05 tháng 1, 2006

Trường Khiếu Nhất Thanh (CT20)

Thạch Hãn

Thế kỷ 20 là một thế kỷ bất hạnh cho nhiều quốc gia. Trong đó có Việt Nam. Tùy góc nhìn để lượng giá một thế kỷ. Nhưng góc nào cũng phải thấy có hai quốc gia từng đầu hàng trong thế chiến thứ hai lại đang đứng hàng đầu về kỹ thuật và kinh tế của Âu châu và Á châu. Ngược lại, có đứa "chiến thắng", cả kẻ từng thắng trọn hai thế chiến, vẫn lẽo đẽo đội sổ trên bảng sắp hạng kinh tế thế giới. Chỉ vì đám lãnh đạo đã lỡ đội đầu và bắt dân gánh gồng một thứ chủ nghĩa mộng mị đầy bất trắc.

Sau nửa thế kỷ trắng xương ngập máu, đất nước vẫn phôi thai. Thực dân rồi cũng lui. Cộng sản vời chưa tới. Bầy lãnh đạo đã thành tư bản đỏ. Nhưng, cơm áo vẫn là nỗi lo toan canh cánh. Hạnh phúc vẫn là niềm mơ ước mong manh, của toàn dân. Nỗi đau thực tiễn là miếng ăn cái mặc. Cho những vợ góa. Cho những trẻ thơ. Cho những mẹ già trắng mắt tím gan vẫn còn tìm con chết vùi thây đâu đó trên Trường Sơn xẻ dọc.

Nửa thế kỷ đưa nhân loại vào cuộc cách mạng tin học chưa thể gọi là dài. Nhưng, nửa thế kỷ dìm cả dân tộc trong lạc hậu đói nghèo không thể cho là ngắn.

Nỗi đau tâm linh là khi có lũ văn nô nắn nót viết hoa chữ Người dành riêng cho lãnh tụ thì đồng thời cũng dồn sức xóa tan tính tình người, ở chính mình và ở mấy chục triệu dân: Xăng quý hơn máu. Súng quý hơn người. Chông mìn quý hơn tuổi trẻ. Khẩu hiệu quý hơn chất xám. Hận thù quý hơn tình yêu. Và sau cùng, Đô-la quý hơn tương lai đất nước... Hệ quả là từ đảng tính cong gối cúi đầu, chuyển ra ngoài thành bạo lực trấn áp, phản ứng xã hội đã đưa con người Việt Nam đi qua tiến trình hóa đá. Chỉ còn sâu trong lòng nỗi cay đắng dày vò đã trót làm nạn nhân của một đám lưu manh đứng đầu lịch sử.

Cả đến khi vách sắt thành đồng Liên Xô tan rã, gánh hát trung ương vẫn ư ử mớ tuồng tích cũ xưa nhạt thếch rỗng tuênh. Không ai không thấy cảnh mồ côi đột xuất của đảng. Cả tư tưởng lẫn ngoại tệ. Cả quân viện lẫn kinh viện. Cả ảo vọng lẫn viễn mơ. "Đường Kách Mệnh" dẫn vào lối cụt. Đành xoay ngang kinh tế thị trường. Thẻ tre đánh vang xóm vắng. Rao tiếng Quan Thoại, Quảng Đông. Cảnh chợ ế không dấu được ai. Đã vậy làm sao diễn mãi trò Sơn Đông thuốc dán? Lấy gì mại-dô mớ văn hóa-tư tưởng lưu manh?

Tuổi trẻ thời trước, nay đều đã lớn. Có quay mắt nhìn lại quá khứ khói nhang chủ nghĩa cũng chẳng thấy gì ngoài một chuỗi thê lương, ngoài nỗi xót xa một thời nghe lệnh đảng mà cõng đạn, tải thương, thồ gạo, chèn pháo, lấy thân lấp lỗ châu mai. Tuổi thơ không có. Tuổi xanh đã tàn. Tuổi đời gần cạn. Mọi hy sinh đều vô nghĩa. Mong nắng gặp mưa. Đợi ngày được tối. Đất nước điêu tàn. Nhân dân ly tán. Mọi khát vọng vẫn là chiêu bài huyền thoại. May đến cuối đời còn cơ hội nhận ra: Đảng không có khả năng gì ngoài gây chiến và phá hoại. Lãnh đạo thi đua vơ vét tài nguyên, kêu gọi nhân dân thi đua chắt chiu đóng góp, trải thảm đỏ đón rước cựu thù đầy đô-la, lại còn treo bảng "diễn biến hòa bình" trên nòng súng để đàn áp nhân dân cùng khổ. Liếm gót giày doanh nhân nước ngoài, quay ngoắc lại dí roi điện vào đám công nhân đình công cố gào thêm gạo.

Không thể nào đêm năm canh kéo dài thành thế kỷ. Tất cả phải đổi khác. Bắt đầu từ con người. Bắt đầu từ suy nghĩ. Không thể nào chấp nhận một cái đầu nghĩ cho triệu cái đầu. Không thề nào chấp nhận thứ chủ nghĩa ngoại lai làm khổ nhân dân. Không thể nào chấp nhận bất hạnh kéo dài triền miên năm gà sang năm chó. Bất hạnh đến từ đảng phải chấm dứt ở đảng.

Rõ ràng, những xả thân một thời vẫn tưởng là hy sinh như đảng từng dán nhãn, nhìn lại, hóa ra là toa rập cùng đảng để bủa giáng bất hạnh lên hàng chục triệu đồng bào. Rõ ràng, có quay phía nào, những dằn vặt vẫn xâu xé nát lòng và trách nhiệm vẫn lung linh trước mặt.

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư ...
(Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời) (*)

Rõ ràng, Tiếng Nói Của Lương Tri đã gào vượt tầng xanh. Nối tiếp, hành động của lương tri đã vung cuốc xẻng liên kết thành nhiều "vùng nóng". Từ Kim Nỗ, Thọ Đà, Thái Bình, Xuân Lộc tới Cao Lãnh, Nguyệt Biều.... Từ cáo trạng Thủy Cung tới hàng núi đơn khiếu kiện. Từ Linh Trung qua Sóng Thần. Từ Phú Yên ra Phú Thọ. Phải tăng lương tối thiểu. Phải trả đúng tỷ giá. Phải tôn trọng nhân phẩm người lao động... Đảng đã chui ống đồng bằng những bước lùi chiến thuật. Ngần ấy không thể gọi là đủ. Bấy nhiêu không thể để cho qua. Người người đều biết rõ nguyên ủy của bất hạnh không phải chỉ cán bộ hay công đoàn, mà chính là cái đảng nô dịch và chế độ phi nhân này.

Nhìn ra mục tiêu đã là điều quan trọng. Quan trọng không kém là niềm tin sẽ đạt được mục tiêu. Quan trọng hàng đầu vẫn là liên kết mọi nỗ lực, từ trong ra ngoài, cả Nam lẫn Bắc.

Hãy gõ sẽ mở. Hãy đòi sẽ có.
Thái Bình vẫn ngún than. Nguyệt Biều còn bừng ngọn. Linh Trung đã phất cờ. Sóng Thần đang tung hứng. Mỗi nơi, mỗi người, hãy cùng nhau nổi lửa, góp gió.

Hãy làm chủ lấy mình. Hãy dồn đảng vào sâu hơn những bước lùi chiến lược. Hãy ôm lấy năm mới bằng nắm tay chấm dứt mọi bất hạnh Việt Nam, cho chính mình và con cháu về sau.

21 này là thế kỷ của chúng ta.

(*) thơ Hán: Dương Không Lộ, bản dịch: Kiều Thu Hoạch.

Phải Đòi Mới Có! (CT20)

Dương Nguyên Quyền


Năm 2005 hạ cánh bằng một sự kiện rúng động cả nước: Công nhân ở hai khu chế xuất Linh Trung và Sóng Thần đã đình công tự phát ở qui mô tầm lớn để phản đối chế độ bóc lột của giới chủ nhân người nước ngoài thông qua sự tiếp tay của nhà nước. Riêng tại Cty Freetrend Indus, số công nhân tham gia đình công đã lên tới hai vạn người, sau đó còn kéo theo sự tham gia của công nhân ở nhiều xí nghiệp khác trong khu vực. Tính tới chiều ngày 4.1.2006, tổng số công nhân đồng loạt đình công của 11 doanh nghiệp có vốn của người nước ngoài tại Thành Phố đã lên tới 3 vạn người. Dư luận cả nước không chỉ quan tâm đến mức độ tham gia của công nhân trong cuộc đình công tầm cỡ này, mà còn lưu ý nhiều về nhịp độ đình công ngày càng nhặt.


Rõ ràng là "ở đâu có áp bức, ở đó tất có đấu tranh", và đây chỉ là đỉnh điểm của ngọn triều uất ức. Thực tiễn cho thấy là nhịp độ leo thang đã xảy ra từ lâu. Hội thảo cuối năm 2004 do Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH tổ chức đã đưa ra số liệu: "Trước đây trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 150 cuộc đình công. Vậy mà năm 2004, riêng Thành Phố và 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã có 150 vụ".

Bước vào năm 2005, hầu như không tháng nào thiếu tin về những cuộc đình công lớn nhỏ. Nếu tính theo lượt công nhân đình công (trải qua nhiều ngày mỗi lần) thì tổng số đã vượt quá 20 vạn, tức tương đương với số người tham dự mít-tinh ở Leningrad năm 1991!

Về địa bàn, số Cty bị đình công ở mặt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất, trải rộng từ Bà Rịa-VT xuống tới Cần Thơ. Điểm tập trung là Sài Gòn, Đồng Nai và Bình Dương. Miền Trung có Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Miền Bắc có Hải Phòng, Phú Thọ và Hà Nội. Nói chung, đó là các thủ đô công nghiệp của ta.

Về thành phần xí nghiệp, ngoại trừ một số rất nhỏ những Cty dịch vụ trong nước, hầu hết đều là những Cty có 100% vốn đầu tư của người nước ngoài, thường được gọi tắt là Cty FDI. Đại đa phần là các Cty sản xuất hàng may mặc, túi xách, giày thể thao và các mặt hàng xuất khẩu (cá da trơn, dừa khô, đường, rau sạch, hàng thêu, đồ nhựa, đồ gỗ...).

Về lý do đình công, lương bổng chiếm phần trăm cao nhất (trả lương quá thấp, tính theo tỉ giá xưa cũ, nợ lương, quịt lương, thất hứa về quyền lợi công nhân...); kế đó là lý do bóc lột lao động (tăng ca không lương, phạt trừ lương, giảm ngày nghỉ, cấm nghỉ bệnh, cắt giờ nghỉ giữa ca, bữa ăn kém, hạn chế giờ vệ sinh...); hành xử trái luật định (cắt hợp đồng, hạ giá công, lường gạt, hăm dọa người đình công, đuổi việc vì đình công...); hành xử mất nhân phẩm (mắng chửi đánh đập công nhân...).

Sau đây là bảng thống kê:





Những lý do đình công vì lương bổng, vì bóc lột lao động, vi phạm lao động ... chỉ là những lý do nằm trên mặt nổi của tảng băng bất mãn. Cơn sóng ngầm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa hơn, chính yếu có thể kể đến các hình thức tiếp tay của nhà nước đối với giới chủ nhân người nước ngoài:


1. Tiếp tay về giá lương: Quy định mức lương 626.000VNđồng/tháng (tương đương với 45USD/tháng theo tỉ giá hối đoái 13.000VNđồng/1USD từ năm 1999) vẫn được duy trì cho đến nay (15.890VNđồng/1USD). Giới chủ nhân cứ dựa vào tỉ giá cũ đó để xén lương công nhân so với thời giá của đồng USD. Nhà nước cũng không màng đến tỉ lệ phần trăm tăng lương cho công nhân mà giới đầu tư nước ngoài cam kết. Trong khi mức lạm phát từ năm 1999 đến nay (7-8% một năm) đã khiến giá sinh hoạt vượt quá sức chịu đựng của giai cấp công nhân. Cán bộ nhà nước đã làm giàu bằng phong bì của giới chủ nhân người nước ngoài nên đã bảo vệ dung túng cho họ, nhân danh sứ mệnh ổn định mức độ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và nhân danh bảo vệ chỉ số tăng trưởng kinh tế.

2. Tiếp tay về mặt sinh hoạt công đoàn: Cán bộ công đoàn trở thành cánh tay nối dài của giới chủ nhân ngay tại xí nghiệp. Ông Ngô Văn Tuế, Trưởng ban Kinh tế chính sách LĐLĐHN thẳng thắn nhận định: "Nhìn lại các cuộc đình công, một số chủ tịch CĐ còn lảng tránh trách nhiệm, không dám đấu tranh, bỏ rơi người LĐ. Có nơi tổ chức CĐ lập ra chỉ mang tính hình thức, nếu có hoạt động thì cũng do sự áp đặt của bên sử dụng LĐ. Do vậy, khi có tranh chấp LĐ, người LĐ ít tìm gặp cán bộ CĐ mà thường vận động nhau đấu tranh tự phát...". Công đoàn chẳng những không bảo vệ công nhân, mà còn ngược lại giáo dục công nhân về "hệ quả đình công", lắm khi bằng cả hình thức hăm dọa. Tức là đã bắc thang cho sự ngang ngược của giới chủ nhân: "Bác bỏ hết những kiến nghị của người lao động; đuổi thẳng những 'kẻ' cứng đầu, cứng cổ dám đưa đơn kiến nghị; dọa dẫm họ với 'tội' danh 'phá hoại sản xuất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp'...". Công đoàn có tên mới là "tập đoàn ăn theo", từ đó.

3. Tiếp tay về vai trò của hội đồng hòa giải: "Cần cải thiện cơ chế bằng cách bãi bỏ hội đồng hòa giải cơ sở và hội đồng trọng tài lao động vì nó chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn gây hại, bởi nếu chủ doanh nghiệp chấp nhận hòa giải thành, nhưng không thực hiện thì không ai có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện cam kết, trong khi người lao động bị mất quyền khởi kiện ra tòa". Đó là lời phát biểu đồng tình của ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai.

4. Tiếp tay về mặt áp chế công nhân đình công: Công an địa phương được chỉ thị giải tán các cuộc đình công, nhân danh gìn giữ "trật tự địa phương". Ngay tại Cty Freetrend: "Cảnh sát 113, Công an quận Thủ Đức đã kịp thời xuống hiện trường can thiệp và thiết lập lại ổn định". Theo báo Thanh Niên: Khi cuộc đình công này lan rộng ra với sự tham gia của công nhân 13 Cty khác, thì "lực lượng Thanh niên Xung phong, đoàn viên Thanh niên Cộng sản, Công an Thành Phố, Công an huyện Thủ Đức, Công an tỉnh Bình Dương, Cán bộ Công đoàn, Cán bộ Liên đoàn Lao động....đã bủa ra khắp mọi nẻo đường nhằm tìm cách phát hiện sớm các vụ đình công". Chủ tịch LĐLĐ Thành phố, ông Nguyễn Huy Cận, cho biết "công đoàn luôn luôn ủng hộ sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp và đã tăng cường cán bộ cho các khu chế xuất-khu công nghiệp để ngăn chận mọi cuộc đình công". Còn Đại tá Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Công an Thành Phố, khẳng định "sẽ xử lý những người kêu gọi đình công, chấn chỉnh để không xảy ra những tình trạng tương tự". Tại Cty TNHH Rau Nhà Xanh, ngày 20.7, "trong lúc hàng trăm CN đang đứng đình công ngay trước cổng nhà máy thì một số người 'chức sắc' đã dùng điện dí vào cánh cổng sắt, còn một số người khác thì dùng dầu nhớt tạt vào đám đông". Có phải đó là đối sách triệt để của nhà nước nhằm lấy lòng doanh nhân nước ngoài, sau khi ông Chen San Lin, Trưởng Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Thành Phố, ra công văn số 021/2005 gửi Chủ tịch UBND Thành Phố, nội dung nêu 4 điểm "phê phán các cơ quan chức năng đã dung túng cho cuộc đình công tại Cty TNHH giày Huê Phong xảy ra hôm 3.6.2005" ?

5. Tiếp tay về mặt luật pháp: Theo báo Lao Động, trong buổi hội nghị giữa Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình với đại diện LĐLĐ các tỉnh phía Nam để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Pháp lệnh Đình công và thủ tục giải quyết các cuộc đình công, đã "có nhiều người quan niệm rằng: Cần phải hạn chế Đình công, hoặc phải phòng ngừa Đình công"! Quái đản nhất là những phân tích của Phó Chủ tịch LĐLĐ Mai Đức Chính: "Về mặt lý luận thì đình công chỉ xảy ra khi tập thể người lao động đấu tranh đòi 'lợi ích', nhưng thực tế trên 900 cuộc đình công vừa qua phần lớn do NLĐ bị xâm hại về 'quyền'.... Do đó cả 900 cuộc đình công thực chất chỉ là biểu hiện bề ngoài của tranh chấp cá nhân chứ không phải tập thể, nhưng nó liên quan tới nhiều người lao động và xảy ra tại cùng thời điểm, ở cùng địa điểm, với cùng nội dung, nên ta cho đó là đình công. Thế rồi ta vô tình khoác cho nó những cái liên quan đến tranh chấp lao động tập thể". Có nghĩa rằng nếu không do công đoàn tổ chức thì đó chỉ là những tranh chấp cá nhân, bất kể số người tham gia! Hóa ra là cái gốc của cách diễn giải quái đản này bắt nguồn từ ...luật: Theo khoản 3 điều 19 Pháp lệnh Thủ tục Giải quyết các Tranh chấp Lao động thì "một dấu hiệu đặc trưng về mặt hình thức của tranh chấp lao động tập thể dẫn tới đình công là phải có sự tham gia của Công đoàn với tư cách đại diện tập thể người lao động đấu tranh với người sử dụng lao động để đòi lợi ích tập thể" !!! Với vai trò tay sai của Công đoàn như vừa đề cập ở đoạn có đánh số (2.) bên trên, thì phải chăng đó là cách làm luật và diễn luật của giới chức quyền vừa có lương vừa có lậu, đối với giai cấp công nhân chỉ đổi mồ hôi chạy gạo qua bữa từng ngày? Thẳng thắn và có tính thuyết phục hơn, ông Lê Thanh Khương, Trưởng ban Pháp luật Tổng liên đoàn cho rằng: "Trên 900 cuộc đình công vừa qua tuy không đúng trình tự luật định, nhưng hầu hết kiến nghị của người lao động đều hợp pháp và chính đáng. Từ đó cho thấy những chế định về đình công và giải quyết đình công hiện hành đang nặng về hướng đảm bảo yêu cầu của trật tự quản lý hơn là đảm bảo quyền đình công của người lao động".

6. Tiếp tay về mặt chính sách: Bà Cù Thị Hậu, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá IX) vào ngày 5.1.2006 tại Hà Nội, đã thông qua 7 nhiệm vụ hoạt động Công Đoàn năm 2006. Hàng đầu là: "1-Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ". Hai hàng cuối là: "6-Mở rộng các hoạt động đối ngoại của CĐVN" và "7-Tăng cường công tác tài chính, kinh tế CĐ". Nói cách khác, công nhân đừng làm mích lòng người nước ngoài, còn công đoàn sẽ chăm lo kiếm tiền. Trong lúc đó, bên công an sẽ sáng tác ra thêm một số "động cơ" đàng sau các cuộc đình công gồm cả "Bọn xấu" lẫn "Phản động", để lấy cớ đàn áp chính những công nhân làm ra của cải xã hội và giữ được chỉ số tăng trưởng kinh tế cho cả nước.

Qua sáu hình thức tiếp tay của nhà nước đối với giới chủ nhân người nước ngoài vừa tạm liệt kê, liệu là người lao động nghèo khó ở VN còn trông chờ được gì từ nhà nước hay từ những đại hội thường kỳ với giữa kỳ? Đã đành là niềm tin đã mất, mà bát mồ hôi cũng không thể đổi lấy bát cơm, trong lúc miệng bị bịt kín, bảo sao cánh tay đừng vung lên? Chỉ vào lúc đó, giới chủ nhân mới tương nhượng, nhà nước mới rụt cổ chùn tay, và người lao động VN mới được hưởng phần nào quyền lợi xứng đáng với công lao mà họ đã can đảm đòi hỏi bằng tiếng nói chung thông qua sức mạnh liên kết tập thể.

Có người bảo rằng có thể coi những cuộc đình công qui mô này là một thách đố giữa người lao động với chính quyền chứ không chỉ với chủ nhân xí nghiệp. Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 6.1.2006 quy định mức lương tối thiểu đối với LĐ Việt Nam làm việc cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (870.000$/790.000$/710.000$) chính là một minh chứng. Điều mà mọi người thấy rõ là người lao động tranh đấu có kết quả ngay trước mắt, và biết chắc rằng vụ việc xảy ra tại Cty Freetrend Indus này không phải là lần đầu, ắt hẳn cũng không phải là lần cuối, ngày nào mà nhà nước vẫn còn ôm chân giới chủ nhân người nước ngoài. Tình hình có tiếp tục diễn biến phức tạp cũng là lẽ tất yếu. Bởi vẫn còn đó tình trạng nợ lương, đe dọa và hành hung nhân viên. Đặc biệt là trong dịp Tết truyền thống đang tiến dần đến ngưỡng và người lao động cần về quê xum họp với gia đình, mà ngoài đường xe tàu đang thiếu, còn trong xí nghiệp thì chủ nhân với công đoàn tranh nhau dọa nạt. Rồi sau đó là sự kéo dài động lượng thắng lợi của người lao động trong năm 2005.

Thắt lại, qua các cuộc đình công thắng lợi vừa kể, người lao động VN đã rút tỉa được điều gì?

Lấy sức mình làm chính! Không chờ nhà nước tổ chức hay cho phép! Phải tự liên hiệp lại hầu tạo sức mạnh liên đới để đòi cho kỳ được Công bằng và Lẽ phải! Phải Đòi Mới Có!

Nguyên Nhân Những Cuộc Đình Công Khổng Lồ Vừa Qua (CT20)

Trần Tường

Những cuộc đình công hồi cuối năm 2005, đầu năm 2006 vừa qua đã khiến đảng và nhà nước ta vô cùng hốt hoảng. Tuy phần nào bị bưng bít thông tin, nhưng người ta cũng biết là các cuộc đình công xẩy ra tại các khu công nghiệp vùng Sài Gòn và Bình Dương đã quy tụ trên 60.000 anh chị em công nhân làm việc tại các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc, còn gọi là FDI. Mặc dù chính quyền đã huy động công an, thanh niên xung phong, các loại bảo vệ... để tìm cách dập tắt các cuộc tranh chấp lao động này, nhưng công nhân đã bất chấp, đồng loạt đình công. Cuối cùng thì đảng và tư bản nước ngoài đã phải chung đầu tính kế hoãn binh, thỏa mãn phần nào yêu sách của người lao động.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đình công là lương bổng quá thấp, không đủ sống. Từ nhiều năm nay, để có những con số tăng trưởng kinh tế, để có lợi nhuận bỏ túi, nhà nước đã chủ trương mời gọi và ưu đãi đầu tư nước ngoài. Mồi câu vốn nước ngoài là Việt Nam có công nhân rẻ. Họ đã sửa nhiều lần luật lao động, đầu tư để hạ mức lương tối thiểu từ năm 1999 từ 50 đô la Mỹ còn là 35 đến 45 đô la một tháng. Hiện nay, trên thị trường 1 đô la ăn 15.906đ; nhưng lương tính bằng đô la quy ra đồng vẫn chỉ được hưởng hối suất 13.910, tức hối suất của năm 1999. Sai biệt đến 2.000 đồng một đô la. Nếu lương là 45 đô la thì công nhân thiệt mỗi tháng 90.000. Nhân lên với hàng trăm ngàn công nhân thì sẽ thấy con số khổng lồ. Tiền này chui vào túi ai ? Nhưng sở dĩ lương bổng trở nên bức xúc đến độ công nhân phải đình công đòi hỏi là không những hối suất bất hợp lý mà từ 1999 đến nay vật giá đã gia tăng 28%. Với số lương hàng tháng 45 đô la quy ra tiền Việt Nam theo hối suất 13.910 được khoảng hơn 600.000 đồng. Với vật giá hiện nay phải trừ đi hơn 1/4 vì vật giá gia tăng, người công nhân chỉ còn trong tay khoảng 450.000 đồng. Đúng như lời một nữ công nhân đã nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ: "Bạn em bảo mày đi làm cho ngoại quốc gì mà không bằng tao bán vé số!". Trả lương rẻ mạt như vậy mà nhiều chủ doanh nghiệp còn thiếu lương công nhân nhiều tháng. Vì sợ mất lòng tư bản nước ngoài, đảng và nhà nước không dám can thiệp để đòi tăng lương cho công nhân. Cộng sản đã hy sinh quyền lợi công nhân cho quyền lợi tư bản.

Nguyên nhân thứ nhì khiến công nhân đình công ồ ạt là điều kiện lao động không ai chịu nổi. Điều làm công nhân bất mãn ngoài lương bổng là chế độ làm việc. Để có thể tăng mức sản xuất với lương rẻ, và không phải thuê thêm công nhân, tư bản chủ nhân đã bắt công nhân phải tăng giờ làm việc, mà công nhân gọi là "tăng ca". Vì lương ít, nên muốn kiếm thêm lợi tức, một số công nhân tình nguyện làm thêm giờ. Nhưng tại nhiều doanh nghiệp ngoại quốc, chủ nhân đã bắt buộc công nhân phải tăng ca. Có người đã phải lao động 15 giờ một ngày. Trên nguyên tắc thì giờ làm thêm phải được tính gấp đôi. Nhưng phụ cấp tăng ca nhiều khi bị chủ quịt luôn. Đã thế, cường độ lao động tại các doanh nghiệp này rất cao. Công nhân đi trể bị phạt tiền, đi vệ sinh cũng bị phạt. Làm việc quá sức, lại tăng ca, thêm giờ, ăn uống trong doanh nghiệp không đủ dinh dưỡng đã khiến cho sức khỏe công nhân ngày càng suy kiệt. Tờ Thanh niên viết về một nữ công nhân quê ở Long An như sau: "Hòa kể lúc mới lên thành phố cô nặng 47kg, nhưng bây giờ cân cả giày dép mới tròn nổi 40kg. Bạn bè cô ai cũng sụt ký với đủ thứ bệnh tật ho hen triền miên". Đã thế, bảo hiểm sức khỏe đã bị chính quyền và tư bản phớt lờ. Lương ít, ăn uống không đủ, lao động kiệt sức, công nhân đau ốm không được điều trị. Một nữ công nhân than: "đã nghèo thì đừng có bệnh hoạn, tiền đâu để mua thuốc". Đây đúng là một sự bóc lột sức lao động một cách trắng trợn.

Nguyên nhân thứ ba đưa đến đình công là sự chà đạp nhân phẩm người công nhân bởi bọn chủ hay đốc công ngoại quốc và bọn cai công đoàn. Như báo trong luồng của đảng đã thú nhận: "Thực tế, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp đã ít lại mang tính hình thức, thậm chí bị vô hiệu hóa hoặc biến thành “cái đuôi” của chủ doanh nghiệp...". Có thể nói, công nhân phải tự phát đình công để tranh đấu cho quyền lợi của mình vì thấy rõ ràng mình đã bị phản bội bởi chính quyền và bởi công đoàn là cơ quan đáng lẽ phải bênh vực quyền lợi họ. Thật ra công đoàn là của đảng, của nhà nước và phải ủng hộ chủ trương của đảng. Chỉ vì sợ những cuộc đình công của 60.000 công nhân lan rộng mà nhà nước đã phải can thiệp. Công nhân phải có công đoàn độc lập do chính công nhân bầu ra thì mới giải quyết được vấn đề bóc lột bởi tư bản nước ngoài. Hiện nay đảng và nhà nước ta đã đầu hàng tư bản nước ngoài.

Lửa Của Trung Quốc (CT20)

Lỗ Tấn

Lửa của người Hy Lạp dùng, nghe nói từ trước kia, Pơrômêtê ăn trộm trên trời xuống cho, nhưng lửa của Trung Quốc thì không phải như thế, mà do họ Toại Nhân tự phát hiện, hoặc giả phải nói là phát minh. Vì không phải là kẻ trộm, nên tránh khỏi nạn bị xiềng trên đỉnh núi cao cho chim ưng moi ruột, có điều lại không được truyền tụng, sùng bái như Pơrômêtê.

Trung Quốc cũng có Thần Hỏa. Nhưng vị đó không phải họ Toại Nhân, mà là ông nào đó, không ai biết ở đâu ra, tùy ý châm lửa đốt bừa.

Từ khi họ Toại Nhân phát hiện hoặc phát minh ra lửa, thì có được những món ăn nấu chín. Ban đêm thắp đèn lên, cũng có thể làm việc được. Nhưng, đúng như nhà triết học xưa, nói, "có một điều lợi tất có một điều hại", đồng thời với lửa nấu ăn thì có nạn cháy nhà, và những nhân vật ghê gớm cố ý châm lửa đốt cái tổ do Hữu Sào phát minh, cũng xuất hiện.

Họ Toại Nhân hiền lành thì quên đi là phải. Nếu ăn không tiêu thì lúc đó thuộc lãnh vực họ Thần Nông rồi, cho nên đến nay họ Thần Nông vẫn được nhớ đến. Còn như cháy nhà, tuy không rõ người phát minh là ai, nhưng nhất định là có tổ sư, thế là không có cách nào khác, đành phải nói mơ hồ là Thần Hỏa để mà tỏ lòng kính sợ. Xem tượng ông ta thì mặt đỏ, râu đỏ, có điều lúc làm lễ, kiêng không dùng vật gì màu đỏ. Có lẽ ông ta giống con bò Tây Ban Nha, hễ thấy màu đỏ là hăng tiết lên, và có những hành động dễ sợ.

Do đó mà ông ta được thờ. Ở Trung Quốc, những vị ác thần như thế còn nhiều lắm.

Nhưng, trên đời tựa hồ có họ mới thành chuyện. Trong hội hè đình đám, cũng chỉ có Thần Hỏa, chứ không có Toại Nhân. Nếu có cháy nhà, thì người có nhà cháy và người lân cận nhà không cháy, cũng đều cúng Thần Hỏa để tạ ơn, mặc dù không khỏi miễn cưỡng ít nhiều, nhưng không cúng, nghe nói lần sau có thể cháy nữa, nên tạ ơn cho yên chuyện. Vả lại, cũng không phải chỉ đối với Thần Hỏa, mà đối với người, có lúc cũng làm như thế. Tôi nghĩ, có lẽ đó cũng là một thứ lễ nghi chăng?

Thật ra, đốt nhà thì dễ sợ lắm, nhưng so với nấu cơm, có lẽ thú hơn nhiều. Ở nước ngoài thế nào, tôi không rõ, nếu ở Trung Quốc, thì tra cứu lịch sử, cũng không tìm ra được truyện của người nấu cơm và người thắp đèn. Trong xã hội, những người nấu cơm khéo, thắp đèn khéo thế nào đi nữa, cũng không có hy vọng trở thành danh nhân, nhưng Tần Thủy Hoàng đốt sách thì đến nay vẫn nghiễm nhiên là danh nhân, lại còn làm gương cho Hítle nữa. Giả thử vợ Hítle, khéo bấm nút đèn điện, nướng bánh mì, muốn tìm một cái gương như thế trong lịch sử, có lẽ khó lắm. Nhưng may mà việc như thế không thể làm náo động một thời được.

Đốt nhà, theo bút ký của người đời Tống, thì bắt đầu có từ người Mông Cổ. Bởi vì họ ở lều vải, không biết ở nhà, cho nên đọc đường gặp là đốt. Nhưng đó là nói láo. Người Mông Cổ không biết chữ Hán, nên không đính chính. Thật ra, cuối đời Tần có một danh nhân đốt nhà là Hạng Võ. Ông ta đốt cung A Phòng, thế là nổi tiếng khắp thiên hạ, đến nay vẫn xuất hiện trên sân khấu, ngay ở Nhật Bản mà cũng truyền tụng. Nhưng những con người hàng ngày thắp đèn trong cung A Phòng, khi cung này chưa bị đốt, thì có ai biết tên họ là gì đâu?

Bây giờ thì người ta đã làm ra nào là bom nổ, bom cháy các thứ, tàu bay cũng lại rất tiến bộ, nếu muốn làm danh nhân thì càng dễ. Vả lại, nếu đốt nhà thì, so với trước có thể đốt to hơn, thế là người đó cũng càng được tôn kính. Đứng xa nhìn giống như một Đấng cứu thế, mà ánh lửa đó thì làm cho người ta tưởng là ánh hào quang.

Lời bàn của Mao Tôn Chương: Lỗ Tấn viết thiên tiểu luận này vào tháng 3 năm 1934. Tiên tri cho cả một giai đoạn phá sản nhiều thập niên dài sau đó ở Trung Quốc. Cho cả vụ việc xảy ra ở phía nam Trung Quốc: có người mơ thành danh nhân bằng chủ trương đốt nám cả một rặng núi dài và nướng hàng triệu dân trong lửa chiến tranh, rồi sau đó đốt sách như vua Tần đã làm. Tất nhiên, chỉ là danh nhân được thờ trong đảng. Điểm khác biệt thời nay là người ta đã nhìn ra tội ác đốt nhà và biết cách phòng chống nạn đốt nhà. Còn những người nấu cơm ngon và thắp đèn sáng, thì cho dù không được đời biết tên, họ vẫn tiếp tục âm thầm nấu cơm và thắp đèn. Thậm chí còn tích cực rao truyền cho mọi người nấu cơm cho ngon hơn và thắp đèn cho sáng hơn. Thế kỷ 21 không phải là thời của những Thần Hỏa mơ hồ và độc ác.

Đáng Ngẫm:
Chúng tôi mong muốn Hòa Bình nên chẳng hề sử dụng đến bạo lực. Chúng tôi khao khát Công Lý nên chúng tôi đã kiên trì đấu tranh cho quyền sống của con người. Dân tộc chúng tôi không chọn bạo động, không chọn đổ máu. Vì tự do của chúng tôi không thể bị tước đoạt, nên chúng tôi phản đối việc giam giữ các tù nhân lương tâm chỉ vì sự xác tín của họ. Cổng nhà tù phải mở rộng để phóng thích các tù nhân chính trị đấu tranh cho các quyền dân sự và nghiệp đoàn. Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm của chúng tôi sẽ không bị ô nhiễm bởi lòng căm hờn và sự thù hận.

(LECH WALESA, Tù Nhân Lương Tâm tại Ba Lan, 1983)

Ánh Sáng Cuộc Sống (CT20)

Thanh Bình

Trong bóng đêm chuyên chế bao trùm lên 82 triệu đồng bào Việt Nam, đang vào những giờ khắc báo hiệu sự tàn lụi của chế độ độc đảng và cả cái tập đoàn quyền lực bệnh hoạn sắp đến ngày bị phán xét cuối cùng; Trong sự phục tùng tiêu cực đó đã nảy sinh càng ngày càng nhiều trí thức, nhân sỹ dám đứng lên đương đầu với chế độ. Họ là những người có lương tri và trí tuệ. Họ dám hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để hướng đến một nền dân chủ văn minh và tiến bộ của Việt Nam trong tương lai. Mỗi một người đều có con đường đi tìm ánh sáng, sau đây là hình ảnh của một sinh viên trẻ tìm được đến con đường canh tân cuộc sống chính mình, góp phần xóa bỏ độc tài, canh tân môi trường xã hội.

Bóng hoàng hôn vàng xuộm hắt xuống vệt lúa trên cánh đồng ngoại ô. Đỉnh Tản Viên trở nên xanh ngắt vẽ lên nền trời thăm thẳm, bồng bềnh vài đám mây vô định; Cảnh vật êm đềm và thơ mộng là thế. Cậu sinh viên nghèo phờ phạc đạp xe rời xa thành phố xô bồ, nơi vào giờ này những dòng xe như đang chạy trốn thoát ra khỏi cái lồ ô khổng lồ của đô thị. Nơi đó tại những ngã ba ngã bảy, có những tên cảnh sát lừng lững và đen sạm đang múa may chiếc gậy trên tay. Cảm giác càng ngột ngạt và căng thẳng hiện lên trên nét mặt từng người. Những người nông dân vừa được đô thị hóa túa ra 5 cửa ô, đạp vội về với bóng đêm làng xóm sau một ngày mưu sinh vất vả. Trong số họ biết bao nhiêu người hôm nay chan cơm với nước mắt vì công an trật tự, theo nghị định 36/CP đã xô ngã họ, đạp đổ gánh hàng của họ hay ăn chặn của họ 50,000đ.


