05 tháng 8, 2004

Sợ Hãi và Hy Vọng (CT3)


Bích Thuyên

Xã hội chúng ta đầy rẫy những con người sợ hãi!

Cha mẹ lo sợ cho tương lai của đám con nheo nhóc. Sinh viên sắp ra trường lo âu không tìm được việc làm. Người tìm được việc lo sợ có kẻ mua đứt vị trí chỗ làm của mình. Giới tư doanh lo âu hàng lậu Trung Quốc vượt biên giới ào ào như nước mùa lũ. Kẻ lao động nước ngoài canh cánh viễn ảnh bị đuổi về nước trước hạn hợp đồng. Các cô dâu Đài Loan lo sợ những ông chồng già nhưng ngầm mắc bệnh cuồng dâm. Tiểu thương chợ Đồng Xuân sợ sưu cao thuế nặng. Người buôn thúng bán bưng sợ nặng thúng tiền vơi. Bậc đại gia sợ hầu bao không đủ sống đời trưởng giả. Nông dân sợ giá gạo xuống, phân lên. Kẻ bỏ ruộng vườn lo tôm xuất khẩu giá thấp, thuế cao. Đồng bào vùng cao sợ mất đất mà còn bị đánh hôi. Những người có lòng với đất nước lo sợ tiếng nói lẽ loi của mình lạc lõng trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đám quần chúng không chức, không quyền thì sợ kẻ có quyền có chức. Kẻ có chức, có quyền thì sợ tước quyền, mất chức. Càng sợ mất quyền mất chức lại càng bóp chặt, bóc lột đám người không chức, không quyền.

Bỏ ra ngoài những sợ hãi ích kỹ của kẻ quyền thế, những nỗi sợ hãi còn lại này chẳng có gì để xấu hổ cả. Bản năng con người là phải biết sợ. Có biết sợ thì mới sống. Đất nước chúng ta là như thế đấy. Tập hợp của những con người sinh động biến sợ thành một nghệ thuật sống.

Tuy thế trong bất cứ nỗi sợ hãi nào cũng lóe lên một niềm hy vọng. Chỉ khi tuyệt vọng với cuộc sống, chai lì với cuộc đời thì người ta mới vất đi nỗi sợ hãi, chia tay với niềm hy vọng. Còn khi còn chút hy vọng vào tia sáng cuối đường hầm thì người ta sẽ hoặc rụt rè hoặc liều mạng vượt qua những nỗi sợ hãi để tìm đến ánh sáng cuối đường.

Trong sự lo âu nhìn ra ngoài ngưỡng cửa trường lớp, người sinh viên vẫn hy vọng rằng tương lai của mình nằm ở ngoài đấy. Trong nỗi sợ bấp bênh của cuộc sống, bậc cha mẹ nào cũng mang niềm hy vọng rằng đời con, đời cháu mình sẽ khá hơn đời mình. Thấm thía nỗi nhục nhã mang thân lao động xứ người, người lao công hy vọng rằng ngày nào đó họ sẽ làm việc ngay tại xứ sở với gia đình thân yêu bên cạnh. Tựa cửa nhìn về biển Đông, các cô dâu Đài Loan ước mơ ngày trở về với gia đình sống đời hạnh phúc, bình dị nơi quê nhà. Trong nỗi lẽ loi đầy bức xúc, những người có lòng với đất nước vẫn tin rằng tiếng nói của họ sẽ đến với mọi người. Trong những niềm hy vọng hoặc bình dị hoặc cao cả đó, cũng xen lẫn những hy vọng hèn mọn của kẻ bám víu chức quyền.

Trong sợ hãi luôn toát ra niềm hy vọng. Nhưng sợ hãi lo âu không đủ sức mạnh để biến hy vọng thành hiện thực. Ngược lại hy vọng phải là động lực để thoát ra, vượt qua nỗi sợ hãi của từng cá nhân. Chúng ta phải tin vào quy luật của lịch sử bất biến: niềm hy vọng cao cả, đứng đắn của người dân sẽ đánh bạt những hy vọng hèn mọn của kẻ nắm quyền vào sọt rác của lịch sử. Hãy vượt qua những sợ hãi vì chiến thắng chính nỗi sợ hãi của mình là chiến thắng vẽ vang nhất. Hãy khởi đầu bằng những hy vọng nho nhỏ như hy vọng của những bạn hàng chợ Đồng Xuân mong được yên ổn làm ăn, không phải bị sưu cao thuế nặng và đã cùng nhau bãi thị để phản đối việc đánh thuế cao của chủ chợ. Hãy như người dân Hải Phòng xuống đường để phản đối việc đổ rác bừa bải gây tác hại đến môi trường sinh sống của họ. Niềm kỳ vọng vào một môi trường sống sạch sẽ khoẻ mạnh đã khiến cho người dân Tràng Cát, Thượng Lý và Gia Minh không còn sợ hãi những nỗi sợ vu vơ nữa.

Lịch sử thăng trầm của đất nước, dân tộc rồi cũng sẽ sang trang. Sức mạnh và trí tuệ của dân tộc rồi cũng sẽ thay thế sự áp đặt u mê. Màu xanh của lá là màu của hy vọng. Màu xanh của trời là màu của hy vọng. Ngày nào đất trời còn cây xanh lá, còn trời xanh mây là cuộc đời vẫn còn hy vọng. Còn hy vọng thì sợ hãi sẽ được vượt qua, tương lai của mỗi con người sẽ tươi sáng. Lúc đó đất nước ta sẽ không còn là một tập hợp của những con người sinh động biến sợ thành một nghệ thuật sống. Đó sẽ là một tập hợp của những con người can đảm luôn vươn mình trước mọi phong ba bão táp.

Không có nhận xét nào: