05 tháng 11, 2004
Thể Chế Nào cho Việt Nam? (CT6)
Đ. H.
Nhìn vào cơ chế chính trị và cách thức vận hành của một chính quyền, người ta sẽ biết được dân trí của nước đó ra sao. Lý do:
(1) Cơ cấu chính trị của một nước biểu hiện cung cách sống và ý thức tham gia chính trị của người dân. Nó là tấm gương phản chiếu trình độ giáo dục và tỷ lệ người có học và có kiến thức sống trong xã hội đó như thế nào.
(2) Cách vận hành của một chính quyền biểu hiện mức độ tham gia và kiểm soát của người dân vào các hoạt động của những cơ cấu hành chánh từ trung ương đến địa phương. Mức độ tham gia và kiểm soát này phần lớn tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm trong sinh hoạt chính trị của người dân.
Ngày nay khi nói đến cơ cấu chính trị của một quốc gia, người ta dựa theo nguyên tắc phân quyền, đặc biệt là dựa theo mối quan hệ giữa hai bộ phận Lập pháp và Hành pháp để thiết lập ra những mô hình của cơ cấu cai trị, còn gọi là thể chế chính trị. Nghĩa là các quốc gia thường dựa vào mối liên hệ giữa Lập Pháp (cơ quan làm Luật) và Hành Pháp (cơ quan thi hành luật) để vạch ra một nền tảng pháp lý chung cho quốc gia, gọi là mô hình chính trị. Hiện nay trên thế giới, tuy có rất nhiều mô hình, nhưng tựu trung đều triển khai từ ba loại thể chế: chế độ nghị viên nội các; chế độ tổng thống và chế độ đảng trị. Đây là ba thể chế được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng với một vài pha lẫn nét đặc thù của mỗi địa phương. Câu hỏi được đặt ra: Thể chế nào thích hợp cho Việt Nam?
Việt Nam sẽ phải chọn lựa một thể chế chính trị phù hợp để đáp ứng ba nhu cầu sau đây:
(1) Bảo đảm được sự độc lập và phân quyền rõ rệt giữa ba ngành Lập Pháp - Hành Pháp - Tư Pháp. Không tạo điều kiện cho bất cứ một đảng phái nào có thể khống chế nền chính trị quốc gia; nhưng thể chế đó cũng không tạo ra tình trạng hỗn loạn chính trị do sự tồn tại quá nhiều đảng phái trong cơ chế lập pháp;
(2) Tổ chức được một chính quyền mạnh có khả năng lấy những quyết định cần thiết để giải quyết những vấn đề khẩn cấp của quốc gia. Cơ chế chính trị phải phân biệt rõ ràng giữa người phụ trách và bộ máy hành chánh. Bộ máy hành chánh phải được tôn trọng và bảo vệ; nhưng người ở các trách vụ này từ trung ương đến địa phương, nếu vi phạm những quy định luật pháp, sẽ phải chịu chế tài đúng mức, chứ không thể tự đồng hóa với cơ chế để ở trên luật pháp;
(3) Tạo môi trường và điều kiện để hỗ trợ sự xuất hiện của những đoàn thể chính trị quần chúng. Chính sự hoạt động của các đoàn thể quần chúng sẽ giúp nâng cao dân trí và khuyến khích người dân trực tiếp tham gia vào dòng sinh hoạt chính trị quốc gia. Nói cách khác, sinh hoạt chính trị của nước Việt Nam mới phải chuyển từ mô hình "đại biểu" (tức uỷ thác hoàn toàn cho người đại diện dân) sang mô hình "tham gia" (tức các đoàn thể quần chúng cùng có trách nhiệm bàn thảo và góp ý về những chính sách chung của quốc gia).
Dựa theo ba nhu cầu nói trên và căn cứ vào hiện tình đất nước mô hình chính trị phù hợp cho Việt Nam có thể nên là Tổng thống chế. Với ba lý do:
(1) Việt Nam cần phải phân biệt rõ rệt quyền hạn và trách nhiệm của ba cơ quan Lập Pháp (quốc hội), Hành Pháp (chính phủ) và Tư Pháp (tòa án) ngay từ đầu, để xây dựng một nền tảng pháp trị có đặc tính cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Muốn như vậy, Tổng thống chế là cơ chế tạo được sự phân biệt rõ rệt, vạch lằn ranh trách nhiệm rõ ràng giữa ba cơ chế mà không một phía nào có thể đổ lỗi một khi có khủng hoảng xảy ra, nhất là trong bối cảnh phôi thai xây dựng nền dân chủ lập hiến.
(2) Trong giai đoạn phôi thai của nền dân chủ, sẽ có rất đông đảng phái, tổ chức chính trị xuất hiện để ra ứng cử tham gia vào cơ chế lập pháp. Nếu áp dụng chế độ nghị viện (là thể chế dựa trên ưu thế của Lập pháp, đảng phái nào chiếm đa số trong quốc hội sẽ nắm quyền toàn bộ) thì trong bối cảnh đó sẽ khó có đảng phái nào chiếm ưu thế để ra cầm quyền mà phải cần một liên minh chính trị. Liên minh chính trị sẽ không làm cho chính phủ mạnh vì phải thoả hiệp nhiều xu hướng, hậu quả là chính quyền sẽ không thể nào có những biện pháp mạnh và thích ứng để đưa đất nước vượt ra khỏi những khủng hoảng một cách nhanh chóng. Do đó, Tổng thống chế giúp cho chính quyền tạo được tư thế mạnh vì Tổng thống do quần chúng bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử chứ không do quốc hội bầu lên, nên không bị những hăm dọa truất phế từ quốc hội mỗi khi có những xung đột ý kiến hay quan điểm giữa hành pháp và lập pháp.
(3) Tạo điều kiện cho những đảng phái mạnh có điều kiện tiến hành những chính sách canh tân đất nước theo những chủ trương đã được toàn dân tín nhiệm trực tiếp qua lá phiếu. Thông thường trong Tổng thống chế, người dân vừa tín nhiệm ứng cử viên tổng thống sáng giá nhưng cũng đồng thời tín nhiệm cả những chính sách của đảng hay của phong trào đã đứng sau người ứng viên tổng thống ra tranh cử. Vì thế sự tín nhiệm của người dân vào một ứng viên Tổng thống cũng đồng thời gián tiếp biểu hiện sự ủng hộ những chính sách canh tân quốc gia. Trong khi đó, với chế độ nghị viện và trong bối cảnh phôi thai của chế độ dân chủ, khó có đảng nào chiếm ưu thế mà phải tạo thế hợp tác, cho nên chính sách canh tân của mỗi đảng bị thay đổi hay biến dạng khi đi vào thế liên minh.
Từ vài nhận định chủ quan của người viết, Tổng thống chế là thể chế chính trị phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn hậu độc tài và đó cũng chính là mục tiêu cần sự quan tâm của những người có tâm huyết vì dân tộc để tạo dựng được một chính quyền mạnh và huy động được sự ủng hộ của mọi giới.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét