05 tháng 8, 2004

Những Bước Nhỏ Đầu Tiên Để Canh Tân (CT3)


Nguyễn Đại Việt


Dân tộc ta là một dân tộc phi thường. Trong lịch sử thế giới có dân tộc nào sau một nghìn năm đô hộ vẫn không bị đồng hóa mà còn đánh đuổi được ngoại xâm? Có dân tộc nào ba lần đánh bại đế quốc Mông Cổ hùng mạnh? Nước ta là thuộc địa đầu tiên chiến thắng thực dân Pháp. Siêu cường Hoa Kỳ lần đầu tiên thua trận ở Việt Nam. Học sinh nước ta thường xuyên đoạt những giải thi toán, lý hóa quốc tế. Những ví dụ trên cho thấy dân tộc ta lẽ ra không thua bất cứ một dân tộc tiến bộ nào trên thế giới.


Thế mà đến nay nước ta vẫn còn là nước nghèo nhược tiểu. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm nay về chỉ số phát triển con người xếp Việt Nam đứng hạng 112 trong số 177 nước, thua xa Thái Lan hạng 76, Mã Lai 59, Singapore 25. 30 năm trước đây trình độ phát triển của các nước này xấp xỉ ngang hàng với miền Nam Việt Nam. Rõ ràng là sau gần 30 năm hòa bình, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta đã không đạt. Ta có tiến so với quá khứ của chính ta nhờ nương theo đà tiến hóa của nhân loại nhưng đã tụt hậu so với các nước lân bang khu vực. Tại sao?

Kiều bào người Việt nước ngoài thường hay lên án Đảng và Nhà Nước với chế độ độc tài chuyên chế là nguyên nhân của tất cả những chậm lụt tụt hậu của nước ta. Đảng và nhà nước thì lại quy tội cho các thế lực thù địch phản động đã gây khó khăn, cản trở cho sự nghiệp tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Dân ta thì đổ lỗi cho tham nhũng và lạm quyền của cán bộ từ trên xuống dưới làm tan hoang cả nước. Cứ như thế và nước ta tiếp tục loay hoay trong vũng lầy tụt hậu.

Theo lô gíc thông thường, một nước giàu mạnh hay nghèo yếu là do ở lãnh đạo giỏi hay kém. Nước ta vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo của thế giới thì không thể nói rằng lãnh đạo ta tài giỏi. Rất tiếc hiện nay dân ta không có quyền chọn lựa lãnh đạo nào khác, nên phải nhắm mắt để cho Đảng dẫn dắt với tốc độ của loài rùa, bằng khả năng và tư duy của loài vượn.

Nhìn lại, dân tộc ta phi thường. Nhưng đấy là trong chiến tranh. Trong xây dựng, dân ta chỉ còn phi thường trên mặt báo, từ cái loa đầu đường. Như nhà văn nữ Dương Thu Hương (DTH) đã viết: "một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình...". Nhiều thói quen và tư duy tiêu cực lạc hậu đã và đang kềm hãm những bước nhẩy vọt mà đáng lẽ dân ta có dư tiềm năng thực hiện.

Một tư duy tiêu cực cơ bản còn đè nặng dân ta là mặc cảm nhược tiểu đã đưa đến lối hành xử của những con người thiếu tự chủ. Từ đấy mà nhân dân và lãnh đạo ta thường hay vọng ngoại, thích dựa dẫm vào ngoại bang. Điển hình là trước đây lãnh đạo miền Nam thì dựa vào Mỹ, còn Đảng và nhà nước hết dựa vào các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc vĩ đại trong thời chiến, rồi ngả hoàn toàn theo Liên Xô khi mới hết chiến tranh, khi Liên Xô sụp thì trở lại quy thuận với Trung Quốc với những món quà dâng đất nhượng biển và nay lại ve vãn với Hoa Kỳ. Mặc cảm nhược tiểu cũng làm cho nhân dân ta dễ an phận làm người dân thấp cổ bé miệng, xem cán bộ nhà nước như là "phụ mẫu chi dân", coi cơ chế "xin - cho" là chuyện bình thường, đương nhiên trong cuộc sống. Vì mặc cảm nhược tiểu mà dân ta không thể sống như những chủ nhân thực sự của đất nước khiến khẩu hiệu "nhân dân làm chủ tập thể, nhà nước quản lý" vẫn chỉ là những bánh vẽ để Ðảng và nhà nước nhân danh đó mà tự tung tự tác, vừa đá bóng vừa thổi còi. Và cứ như thế "phần trôi nổi của bề mặt dòng sông cuộc sống vẫn là tiếng độc thoại oang oang không mệt mỏi không hổ thẹn của đảng cầm quyền" (DTH)

Muốn canh tân đất nước, nhân dân ta trước tiên cần canh tân lại tư duy của mình. Cần phải thấy rõ là dân tộc có đầy đủ khả năng đưa đất nước đi lên ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới. Phải tin rằng ta có thể và nhất định phải đóng vai kẻ chủ động trên bàn cờ thế giới thay vì làm thân phận những con cờ thí. Ðể xây dựng tinh thần này, đầu tiên ta cần nhập tâm ý niệm nhân dân là chủ của đất nước chứ không phải một tập đoàn, phe đảng thiểu số. Khi đã là chủ thì không thể xin xỏ những gì vốn thuộc của mình. Dân đã là chủ thì Đảng và nhà nước không thể đóng vai phụ mẫu, ban phát ân huệ mà phải là công bộc đúng nghĩa phục vụ nhân dân. Là người chủ, dân ta có quyền yêu cầu các cán bộ nhà nước phục vụ nhu cầu của nhân dân vì chính tiền thuế của ta đã đóng để trả lương nuôi nhà nước. Vì là chủ ta có quyền đòi hỏi cơ quan nhà nước phải minh bạch công khai mọi thủ tục, luật lệ hành chánh để nhân dân có thể kiểm tra tiến trình phục vụ của nhà nưóc đối với nhu cầu của người dân. Trước mọi thủ tục rườm rà tạo kẽ hở cho tham nhũng, người chủ của đất nước có trách nhiệm và có quyền lên tiếng đòi hỏi nhà nước cải thiện thay vì thụ động than oán chờ nhà nước giác ngộ tự sửa.

Làm chủ vận mệnh của chính mình và góp phần làm chủ vận mệnh của đất nước là bước đầu tiên mà nhân dân ta phải thực hiện để xã hội tốt hơn. Ðó cũng là bước đầu tiên để xây dựng sức mạnh tinh thần của dân tộc làm nền tảng cho tiến trình canh tân con người và canh tân đất nước lâu dài.

Không có nhận xét nào: