05 tháng 5, 2005

Sống Cho Người Khác Nữa (CT12)

Vũ Thạch


Có thể nói lần bầu cử quốc hội Anh vừa qua là cuộc bỏ phiếu ít gay cấn nhất trong các cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia gần đây tại các nước lớn trên thế giới. Trước ngày bỏ phiếu, các nhà phân tích đã tiên đoán đảng Lao Ðộng do ông Tony Blair lãnh đạo sẽ thắng với một số ghế vượt trội nhỏ hơn tại quốc hội.

Kết quả sau cùng đúng như thế. Ông Tony Blair tái đắc cử vào nhiệm kỳ thứ ba. Ðây là một kỷ lục cho đảng Lao Ðộng và đặt ông ngang hàng với vị thủ tướng lừng danh của đảng Bảo Thủ là bà Magaret Thatcher vào thập niên 80. Tuy nhiên trong tổng số 646 ghế tại quốc hội, đảng của ông Blair chỉ còn vượt trội 66 ghế thay vì 161 ghế như lần bầu cử trước.

Số cử tri ủng hộ đảng đối lập chính, tức đảng Bảo Thủ, hầu như không thay đổi so với cuộc bầu cử trước. Phần lớn số ghế mà đảng Lao Ðộng bị mất đã rơi vào tay một đảng nhỏ mới thành lập có tên là đảng Dân Chủ Tự Do. Ðảng này vận động tranh cử dựa trên một chủ đề duy nhất là chống việc Anh Quốc tham gia vào chiến tranh Iraq.

Mặc dù được gói ghém dưới nhiều loại cáo buộc để khích động cử tri trong thời gian tranh cử, như chê bai ông Blair chỉ biết theo "hầu" tổng thống Bush hoặc tố cáo ông Blair cố tình nói dối dân Anh rằng chế độ Saddam Hussein có vũ khí giết người hàng loạt, v.v. nhưng tại cốt lõi chỉ là sự khác biệt giữa 2 loại thái độ: Một là lương tâm người Anh đòi buộc phải can thiệp vào các tai họa do con người tạo ra trên thế giới, nhất là khi có những chế độ giết dân thảm khốc như tại Iraq. Nói cách khác là "phải sống cho người khác nữa"; Và thái độ còn lại là mạnh ai nấy sống miễn là các biến cố xa xôi không gây thiệt hại đến tính mạng hay quyền lợi của người Anh. Tóm tắt là "chỉ cần sống cho chính mình".

Ðiều dễ thấy qua cuộc chọn lựa này là thể chế dân chủ thực sự tạo phương tiện cho người dân biểu lộ sự bực tức và bất bình với lãnh đạo rất nghiêm khắc, rõ ràng, nhưng cũng vô cùng bình thường, an toàn và ổn định. Những lý lẽ nhân danh ổn định để không thực thi dân chủ trong thời đại ngày nay, một lần nữa, được chứng minh chỉ là những ngụy biện.

Còn một điểm quan trọng nữa qua cuộc chọn lựa này nhưng cần nhìn rộng ra và so sánh với các nước chung quanh mới có thể thấy được. Nhìn một vòng Âu Châu, người ta có thể rút ra nhận định bất kỳ nước nào có số công dân mang ý tưởng "phải sống cho người khác nữa" đông hơn thành phần "chỉ cần sống cho mình", thì xã hội nước ấy đang trên đà phát triển cả trong nước lẫn đối với thế giới. Cùng lúc đó, các nước có tỷ số dân chúng ngược lại đều mang một xã hội ỳ ạch và uy tín trên thế giới đang suy giảm dần; đáng kể nhất là Pháp và Tây Ban Nha.

Nhìn từ lăng kính và tiêu chuẩn đo lường ấy, người ta cũng có thể hiểu tại sao các nước độc tài nói chung và độc tài cộng sản nói riêng, dù có dáng vẻ mỹ miều bên ngoài nhưng đều rệu rã, yếu kém bên trong. Lý do chính là vì đảng cầm quyền không muốn người dân sống cho nhau, vì sợ họ sẽ liên kết với nhau; và từ đó đe dọa quyền cai trị của Ðảng. Ngay cả những nỗ lực tự phát của dân chúng nhằm cứu trợ các nạn nhân thiên tai cũng bị ngăn chặn, thậm chí bị tù tội. Hơn thế nữa, mọi thể chế độc tài đều áp dụng phương cách dùng dân canh chừng, nghi kỵ và tố cáo lẫn nhau để duy trì sự ổn định cho nền độc trị.

Nhưng có lẽ sống chung và sống cho nhau là bản chất của con người, mà ngay cả những chính sách chia rẽ thâm độc nhất cũng không đè nén mãi được. Sau bao năm dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Ba Lan, vẫn có những tu sĩ, trí thức, công nhân sẵn sàng chết vì tra tấn chứ không khai chỗ ẩn núp của các lãnh tụ công đoàn Ðoàn Kết vào những năm tháng đen tối nhất của thập niên 80. Ngay tại đất nước của hung thần Stalin, vẫn có những sĩ quan đang có quyền chức, vào cuối thập niên 80, tự ý xuống đường cùng với người dân để cản công an, quân đội không được bắn người biểu tình. Hàng trăm, hàng ngàn thí dụ tương tự đã được ghi lại khắp Ðông Âu và Liên Xô cũ. Sự sống lại của tinh thần liên đới này đã là một trong những yếu tố quyết định, đưa từng nước ra khỏi vòng trói buộc của độc tài và đang vươn lên cùng thế giới.

Tinh thần "sống cho người khác nữa" là động cơ quan trọng, không những cho những nước còn nằm trong gông cùm độc tài mà cho cả những nước đã có nền tảng dân chủ vững chắc.

Không có nhận xét nào: