05 tháng 5, 2005

BBC: Việt Nam 30 Năm Phía Trước Có Gì? (CT12)

Vũ Anh Chương


Đây là một câu hỏi rất hay mà Ban Việt ngữ đài BBC đã gợi ý thính giả nhân dịp 30/4/2005. Đây cũng là một điều tự vấn cho từng người Việt Nam ta, đặc biệt là ngay vào thời điểm đánh dấu 30 năm thống nhất nước nhà. Ở vị trí của một cán bộ ngành quản trị cấp Sở, tôi không dám lạm bàn về những tầm nhìn vĩ mô, chỉ xin được ghi ra đây một vài trăn trở của riêng mình và rất mong được đón nhận những góp ý bảo ban của các học giả trong và ngoài nước, cộng sản và không cộng sản.

Nếu quay ngược lại mốc điểm 30/4/1975, giả sử có ai đó đặt ra một câu hỏi tương tự thì... hời quá, chúng ta đã có ngay câu trả lời là thực trạng Việt Nam hiện nay:

Một là, nếu so sánh Việt Nam 2005 với Việt Nam 1975, Việt Nam ngày nay đã chấm dứt nạn tem phiếu, cũng không còn cảnh ngăn sông cấm chợ, đổi tiền, bù giá vào lương, hay kêu gọi bè bạn quốc tế dang tay cứu đói. Việt Nam đã mở cửa ra thế giới bên ngoài và giữ được chỉ số tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, đã gia nhập AFTA và hiện đang trên đường gia nhập WTO, đang tiếp tục dồn nhiều nỗ lực để phấn đấu xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, vẫn dẫn đầu trong số các quốc gia tầm cao về nạn tham nhũng và chỉ số bất bình đẳng vẫn bị liệt vào danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm về quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do tôn giáo v.v...

Hai là, nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, thì 30 năm sau ngày thống nhất, những lãnh vực đi tắt đón đầu của Việt Nam lại thuộc các phạm trù tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... ở tầm quốc tế; trong khi về mặt phát triển thì như phần trình bày của TS Nguyễn Thanh Giang trước đây, hay những dẫn chứng mới nhất của TS Lê Đăng Doanh đã công bố chính xác mức độ tụt hậu của ta so với các nước láng giềng hiện nay, và tiên đoán đà tụt hậu xa hơn của ta trong tương lai nếu không đẩy mạnh đổi mới.

Gút lại, trong cả hai hướng nhìn nói trên, chúng ta đã có được một hình ảnh cụ thể là sau 30 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã tự mình vươn lên từ số không bằng một nỗ lực rất đáng trân quí. Chỉ rất tiếc là Việt Nam đã không vươn ngay từ thời điểm 1975 mà tự vướng mắc vào vòng cô lập cấm vận suốt 10 năm dài, và rồi, khi đã vươn lên thì vẫn lưu luyến quyền lực qua tấm bảng chỉ đường xã hội chủ nghĩa, do vậy chỉ số phát triển đó vẫn không đáng là bao so với bước tiến của nhân loại nói chung và so với các con rồng châu Á nói riêng. Chưa kể là ngay giữa lòng Việt Nam, vết thương Bến Hải vẫn ung mủ, trong hòa bình.

Còn câu hỏi bắt đầu từ nay, "Việt Nam 30 năm phía trước có gì?", thì ắt hẳn câu trả lời sẽ phải dựa vào một số giả thiết làm tiền đề suy luận, có thể tạm gọi là viễn cảnh, nếu chúng ta không chỉ muốn ghi ra đây những mơ ước rất đẹp và không kém phần trừu tượng của riêng mình:

