05 tháng 10, 2004

Canh Tân Con Người Trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại (CT5)


Trần Thiên Ân


Nói đến canh tân - tức là đổi mới - con người thì ít nhất có hai câu hỏi cần trả lời là: (1) đổi mới con người như thế nào là phải và (2) làm sao mà đổi mới.


Một cách chung chung thì trả lời rằng canh tân là lấy cái hay của người mà theo, thấy cái dở của mình thì bỏ. Nhưng thế nào là hay thế nào là dở thì là một vấn đề có thể gây nhiều tranh cãi (và chúng ta sẽ nói đến trong những kỳ sau). Ngoài ra, cũng có thể nói canh tân là cái cũ bỏ đi, hoàn toàn theo mới. Thí dụ như Mỹ hùng mạnh giầu có, thì cứ bắt chước y chang như Mỹ là ta cũng trở thành hùng mạnh giầu có. Thái độ này không cần suy nghĩ lâu cũng biết ngay là không ổn. Nửa sau thế kỷ thứ 20 đã cung cấp cho chúng ta quá đủ dữ kiện chứng minh: Vì nhắm mắt theo Liên Xô và Trung Quốc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất mà Hồ Chí Minh đã phá bỏ sự bình thường của xã hội gồm nhiều giai cấp để thay bằng sự cuồng tín của một giai tầng xã hội lạc hậu dẫn đến những hậu quả tai hại ngày nay.

Nhìn về đầu thế kỷ, cụ Phan Chu Trinh bắt đầu đổi mới bằng sự xoá bỏ cái ì tính cố hữu gắn liền với nếp sống nông nghiệp lạc hậu. Cuộc sống dưới chế độ thuộc địa Pháp với chính sách giáo hóa đào tạo những kẻ thừa hành đã tạo nên ở tầng lớp này hai loại tâm thức đối nghịch: Một đa số thấy rõ thế ưu thắng của Pháp và chấp nhập hợp tác để thoát khỏi cuộc sống bùn lầy nước đọng; hai là một thiểu số khắc khoải về thân phận đen tối của dân tộc mà đi vào đấu tranh hay vận động cải lương, canh tân. Tình trạng con người bị giằng giật không thể quyết định giữa hai thái độ hành xử đối nghịch - yên phậnhoạt động - này đã được cực tả bằng hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

"Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh"

Khi cuộc cách mạng tháng 8 xẩy ra, thì trỗi lên một tâm thức mới, được thể hiện nhiệt tình trong bài hát "Đời sống mới":

Đời sống mới, người Việt Nam mới
Đem thân hy sinh đấu tranh vì non nước
Đời sống mới, người Việt nam mới
Xây núi sông bằng máu người Việt nam

Trong thực tế, sự đổi mới con người đã diễn ra ở những ngày đầu một cách rất tích cực, với điển hình hai phong trào:

1. Phong trào diệt giặc dốt, mở các lớp bình dân học vụ để mọi người dân, mọi lứa tuổi đều biết đọc. Sự ơ thờ của quần chúng đã nẩy ra những câu vè thúc đẩy như "lấy chồng biết đọc là tiên, lấy chồng mù chữ là duyên con bò" hay "bình dân học vụ lập thành, mau đi tới đó học hành cho thông". Khả năng nhận xét để học hỏi của đa số dân chúng thấp đến nỗi không thể nhận ra mặt chữ cái. Cho nên đã có những câu vè giúp trí nhớ:

o tròn như quả trứng gà
ô thời đội mũ (^), ơ thời thêm râu
a thì có cái móc câu... hay là

i tờ có móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang.

2. Phong trào bài trừ mê tín, dẹp bỏ đốt vàng mã, lên đồng lên bóng, tin vào tướng số để tự ru ngủ. Khởi đầu tích cực này đã dẫn đến chỗ phá đình phá chùa, dẹp bỏ truyền thống thờ phượng anh hùng dân tộc trong chiều hướng tiến tới thế giới đại đồng vô sản. Mở đầu là Hồ Chí Minh với bài thơ vịnh Trần Hưng Đạo, tự so sánh mình với bậc anh hùng ba lần đánh tan giặc Nguyên và quảng cáo thế giới đại đồng không biên cương:

"Bác phá quân Nguyên, thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp, ngọn cờ hồng
Bác đem đất nước qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu tới đại đồng"...

Nhiệt tình ban đầu của toàn dân đã dần dần nguội tắt với những biện pháp củng cố chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp được đẩy mạnh sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục và viện trợ cho Hồ Chí Minh. Dù phục vụ hay không trong guồng máy chuyên chính vô sản thì xã hội thu lại chỉ còn hai loại người: một số cuồng tín nghe theo lời bác và đảng và một số yên phận im miệng để sống hay/và tồn tại. Trần Độ đã nói đến tình trạng này (một cách tế nhị) qua những bài viết của ông về cuối đời: Những hưng phấn trong ngày đầu cách mạng, và sự im lặng đồng lõa tiếp theo để ngoi lên (như ông), khi những thất ý xẩy ra vì sự đối chọi giữa hình ảnh lý tưởng và thực tế tàn khốc, ti tiểu. Đồng thời tự an ủi mình với thái độ mackeno trong hy vọng chờ đợi ngày thành công cuối cùng sẽ đổi khác. Thực trạng này được diễn ra trong câu nói cửa miệng "thứ nhất ù lì, thứ nhì đồng ý" suốt thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, Hồ Chí Minh đã phải kêu gọi xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng không định nghĩa nổi con người này là gì, ngoài việc đưa ra một số nguyên tắc hành xử lấy từ hệ thống giá trị cũ của Khổng giáo mà đảng CSVN tìm đủ cách xóa bỏ để củng cố chế độ toàn trị. Đó là những khẩu hiệu "cần kiệm liêm chính", "mình vì mọi người, mọi người vì mình" v.v... gọi là của bác Hồ. Những điều này thật đúng và hay, nhưng nhìn vào thực tế, tất cả chỉ nằm trong cửa miệng mà không hề được áp dụng chút nào từ trên xuống dưới. Khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã được lập lại hoài là bởi vì thực sự con người này đã bị giết mất khi chính sách toàn trị được tiến hành. Mặc dầu không thiếu gì chuyện xưng dương những "anh hùng" được ca tụng - một người làm việc bằng mười bằng trăm, và các báo cáo thành tích vượt chỉ tiêu cũng như thắng lợi luôn luôn tràn ngập, với cùng một công thức "nói chung mọi điều là tốt, là thành công, ngoại trừ một thiểu số có những giới hạn nhất định, hay còn tồn tại những tiêu cực, chưa tốt".

Thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có kêu gọi đổi mới, nhìn thẳng vào sự thực, và khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã chìm đi. Nhìn thẳng vào sự thực đúng là một đổi mới con người quan trọng, khác hẳn cái tâm thức chung xã hội chủ nghĩa hiện thực (tức là cái khuôn toàn trị chuyên chính vô sản) là nói cho hay, báo cáo cho đẹp, nhắc lại đúng những khẩu hiệu tuyên truyền, và quay mặt tránh nhìn thực tại đói rách hư hại. Sự đổi mới này tiếc thay rất ngắn. Rồi tất cả lại đâu vào đấy, để khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa rỗng tuếch trở lại cùng với các thành tích vượt bực của đảng trên giấy tờ và bộ máy tuyên truyền, cho tới nay.

Nhìn lại sự việc như trên thì ta thấy ngay sự đổi mới Nguyễn Văn Linh đề ra và sự xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh hô hào chỉ là dẹp bỏ cái hư hỏng, tiêu cực hiện tại để mà lấy một thái độ bình thường, lương thiện mà ai cũng biết từ lâu. Những bình thường này đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Đổi mới con người trong trường hợp này chẳng có gì là mới, mà thật sự chỉ là sự trở lại cái bình thường vốn có.

Chúng ta đã trả lời một phần câu hỏi "đổi mới con người thế nào là phải". Chúng ta còn tiếp tục trong bài kế tiếp.

Không có nhận xét nào: