05 tháng 5, 2005

Tham Nhũng Tại Việt Nam, Thực Trạng Và Giải Pháp (CT12)

Lệ Trân


Tham nhũng giống như một dịch bệnh, nó xuất hiện trong mọi xã hội và có sức tàn phá ghê gớm từ kinh tế, văn hóa, chính trị đến làm suy đồi đạo đức của bất cứ hệ thống chính trị nào. Điều khác nhau giữa các quốc gia là có giữ được dịch này dưới mức giới hạn và kiểm soát được chúng hay không. Lần theo lịch sử nước nhà, tham nhũng từng xuất hiện rất sớm, nó đã được phản ảnh qua các câu tục ngữ “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, hay thi hào Nguyễn Du đã từng có câu “Trong tay sẵn có đồng tiền, sẵn sàng đổi trắng thay đen khó gì”. Tuy nhiên chỉ có nước ta dưới sự lãnh đạo của đảng lấy chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ chí Minh làm kim chỉ nam trong quá trình phát triển thì vấn nạn mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tham nhũng, cả về qui mô lẫn mức độ, từ cấp lãnh đạo cao cấp nhất của đảng xuống đến các cấp cơ sở. Vậy tham nhũng là gì? Thực trạng và giải pháp cho vấn đề nan giải này ra sao?

Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về tham nhũng, như tham nhũng là sự tác động qua những quyết định không thông qua những cơ chế được xã hội chấp nhận để trực tiếp hay gián tiếp giành lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nào đó. Nhưng đơn giản và phổ biến nhất thì tham nhũng là một sự thiếu liêm chính hay không trung thực khi sử dụng vị trí được tin tưởng để đoạt lấy những lợi ích bất chính. Qua sự xác định này thì tham nhũng ở nước ta được biểu hiện vô cùng tinh vi và phức tạp qua các hành vi tham ô, hối lộ, bao che để cùng hưởng lợi. Hãy điểm qua một vài trong số những hiện trạng này từ những biểu hiện thô thiển đến các hành vi tinh xảo nhất, tham nhũng lan truyền trên những cán bộ cao cấp nhất đến và guồng máy của nó xuống tới người lao động trực tiếp trong xã hội.

Hiện trạng tham nhũng tại nước ta: Theo tờ “Vietnam Investment Review” số 699 ngày 7/3/2005 viết “Sự thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ được ước lượng 30% của đầu tư hạ tầng”. Thực tế sự mất mát còn lớn hơn nhiều so với con số chính thức được nêu và nó không chỉ nằm ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng, mà cả thượng tầng và mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Nếu nhìn lại những năm qua, đã có nhiều đơn thư dám mạnh dạn hơn trong việc tố giác những kẻ tham nhũng. Điểm qua một vài ví dụ trong số đó có lá thư ngỏ ký ngày 2/12/2001 do hai vị cách mạng lão thành là Trần Tuấn Hùng 78 tuổi với 52 năm tuổi đảng, ngụ tại phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng; và ông Nông Thế Đàm ngụ tại B4 phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Hai ông đã chỉ mặt, vạch tên những kẻ có chức, có quyền từng xem chính họ là pháp lý, bỏ công luận ra ngoài tai để thu lợi bất chính cho bản thân và gia đình họ. Trong những vụ đã được tác giả nêu nên, người dân nghĩ gì khi đất nước ta còn nghèo, thu nhập chính thức của người lao động (kể cả tổng bí thư, thủ tướng hay chủ tịch nước) còn rất thấp, với bình quân cho mỗi đầu người chỉ đạt xung quanh 500 đô la Mỹ một năm. Vậy tiền từ đâu mà các lãnh tụ và con cái họ lại trở thành các tỷ phú nếu không làm ăn bất chính. Chẳng hạn, vụ 16 tấn vàng của Ngân hàng Quốc gia Nam Việt Nam đã rơi vào tay của một số nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước trong những ngày đầu khi hai miền Nam-Bắc thống nhất. Trong số những người được hưởng lợi nhất của vụ này là Lê Ngọc Báu, con trai thứ năm của tổng bí thư Lê Duẩn vào thời điểm đó. Vợ Báu là Nguyễn Thị Nga và con trai là Lê Anh Tuấn có tiền để mua 40% giá trị cổ phần của sân golf Đồng Mỏ theo giá 60 tỷ đồng tương đương 4.2 triệu đô la Mỹ ở thời điểm đầu tư. Tên của họ đã được ghi trong danh sách những người chủ chính thức của các cổ phần. Báu là một cổ đông của ba siêu thị tại Sài Gòn, của ngân hàng Á Châu (The Bank of Asia) và một công ty vàng bạc đá quí. Vị nguyên thủ, tổng bí thư Đỗ Mười âm thầm nhận một triệu đô la từ một công ty Mỹ qua giám đốc của công ty Nam Hàn. Con rể ông tên là Phương cũng làm chủ khách sạn Bảo Sơn và công ty Taxi có tên Việt Phương Taxicab Co. tại Hà Nội. Nói đến vợ chồng thủ tướng Võ Văn Kiệt, người ta liên tưởng ngay đến vụ tham nhũng nhiều triệu đô la trong xây dựng công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam. Con trai ông là một trong những Mafioso tại Việt Nam trong đường dây nhập lậu ô tô vào trong nước, đã có lần chính đích thân thủ tướng phải can thiệp với lực lượng bảo vệ đường biển cho con trai trong vụ nhập lậu 200 ô tô vào Việt Nam. Bản thân cựu thủ tướng có tới 370 triệu đô la Mỹ trong các tài khoản của ngân hàng nước ngoài. Một Mafioso tiếp theo là con trai vị thủ tướng đương nhiệm, Phan Văn Khải. Anh ta thường nhập lậu một số lượng lớn ô tô cũ và buôn lậu chúng qua Trung Quốc và là nhân vật được một số nhà đầu tư nước ngoài tìm gặp cầu mong có sự tác động hầu thắng thầu. Đương nhiên việc “lại quả” đã đưa con trai thủ tướng chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành chủ một số khách sạn sang trọng tại Hà Nội và Sài Gòn. Lê Thị An đứng đầu lực lượng chống buôn lậu của phòng an ninh Hà Nội có tiền đầu tư 10 tỷ đồng (tương đương 700 ngàn đô la Mỹ cùng thời giá) vào sân golf Đồng Mỏ, là chủ của một khách sạn tại Hà Nội và một cửa hàng xe máy tại Gia Lâm, Hà Nội.

Vừa qua, vụ án Năm Cam với sự tham gia của không ít các cán bộ cao cấp của đảng và chính phủ. Một số được đưa ra ánh sáng, số đông hơn và có thế lực hơn vẫn còn nằm sau bức màn bí mật. Rồi các vụ tham nhũng lớn trong ngành may mặc của cha con ông thứ trưởng Mai Văn Dậu, trong ngành dầu khí, ngành hàng không, bưu chính viễn thông vv.. Ở ngành giáo dục, truyền thống xã hội Việt Nam rất tôn trọng những người có bằng cấp, nhưng dưới thời hiện tại, thông qua tham nhũng, tệ nạn dùng bằng cấp giả tràn lan. Ngay cả nhiều người giành được tấm bằng theo công sức của mình nhưng sau khi tốt nghiệp nếu không có tiền, thật khó để tìm được việc làm. Con em những kẻ có tiền, có quyền mới có khả năng để chạy bằng cấp giả và những “việc thơm”. Đến lượt nó, khi đã có vị trí tốt, những người này lại ra sức tìm mọi mánh lới để kiếm tiền bằng cách tham ô, để trước hết trả dứt món tiền “đầu tư” ban đầu. Cứ thế, xã hội tiếp tục bị lôi cuốn vào cơn lốc tham nhũng bất tận. Trong lãnh vực y tế, người dân lao động mỗi khi đi khám, chữa bệnh họ đều phải lo lót từ y tá đến bác sĩ. Việc này dẫn đến một số trường hợp không có tiền đút lót người mắc bệnh không dám đến bệnh viện, hoặc có đến thì phải chầu chực rất lâu. Việc đã trở thành như thông lệ cho các bà mẹ trước khi sinh bé, người mẹ tương lai này phải có một số tiền nhất định cầm tay hoặc giắt cạp quần sẵn sàng đưa riêng cho bà đỡ để cầu mong bớt rủi ro khi sinh nở. Gần đây nhất, phóng viên Lan Anh của tờ Tuổi Trẻ đã bị truy tố vì chị đã dám đụng vào ổ có ô dù làm ăn lớn. Để bảo vệ lợi ích trong đường dây, sự kiện Lan Anh bị bắt và truy tố là điều không thể tránh khỏi.

Trên đây chỉ là một số trong vô vàn những vụ động trời. Song nguyên nhân và giải pháp ra sao hầu nước ta thoát khỏi Quốc nạn trên? Cũng trên tờ “Vietnam Investment Review” vừa nói, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin: “Nhiều dự án gây lãng phí rất lớn, nhưng nó không dễ gì để phê phán những dự án này bởi vì nếu anh phê phán như vậy anh sẽ đụng đến những người ở cấp cao của ngành mà dự án thuộc về họ”. Đảng và chính phủ vừa là người đá bóng lại vừa là trọng tài thì câu chuyện trở thành “con kiến đi kiện củ khoai”. Nếu có vụ tham nhũng nghiêm trọng bức xúc thì đảng và chính phủ chỉ đơn giản làm ở mức tối thiểu để xoa dịu sự giận dữ của công chúng. Trong trường hợp cần thiết sẽ có một vài con dê được mang ra “tế thần” như vụ đường dây 500 KV nói ở trên với con dê tế thần là Bộ trưởng bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải.

*

Nguyên nhân: Một số trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tham nhũng đó là:

Thứ nhất: Sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng là gốc rễ của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước như ngày hôm nay, trong đó có vấn nạn tham nhũng. Vì theo đuổi mục đích này, đảng đã tự biến mình thành một tổ chức độc tài mang hình thái mafia. Lãnh đạo một đất nước không có đối lập lại có quyền lực tuyệt đối, thì đảng muốn làm mưa, làm gió gì tùy thích. Quyền tự do và sinh hoạt dân chủ của người dân bị tước đoạt. Nạn tham nhũng hoành hành là đương nhiên. Đảng có quyền lực tuyệt đối, nên tham nhũng không vượt khỏi những qui định về quyền đảng qui định. “Người chủ” đất nước chỉ biết còng lưng mà lam lũ để tạo ra của cải xã hội để những “đày tớ” mặc sức chia nhau. Giới “chủ nhân” hữu danh này bị cô lập hầu hết các thông tin về chính phủ. Họ không thể biết ai là những ông chủ mới của biệt thự sang trọng, những ô tô đắt tiền, và những tài sản kếch sù, họ cũng không biết được tiền lương một năm của cả gia đình mình không đủ cho buổi liên hoan sinh nhật con cái các “đày tớ” này.