Làng quê. Nơi cậu sinh viên nghèo đã sinh ra và lớn lên trong sự êm đềm bởi những lũy tre từ ngàn xưa bao bọc lấy những dòng họ hiền lành và chất phác. Vậy mà giờ đây xóm làng không còn là xóm làng xưa nữa. Những cánh đồng xanh thẳm hôm nay vĩnh viễn bị vùi chôn bởi những phân xưởng, xí nghiệp từ những dự án béo bở của bàn tay nhân danh là đại diện “chủ sở hữu đất đai”. Chúng bắt ép nông dân bán đất với giá bèo bọt để rồi đem bán lại với cái giá bằng cả trăm lần mua. Xóm làng sống trong nháo nhác hoang mang. Thay bằng ruộng, họ cầm những đồng tiền mặt ít ỏi. Tiền tiêu đi không bao giờ còn nữa, người ta kéo nhau lên trung ương thưa kiện nhằm thỏa mãn một chút hy vọng, một chút bức xúc để mặc cả với chính quyền về giá đất. Nhưng tiền đã cầm, đất đã vào tay kẻ khác. Khi ruộng vườn vĩnh biệt nông dân là lúc mảnh đất thổ cư nơi chôn rau cắt rốn kế thừa từ đời này sang đời khác tiếp tục bị đe dọa. Anh em, cha con, chú cháu đòi chia nhau đất cát, giành giật nhau từng xăng-ti-met. Anh sinh viên nghèo không phải là nơi họ nhờ cậy vì anh cũng là một nạn nhân. Cuối cùng không dàn xếp được phải đưa nhau ra tòa. Mà tòa án thì giống như một con cáo qua đường trong truyện cổ của Lafonten. Nó dừng lại xoáy mắt và nhăn mũi để quan sát, hai con gấu không chia nổi miếng pho mát. Cứ thế, những người nông dân thấp cổ bé họng lần lượt đi hầu, hết tòa sơ thẩm, phúc thẩm lại đến giám đốc thẩm, miếng pho mát tan dần như chính mảnh đất cắm dùi của cha ông. Nền tư pháp mục ruỗng luôn coi “Bác Hồ” là lẽ phải cứ gặm nhấm dần những tấc đất thân yêu của họ.


Cậu sinh viên trẻ thao thức bao nhiêu đêm, dằn vặt với chính mình mà không cắt nghĩa được. Bao điều cậu đã được chứng kiến ở thành thị, nông thôn…Những điều xảy ra hôm qua, hôm nay và những ngày sau nữa khiến lòng cậu đau nhói. Nhưng cũng chính điều ấy đã thúc giục cậu bắt tay làm việc gì chứng minh cho một sự tốt đẹp trong tương lai cho cuộc sống này. Việc làm đó sẽ là cho cho trăm họ, cho nhân dân nhưng trước hết là cho gia đình và chính bản thân cậu nữa. Cậu sẽ phải là người nhóm lên những ngọn lửa của tự do và công lý, của dân chủ và ấm no. Khi gặp một luồng gió mới, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên, soi đường cho tương lai bước đến.


Rồi điều gì đến đã đến. Trong nhóm bạn chí thú cậu tìm được một người đồng chí. Người ấy đã bộc lộ nhiều tâm tư với cậu. Họ nói với nhau những chuyện thời sự trong nước và ngoài nước, về đấu tranh dân chủ, về ước vọng tự do và hình ảnh Việt Nam vững vàng một cõi trời nam. Cậu sẻ chia quan điểm và gặp gỡ nhau về những nhận định trong quá khứ và đồng thuận về những dự báo tương lai. Cậu sinh viên nghèo hiểu rằng người đồng sự đó chính là đầu mối để đưa cậu đến một luồng ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy ấp ủ cho những hạt mầm ngày hôm nay và sẽ trở thành mùa vàng thắng lợi của ngày mai. Thứ ánh sáng quyến rũ về một Việt Nam mới. Hình ảnh quần chúng hừng hực bước đi trong những cuộc biểu tình rầm rộ đòi tự do dân chủ đính thực cho mình. Hình ảnh nhân dân hăng hái đi bỏ phiếu để lựa chọn người thay mặt quốc gia. Hình ảnh nhân dân thực hiện cái quyền của con người mà tự nhiên đã thừa nhận và đã được ghi khắc vào trong các bản tuyên ngôn. Giờ đây loài người đã hiểu nhau bằng một chân lý hiển nhiên. Năm châu xích lại gần nhau và người ta giúp nhau đấu tranh chống lại bất công và độc tài cho dù nó xảy ra ở đâu, với xử sở nào, sắc tộc nào đi chăng nữa. Thế là cậu sinh viên đã được sống với chính mình và ngày đêm tận lực xây đắp cho quê hương một nền pháp quyền, thịnh trị.