05 tháng 10, 2004

Việt Nam Trước Cơn Lốc Toàn Cầu Hóa (CT5)


Đoàn Minh

Từ đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản đã vẽ lên một thế giới lý tưởng, trong đó không còn biên cương quốc gia, không còn cảnh người bóc lột người, tài nguyên được phân chia hợp lý, con người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu v.v... Bức tranh "thế giới đại đồng" này đã nhoè nhoẹt nhiều với sự rạn nứt của khối cộng sản giữa hai khuynh hướng Liên Xô, Trung Quốc từ thập niên 60 và đã hoàn toàn tan vỡ khi chủ nghĩa cộng sản chính thức cáo chung tại Liên Xô là nơi đã khai sinh ra nó vào năm 1991. Oái oăm thay, cái ý niệm biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt, tài nguyên phân phối nhanh chóng, khả năng lao động của mỗi nước được khai dụng phù hợp nhu cầu lại đang được diễn ra dưới sự dẫn dắt bởi một "bàn tay vô hình" của kinh tế tư bản. Đây là một tiến trình mà ngôn ngữ thời đại gọi là toàn cầu hóa. Dù tiến trình này đã có từ trước, nhưng gần đây do sự bùng nổ của cách mạng tin học, sự tăng trưởng cấp lũy thừa của khoa học, hiện tượng toàn cầu hóa này đã "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" và hiện đang chi phối hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy toàn cầu hóa là hệ quả của phát triển khoa học, kỹ thuật và tiến bộ của nhân loại nhưng điều này không đảm bảo được một thế giới bình đẳng và hạnh phúc. Sự chênh lệch giàu nghèo quá xa giữa các nước, sự xáo trộn do tiếp cận quá nhanh giữa xã hội của một nước chậm tiến với các nền văn hóa thúc đẩy tiêu thụ, sự băng hoại môi sinh do mục tiêu tham lợi, sự cạnh tranh bất cân xứng giữa các đại công ty và các doanh gia bản xứ... là những vấn đề mà các quốc gia chậm tiến phải quan tâm giải quyết. Như vậy thì toàn cầu hóa đem lợi hay hại cho các quốc gia chậm tiến điển hình như Việt Nam? Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng đòi hỏi những lý giải phức tạp. Trong chuyến đi lịch sử viếng thăm Hà Nội, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã đưa ra một thí dụ khéo léo để nói về vấn đề này trước cử tọa là các sinh viên Đại Học Hà Nội. Ông nói: "Chúng ta có thể lấy gió để căng buồm đẩy thuyền đi. Chúng ta có thể dùng nước để sản xuất ra năng lượng. Chúng ta có thể cố công để bảo vệ con người và tài sản tránh bão tố, lụt lội. Nhưng thật là vô nghĩa khi từ chối sự hiện hữu của gió và nước, hay cố gắng làm chúng biến mất đi. Điều này cũng đúng với toàn cầu hóa. Chúng ta có thể làm sao để khai dụng tối đa lợi ích của nó và giảm thiểu những nguy cơ của nó - và nó sẽ không biến mất đi đâu". (We can harness wind to fill a sail. We can use water to generate energy. We can work hard to protect people and property from storms and floods. But there is no point in denying the existence of wind or water, or trying to make them go away. The same is true for globalization. We can work to maximize its benefits and minimize its risks, but we cannot ignore it - and it is not going away).

Để có thể cho nước nâng thuyền mà không làm đắm thuyền theo cách ví von của Bill Clinton, một quốc gia như Việt Nam khi đi vào dòng chảy toàn cầu hóa cần phải chuẩn bị một số các yếu tố sau đây:

  • 1. Một chính sách kinh tế vĩ mô ổn định tạo những điều kiện thích hợp cho đầu tư và tiết kiệm;
  • 2. Chính sách đối ngoại thúc đẩy hiệu năng qua các dịch vụ mậu dịch và đầu tư;
  • 3. Cải thiện cấu trúc kinh tế để khuyến khích sự cạnh tranh của các doanh gia nội địa;
  • 4. Thiết lập các định chế chặt chẽ và một chính quyền hữu hiệu để điều hành tốt quốc gia;
  • 5. Chú trọng giáo dục, huấn luyện, nghiên cứu và phát triển để gia tăng hiệu năng sản xuất.

Tất cả những điều này không phải là những phát kiến mới. Mỗi một yếu tố trên đây đã được giải thích đầy đủ bằng nhiều luận án với các chứng liệu xác thực. Chính quyền các nước đều có thể tham khảo, nhận sự tham vấn từ các chuyên gia để triển khai thành những đề án cụ thể. Tuy nhiên phải chọn các đề án nào và thi hành ra sao lại là một trở lực lớn cho nhiều chính quyền, vì các biện pháp cải tổ thường đụng đến quyền lợi và quyền lực của giới cai trị. Trong một xã hội khép kín, người dân không được thông tin đầy đủ, không có quyền thay đổi chính quyền qua lá phiếu dân chủ thì việc cải cách càng không dễ dàng.

Tóm lại lại chúng ta cần phải có một chính quyền trong sạch, hữu hiệu chú trọng đến canh tân con người, canh tân các cơ chế xã hội, thi hành một chính sách kinh tế nhằm nâng cao sự giàu có về vật chất lẫn tinh thần của người dân, biết chọn lọc tiến hành các đề án phù hợp với những gì đặc thù Việt Nam chứ không phải nhắm mắt cho rằng hễ cái gì mới là tốt. Có như vậy con thuyền quốc gia mới chuyển ngọn gió toàn cầu hóa thành một lực đẩy đưa dân tộc đến bến bờ của vinh quang, hạnh phúc và phát triển. Hơn bao giờ hết dân tộc Việt Nam cần được đổi mới toàn diện và nhanh chóng, vì gió thì không biết đợi.

Không có nhận xét nào: