05 tháng 2, 2006

Sỹ Phu (CT21)


Vũ Thành Đô

Mùa xuân. Trời Bắc Hà se lạnh. Xuyên qua những hàng cây bàng trụi lá, câu hỏi của ông Nguyễn Trung cuốn theo gió, bay buốt vào tâm khảm của nhiều người vẫn còn tha thiết với núi sông: Sỹ phu Bắc Hà thời nay sao im hơi lặng tiếng? Câu hỏi làm se lòng nhiều người. Trong đó có người bạn trẻ luật sư Lê Quốc Quân. Hãy nghe lời của Quân như tiếng gió xé toạc những tàu lá chuối lương tâm của thế hệ chúng ta ngày hôm nay: ra trường với biết bao nhiêu suy tư ước vọng và lúc đó giống như mình đứng ở giữa ngã ba đường... Ngã ba đường! Nỗi phân vân thời đại này đã bám dai dẳng trường kỳ vào nhân dân ta khi vòng kim cô cộng sản chủ nghĩa đã được đem xiết lên đầu dân tộc. Lãnh đạo đảng muôn năm đứng trước ngã ba đường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và cuối cùng chọn con đường ngắn nhất để đô la tuôn nhanh, chảy lẹ vào túi riêng. Ở trên những chiếc ghế ngồi cao nhất của cơ quan quyền lực, nhân dân ta căng mắt ra vẫn không tìm thấy được, ít ra cái gọi là con người cộng sản thuần thành, mà chỉ thấy nhốn nháo một đám lưu manh xôi thịt giành giật nhau để làm giàu hơn là lo chuyện quốc gia. Nhân dân thì đứng trước ngã ba đường gió bụi xác xơ giữa mackeno và trăn trở với tương lai của giống nòi. Đi về đâu đêm nay khi ngày không biết bao giờ tới? Và tuổi trẻ thì có người may mắn như Lê Quốc Quân: tốt nghiệp đại học, tôi quyết định làm giảng viên đại học và bám trụ ở Hà nội với cuộc sống ăn đong... Còn may mắn bởi vì bên cạnh Quân, nhiều người đã phải đem kiến thức của mình phơi khô trên những cánh đồng cỏ cháy, đem phương trình toán học xuống thành bài tính cộng trừ nhân chia trên những chuyến xe đò buôn bán ngược xuôi. Nhưng rồi thì bạn ta cũng phải bỏ dạy đi làm chuyên gia cho dự án nước ngoài khi thấy mẹ ngày càng già đi và các em đang lớn. Nhưng rồi bạn ta cũng phải chua xót khi nhận thấy rằng mình chỉ là những công dân hạng bét khi phải “thổi ý tưởng” vào cho các chuyên gia ngoại “cố vấn lại” thì lãnh đạo người Việt mới nghe... Lãnh đạo ta, những người "hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh Đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước - Nguyễn Trung" không những không có đủ tri thức xây dựng đất nước mà còn không có tài dụng nhân như dụng mộc, đầu óc khô cứng với những tế bào nô lệ. Điều may mắn là đất nước ta vẫn còn những con người tự trọng và tự hào như Quân để bỏ làm thuê cho nước ngoài vì tự tin vào vị trí chủ nhân, vì lòng tự tôn dân tộc và tin vào dòng máu Việt của chúng ta. Nhưng trong một xã hội mà cơ chế lãnh đạo đã sản xuất hàng vạn chính nhân quân tử bằng lời nói - du đảng trộm cướp qua hành động thì bạn ta đã bàng hoàng nhận ra rằng phong bì là vũ khí phổ thông nhất của các doanh nhân. Nó giống như AR15 hay AK47, dù xuất xứ khác nhau và được đưa tới với những mục đích khác nhau, cùng tham gia cuộc chiến trên mảnh đất này, hữu dụng và tội lỗi như nhau trong thương trường. Và cuối cùng, trên con đường tìm kiếm, định cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, bạn ta, dưới ngọn đèn dầu heo hắt như vận mệnh của đất nước, Tuổi trẻ Việt Nam đã tự hứa với lòng mình sẽ hoạt động luật sư cho người nghèo, góp một phần nhỏ bé bảo vệ những người thấp cổ bé miệng, sẽ cùng hàng triệu người Việt Nam đem bầu nhiệt huyết của tuổi xuân tấn công tệ nạn, đem lại công lý dân chủ thật sự cho dân tộc Việt Nam. Trong giây phút rất riêng tư nhưng đầy ý nghĩa đó, Lê Quốc Quân đã thực sự trở thành một sỹ phu. Ngọn đèn dầu hiu hắt trên bàn viết của Quân đang mang hình dạng của một ngọn đuốc kiêu hãnh rực lửa cháy.

Đất nước ta có bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ như Quân đang âm thầm như đá tảng chờ một ngày vươn mình tựa Thái sơn? Bao nhiêu người đang đối diện với cuộc chiến khó khăn nhất để chiến thắng sự ươn hèn bạc nhược để đứng lên? Bao nhiêu người vẫn nung nấu trong lòng hoài bão xây dựng một cuộc sống thăng tiến xứng đáng với nhân phẩm con người và lý tưởng phục vụ Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam? Bao nhiêu người vững tin vào chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam để bằng mọi cách giải thoát đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, rệu rã ngày hôm nay? Chắc chắn là nhiều lắm. Vì một dân tộc dũng cảm không thể nào chỉ lật một trang sử bỗng biến ngay thành tập hợp của những kẻ yếu hèn. Một đất nước anh hùng không thể nào bỗng dưng biến mất những sỹ phu can trường. Vẫn còn đó. Phải còn đó. Và Lê Quốc Quân là một trong vạn người, triệu người. Ngày hôm nay lên tiếng nói.

Mùa xuân. Cây lá đang nẩy mầm. Hãy chào tạm biệt những buốt giá, cô đơn, tuyệt vọng. Hãy dang tay chào đón những con người đang gióng lên tiếng nói, đang hành động dũng cảm theo phong cách của những sỹ phu Bắc Hà muôn đời hiện hữu.

Thời Cơ Vàng - Cơ Hội Cuối ? (CT21)


Lê Đạo Thạnh

Trước tiên, xin được gửi lời hoan nghinh báo Tuổi Trẻ Online, khởi đi từ bài viết tâm huyết của ông Nguyễn Trung, đã mở ra một diễn đàn sôi động những ý kiến đóng góp chung quanh các hướng nhìn về những vấn nạn của đất nước mà dân tộc ta đã oằn lưng gánh chịu nhiều thập niên nay.

Phải thừa nhận là đã lâu lắm rồi chúng ta mới có được một mảnh đất truyền thông sinh động mà ở đó, đại khối thầm lặng có dịp được bước khẽ qua cái bóng thầm lặng của chính mình. Bài viết "Thời Cơ Vàng: Vận Hội Mới" của tác giả Nguyễn Trung đã đạt ngay điểm son vừa nói. Những bài viết tiếp theo sau đó của ông quảng diễn càng rõ hơn những ý kiến cô đọng ban đầu, và càng khơi gợi sự góp ý trong sáng và tích cực của độc giả, như chiếc chìa khóa thần "Vừng Ơi..." để mọi người thư thả và tương kính bước vào kho tàng tâm tưởng của Nhân dân.

Ý tưởng dàn trải trong các bài viết của tác giả Nguyễn Trung rất sâu và khá rộng. Những góp ý của độc giả về chủ đề này cũng vậy, bất kể là đồng tình hay khác ý. Một người đọc có kiến thức bình thường như tôi chưa hẳn đã lãnh hội được tất. Nên chỉ có thể chia sẻ ở đây đôi điều tâm đắc. Tâm đắc nhất là 2 nhận diện và 5 thông điệp của tác giả Nguyễn Trung, xin tạm liệt kê như sau:

Nhận Diện 1:

"Kẻ thù của Nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai?

Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác. Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này? Đó là phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước - bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do".

Quả đúng vậy. Muốn dọn dẹp căn nhà cho sạch thì trước tiên phải biết chuyện khạc nhổ là mất vệ sinh và kém văn minh, bất kể là chính mình khạc nhổ hay để cho kẻ khác khạc nhổ vào. Lắm người mừng vì VN ngày nay đã khá ra, nhờ có nhiều hơn những hợp đồng với doanh nhân nước ngoài làm nền cho những chỉ số phát triển của cả nước, hay làm nền cho những căn biệt thự của riêng mình. Có khi doanh nhân nước ngoài còn mừng hơn vậy, vì có được một VN chuyên trách việc gia công giá hời và là nơi tích chứa chất thải công nghiệp. Hơn 60 năm trước, phát xít Nhật đổ quân vào VN để thu lúa về mẫu quốc thì dân ta hăng hái đáp lời sông núi mà vạt nhọn tầm vông. Ngày nay, doanh nhân Nhật đổ hàng điện tử vào VN để hốt đô-la về thì lãnh đạo ta cụng ly đón mừng thành quả tối huệ quốc, trong lúc Nhân dân hý hoáy đo vườn bán ruộng hay căng xác ra mài miệt tăng ca không phụ cấp, lại còn được lệnh là phải vỗ tay theo. Rõ ràng: Lúc đã vắng bóng ngoại xâm, lãnh đạo ta không thấy ra nổi loại kẻ thù vô hình này của dân tộc, khi mà tâm thức nô lệ là đám giặc nội xâm núp mình đàng sau những tờ đô-la. Và ẩn trong bức màn sương khói chập choạng kinh tế thị trường gọi là có định hướng hiện nay, dân ta cũng khó lòng chỉ mặt loại kẻ thù lạc hậu cực kỳ nguy hiểm và nhục nhã này: Không thấy ra bước tiến của thế giới, không thấy ra vị trí tụt lùi của VN trong bước tiến vũ bão đó của thế giới, và nhức nhối hơn hết là không thấy ra vật cản bước tiến của VN trên con đường đồng hành cùng nhân loại. Hoặc giả, thấy ra mà không dám nói một mình hay chưa dám cùng nói với nhau. Thời Cơ Vàng đầu tiên, qua tác giả Nguyễn Trung, đã đến trong tay chúng ta: Cùng thẳng thắn cất tiếng bày tỏ cho nhau nghe về những trăn trở khôn nguôi. Trăn trở đầu tiên của rất nhiều người, phải chăng chính là bức màn sương khói chập choạng vừa nói? Nó tranh tối tranh sáng. Nó đục nước béo cò. Nó làm luật tùy tiện. Nó bịt miệng mọi người. Nó bưng tai chính nó.... Quả thật, muốn nắm lấy Vận Hội Mới, người dân phải biết trước tiên vung nắm tay ra giành lấy cái quyền thực sự làm chủ lấy vận mệnh và tương lai của chính mình. Không một ai có thể nhân danh bất cứ điều gì để gọi đó là một sứ mệnh được giao phó. Chống lại kẻ thù lạc hậu, vũ khí phải là ý thức của từng người, nên nhất định không thể là một cuộc chiến đấu ủy nhiệm. Phải tự do tư duy trước đã. Phải tự do thông tin và được nhận thông tin trước đã. Tác giả Nguyễn Trung không khẳng định ai dung dưỡng kẻ thù u tối lạc hậu này. Ông chỉ giản đơn bảo rằng muốn thắng nó thì phải phát huy tự do dân chủ. Và thắng nó thì thắng tất. Chí lý thay!

Nhận Diện 2:

"Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?

Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh Đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước! (cho đến nay các văn kiện chính thức của Đảng mới chỉ nói là 'chưa ngang tầm với nhiệm vụ đòi hỏi'). Chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới tự bảo vệ được mình. Tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho Nhân dân ta giác ngộ sâu sắc và thực hiện được vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của đất nước độc lập tự do, để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài".

Nhiệm Vụ Dẫn Dắt đó, nhiều nơi nhiều lúc còn được gọi là "sứ mệnh lịch sử", có lẽ nói quen nghe quen rồi như thế, chứ chẳng ai có thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào để thấy rằng đó là nhiệm vụ, chưa nói tới nhiệm vụ đó có được dân giao phó hay không. Hãy cứ tạm coi là Đảng tự nhận điều đó đi, nhưng hà cớ gì mà cứ 5 năm một lần Đảng lại tự báo cáo chính trị với nhau là "chưa ngang tầm nhiệm vụ", hay văn hoa như tác giả Nguyễn Trung là vẫn còn đó "sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất", nói nôm na là vô tài kém đức, mà cứ tiếp tục một mình khư khư ôm lấy cái nhiệm vụ ngoài tầm? Kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, ở nhận diện này, có khi không hẳn là tình trạng u mê tăm tối của lãnh đạo mà chính là sự tham quyền cố vị này chăng? Hay là cả hai cộng lại? Gì thì gì, cả hai loại kẻ thù này đều là con rơi của Đảng, sau khi Đảng đã dụng công cưỡng hiếp được cái Nhiệm Vụ Dẫn Dắt kể trên. Ở đây, tác giả Nguyễn Trung còn tế nhị trao thêm cho Đảng cái "sự nghiệp làm cho Nhân dân ta giác ngộ..." để tô đậm thực chất u mê của lãnh đạo Đảng về việc chọn lựa một con đường tăm tối XHCN cho dân tộc thay vì kiến tạo một nền tảng xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự làm căn bản vững chắc cho sự phát triển toàn diện và lâu bền của đất nước. Rõ ràng: Kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là chính nó. Hung hiểm dường nào! Mà đã vậy thì lấy gì để chiến đấu, nói chi đến chiến thắng? Có ai vừa tự đánh mình, để tự bảo vệ lấy mình, ngoài Chí Phèo? Nhìn riêng góc cạnh của Đảng là vậy. Còn nhìn vào hệ quả, thì than ôi, kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng chính là kẻ thù cấp hai của Nhân dân. Bởi chính sự u mê tăm tối và tham lam đó cộng với vai trò lãnh đạo tự phong và tự kéo dài nọ đã dính liền nhau thành một hệ thống dìm chết dân tộc trong 10 năm đầu thống nhất, rồi tiếp tục vây bủa tương lai của VN hơn 20 năm sau đó. Khoán 10 là một ví dụ thực tiễn cho thấy sáng kiến của Nhân dân tự vượt qua cái bóng của chính mình để đạt lấy mức sống đủ ăn (trước khi Bộ Chính Trị cơ hữu hóa nó thành nghị quyết). Không ai phủ nhận thành quả đổi mới, nhưng sao chỉ ngần đó, nhưng sao vẫn còn đó hàng triệu tiếng thở dài: Giá mà đổi mới tới nơi...? Gì thì gì, sau rốt rồi cũng phải cảm ơn tác giả Nguyễn Trung đã phân tích thật sâu sát để nêu đích danh kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là sự u mê của chính nó, chứ không phải là đa nguyên đa đảng.

Thông điệp 1:

"Sống là mỗi ngày phải vượt qua cái bóng của mình!

Không như thế không còn danh hiệu người đảng viên! Không như thế Đảng ta không còn lý do để tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo".

Mệnh đề được viết theo thể điều kiện cách. Cái điều kiện này mới lớn làm sao trong hoàn cảnh "hụt hẫng về trí tuệ và phẩm chất" hiện nay của cả đảng. Hay nói như phát biểu góp ý của một sinh viên: "Chọn hướng đi quay lưng với mặt trời thì làm sao vượt qua cái bóng của mình?". Thành thử, đặt giả thiết rằng "Không như thế..." là thừa, thậm chí, cố ý thừa. Thắt lại, ý tưởng được gửi vào mệnh đề đó rõ là ở thể khẳng định, bởi cái điều kiện kia không hề thỏa. Tác giả Nguyễn Trung không phải là người đầu tiên nêu lên nhận định này. Các bậc thức giả Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh... và rất nhiều người khác, từ lâu, đã từng cho rằng đảng viên ngày nay không còn đảng tính, và Đảng ta đã mất hẳn niềm tin của quần chúng. Ông Nguyễn Trung chỉ viết bằng một cách khác. Khẳng định, mà nghe cứ như phân tích. Rằng: Đảng ta không còn lý do tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo.

Thông điệp 2:

"Về đại thể, trí tuệ cơ bản của thế giới có hai cách xử lý những vấn đề của hệ thống: (1) cách mạng, (2) cải cách....Cách mạng thường là phá thì dễ và xây thì khó.... Cải cách đòi hỏi phải có những quyết định quyết liệt, nhưng giải pháp và thực hiện thì phải kiên định và kiên trì".

Tính cách mạng của Đảng không còn, khi mà Đảng thay một điều Đảng cho là kém bằng một cái kém hơn. Còn lại là sự cải cách. Đảng không tự nguyện cải cách để dân tộc đỡ khổ hay đánh thức tiềm lực để đất nước đi lên. Đảng chỉ cải cách khi chẳng đặng đừng, và chỉ cải cách vừa đủ để thoát hiểm từng giai đoạn, gọi là biện pháp tình thế, theo kiểu rút quân ra khỏi đất Chùa Tháp để thỏa điều kiện cho thế giới chấm dứt cấm vận VN. Đó là lý do vì sao Đại Hội VI chưa kịp làm guồng máy chạy ngon trớn thì đã bị khựng lại, tới nay. Không nghi ngờ gì nữa: Đảng chỉ cải cách chạm ngưỡng đủ để giữ nguyên trạng quyền lực. Nên không thể quyết định quyết liệt, mà cũng không cần kiên định giải pháp và kiên trì thực hiện. Rõ ràng: Ngày nào mà cải cách còn được sử dụng như một loại phương tiện nhất thời, hay thậm chí như là khẩu hiệu lừa mị, thì ngày đó, nhất định các quy hoạch cải cách còn đẻ ra nhà lầu xe con cho cán bộ, và đất nước vẫn còn lẽo đẽo lết lê theo sau thiên hạ, như đã từng, trong ba thập niên qua. "Xóa đói Giảm nghèo" và "Bảo hiểm Y tế" là những thực tiễn trước mắt. Muốn đất nước ra khỏi đêm tối tụt hậu thì canh tân phải là mục tiêu tối hậu cho mọi tư duy, mọi hành động, mọi chính sách. Không phải canh tân mặt tiền đường phố cho hào nhoáng ánh đèn khách sạn với vũ trường. Cốt lõi phải là tiến trình canh tân ý thức dân chủ của con người, môi trường dân chủ của xã hội, và cơ chế dân chủ của quốc gia. Bên cạnh đó là các hạ tầng cơ sở sản xuất và dịch vụ trong một thị trường tự điều tiết và cạnh tranh lành mạnh trong một sân chơi bình đẳng và thượng tôn luật pháp. Đó chính là bệ phóng để đất nước cất cánh và phát triển bền vững. Điểm son tâm huyết của ông Nguyễn Trung cũng chính là ở điểm cốt lõi này.

Thông điệp 3:

"Cầm quyền hay nắm mọi quyền lực?

...Đang tồn tại cách hiểu rất sai lệch về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Không hiếm trường hợp cụm từ “xã hội chủ nghĩa” gán cho nhà nước pháp quyền bị lợi dụng làm bình phong hay sự biện hộ cho những việc làm chẳng dính dáng đến, thậm chí là trái với thể chế của nhà nước pháp quyền sơ đẳng nhất. Kết luận cần rút ra không phải là xóa bỏ khái niệm lãnh đạo toàn diện. Đã là đảng lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm toàn diện, phải lãnh đạo toàn diện. Nhưng Đảng phải tạo ra cho mình phẩm chất và khả năng làm đúng, làm thật tốt trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo tốt toàn diện. Tuyệt đối không được biến tướng nhiệm vụ trọng đại này sang 'nắm toàn diện', cũng như đừng biến tướng nhiệm vụ của 'đảng cầm quyền' thành nắm mọi quyền lực! Hiến pháp hiện hành của nước ta không cho phép làm như thế".

Đúng là như thế. Điều này có tương quan hữu cơ với Nhận Diện 2 kể trên: Quyền lực phải song hành cùng trách nhiệm, mà trách nhiệm có chu toàn được không thì cần xét tới mức độ "hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất" của đảng cầm quyền. Ai xét, nếu không phải là Nhân dân, qua những cuộc trưng cầu dân ý? Nếu xét thấy mức độ đó quá thấp, "không ngang tầm thực tiễn đòi hỏi" qua suốt nhiều thập niên dài, thì phải thay đổi, để cả nước khả dĩ nắm bắt lấy Thời Cơ Vàng, đừng để vuột mất như đã từng đối với Thời Cơ Vàng 75 hay Thời Cơ Vàng 86. Ai thay? Câu trả lời có lẽ còn ẩn mình đâu đó đàng sau Thông Điệp 5 bên dưới. Ở đây, tác giả Nguyễn Trung đã dõng dạc nói giúp đại khối thầm lặng một lời căn dặn: "Không được biến tướng...", không chỉ dành riêng cho Đảng đương quyền, mà cho bất kỳ đảng phái chính trị nào minh danh hoạt động sau này. Cũng vậy, nền tảng căn bản của ý niệm này không chỉ dựa trên hiến pháp hiện hành, mà là dựa trên nguyện vọng của toàn dân. Nhân dân ta không cho phép bất kỳ đảng nào làm như thế!

Thông điệp 4:

"Dân chủ hóa toàn bộ đời sống của đất nước

Yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó. Không có phẩm chất và năng lực ngày một nâng cao này, thì dù có độc quyền tới mức chuyên quyền độc đoán như thế nào chăng nữa, số phận diệt vong của nó đã được cài đặt sẵn như một lẽ tất yếu ngay trong cái chuyên quyền độc đoán này. Nguy cơ nằm trong sự cài đặt này chứ không phải trong nguy cơ đa nguyên".

Rõ là vậy. Nhưng, đã duy nhất thì không nhất thiết xếp hàng để lấy hạng trước hết. Cái duy nhất ở đây, nếu chấp nhận một thể chế chính trị độc đảng thì quả thật yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền là phải "nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó"; còn nếu hình dung ra một sinh hoạt chính trị đa nguyên với sự chọn lựa chân chính của toàn dân, thì cái duy nhất đó là yếu tố "phẩm chất và năng lực của nó", trên bảng lượng giá của từng người dân, còn nỗ lực "nâng cao" năng lực đó là sự cố gắng tất yếu của riêng nó, để thuyết phục lấy sự lựa chọn của Nhân dân. Đáng quan tâm là cái nhìn triệt để của tác giả Nguyễn Trung ở đây về sự diệt vong là một nguy cơ tự cài đặt sẵn của đảng chuyên quyền chứ không phải là sinh hoạt đa nguyên mà Nhân dân chúng ta thường nghe về các loại "diễn biến hòa bình" không mặt mũi.... Chẳng phải cất công rà soát lại các biến cố chính trị ở Đông Âu và Liên Xô, hẳn nhiều người trong số độc giả chúng ta cũng đã đồng ý với tác giả Nguyễn Trung về điểm đó, và càng đồng tình hơn với giải pháp Dân Chủ Hóa Toàn Bộ Đời Sống Của Đất Nước.

Thông điệp 5:

"Tôi nghĩ rằng truyền thống cách mạng của Đảng ta dù vinh quang đến thế nào chăng nữa cũng không thể mài lịch sử ra mà sống. Công việc đích thực chúng ta phải làm là chiến thắng sự ươn hèn của chính mình để làm được việc lớn: xây dựng nước VN độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh trong thế giới ngày nay".

Trong bốn đặc tính ngang tầm với ước mơ về một nước Việt Nam mới của tác giả Nguyễn Trung ở đây lại bao gồm cả yếu tố Thống Nhất, trong lúc giang sơn đã liền một dải, vì sao vậy? Ông đang nói về sự thống nhất cần thiết nào trong lúc khẳng định Đảng ta không thể mài lịch sử ra mà sống? (Mà đã vậy thì Đảng ta lấy gì để sống?). Thống nhất lòng người? Thống nhất ý chí? "Chúng Ta" ở đây là ai? Nhân dân chăng? Thống nhất mục tiêu chiến thắng sự ươn hèn của chính mình để cùng lật trang sử mới? Nhiều khả năng là như vậy lắm. Bởi trước đó, ông đã từng bật ra câu hỏi cho Đảng, rồi ung dung tự trả lời: "Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào? Không ai có thể trả lời thay, và Đảng ta không thể để bất kỳ ai trả lời thay mình câu hỏi này!". Cho nên mới có một thách thức nhỏ lửng lơ cho Đảng: "Hoặc là... Hay sẽ là...". Tựu chung lại, rõ ràng là VN có một thời cơ vàng trải dài phủ rộng. Trong đó, Đảng CSVN chỉ còn một cơ hội cuối là Đại Hội X. Nhân dân VN chỉ có thể cho đảng một cơ hội cuối đó thôi, để chiến thắng kẻ thù u mê của Đảng. Nhân dân VN nhất định không để vuột mất Thời Cơ Vàng lần này.

Người đọc chúng ta không thể chờ đợi tác giả Nguyễn Trung bạch hóa mọi ý tưởng của ông. Hãy đọc và ngẫm nghĩ những điều ông gửi gắm ở giữa những dòng chữ: Không cầu mong. Không kỳ vọng. Nhân dân VN sẽ cụ thể hóa những khát vọng của mình. Bắt đầu bằng những trao đổi đầy cảm tính hôm nay để chuyển hóa thái độ thờ ơ thành quan tâm. Sau đó, trách nhiệm công dân ở mỗi người sẽ chuyển đổi quan tâm thành hành động.

Không hẳn là quả bóng đang ở trong chân Đảng. Quả bóng đang ở trong chân mỗi người chúng ta.

Giành Tự Do Bằng Bạo Lực? (CT21)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Khi những giải pháp xem chừng hiển nhiên thì lại đều vô dụng; khi những ràng buộc về luật pháp và hiến pháp, những phán quyết của tòa án; khi sự phán xét của dư luận thường bị những kẻ độc tài làm ngơ; khi bị đối xử bằng những trò thô bạo, tra tấn, thủ tiêu, và giết chóc... thì thật là một điều dễ thông cảm nếu con người đi đến kết luận rằng chỉ có bạo lực mới có thể kết thúc một thể chế độc tài. Ðã có những nạn nhân quá căm phẫn, kết hợp đánh lại những tên độc tài thô bạo bằng tất cả những phương tiện quân sự hay bạo lực có thể kiếm được, bất kể sự chênh lệch lực lượng giữa hai bên. Ðây là những người chiến đấu dũng cảm, đã trả giá rất đắt bằng những cực hình và sinh mạng của chính họ. Cũng có khi họ đạt được một số thành quả đáng phục, nhưng rất hiếm khi giành lại được tự do. Những cuộc bạo loạn dễ châm ngòi cho những trận đàn áp tàn bạo, để lại hậu quả một khối quần chúng càng thấy mình bất lực hơn nữa.

Cho dù phương thức dùng bạo lực có lợi ích gì đi nữa nhưng có một điều đã rất rõ là: Khi đặt tin tưởng vào phương cách bạo lực, các nhà tranh đấu đã chọn ngay cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế. Những kẻ độc tài có đầy đủ trang bị để đánh phủ đầu bằng bạo lực. Cho dù các nhà dân chủ có cầm cự được lâu hay chóng, thực tế thảm thương sau cùng của việc đối chọi bằng súng ống thường không tránh được. Phía độc tài hầu như luôn luôn nắm ưu thế về súng ống, đạn dược, phương tiện vận chuyển, và quân số. Cho dù dũng cảm tới đâu, những nhà dân chủ hầu như luôn luôn không đáng là đối thủ.

Khi nhận ra việc nổi loạn theo kiểu chiến tranh qui ước là không thực tế, một số nhà đối kháng chuyển sang chiến tranh du kích. Tuy nhiên chiến tranh du kích, hiếm khi đem lại lợi ích cho khối quần chúng bị áp bức hay đem lại được dân chủ. Chiến tranh du kích không phải là một giải pháp dễ chấp nhận, cách riêng là vì con số thương vong thường rất cao của đồng đội. Cách thức này cũng không đảm bảo là sẽ không thất bại, cho dù đã có đủ loại lý thuyết và phân tích chiến lược đi kèm, kể cả đôi lúc có viện trợ quốc tế. Các cuộc đấu tranh du kích thường kéo rất dài. Dân chúng thường bị giới cầm quyền buộc phải bỏ nhà bỏ cửa, tạo thêm vô số nhọc nhằn và mất thăng bằng trong xã hội.

Ngay cả trong trường hợp thành công, chiến tranh du kích thường để lại những hệ quả tai hại lâu dài và có tính nền móng cho đất nước. Một hệ quả ngay trước mắt là khi chế độ cai trị bị tấn công, họ càng trở nên độc tài hơn nữa để chống trả lại. Còn nếu các nhà du kích sau cùng thắng cuộc, chế độ mới hình thành lại thường độc tài hơn cả chế độ trước, do hiện tượng tập trung quyền kiểm soát quân đội trong lúc gia tăng thêm quân số, cũng như do tình trạng các đoàn thể và định chế độc lập đã bị làm suy yếu hay tiêu diệt trong thời gian đấu tranh.

Các tổ chức này vô cùng cần thiết để thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ. Những người tranh đấu để chấm dứt độc tài nên tìm một giải pháp khác.

Những Suy Tư Về Một Nền Giáo Dục cho Tương Lai Việt Nam (CT21)


Đỗ Nam
Một nền giáo dục hiệu quả sẽ giúp quốc gia có nhiều công dân có khả năng, kiến thức, trình độ đồng thời có cả ý thức trách nhiệm và ý thức dân tộc để áp dụng sở học vào việc xây dựng, đóng góp, phục vụ quốc dân...


Giáo dục là gốc của sự phát triển con người. Giáo dục còn là gốc của xây dựng xã hội. Nói cách khác, giáo dục là nền tảng căn bản quan trọng để canh tân con người, và để từ đó canh tân xã hội. Nhờ giáo dục, con người thoát ra khỏi cái khung chật hẹp chủ quan giới hạn để bước vào bầu trời mênh mông của khoa học khách quan. Nhưng giáo dục không phải để đào tạo ra những "Oa lâm trì thượng độc Châu Thư" ("Chẫu chuộc ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu"), nhìn lên bầu trời thấy những gì hay đẹp thì rập khuôn, nhai lại chữ nghĩa, học từ chương hay vọng ngoại, nô lệ tinh thần. Giáo dục cũng không để đào tạo những "Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận" ("chim Chích chòe đầu cành bàn sách Luận ngữ"). Giáo dục là để giúp con người có điều kiện góp phần xây dựng xã hội, không phải học để ngồi bàn luận vô bổ, để được tiếng khoa bảng, học rộng biết nhiều.

Một nền giáo dục hiệu quả sẽ giúp quốc gia có nhiều công dân có khả năng, kiến thức, trình độ đồng thời có cả ý thức trách nhiệm và ý thức dân tộc để áp dụng sở học vào việc xây dựng, đóng góp, phục vụ quốc dân. Một nước không thể có thuần những con dân chỉ biết dùng mảnh bằng để kiếm danh lợi áo cơm, thờ ơ vô tâm trước tương lai cả nước. Vì lẽ đó, giáo dục phải giúp phát triển con người toàn diện, ở cả ba mặt Tâm, Trí, Thể. Trí Cao, Thể Tốt, Tâm Sáng phải là mục tiêu nhắm đến của giáo dục. Lý do phải chú trọng đến phần Tâm mà không chỉ phần Trí là để đào tạo những con người có kiến năng nhưng còn biết góp phần phục vụ, xây dựng xã hội công dân, biết sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội hài hòa có tổ chức với những tiện nghi đời sống do khoa học kỹ thuật mang lại.

Vì giáo dục là ưu tiên hàng đầu cho phát triển con người và cho đất nước nên chính sách giáo dục phải vừa phát huy dân trí, vừa chấn hưng dân khí, và phục hoạt dân phong. Do đó, nền giáo dục tương lai của Việt Nam khi không còn hệ thống chính trị độc tài bóp nghẹt phải chú trọng giải quyết sửa chữa những hậu quả của nền giáo dục hỗn loạn hiện nay. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lạc hậu với trào lưu "học tài thi lý lịch và đô la" như hiện nay, nhiều người có khả năng nhưng không có điều kiện học thành tài, và phải lao vào kiếm sống. Nền giáo dục mới để xây dựng lại con người và đất nước sẽ phải là nền giáo dục đại chúng. Những đại học cộng đồng, các trường cao đẳng, trường kỹ thuật, chương trình huấn nghệ không phân biệt tuổi tác để giúp giải quyết những cá nhân bị dở dang việc học của ngày hôm nay, để giúp cho mọi tài năng đều có thể phát triển tối hảo, và đất nước tận dụng và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội có cơ hội một cách công bằng. Các chương trình giảng dạy và cách thức tổ chức các đại học cộng đồng phải thực tiễn để mọi người đều có cơ hội nâng cao kiến thức, trau dồi nghề nghiệp, dù trong bất kỳ trình độ nào hay lứa tuổi nào, và đều có thể ứng dụng những điều học nơi nhà trường vào đời sống thực dụng. Tổ chức giáo dục đại chúng và thực tiễn để giúp mọi người vươn lên, làm lại tương lai, và nhất là để đất nước không phí phạm tài năng.

Tuy nhiên, ngoài động lực lương bổng, quyền lợi vật chất cân xứng với khả năng và chức vụ nghề nghiệp do chính sách nhân dụng thích ứng đi đôi với chính sách giáo dục mang lại, nhân tài chỉ có thể phục vụ tối hảo khi có những động cơ tinh thần thúc đẩy. Vì thế, nền giáo dục trong tương lai không nhằm đào tạo tất cả mọi người theo những mẫu mực toàn vẹn hay những tài năng siêu phàm, mà sẽ phải nhắm vào xây dựng những con người có ý thức; biết sống và ý thức được quyền lợi công dân của mình để bảo vệ những quyền lợi ấy, hầu tạo dựng nên một xã hội mà trong đó mọi người sẽ sống tự do, hài hòa, với đầy đủ những tiện nghi khoa học kỹ thuật.

Trong xã hội Việt Nam mới, chúng ta sẽ không thể áp dụng rập khuôn theo những khuôn mẫu giáo dục sẵn có trên thế giới, mà sẽ phải có những chính sách giáo dục chọn lọc, phù hợp với văn hóa, truyền thống, và điều kiện thực tế của xã hội Việt Nam, nhằm canh tân lại con người toàn diện. Từ các xã hội Tây phương, những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật giảng dậy, cùng những phát triển trong mạng lưới, cơ chế tài trợ của chính phủ và phi chính phủ... sẽ giúp cho ta rút tỉa những bài học quý giá hầu tái kiến thiết hệ thống giáo dục tại Việt Nam, để nhắm vào việc phát huy dân trí. Tuy nhiên, cũng tại các quốc gia Tây phương, nền giáo dục của họ tuy giúp nâng cao phần Trí rất hữu hiệu, nhưng lại thiếu đầu tư xây dựng phần Tâm của con người, gây nên sự mất quân bình giữa Tâm và Trí, từ đó tạo ra những khủng hoảng triền miên trong đời sống xã hội. Qua các cuộc nghiên cứu của các tiến sĩ khoa tâm lý học, cho thấy xã hội càng phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật bao nhiêu thì tâm lý xã hội của quần chúng càng phức tạp, có vấn đề bấy nhiêu. Vì thế, nhà trường phải chú tâm giáo dục phần Tâm của con người, giúp trang bị học sinh, sinh viên, thanh niên có tâm gốc vững chải. Khởi đi từ xiển dương các giá trị truyền thống tinh thần của Việt tộc, giáo dục giới trẻ về ý thức Việt tính, và nhắc nhở luôn luôn, khơi dậy luôn luôn niềm kiêu hãnh lịch sử, văn hóa dân tộc, nhìn ra sức mạnh truyền thống để góp phần tạo dựng và phát triển đời sống tâm thức được bền vững; vượt qua những thành kiến, mặc cảm, khủng hoảng niềm tin do quá khứ để lại. Những chương trình giảng dạy này cần điều chỉnh cho phù hợp và phát huy một cách có hệ thống, để phục hoạt dân phong, dân khí vốn đang suy tàn hiện nay. Thêm vào đó, có chú trọng đến giáo dục phần tâm của con người thì mới giúp tuổi trẻ có tâm thức vững vàng để gạn lọc những điều xấu, tốt trong thế toàn cầu hóa, nhận ra được bản chất và những thách đố của xã hội tư bản vật chất để cẩn trọng không vong bản, mất gốc nguồn, bản sắc của mình. Chúng ta cần nghiên cứu, tìm ra các phương án để hướng dẫn con người nâng cao phần Tâm, hầu tạo ra những chuyển hóa trong Tâm Thức, thoát ra những loạn động, ẩn ức, tìm đến trạng thái an bình trong mọi hoàn cảnh.

Song song đó, chúng ta còn phải chú trọng vào việc giáo dục phần Thể. Thời trước khi Tây đô hộ, nền giáo dục Nho học cũ đã không quan tâm đến việc giáo dục thể chất, vì thế đã phản ảnh thực tế "thư sinh chân yếu tay mềm" hay "học trò trói gà không chặt". Chương trình giáo dục thời xưa hoàn toàn không nhằm xây dựng phần thể chất của học sinh, mà chỉ nhắm vào kinh điển, khoa bảng, học hành từ chương. Mãi đầu thế kỷ 20, theo mô hình của Tây Âu, chúng ta có thêm chương trình thể dục. Tuy nhiên, không ít những nhà giáo dục VN vẫn xem nhẹ ưu tiên của các chương trình thể dục thể thao, xem đó chỉ là phụ thuộc, giải trí. Thực chất, không một bộ óc minh mẫn nào có thể phát huy trọn vẹn trong một thân thể bạc nhược. Các lớp giáo dục phần Thể trong tương lai sẽ giúp bảo kiện và gia tăng về nội và ngoại lực, giúp các chức năng của cơ thể hoạt động hữu hiệu, khỏe mạnh, phù hợp với tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi, cùng lúc tạo sức đề kháng bền bỉ và phòng ngừa bệnh tật.

Tóm lại, nền giáo dục tương lai cho Việt Nam phải là những phương hướng giáo dục không áp dụng bắt chước rập khuôn theo người, mà phải chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội và văn hóa dân tộc, nhằm mục tiêu phát triển dân trí, chấn hưng dân khí, phục hoạt dân phong. Và giáo dục là nhằm đào tạo những con người lành mạnh ở cả ba mặt Tâm, Trí, Thể, để biết góp phần xây dựng xã hội công dân, biết sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội hài hòa có tổ chức với những tiện nghi đời sống do khoa học kỹ thuật mang lại.

Muốn đào tạo được những con người như thế, không chỉ thay đổi nền giáo dục mà có thể đạt được. Trong một hệ thống chính trị xã hội bưng bít, khống chế, con người dù có kiến thức khoa học kỹ thuật, dù có tinh thần sáng tạo, dù có ý thức văn hóa truyền thống, xiển dương lý tưởng phục vụ, cũng không thể đóng góp gì nhiều cho chính mình, gia đình mình, kể gì đến góp phần xây dựng kiến tạo xã hội. Thí dụ điển hình là tại các quốc gia cộng sản cũ như Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc ... số lượng chuyên viên khoa học kỹ thuật không ít nhưng xã hội vẫn nghèo nàn, kinh tế lụn bại, đất nước không phát triển nổi. Do đó, muốn đào tạo con người có kiến năng khoa học kỹ thuật, có thể làm ra của cải vật chất và tinh thần, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, thì không thể chỉ nhắm vào cải tổ giáo dục, mà còn phải cải tổ cả cơ chế chính trị và môi trường sinh hoạt xã hội. Chỉ có trong một cơ chế dân chủ đích thực thì chính phủ mới không xem mình là đang ban bố ân nghĩa cho dân, mà là trách nhiệm phải phục vụ cho dân. Có như thế, con người mới được tự do đeo đuổi sự học, tự do tìm hiểu, tự do đối chiếu, tự do thông tin, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do phát triển tài năng. Có như thế mọi người mới có quyền lẫn cơ hội đồng đều để mưu cầu hạnh phúc, bảo vệ quyền lợi công dân của chính mình, quyền được làm người của mình, và mới có được những cơ chế do chính họ góp phần quyết định để bảo vệ những quyền tự do tất yếu đó. Chỉ có trong môi trường sinh hoạt tự do dân chủ đó mới có thể động viên được mọi tầng lớp xã hội đồng lòng chung sức kiến tạo quốc gia. Một nền giáo dục đại chúng và thực tiễn trong môi trường dân chủ thì quốc gia sẽ tiến bộ, phát triển hài hoà, và sẽ tạo đất lành sản sinh nên những tài năng có thể làm thay đổi tương lai, vãn hồi thế nước.

Ðảo Chánh, Bầu Cử, hay trông chờ Cứu Tinh Ngoại Quốc? (CT21)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Phương cách đảo chánh quân sự để lật đổ độc tài thoạt nhìn có vẻ như là cách dễ và nhanh nhất để loại trừ một chế độ đáng ghét. Tuy nhiên, phương cách này có nhiều nhược điểm rất nghiêm trọng. Nhược điểm lớn nhất là nó duy trì quyền kiểm soát chính phủ và quân đội trong tay một nhóm nhỏ chứ không chuyển quyền lực đó cho toàn dân. Việc loại trừ một số người hay tập đoàn ra khỏi các vị trí chính quyền đơn thuần chỉ để có chỗ cho những nhóm khác tương tự bước vào. Trên lý thuyết thì nhóm mới sẽ cư xử ôn hòa hơn và cởi mở hơn trong một giới hạn nào đó về các cải sửa theo hướng dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế người ta thường chỉ thấy những kết quả ngược lại. Sau khi củng cố địa vị, tập đoàn mới có khi còn tàn nhẫn và nhiều tham vọng hơn cả nhóm cũ. Kết cuộc, tập đoàn mới – mà nhiều người đặt kỳ vọng – chỉ làm những gì họ muốn mà chẳng đếm xỉa gì đến dân chủ hay nhân quyền. Ðảo chánh, vì vậy, không phải là giải pháp có thể chấp nhận để giải quyết vấn đề cai trị độc tài.

Bầu cử dưới chế độ độc tài không phải là cách thức để tiến tới những thay đổi chính trị. Một số chế độ độc tài cũng thường tổ chức bầu cử một cách máy móc cho có vẻ dân chủ. Những cuộc bầu cử đó được kiểm soát chặt chẽ để công chúng chỉ bầu các ứng viên mà những kẻ độc tài đã chọn, hoặc tổ chức bầu cử nhưng rồi cũng gian lận để đưa người của họ vào nắm chính quyền. Nếu các ứng viên đối lập ra tranh và thắng cử, như đã xảy ra ở Burma năm 1990 và Nigeria năm 1993 thì kết quả bầu cử bị xem như không có và “các người thắng” bị đủ loại hù dọa, bắt bớ, hay ngay cả xử tử. Không có chuyện kẻ độc tài lại để cho các cuộc bầu cử truất phế họ khỏi ghế quyền lực.

Những người đang khổ sở dưới ách độc tài thường không tin họ có thể giải phóng chính mình. Họ trông chờ vào người khác sẽ cứu vớt dân tộc họ, tức một lực từ ngoại quốc mới đủ mạnh để truất phế độc tài. Những người bị trị thường không muốn và có lúc không dám đấu tranh bởi vì họ không tin vào khả năng trực diện bạo quyền của họ, không tin có cách nào có thể giải phóng họ. Vì vậy có thể hiểu được tại sao họ đặt sự chờ mong giải phóng từ người ngoài. Thế lực bên ngoài đó có thể là công luận quốc tế, Liên Hiệp Quốc, một quốc gia nào đó, hay những biện pháp cấm vận về chính trị và kinh tế của thế giới. Một viễn cảnh như vậy nghe có phần êm tai, nhưng cũng có nhiều vấn đề nghiêm trọng trong hướng mong ước dựa vào cứu tinh ngoại quốc này. Trước hết niềm tin có thể bị đặt sai chỗ, vì thường thì chẳng có cứu tinh nào đến cả, và nếu có nước nào đó nhảy vào can thiệp thì có lẽ lại càng không nên tin vào thiện ý của nước này. Một vài thực tế phũ phàng về sự trông cậy vào những can thiệp của ngoại quốc cần được nhấn mạnh ở đây: (1) Ngoại quốc thường chấp nhận cho qua, và ngay cả tích cực hỗ trợ một thể chế độc tài để đẩy mạnh các quyền lợi kinh tế hay chính trị của họ; (2) Ngoại quốc có thể bán đứng một dân tộc bị đàn áp, thay vì giữ lời giúp giải phóng họ, khi cần trả giá cho một mục tiêu khác; (3) Một số chính phủ ngoại quốc có hành động chống lại chế độ độc tài nhưng chỉ để gia tăng mức khuynh loát về kinh tế, chính trị hay quân sự của họ trên đất nước này; và (4) Ngoại quốc có thể tích cực tham gia vì các mục tiêu tốt khi và chỉ khi phong trào đối kháng trong nước đã bắt đầu làm rung chuyển chế độ độc tài, và nhờ đó tập trung được sự chú tâm của thế giới vào bản chất thô bạo của chế độ.

Độc tài chuyên chế thường tồn tại được chính yếu là nhờ nắm hầu hết quyền lực trong nước. Dân chúng và xã hội thì quá yếu không làm gì nổi chế độ, do đó của cải và quyền lực tập trung vào một số rất ít nhân sự. Mặc dù chế độ độc tài có thêm chút lợi nhuận hay bị yếu đi một chút vì sự tiếp tay hay tẩy chay của thế giới, nhưng sự sống còn của họ tùy thuộc chính vào những yếu tố trong nước. Tuy vậy, áp lực quốc tế vẫn có thể rất hữu dụng khi đã có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước. Khi đó, những biện pháp như thế giới tẩy chay kinh tế, cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao, trục xuất khỏi các tổ chức quốc tế, lên án tại các cơ quan Liên Hiệp Quốc, v.v. sẽ góp phần trợ giúp rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước thì khó lòng vận động được thế giới làm những hành động trên.