Thứ hai: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là mầm mống cho dịch tham nhũng hoành hành. Vì theo lý luận Mark-Lenin, xã hội chủ nghĩa khác với tư bản chỉ là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (means of production). Điều này có nghĩa là đất đai, hầm mỏ, nhà máy v.v đều là của chung được nhân dân “làm chủ” do đảng lãnh đạo. Vậy thực chất “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là phát triển theo hướng thị trường trong một vài lĩnh vực không quan trọng, còn lại những ngành chủ chốt của nền kinh tế phải bằng mọi cách giữ “xã hội chủ nghĩa”. Như vừa nói ở trên, “chủ nhân”, như được tuyên truyền, thực chất không hề có bất cứ quyền hành nào cho các tư liệu sản xuất mà mình làm chủ, thực quyền của nó thuộc về các “đày tớ”. Chính điều này khiến các đày tớ tha hồ chia nhau của cải xã hội mà không cần đếm xỉa đến những người thực sự tạo ra nó. Hàng tấn vàng, hàng triệu đô la họ chia nhau không khác gì mớ tôm, cá ngoài chợ. Vậy cái còn lại “chính đáng” cho người lao động chỉ là sự nghèo đói triền miên. Những vụ tham nhũng, bê bối chỉ bị rò rỉ ra bên ngoài, hoặc một số “con dê” bị đưa ra tế thần chỉ khi trong giới “đày tớ” xuất hiện sự ăn chia không công bằng theo giao ước. Một khi đảng còn cai trị độc tài, thì cái đuôi xã hội chủ nghĩa kia sẽ không bao giờ bị cắt, nếu có thể chỉ là sự biến tướng mà thôi. Vì nó là cái quyết định quyền lực kinh tế và do đó quyết định vị trí độc quyền của đảng.

Thứ ba: Các thủ tục hành chính còn quá phiền toái, không rõ ràng. Một mặt, hệ thống pháp luật không đồng bộ, chồng chéo. Mặt khác, quan trọng hơn, đó là các ngành Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp không độc lâp và hoàn toàn chịu sự chi phối của đảng ở mọi cấp.

Thứ tư: Tiền lương của dân ta còn quá thấp, chưa đủ để một phần tái tạo sức lao động và nuôi sống gia đình người lao động.

*

Giải pháp: Đã có nhiều giải pháp, cả trong nước cũng như một số tổ chức quốc tế như Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB)… mong muốn giúp nước ta chống lại nạn tham nhũng. Tuy nhiên vấn đề phụ thuộc phần lớn vào đảng và chính phủ Việt Nam. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, những điều cần thiết là:

Một là: Xóa bỏ sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng cộng sản, mở rộng sinh hoạt dân chủ cho mọi người dân. Trong khi chờ để có sự cải cách hệ thống luật pháp, các quyền của người dân đã được ghi trong hệ thống pháp luật hiện có của Việt Nam cần được tôn trọng tuyệt đối và được thực hiện để chấm dứt tình trạng người dân chỉ được hưởng các quyền của mình trên giấy. Đặc biệt là quyền thành lập các hiệp hội, các đảng phái đối lập, các tổ chức độc lập để bảo vệ người dân cũng như có tiếng nói để chống lại bất cứ hình thức độc tài nào - nguyên nhân chính của tham nhũng.

Hai là: Bỏ hẳn “định hướng xã hội chủ nghĩa” để xây dựng một nền kinh tế thị trường vững mạnh. Không còn sự tập trung tư liệu sản xuất xã hội vào tay một nhóm ít người. Giảm đến mức thấp nhất tài sản xã hội bị chia làm của riêng. Nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cuối cùng: Cải cách hành chính một cách có hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống luật pháp cho một xã hội dân sự để phù hợp với một Việt Nam hiện đại. Hệ thống Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp phải độc lập. Đảng không được can thiệp vào hệ thống toà án ở bất cứ cấp nào.

*

Tóm lại, để chuẩn bị cho một xã hội mới không còn tham nhũng hoành hành, Việt Nam cần chuyển đổi sang một xã hội dân sự văn minh mà ở đó giá trị của mỗi thành viên được tôn trọng. Người dân có quyền thay đổi chính phủ bằng lá phiếu của mình qua tuyển cử tự do. Đặc quyền lãnh đạo đất nước một cách tuyệt đối và toàn diện như hiện nay không thể trao cho bất cứ tổ chức hay đảng phái chính trị nào. Xã hội không thể bị ràng buộc bởi sự áp đặt bởi bất cứ thứ chủ nghĩa nào. Sự phát triển và tiến bộ cho dân tộc phải do chính người dân Việt Nam quyết định.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vài năm nữa, Đảng CSVN độc quyền sẽ chấm dứt sự tồn tại. Một nhà tiên tri dấu tên nói thế.

Nặc danh nói...

toàn những lời nhảm nhí, vớ vẩn