Giả thiết trước tiên là Việt Nam vẫn giữ được ổn định chính trị như hiện nay, nghĩa là Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành quốc gia, và tổ chức thêm 5 Đại hội Đại biểu Toàn quốc từ đây tới năm 2035. Căn cứ vào những nghị quyết lung tung và đôi lúc điên rồ trong quá khứ, người ta cũng khó lòng hi vọng có được những cú hích mới mẽ và cụ thể nào khác khả dĩ làm bệ phóng cho Việt Nam cất cánh trong các Nghị quyết X cho đến Nghị quyết XV, ngoài cái ì tính sẵn có và những gia vị tư tưởng hay lí luận cần thêm thắt cho món ăn duy nhất trên thực đơn XHCN. Xác suất khá cao là nếu nguyên trạng ổn định chính trị vẫn tồn tại, thì điều tiên đoán của TS Nguyễn Thanh Giang và TS Lê Đăng Doanh về sự tụt hậu của Việt Nam ta là hoàn toàn đúng. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ngày càng xa. Khi đó, cho dù lợi tức bình quân đầu người Việt Nam có gia tăng gấp ba lần hiện giờ thì vẫn chỉ là một phân số nhỏ nhoi so với bình quân của Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia. Xét vào chiều sâu thì giả thiết Một của sự ổn định chính trị này chỉ có điều kiện hình thành khi 85 triệu người Việt Nam từ đây đến năm 2035 đều tự kiêng khem đè nén hết cả mọi khát vọng thăng tiến của cá nhân lẫn đất nước, bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chỉ thay đổi vừa đủ cho qui trình nuôi dưỡng sự tự nguyện nén ép đó của nhân dân để tiếp tục sứ mệnh độc quyền. Qua đó, những biện pháp thay đổi nửa vời này tất yếu sẽ không phải là những giải pháp phát triển đất nước, trong lúc số nợ vay bên ngoài vẫn tiếp tục chồng lãi kép lên vốn. Do vậy: Một là, những thay đổi nhỏ giọt đó không nhất thiết có lợi cho đất nước, và cũng không chắc đó là những biện pháp nhất trí của tất cả các khuynh hướng ở thượng tầng TW Đảng. Hai là, trong lúc không còn khả năng ngăn chận thông tin như những thập kỉ cuối của thế kỉ trước, thì cũng không thể dấu được ai cái việc là Nhà nước không có khả năng giải quyết được nhu cầu vật chất và tinh thần hiện giờ và ngày càng lớn hơn của quần chúng nhân dân. Thắt chung lại, qua kinh nghiệm Đông Âu và Liên Xô cũ, giả thiết ổn định chính trị lưu cửu này có khả năng xảy ra không mấy cao.

Giả thiết thứ Hai là trong vòng ba thập kỉ tới, bỗng dưng có một biến cố thay đổi đột ngột từ trong nội bộ Đảng và Nhà nước, đặt Việt Nam trước một bước ngoặc chính trị xã hội đáng kể. Người ta có thể nghĩ tới giả thiết này dựa trên thực trạng xung đột gay gắt và ngày càng khó bưng bít từ TW Đảng ra tới quần chúng Đảng và quần chúng Nhân dân. Đó là thực trạng đấu đá quyền lực mở rộng ở tầng lớp cấp cao, theo phương châm hòn đất ném đi hòn chì ném trả, mà nạn nhân mặt nổi là những Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Quang Thường, Mai Văn Dâu, Mai Thanh Hải... gắn lền với các "đồng bọn" thuộc diện công khai trách nhiệm ở trung và hạ tầng là những quan chức đến cấp Thứ trưởng. Đó cũng là thực trạng tranh giành quyền lực ở trước mỗi Đại hội cuối nhiệm kì hay giữa nhiệm kì, dựa trên những bộ hồ sơ cung đình hay cá nhân mà các phe đều dày công sưu tập từ lâu, trong đó, các vụ Sáu Sứ, T4 với Tổng Cục 2 chỉ là những điển hình tiêu biểu. Như thế, trong trường hợp có một biến cố nội bộ bất định hướng, nhiều phần là phe thắng thế sẽ: Một là củng cố thế lực bằng những biện pháp cứng rắn. Hai là thay thế khuynh hướng độc tài cộng sản bằng một thể chế độc tài không cộng sản (quân phiệt hay tài phiệt đỏ). Cả hai đều không phải là giải pháp phát triển đất nước. Nói cách khác, hình ảnh của Việt Nam năm 2035 vẫn là một phiên bản của hiện tại, với một số khác biệt về mức độ hay tầm vóc. Mà thật sự đào sâu vào cơ chế cài chặt cùng đối sách nội bộ ghìm nhau để cùng tồn tại của Đảng hiện nay, những đấu đá có thể tiếp diễn và gia tăng cường độ, nhưng nếu không do bởi những áp lực mãnh liệt bên lề, lãnh đạo Đảng sẽ tiếp tục sẵn sàng chấp nhận những giải pháp hiệp thương ngấm ngầm để cùng tồn tại bên cạnh một TBT tròn trịa, như đã từng trải qua kì Đại hội 9. Tức là khả năng xảy ra đột biến nội bộ này khá thấp.

Giả thiết thứ Ba có thể sẽ là sự biến thể của giả thiết Một nói trên, với một điều kiện cần thiết của những loại áp lực đồng bộ khá lớn từ nhiều phía, cả bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam, cả bên ngoài lẫn bên trong Đảng, để dẫn tới những thay đổi từ tiệm tiến sang đột biến tất yếu có định hướng. Đồng thời khi đó xuất hiện hoạt động của các tổ chức đảng phái khác với đảng Cộng sản được nhân dân thừa nhận. Khi đó nhu cầu bức thiết cạnh tranh hoạt động chính trường sẽ bắt đầu được đáp ứng. Nhân dân sẽ chọn lựa các đối tượng phục vụ mình một cách hoàn toàn dân chủ. Đó là khởi điểm giá trị thực của những lá phiếu. Chỉ như thế, trong ba thập kỉ trước mặt, họa hoằn nhân dân Việt Nam ta mới có thể hiện thực được những ước mơ rất đẹp mà không còn mang tính trừu tượng nữa: Mỗi người dân sẽ có cơ hội đồng đều như nhau để thăng tiến, cho cả xã hội cùng thăng tiến. Trách nhiệm và quyền lợi sánh đôi của từng công dân Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc của một xã hội dân sự Việt Nam văn minh và thượng tôn pháp luật. Việt Nam sẽ có cơ hội đồng đều để phát triển và cất cánh như các quốc gia trong khu vực và trên trường quốc tế. Niềm tự hào dân tộc bấy giờ được thế giới biết đến sẽ không bằng máu xương và tiếng nổ, mà bằng sản phẩm trí tuệ, nhân cách, văn hóa Việt Nam và bằng cái thế bình đẳng ngoại giao của Việt Nam đối với các quốc gia láng giềng.

Tất nhiên, điều kiện cần thiết là các loại áp lực nói trên, cả bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam, cả bên ngoài lẫn bên trong Đảng, không phải tự dưng trên trời rơi xuống. Chính chúng ta phải tạo ra và làm cho nó lớn mạnh thêm. Cũng không thể đợi chờ lâu mà phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Từ những rao truyền về ý thức dân chủ cho đến dân sinh dân quyền: phải đòi mới có. Từ những tờ đơn khiếu kiện cá nhân cho đến những cuộc mít-tinh đình công bãi thị tập thể: phải ép mới lùi. Từ những vận động các tổ chức nhân quyền cho đến tổ chức mậu dịch gây áp lực: phải buộc mới đổi. Từ những cải tổ phòng sở cho đến các hoạt động ngoài luồng: phải gõ mới mở....

Không phải chỉ Đảng và Nhà nước ta đã đánh mất cơ hội cho Việt Nam cất cánh suốt 30 năm qua. Chính chúng ta đã góp phần đánh mất nó, bởi đã để cho Đảng và Nhà nước chọn lấy XHCN và 30 năm sau đó là một cuộc đổi mới nửa vời, bởi chúng ta đã dung túng cho một thiểu số thiếu khả năng thay phiên nhau độc quyền điều hành quốc gia. Thực tiễn Việt Nam ngày nay chính là hệ quả sự chọn lựa của chúng ta từ 30 năm trước. Bài học tiếp thu được là đừng để cơ hội cất cánh này vuột mất lần nữa trong 30 năm trước mặt. Hãy chủ động chọn lựa và biến chọn lựa tích cực đó thành dự tính tương lai. Ước mơ và dự tính chỉ khác nhau ở hành động cụ thể. Hãy bắt đầu ngay bằng những việc vừa tầm, ôn hòa nhưng quả quyết. Hơn 80 triệu người đập đá nhặt sỏi sẽ cùng dời được núi. Hơn 80 triệu đòi hỏi nhỏ sẽ cộng hưởng thành những áp lực khủng khiếp từng được ví với ý trời.

Sau rốt, không phải câu hỏi của BBC đã gợi ý cho chúng ta ghi chép những ước mơ vào ổ cứng, đĩa mềm. Phải ghi khắc nó vào lòng như những quyết định thay đổi tương lai cho chính mình và cho con cháu chúng ta.

Không có nhận xét nào: