05 tháng 10, 2004

Canh Tân Giáo Dục (CT5)


Vũ Đại Việt


Người Việt ta vẫn có tiếng là giống dân thông minh hiếu học, cần cù. Với những đặc tính như thế, sao dân ta trên đất nước của mình vẫn nghèo mạt chậm lụt theo sau thế giới? Một trong nhiều lý do quan trọng đang kềm hãm dân tộc ta trong vũng lầy lạc hậu là nền giáo dục của ta. Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ xin giới hạn vào một khía cạnh cơ bản đầu tiên của giáo dục, đó là tinh thần học.


Văn hóa nước ta đề cao việc học hành. Văn chương truyền đời thi vị hóa hình ảnh của những anh học trò dùi mài kinh sử, vác lều chõng lên kinh đô dự thi. Kết quả và biểu hiệu của sự thành đạt là đậu bằng Trạng Nguyên, để được làm quan to hay Phò Mã rồi vinh quy bái tổ cho bản thân và gia đình nở mày nở mặt với xóm làng. Ít khi thấy đề cập đến trong kho tàng văn hóa dân tộc hình ảnh của những người đồ đạt sẽ làm gì sau đó với những kiến thức học được sao cho đất nước và xã hội khá hơn.

Cho nên tuy văn hóa nước ta đề cao việc học hành, nhưng là đề cao việc học với mục đích đỗ đạt để làm quan hưởng bổng lộc cho bõ những thuở hàn vi mài đũng quần trên ghế nhà trường và đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Ấn tượng văn hóa trên vừa thể hiện, vừa duy trì và nuôi dưỡng một tinh thần học với mục đích chính và gần như sau cùng là tốt nghiệp với một mảnh bằng như ý. Cho nên các bậc sĩ phu trí thức của ta sau khi đỗ đạt tốt nghiệp thường coi như mình đã xong, có quyền hưởng nhàn không cần tiếp tục học để trau dồi thêm kiến thức tiên tiến nữa. Ở Việt Nam ngày nay bằng cấp còn trở thành lá bùa cho nhiều cán bộ nhà nước có đủ tiêu chuẩn để ngồi tại chức vụ thủ trưởng cơ quan, hay các chức vụ béo bở khác.

Trong khi đó ở các xứ tiến bộ như Hoa Kỳ, việc tốt nghiệp với mảnh bằng không được coi là điểm đến sau cùng mà chỉ mới là điểm khởi đầu của giai đoạn mới làm việc thực sự. Các lễ ra trường tốt nghiệp được gọi là Commencement Exercise có nghĩa là buổi tháo dợt mở đầu. Mảnh bằng chỉ có giá trị chứng minh rằng người cầm nó đã thu thập được một kiến thức và khả năng tối thiểu nào đó để có thể hành nghề với cấp bậc chuyên môn tương xứng. Áp dụng kiến thức và khả năng vào thực tế làm việc ra sao mới là yếu tố quyết định chính trong việc ấn định bổng lộc, thăng tiến và ổn định nghề nghiệp cá nhân. Trong nhiều ngành học, các văn bằng hành nghề chỉ có giá trị trong một thời kỳ nhất định mấy năm, và được tái cấp sau khi người cầm nó phải chứng minh mình luôn cập nhật kiến thức và tay nghề qua một số giờ tối thiểu học thêm hoặc qua một kỳ thi khảo sát lại.

Chính vì tinh thần học để biết cách làm việc sao cho chính mình và công việc được thăng tiến mà các chuyên gia trí thức ở các nước tiến bộ đại đa số rất nghiêm túc trong vấn đề thi cử. Vì họ ý thức rõ rằng thi cử là để đo lường thử thách khả năng thật của chính mình, chuẩn bị cho tương lai thực tế. Trong khi đó, tinh thần học của dân ta như đã trình bày ở trên dễ đưa đến cái nhìn rằng thi cử là hàng rào trước giải thưởng cuối cùng là
mảnh bằng tốt nghiệp. Và khi mà đã xem mảnh bằng là cứu cánh và thi cử là rào cản, thì người ta sẵn sàng tìm mọi cách để vượt qua rào cản, tìm mọi ngã tắt để đạt mục đích. Môi trường xã hội càng sa đọa, đầy rẫy tham nhũng, thì càng có cơ hội để đi ngã tắt để lấy mảnh bằng. Nên chẳng ngạc nhiên khi ngày nay ở nước ta, gian lận thi cử, dùng phao, thuê người thi giùm, mua bằng v.v... đang trở thành phong trào gần tới mức độ nạn dịch từ cấp lớn tới cấp bé. Việc này đưa đến một hiện tượng nghịch lý mỉa mai: người ta càng coi trọng mảnh bằng để đạt được nó bằng mọi cách, thì mảnh bằng càng trở nên vô giá trị không chứng minh được thực học.

Cho nên một thách đố lớn cho những nhà giáo dục và người cầm quyền hiện nay là làm sao cải tạo tư duy và quan niệm học hành thi cử của dân ta, để canh tân nền giáo dục nhằm đào tạo những trí tuệ Việt Nam có khả năng đưa nước ta hội nhập vào văn minh tiến bộ không ngừng của thế giới.

Không có nhận xét nào: