gì đáng yêu, biết ghét những gì đáng ghét. Vì biết yêu ghét theo lẽ tự nhiên thông thường nên mỗi khi phải nghe những ông vua, quan cộng sản Việt Nam phát biểu trên Ti vi, đài báo tôi lại thấy ghét, thấy bị xúc phạm. Bị xúc phạm là vì phải nghe những lời dối trá của họ một cách chuyên nghiệp nhưng trơ trẽn. Đành rằng họ không chỉ nói với riêng tôi, họ còn “phát biểu” với hơn 82 triệu dân VN và trong đó có nhiều loại người với nhiều thái độ. Họ đưa ra những lời lừa phỉnh từ ngày xưa, hôm qua và trong những ngày tháng tới.
Suy cho cùng về bản chất thì đảng của họ là đảng độc tài, tập thể của họ là tập thể cai trị độc quyền của vua chúa. Mục đích của họ đạt được là lấy sự “to thân phì da” làm trọng. Điều đó cũng phải thôi vì trước khi ra làm vua, làm quan họ đã được nhồi sọ một mớ học thuyết về đấu tranh giai cấp, mà những người thầy vĩ đại của họ là những kẻ thực hành điêu luyện nhất trong việc ngu dân. Stalin hay Mao Trạch Đông là những kẻ chuyên đi lừa dối, hãm hại kẻ vô tội, đưa dân tộc họ đến chỗ diệt vong.
Tình trạng nhân dân ta ngày nay thật bi đát, không chỉ phải đóng thuế để nuôi một bộ máy hành chính bạo lực đồ sộ. Ngoài hai chức năng quan trọng là trấn áp và tham nhũng, bộ máy Nhà nước Việt Nam còn là một bộ máy lừa dối khổng lồ bằng tư tưởng. Không chỉ có ban văn hoá tư tưởng ở TW, mà cứ mỗi một địa phương hay tổ chức đều có những ban dân vận, ban tư tưởng trong các đoàn thanh niên, hội phụ nữ rồi đến các học viện lý luận chính trị, những trường sỹ quan chính trị, vũ trang đó là chưa kể đến 600 đầu báo, tạp chí thì trong đó quá nửa đã biến thành công cụ tuyên truyền cho Đảng cộng sản cùng với một đội ngũ bồi bút văn chương, phát ngôn viên của báo hình và báo nói. Chưa kể đến hàng ngìn tên hề có bằng cấp giáo sư, tiến sỹ dạy các môn triết học, kinh tế chính trị, CNXH khoa học. Quả thực đó là một bộ máy ngu dân đồ sộ.
Họ phải nhai đi nhai lại những điều mà chính họ cũng không tin và không hiểu. Họ trơ trẽn hứa với dân rằng cứ kiên định niềm tin ở họ đi, họ sẽ đưa cả dân tộc ta lên sống ở CNXH và tất cả những việc làm đều sáng suốt, tất cả mục đích họ làm đều thành công tốt đẹp tất cả những thành tựu bằng xương máu của dân ta họ nhận là công lao lãnh đạo tài tình của họ. Dân ta đâu có được và đâu có bầu họ thay mặt để lãnh đạo quốc gia? Thế mà họ dám ăn cắp cái điều 4 của nền cộng hòa IV của Pháp. Họ nhận rằng chính quyền “của dân, vì dân, do dân”.
Họ dùng cảnh sát, tòa án, nhà tù để trấn áp những cá nhân, tập thể có tinh thần tiến bộ dám phản kháng, vạch mặt họ thì họ bảo là đấu tranh chống diễn biến hoà bình và thế lực thù địch để giữ vững sự ổn định chính trị. Nhưng họ không chỉ ra được diễn biến hoà bình là gì? Thế lực thù địch là thế nào?.
Họ tự nặn ra tư tưởng Hồ Chí Minh và tự giải thích rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên định với mục tiêu Chủ Nghĩa xã hội. Họ tự đắc cho rằng “Nhờ có Đảng lãnh đạo nên dân ta mới có tự do, ấm no và hạnh phúc.
Quả là tai hại cho dân tộc ta, một dân tộc cần cù thông minh, chịu thương, chịu khó, thế mà dưới bàn tay cai trị của những kẻ độc tài tập thể đã đưa quốc gia ta trở thành quốc gia bất công và nghèo khổ của thế giới. Những kẻ lưu manh được đảng thu nạp làm tay sai cho họ còn nhân tài bị hắt hủi, vùi dập khắp nơi.
Bởi ý thức được những điều vô lý của một chủ nghĩa, của một Đảng độc tài, chúng ta là con cháu lạc Hồng vì thế chúng ta phải có nghĩa vụ suy tư và hành động vì lẽ phải ở đời.
Chúng ta hãy cùng nhau:
- Nhìn về các nền chính trị của các quốc gia văn minh vì thế chúng ta không thể nhu nhược và chấp nhận mãi cái quốc hội bù nhìn do Đảng cộng sản dựng lên. Chúng ta sẽ không nghe, đọc, xem thứ đài báo tuyên truyền cho Đảng CS vì đó là bịp bợm.
- Với học sinh sinh viên thì chúng ta nên tẩy chay các môn triết học Mác-Lê nin, Chủ nghĩa cộng sản khoa học vì đó là những môn phản khoa học mà bấy lâu nay họ vẫn nhồi sọ họ nhằm cho lớp trẻ phải nô lệ họ về tư tưởng.
- Không tham gia vào các tổ chức, đoàn thể do Đảng cộng sản dựng nên vì đó là công cụ của đảng, được sai khiến và hành động vì mục đích riêng của đảng.
- Hãy xem chính quyền cộng sản là chính quyền bất hợp pháp vì đó không phải là chính quyền được tổ chức xây dựng trên nguyên tắc pháp luật hợp lý và tinh thần bầu cử dân chủ mà đó là sản phẩm của sự tranh dành nội bộ của những kẻ cai trị.
- Loài người tiến bộ chỉ chấp nhận một chính quyền mà trong đó có sự phân công rành mạch 3 thứ quyền năng: Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính quyền đó phải do nhân dân trực tiếp bầu ra và giám sát toàn bộ hoạt động của nó.
- Ngoài ra chúng ta còn có cả một quyền biểu tình bãi bỏ chính quyền ấy khi nó không còn phục vụ những lợi ích của chúng ta. Chúng ta cần liên kết lại để thể hiện sức mạnh và một trong những biểu dương mạnh mẽ nhất của sức mạnh đó là biểu tình.
Lòng Tự Trọng Dân Tộc (CT24)
Thanh Thảo
Cách đây mấy ngày, đang uống cà phê, tôi trò chuyện chốc lát với một em bé bán vé số. Khi em mời tôi, một người không mua và cũng không thích “trúng số”, tôi ngỏ ý: “Chú thấy cháu bán "món hàng" này ít người mua mà nhiều người bán, sao cháu không nghĩ đến một cách bán hàng khác tốt hơn?”. Cháu bé lễ phép trả lời tôi: “Cháu cũng chỉ bán vé số một thời gian thôi. Khi nào có điều kiện, cháu sẽ làm việc khác”. Tôi ngạc nhiên trước câu nói tự tin của một cháu bé nghèo. Đúng là có những lúc, do hoàn cảnh, ta phải làm những việc nhọc nhằn, thu nhập thấp và có vẻ làm bé nhỏ con người mình đi. Nhưng nếu đó là việc làm lương thiện, và ta có lòng tự trọng như em bé bán vé số kia, thì có thể tự tin rằng trước sau gì cơ hội cũng sẽ đến với ta, và ta sẽ có điều kiện để thực sự là chính mình.
Một nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ cũng chân thành khuyên chúng ta không nên cứ mãi dựa vào ưu thế nhân công rẻ để may gia công và đóng giày dép, mà nên học cách của người Ấn Độ dám đi thẳng vào kinh tế tri thức để góp phần biến thế giới này thành “thế giới phẳng” - tạo một sự ngang bằng trong nắm bắt cơ hội và phát triển.
Thì đúng là như thế, nhưng liệu chúng ta có đủ tự tin như em bé bán vé số kia để trả lời: “Chúng tôi cũng chỉ làm những công việc này một thời gian, khi có điều kiện, chúng tôi sẽ làm những việc khác, những việc mà ngài đã khuyên”. Nhưng làm sao để “có điều kiện” - nghĩa là “điều kiện cần và đủ” khi chúng ta cứ mãi thấy mình nhỏ bé, lép vế, khi ta chỉ muốn “xin” mà ít chịu nghĩ, ít chịu làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc “tầm thường”?
Đã có một thời chúng ta đã quá tự hào đến mức tự tôn, đến mức cao ngạo về mình, rồi giờ đây lại xuất hiện một tâm lý ngược lại, là quá tự ti, quá rụt rè và tự làm nhỏ mình đi mỗi khi xuất hiện trước người ngoài. Cả hai xu hướng ấy đều là kết quả của một cách nhìn nhận sai về mình, và đều dẫn tới sự thiếu tự trọng. Một con người khi đã thiếu tự trọng thường hành xử thiếu tôn trọng người khác, và thiếu tôn trọng chính mình, và do đó, dễ bị người khác xem thường. Mà khi người ta đã xem thường mình, thì làm sao mình tồn tại đúng với nhân cách mà mình muốn có được?
Nếu một con người phải sống với lòng tự trọng, thì một dân tộc, một đất nước càng phải biết sống tự trọng, và tự trọng cao. Không phải bằng cách tự ca ngợi mình, “mục hạ vô nhân” - coi người khác “không có ký lô nào” mà ta sở đắc được lòng tự trọng. Cũng không phải cứ ngồi mơ tưởng viển vông về những “đại sự” mình sẽ làm, mình sẽ hơn người, mà cứ thế ta sẽ hơn người, ta sẽ là “số một”. Cũng không phải bằng lối so sánh giản đơn, cơ học giữa “mình ngày trước” với “mình bây giờ” mà vội tự thỏa mãn, cho là mình đã “tăng trưởng vượt bậc”, và coi đó là biểu hiện của lòng tự trọng. Nhưng càng không phải nhìn ra ngoài đâu đâu cũng thấy “rồng” thấy “hổ” rồi nhìn lại mình thấy nhỏ nhít như mèo, như cheo để thở dài an phận mà run sợ khúm núm trước người ngoài, để đến nỗi bị người ta lừa cho, ép cho, đè cho mà cứ nghĩ mình khiêm cung.
Tất cả những biểu hiện dù rất trái ngược nhau ấy lại quy tụ ở chỗ thiếu lòng tự trọng. Một lòng tự trọng bình thường, không nống lên, vói lên, cũng không hạ xuống, xẹp xuống. Khi ta nói “tôi là người Việt Nam”, thì dù tự hào, dù chua xót, câu nói đĩnh đạc một cách bình thường ấy đã ẩn chứa trong nó lòng tự trọng. Của một con người. Của một dân tộc.
Cách đây mấy ngày, đang uống cà phê, tôi trò chuyện chốc lát với một em bé bán vé số. Khi em mời tôi, một người không mua và cũng không thích “trúng số”, tôi ngỏ ý: “Chú thấy cháu bán "món hàng" này ít người mua mà nhiều người bán, sao cháu không nghĩ đến một cách bán hàng khác tốt hơn?”. Cháu bé lễ phép trả lời tôi: “Cháu cũng chỉ bán vé số một thời gian thôi. Khi nào có điều kiện, cháu sẽ làm việc khác”. Tôi ngạc nhiên trước câu nói tự tin của một cháu bé nghèo. Đúng là có những lúc, do hoàn cảnh, ta phải làm những việc nhọc nhằn, thu nhập thấp và có vẻ làm bé nhỏ con người mình đi. Nhưng nếu đó là việc làm lương thiện, và ta có lòng tự trọng như em bé bán vé số kia, thì có thể tự tin rằng trước sau gì cơ hội cũng sẽ đến với ta, và ta sẽ có điều kiện để thực sự là chính mình.
Một nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ cũng chân thành khuyên chúng ta không nên cứ mãi dựa vào ưu thế nhân công rẻ để may gia công và đóng giày dép, mà nên học cách của người Ấn Độ dám đi thẳng vào kinh tế tri thức để góp phần biến thế giới này thành “thế giới phẳng” - tạo một sự ngang bằng trong nắm bắt cơ hội và phát triển.
Thì đúng là như thế, nhưng liệu chúng ta có đủ tự tin như em bé bán vé số kia để trả lời: “Chúng tôi cũng chỉ làm những công việc này một thời gian, khi có điều kiện, chúng tôi sẽ làm những việc khác, những việc mà ngài đã khuyên”. Nhưng làm sao để “có điều kiện” - nghĩa là “điều kiện cần và đủ” khi chúng ta cứ mãi thấy mình nhỏ bé, lép vế, khi ta chỉ muốn “xin” mà ít chịu nghĩ, ít chịu làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc “tầm thường”?
Đã có một thời chúng ta đã quá tự hào đến mức tự tôn, đến mức cao ngạo về mình, rồi giờ đây lại xuất hiện một tâm lý ngược lại, là quá tự ti, quá rụt rè và tự làm nhỏ mình đi mỗi khi xuất hiện trước người ngoài. Cả hai xu hướng ấy đều là kết quả của một cách nhìn nhận sai về mình, và đều dẫn tới sự thiếu tự trọng. Một con người khi đã thiếu tự trọng thường hành xử thiếu tôn trọng người khác, và thiếu tôn trọng chính mình, và do đó, dễ bị người khác xem thường. Mà khi người ta đã xem thường mình, thì làm sao mình tồn tại đúng với nhân cách mà mình muốn có được?
Nếu một con người phải sống với lòng tự trọng, thì một dân tộc, một đất nước càng phải biết sống tự trọng, và tự trọng cao. Không phải bằng cách tự ca ngợi mình, “mục hạ vô nhân” - coi người khác “không có ký lô nào” mà ta sở đắc được lòng tự trọng. Cũng không phải cứ ngồi mơ tưởng viển vông về những “đại sự” mình sẽ làm, mình sẽ hơn người, mà cứ thế ta sẽ hơn người, ta sẽ là “số một”. Cũng không phải bằng lối so sánh giản đơn, cơ học giữa “mình ngày trước” với “mình bây giờ” mà vội tự thỏa mãn, cho là mình đã “tăng trưởng vượt bậc”, và coi đó là biểu hiện của lòng tự trọng. Nhưng càng không phải nhìn ra ngoài đâu đâu cũng thấy “rồng” thấy “hổ” rồi nhìn lại mình thấy nhỏ nhít như mèo, như cheo để thở dài an phận mà run sợ khúm núm trước người ngoài, để đến nỗi bị người ta lừa cho, ép cho, đè cho mà cứ nghĩ mình khiêm cung.
Tất cả những biểu hiện dù rất trái ngược nhau ấy lại quy tụ ở chỗ thiếu lòng tự trọng. Một lòng tự trọng bình thường, không nống lên, vói lên, cũng không hạ xuống, xẹp xuống. Khi ta nói “tôi là người Việt Nam”, thì dù tự hào, dù chua xót, câu nói đĩnh đạc một cách bình thường ấy đã ẩn chứa trong nó lòng tự trọng. Của một con người. Của một dân tộc.
Xẻ Dọc Trường Sơn... (CT24)
Đông Hà
Nhân ngày 19-5 (1999), cũng vừa là kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, ông Trần Đức Lương đã đến gắn huân chương Sao vàng lên quân kỳ bộ đội Trường Sơn, và đọc vài trang ca ngợi, trong đó có một câu dài không thua dãy núi hụt hơi đó, như sau: “Vượt qua mưa bom bão đạn và các thủ đoạn chiến tranh tinh vi, hiện đại và vô cùng tàn bạo của kẻ thù; khắc phục mọi khó khăn về điều kiện khắc nghiệt của rừng núi Trường Sơn, suốt 16 năm bộ đội ta, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn, với trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường, đã bảo vệ thông suốt liên tục tuyến đường huyết mạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc XHCN cho tiền tuyến lớn miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”.
Chi tiết ra, trong 16 năm đó, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã chuyển một tổng lượng hàng là 1.349.060 tấn vào miền Nam. Trong số đó, mức tổn thất ghi nhận được là 25.500 xe tải và 765.610 tấn hàng, tức là mất hơn phân nửa. Chính lượng hàng đó làm cho con đường này mang tên là tuyến đường huyết mạch. Đối với Hà Nội, đó là sự mất mát lớn lao nhất, chứ còn mạng người thì không kể, cho dù số tổn thất bộ đội (đếm được) lên đến 29.400 người bỏ xác, và 79.800 người tàn phế. Chưa tính dân công nhịn đói cõng gạo chết dọc đường. Chưa tính trong thời gian mở đường, trung bình cứ mỗi cây số đã dán 15 bằng liệt sĩ. Chưa tính cả những người chết vì bệnh sốt rét rừng, hay những thế hệ Thanh Niên được đảng Xung Phong giùm để ra trấn giữ 2526 chốt lửa trên tuyến đường ngập máu đó.
Tất cả để đổi được những gì? Một huân chương sao vàng? Dăm ba bài thơ bài hát? Hàng loạt nghĩa trang mênh mông? Hàng triệu bà mẹ đón nghe những bài diễn văn bốc lửa thay giỗ tập thể con mình hàng năm? Hay, thống kê về 300.000 “hộ đói kinh niên” trên toàn quốc? Thống kê về chi phí giáo dục bình quân đầu người của VN thấp hơn Nhật Bản 238 lần? Thống kê minh thị hơn phân nửa các cửa hàng ăn uống ở VN là bia ôm, đế ôm, chè ôm... bên cạnh các tụ điểm hớt tóc ôm, rửa xe ôm, câu cá ôm...? Thống kê về non 1300 trường hợp ghi nhận được cho tới nay những người chết vì bệnh SIDA? Hoặc một bản thống kê khác dành cho Khe Ve, La Trọng, Tà Rùng, Cha Lo, Cổng Trời, Pha Băng Na, Hướng Lập, Trung Hóa, Hóa Thanh... những địa danh dọc đường Trường Sơn, hiện đang là nơi tập trung những con người thuộc diện đói nghèo nhất nhì thế giới?
Còn chế độ ưu đãi đối với Thanh niên Xung phong, những người mà thạc sĩ Tạ Vân Thiều viết trên báo Nhân Dân là bộ phận “vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường; mở đường chi viện tiền tuyến lớn miền nam”? Cũng theo TS Thiều thì, qua Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg, chế độ ưu đãi đó gồm: Hơn 2000 người sẽ được xác nhận và cấp bằng liệt sĩ; Hơn 5000 người sẽ được xác nhận là thương binh loại B; Một số người đạt tiêu chuẩn “sống cô đơn không nơi nương tựa” sẽ được trợ cấp mỗi ngày 400gam gạo.
Bên cạnh bài diễn văn ca tụng khí phách xẻ dọc Trường Sơn do ông Trần Đức Lương đọc, cung đình Hà Nội đang có những nỗ lực níu chân các công ty Coca Cola, Pepsi Cola, Cigma, Citibank, Ford, General Electric, P&G, Microsoft... Mặt khác, ở mức vĩ mô, hy vọng cấp thiết của đảng ta là nâng cấp tiến trình bang giao với Mỹ lên mức toàn bộ, với tiêu chí là không chỉ có sứ quán Mỹ tại VN, mà phải cố đạt được một Hiệp ước Thương mại làm nền cho quy chế Tối huệ quốc của Mỹ. Đây là cuộc đua nước rút với vụ bầu cử tổng thống và quốc hội lưỡng viện sắp tới ở Mỹ. Các ngài Nguyễn Tấn Dũng, Trần Xuân Giá và Nguyễn Sinh Hùng đã từng bị gậy qua Mỹ. Gần nhất, cuối tháng 4/99, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Sĩ Kiêm đã sang dự Hội Nghị Mùa Xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Mỹ. Theo tường thuật của báo Nhân Dân thì ông Cao Sĩ Kiêm “đã gặp với Tổng giám đốc IMF và WB, bày tỏ lời cảm ơn đối với sự giúp đỡ và hỗ trợ mà hai tổ chức này đã dành cho...”. Hóa ra, căn cứ vào những tổng kết thực tiễn, ý nghĩa thật sự của nó là khí phách xẻ dọc Trường Sơn... đi đón Mỹ?
Vũng Lầy Khiếu Kiện (CT24)
Khoa Nam
Từ hơn chục năm nay, phẫn uất trước những hành động ngang ngược của những cán bộ tham quan cộng sản nhũng nhiễu, ức hiếp, cướp đoạt tài sản dân lành, hàng vạn gia đình nạn nhân đã lâm vào cảnh khốn đốn thương tâm. Họ đã quyết liệt và kiên trì tố cáo, khiếu nại, mong đòi lại công lý, công đạo cho mình. Đơn khiếu kiện của họ nộp cho chính quyền địa phương chất cao như núi và đã bị tập đoàn quan lại cộng sản nắm giữ chức quyền tại các cơ quan gọi là "chức năng" cấu kết với nhau, bao che cho nhau, dìm đi tất cả. Rất đông đồng bào khổ nạn đợi chờ hàng chục năm mà vẫn không được cứu xét. Tới hỏi thì cán bộ sâu dân mọt nước đùn đẩy cho nhau. Hỏi xã, xã đẩy lên huyện, hỏi huyện, huyện đẩy xuống xã. Tình trạng này còn thê thảm, khốn nạn hơn dưới thời phong kiến.
Chính vì nhận thấy địa phương không thèm đếm xỉa đến dân, không thèm cứu xét oan tình của dân, nên dân đã rủ nhau mang đơn ra tận trụ sở đầu não của đảng và nhà nước tại Hà Nội. Dân cứ tưởng là quan lại địa phương làm bậy, còn ở Trung Ương, chắc thấm nhuần hơn cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" như "sáng suốt", "trong sạch", "chí công vô tư", vv... sẽ giải quyết thỏa đáng cho họ. Thế là từ Cà Mâu, Đồng Tháp; từ Quảng Ngãi, Qui Nhơn; từ Hải Phòng, Lạng Sơn họ đã từng đoàn lũ lượt, vượt hàng ngàn cây số đường đất để mang đơn đưa tận tay các "vị lãnh đạo tối cao" tại Thủ Đô Hà Nội. Có người cho rằng phải đưa đơn cho người làm lớn nhất nước là Tổng Bí Thư đảng cộng sản và họ đã đổ về trụ sở Đảng. Bị xô đuổi, họ lại kéo nhau tới tư dinh ông Nông Đức Mạnh, liều lĩnh chặn xe để đưa đơn. Rồi cũng có người cho rằng phải đưa đơn cho Thủ Tướng chính phủ và họ đã săn duổi ngài Phan Văn Khải. Lại cũng có người nghĩ rằng Quốc Hội là cơ quan có "quyền giám sát tối cao", và họ đã tụ tập trước Quốc Hội, trước nhà ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc Hội, hay nhà riêng các ông bà "đại biểu". Có người đã trải qua hàng năm trời, màn trời chiếu đất, kiên trì bám trụ tại công viên Mai Xuân Thưởng, trước cửa cái cơ quan được mệnh danh là "trụ sở tiếp dân". Đối với hiện tượng này, đảng và nhà nước lại cho rằng, đây là hành động bất hợp pháp và gọi hiện tượng đội đơn ra triều đình này là "hiện tượng khiếu kiện đông người", hay "khiếu kiện vượt hệ thống". Đã nhiều lần nhà nước đã lùa công an tới bắt những người khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng.
Trở lại chuyện những người khiếu kiện muốn gặp các "đại biểu Quốc Hội" để đưa đơn thì theo báo Lao Động điện tử, ngày 6/5/2006 vừa qua đã có "phiên họp thứ 39 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH)" để bàn về bản "dự thảo nghị quyết về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đoàn ĐBQH tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị". Theo dự tính thì sau buổi họp này bản dự thảo sẽ được thông qua để trở thành nghị quyết chính thức. Nhưng cuối cùng, theo tờ báo thì "‘sự cố’ đã xảy ra: nghị quyết này đã không được thông qua". Về lý do khiến Quốc Hội phải đưa ra nghị quyết tiếp dân, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã phát biểu: "Có cảm giác những người đi khiếu kiện không còn tin vào cách giải quyết khiếu kiện của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp. Họ cứ bám lấy ĐBQH để gửi đơn thư khiếu kiện, thậm chí đến tận nhà riêng của ĐB để gửi đơn thư...". Còn về nguyên nhân khiến UBTVQH lâm vào bế tắc thì rất đơn giản: Họ không đồng ý được với nhau về các vấn đề "tiếp dân ở đâu? tiếp dân như thế nào? có được tiếp dân tại nhà riêng hay không?". Các địa điểm để đại biểu Quốc Hội tiếp dân rất hiếm vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan. Về chủ quan thì Quốc Hội không có đủ ngân sách để có những văn phòng riêng cho từng đại biểu. Về khách quan thì cứ cho rằng Quốc Hội là do dân bầu, dân tin tưởng hơn chính quyền và có chức năng "giám sát tối cao" thì không bao giờ chính quyền gồm toàn tham nhũng lại lập văn phòng để nhận đơn tố cáo mình. Còn nếu giải quyết bằng tiếp dân tại nhà riêng thì gặp sự phản đối là vì là phạm luật. Trong buổi họp, ông Nguyễn Văn Yểu, phó chủ tịch Quốc Hội đã "đưa ra một nguyên tắc là theo Luật Khiếu nại Tố cáo quy định thì không được tiếp và nhận đơn thư của công dân ở nhà riêng". Thế là phiên họp tắc tị. Ông Nguyễn Văn An, đã kết luận không thông qua nghị quyết trong phiên họp. Như vậy, ngoại trừ vấn đề tiếp dân ở đâu và như thế nào, hiện nay vẫn chưa biết đại biểu có được nhận đơn khiếu kiện hay không? nhận rồi để làm gì vì không có quyền giải quyết khiếu kiện? Nhận rồi chuyển đi đâu? Chuyển thẳng cho "cơ quan chức năng" hay cho "văn phòng Quốc Hội"? Đơn thư khiếu kiện do đại biểu Quốc Hội chuyển có tính cách pháp lý không? có tính cách cưỡng bách thi hành không? Đảng và nhà nước ta đang sa vào trong vũng lầy khiếu kiện, một trong nhiều vũng lầy khác sẽ chôn vùi một nền cai trị độc tài và tham ô.
Giai Cấp Công Nhân Phẫn Nộ (CT24)
Trần Tường
Dù đảng và nhà nước tìm mọi cách giảm thiểu tầm quan trọng của những cuộc đình công rộng lớn quy tụ hàng ngàn anh chị em công nhân trên cả nước từ cuối năm ngoái cho đến ngày hôm nay, thì đây phải kể là một cơn bão lớn đang làm rung chuyển bộ máy cầm quyền. Ở những nước dân chủ, hiện tượng công nhân đình công được coi như một trong những sinh hoạt bình thường của công nhân để tranh đấu cho quyền lợi của mình. Nhưng dưới một chế độ cộng sản hay XHCN mà đảng lãnh đạo duy nhất tự nhận là đảng của giai cấp công nhân thì những cuộc đình công này không phải là tầm thường. Thử tìm hiểu về các cuộc đình công này để thấy rõ bản chất của sự phẫn nộ của giới công nhân tại nước ta hiện nay.
Báo chí đưa tin: "Sáng 26/3/2006, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động (phần liên quan đến đình công và giải quyết đình công)". Trong buổi họp, ủy ban này đã đưa ra nhận định rằng: "...trong thực tế, số lượng các cuộc đình công có xu hướng gia tăng; đình công xảy ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhiều nhất ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Ủy ban này cũng công nhận rằng: "Một điều đáng quan tâm là các cuộc đình công này đều tự phát, không theo đúng trình tự, thủ tục luật định..., không do tổ chức công đoàn khởi xướng và lãnh đạo...". Những nhận xét, nhận định trên đây của các vị đại biểu Quốc Hội, thay vì đưa họ đến kết luận lôgic là "anh chị em công nhân đã hoàn toàn mất hết tin tưởng vào đảng CSVN, tự nhận là đại diện cho giai cấp công nhân và họ đã phải tự đứng lên tranh đấu đòi quyền lợi của họ", thì lại dẫn họ đến kết luận là "nội dung các cuộc đình công xảy ra trong thời gian vừa qua đều nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy chính đáng nhưng không hợp pháp". Và vì "một số quy định của luật pháp chưa phù hợp với thực tế"...
Rồi từ đó, Ủy ban này đã bàn đến việc bổ sung, sử đổi và có ý kiến là phải làm một bộ luật khác thay thế bộ Luật Lao Động năm 1994. Cũng nên nhắc là Luật Lao Động hiện hành của đảng và nhà nước đã dành chương XIV để quy định về đình công và giải quyết đình công gồm 4 mục với 43 điều nhằm để hạn chế những tranh chấp về quyền lợi giữa người lao động tức là công nhân và người sử dụng lao động, tức là chủ nhân. Theo những điều khoản này thì trong những cuộc "tranh chấp lao động tập thể", phải qua nhiều giai đoạn phức tạp như "hội đồng hòa giải lao động cơ sở hay hòa giải viên lao động", rồi phải đưa ra giải quyết tại "Hội Đồng trọng tài lao động tỉnh", rồi đình công phải "báo trước" và phải "do tổ chức công đoàn khởi xướng và lãnh đạo"... Công nhân đã thấy rõ, những điều khoản của luật lao động có mục đích áp bức, bóc lột họ. Những cơ chế quy định trong luật để hòa giải, trọng tài đều là của đảng và nhà nước CSVN. Không có cơ chế nào là do công nhân bầu lên, không có có cơ chế nào là đại diện thực chất cho công nhân cả. Chính Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, trong phiên họp vừa qua cũng đã phải thú nhận rằng: "Hội đồng hòa giải, tổ chức công đoàn ở nhiều doanh nghiệp chưa thành lập (có khoảng 50%), những người làm việc trong các tổ chức này lại do người sử dụng lao động trả lương nên chất lượng hoạt động kém hiệu quả". Thực chất không phải là chất lượng hoạt động kém hiệu quả, mà bọn người này đã trở thành tay sai cho chủ nhân, đứng hẳn về phe chủ nhân chống lại thợ thuyền lao động.
Lại nói về cái tổ chức mang tên Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam do đảng tự lập ra thì vào 24/02/2006 vừa qua, tổ chức này đã tổ chức hội thảo về bản dự thảo Báo Cáo Chính Trị đại hội X của đảng CSVN. Cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề phải "giữ vững, tăng cường bản chất GCCN của Đảng". Báo Lao Động ngày 25/2 đã đua tin như sau: "Thống nhất với các ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Đỗ Đức Ngọ (chủ trì hội nghị) nhấn mạnh đến kiến nghị làm rõ bản chất của Đảng CSVN là bản chất của Giai Cấp Công Nhân, và Đảng phải có chiến lược xây dựng giai cấp công nhân, bởi đã 39 năm nay Đảng chưa có nghị quyết về vấn đề này". Thực ra thì bản chất đảng CSVN có bao giờ là đảng của giai cấp công nhân đâu? Coi lại lịch sử, người ta thấy rõ, những người lãnh đạo cộng sản lúc ban đầu đều xuất thân từ giai cấp quan lại, địa chủ, phú nông, trí thức... .
Người lao động tại Việt Nam đã bị cộng sản lường gạt từ hơn nửa thế kỷ nay và lầm tưởng cộng sản đại diện cho quyền lợi của họ. Nay họ đã thấy rõ bản chất phản bội giai cấp của đảng CSVN. Vì thế mà họ đã tự phát đứng lên tự tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của họ bằng những cuộc đình công khổng lồ mà các ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và tập đoàn lãnh đạo chóp bu tại cung đình chưa hề thấy dưới chế độ XHCN. Đã đến lúc công nhân phải dứt khoát hơn để bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách loại bỏ chủ nghĩa và đảng CSVN.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)