05 tháng 8, 2004
Từ Xóa Đói Giảm Nghèo đến Bất Công Xã Hội (CT3)
Long Tuyền
Cuộc thăm dò mới đây về tình trạng nghèo khó tại Việt Nam đã đưa ra những kết quả tương đối khả quan về các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, được tiến hành gần một thập niên với sự bảo trợ của một số định chế quốc tế, trong đó có Ngân Hàng Thế Giới. Năm 1995, 58% người dân sống trong cảnh nghèo khó. Năm 1998 tỉ lệ giảm xuống 37% và năm 2002 còn khoảng 29%. Tuy đáng khích lệ thật, song có vài khuyết điểm đã làm át giảm những kết quả gặt hái được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Trước hết là nhịp độ xoá đói giảm nghèo đã chậm đi một nửa so với những năm trước. Quan trọng hơn là phương pháp chọn lựa các hộ được thăm dò dựa trên cảm quan chủ quan chứ không trên cơ sở khách quan. Đóng vai tiên quyết trong việc chỉ định ai là người nghèo là cấp lãnh đạo địa phương đã lựa lọc các hộ được gọi là nghèo. Tuy nhiên, những thành phần bị coi là lười biếng, hoặc mắc những tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc thì bị loại bỏ ra khỏi danh sách những hộ nghèo. Những người nợ nần nhiều hay những người chưa có qui chế thường trú, chưa có nhà hoặc chưa có việc làm cũng không nằm trong danh sách các hộ nghèo. Trên thực tế, chính những thành phần vừa kể thường là những người khốn khó nhất của địa phương.
Cảm quan cũng thay đổi tùy theo mức độ giàu nghèo chung chung của mỗi địa phương. Nơi nào dư dả thì những người kém thu nhập so với chòm xóm cảm thấy mình nghèo. Trong khi đó ở địa phương nghèo thì cũng những người đó có khi lại không cảm thấy mình nghèo vì chung quanh ai ai cũng đồng cảnh ngộ. Thêm vào đó, lằn ranh của nghèo đói thay đổi tùy theo mỗi địa phương. Chẳng hạn như tại quận Bình Chánh (Thành Phố HCM) ranh giới được ấn định là 2.5 triệu đồng, trong khi đó, tại quận 8, cũng thuộc Thành Phố, là 3 Triệu Đồng.
Tuy dựa trên phương pháp lựa chọn không khách quan, cuộc thăm dò cũng nêu ra một số khía cạnh đáng lưu tâm. Khía cạnh thứ nhất là sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Khía cạnh thứ nhì là sự chênh lệch giữa các vùng trong nước. Khía cạnh thứ ba là bất công gia tăng trong xã hội Việt Nam. Khía cạnh cuối cùng là sự bất bình đẳng giữa các sắc dân.
Yếu tố địa dư ảnh hưởng lên mức độ thu nhập ra sao? Người sống ở thành thị có sác xuất có thu nhập khá hơn tại nông thôn. Tại thành thị cứ 100 người thì có 7 người nghèo, trong khi đó tại nông thôn cứ 3 người thì có 1 người nghèo. Khi xét rằng 75% người dân Việt Nam sống tại các nông thôn thì sẽ hiểu rằng các thành phố có thể ví như những ốc đảo nằm giữa đại dương của đói khổ. Cuộc thăm dò còn cho thấy rằng ở các thành phố khoảng 2% người bị đói, trong khi tại các nông thôn, nơi còn trồng cấy nhiều, tỉ lệ là 14%, tức cao hơn tại các thành phố gấp 7 lần.
Về sự chênh lệch giữa các vùng thì nước ta được chia thành 7 vùng: Trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc), đồng bằng sông Hồng (gồm các thành phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng..), Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (gồm các thành phố TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu...), đồng bằng sông Cửu Long. Giữa các vùng có những chênh lệch kinh tế trầm trọng. Tây Nguyên thu nhập yếu kém nhất nước với tỉ lệ nghèo khó là 51.8%, tức cứ 2 người sống ở Tây Nguyên là có 1 người khốn khó. Kế tiếp là Trung du-miền núi bắc bộ và Bắc trung bộ cũng là hai vùng thu nhập kém. Tây Nguyên có nhịp độ giảm nghèo rất chậm: tỉ lệ người nghèo là 70% vào năm 1993, 52.4% vào năm 1998 và 51.8% vào năm 2002. Trong 4 năm từ 98 tới 2002, con số người nghèo gần như không giảm. Tình trạng nghèo đói cũng đáng quan ngại tại Bắc Trung Bộ và Trung du-miền núi Bắc Bộ, vì hai nơi này tập trung 28% dân số Việt Nam và 42% những người nghèo trong nước. Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, nơi sinh sống 43% dân số Việt Nam, cũng là nơi có tới 1 phần ba những người khốn khó.
Khái niệm gần cạnh với nghèo đói là bất công xã hội, được đo lường qua chỉ số Gini. Chỉ số này từ 0 tới 1, càng gần 1 thì càng nói lên sự bất bình đẳng. Nói chung, chỉ số này cao tại các thành phố (0.35) so với các nông thôn (0.28). Cuộc thăm dò cho thấy là bất bình đẳng trong xã hội tại nước ta gia tăng không ngừng từ năm 1993. Chỉ số này cao nhất tại Đông Nam Bộ (0.38), kế đến là đồng bằng sông Hồng (0.36). Lạ lùng thay chỉ số này cũng cao ở Tây Nguyên (0.36), vùng nghèo nhất nước.
Khi xét tới ảnh hưởng của sắc tộc thì nói chung mức chi tiêu của một gia đình thuộc các dân tộc thiểu số thấp kém khoảng 13% so với gia đình người Kinh hoặc gốc Trung Hoa. Nhưng đó là chưa kể số con trong gia đình thiểu số, thường thường đông hơn, trình độ học vấn của cha mẹ thường thường kém cỏi hơn. Các sắc tộc nghèo nhất là Ba-Na, Ê-Đê, Gia-Rai và Cô-Hô tại Tây Nguyên và người Mường và Mông ở vùng núi Bắc bộ. Tỉ số người nghèo là 14% cho những người gốc Trung Hoa, 22% cho người gốc Kinh, 50% cho người Tầy, 52% cho người Khờ-Me, 55% cho người Nùng. Tất cả những sắc dân khác như Thái, Đào, Mường...đều trên 70%, riêng người Gia-Rai, Mông và Ba-Na trên 90%.
Tại Tây Nguyên, những người dân sắc tộc có nghèo đi, thu nhập sút giảm hẳn từ năm 1998. Trong cuộc thăm dò thực hiện tại Dak Lak, nhiều người dân thiểu số than phiền rằng họ không có thị trường để bán sản phẩm, hạ tầng cơ sở tồi tàn (dẫn thủy nhập điền, giao thông hụt hẫng), thiếu vốn, thiếu đất, thiếu cơ hội lao động, cán bộ làm việc không minh bạch và tham nhũng, các chính sách của nhà nước không hữu hiệu ngay từ cấp thấp nhất, không có sự điều hòa trong việc di dân, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiếu cơ hội để chăm lo sức khoẻ. Cấp lãnh đạo địa phương cũng nhìn nhận rằng nguyên nhân của sự đói khổ xuất phát từ thiếu đất, thiếu vốn, thiếu cơ hội lao động, nhưng cũng cho rằng người sắc tộc bị rủi ro trong đầu tư (giá cà-phê sút giảm trên thị trường quốc tế), thiếu kinh nghiệm làm ăn, già yếu, ỷ lại và đông con.
Tình trạng nghèo khó của người dân sắc tộc càng nổi bật khi xét đến những tiêu chuẩn phi thu nhập như giáo dục hay sức khoẻ. 80% trẻ em sắc tộc được ghi danh vào tiểu học (so với 92% cho người kinh hoặc gốc Hoa) và sự chênh lệch càng gia tăng ở cấp trung học. Tại các nông thôn của Tây Nguyên có đến 45,3% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (so với 26% các em bé người Kinh hoặc Hoa).
Nuớc ta có phát triển trong những năm gần đây nhưng những kết quả của phát triển đã không được chia sẻ đồng đều trong xã hội. Sự chênh lệch giữa những thành phần giàu nhất và nghèo nhất thêm sâu đậm, sự chênh lệch giữa các vùng trong nước ngày càng gia tăng. Các sắc tộc thiểu số không được dự phần vào sự tăng trưởng kinh tế và nếu tiếp tục theo đà này thì vào năm 2010 một nửa những người đói khổ sẽ thuộc các sắc dân thiểu số. Nhà nước không thể chỉ trông chờ vào tăng trưởng kinh tế để cải thiện đời sống của người dân thiểu số mà cần phải có những biện pháp tích cực hơn đi từ việc nâng cấp hạ tầng sơ sở tới việc tái phân phối ruộng đất, gia tăng việc cung cấp dịch vụ xã hội bằng tiếng địa phương. Bên cạnh đó là việc gia tăng sự tham gia của người dân sắc tộc vào việc lấy quyết định tại cấp địa phương và cải tổ guồng máy lãnh đạo địa phương tại những nơi có nhiều người sắc tộc cư ngụ. Chỉ những biện pháp này mới hàn gắn được hố sâu chia cách càng ngày càng sâu rộng giữa người dân sắc tộc với người dân gốc Kinh hoặc Hoa.
Vấn nạn của nước ta không dừng lại ở những thành quả tương đối của Xóa Đói Giảm Nghèo. Chuyện bất bình đẳng cũng không gì mới lạ với dân ta. Ra đầu ngõ đã gặp, liếc sang nhà bên cạnh đã thấy. Nhưng khi bất công được nhìn từ khung cảnh vĩ mô của cả nước và cả dân tộc thì ta mới thấy được vấn nạn này sẽ là ngòi nỗ cho những bất ổn trầm trọng của xã hội trong tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét