05 tháng 7, 2004

Tinh Thần Hòa và Đồng (CT2)


Đoàn Minh

Dân chủ là một ý niệm, một học thuyết, một phương cách ứng xử, một thể chế chính trị hay là tất cả những điều này hợp lại? Loài người đã tốn hao nhiều giấy mực, tâm huyết để thảo luận việc này. Cho đến hôm nay sau quá trình tiến hóa nhiều nghìn năm, thử nghiệm nhiều thể chế, người ta gần như đã thống nhất với nhau rằng chính thể dân chủ được coi như là một mẫu mực tốt nhất, có thể đảm bảo sự thay đổi chính trị trong trật tự, sự chung hưởng phúc lợi hợp lý và cơ hội đóng góp của mỗi người cho tương lai của mình. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy ngọn cờ dân chủ được giương cao từ hai đối cực của những hệ ý thức hoàn toàn ngược nhau. Điều này có thể đem lại những hoang mang cho một số người, đặc biệt ở những nơi mệnh danh là dân chủ, nhưng yếu tính chung hưởng phúc lợi hợp lý và quyền đóng góp chính trị của cá nhân đã không được thể hiện. Như vậy, điều gì giúp chúng ta hiểu được thế nào là một nền dân chủ đích thực và thế nào là một nền dân chủ giả hiệu?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm cho ra cái bản thể của dân chủ. Đó chính là tinh thần Hòa và Đồng. Hòa nói lên sự biết chấp nhận những khác biệt của mỗi cá nhân để tìm thấy cái chung của số đông. Đồng là sự cùng nhau chung sống để chia xẻ trách nhiệm và phúc lợi qua sự chấp nhận một "khế ước xã hội". Tinh thần Hòa không cho phép một nhóm người, hay một đảng phái nào áp đặt khuôn mẫu độc nhất bắt mọi người tuân theo. Sự chấp nhận khác biệt để tìm mẫu số chung chỉ đạt được khi mỗi cá nhân được đảm bảo quyền được thông tin, học hỏi và có cơ hội phát biểu, thảo luận để tìm sự đồng thuận của đa số. Tinh thần Hòa khuyến khích sự trao đổi, thu nhận những ý kiến khác biệt nhưng không tiêu diệt nhau bởi những khác biệt đó. Như vậy Hòa là tinh thần ứng xử giữa con người với nhau và Đồng là tinh thần chung sống tuân theo một khế ước tập thể. Hòa với nhau để Đồng làm việc chung là thuộc tính vốn có của dân chủ. Chấp nhận sự khác biệt của nhau thì con người mới được khai phóng và xã hội mới thực sự có điều kiện phát triển toàn diện. Khi một chế độ cai trị không tôn trọng tinh thần Hòa, thì tất cả sáng kiến bị bóp nghẹt. Trong một xã hội không có tinh thần Hòa, thì "hàng trăm loại cúc đều chỉ nở thành hoa vạn thọ", nói theo cách ví von của cụ Phan Khôi. Tóm lại, Hòa là mạch nguồn của muôn hồng nghìn tía, của yêu thương và thăng tiến.

Trong khi đó ý niệm tập thể theo tinh thần của Đồng là toàn bộ mọi người sinh sống trong đất nước đó. Tinh thần Đồng không cho phép một nhóm người, hay một đảng cầm quyền coi trọng một thành phần hay một giai cấp nào trong xã hội hơn những thành phần còn lại. Tinh thần Đồng là cội nguồn của bao dung, không chia cắt và công bằng. Một dân tộc chia xẻ tinh thần Đồng là một dân tộc không phân chia giai cấp, không phân biệt đối xử vì khác biệt chính kiến, nguồn gốc hay văn hóa. Tất cả mọi người được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ của khế ước xã hội mà chính họ góp phần trực tiếp hay gián tiếp lập ra. Như vậy Hòa là điều kiện để hướng tới Đồng và ngược lại trong Đồng đã tiềm ẩn ý niệm Hòa. Sức sống của Hòa, Đồng là sự quân bình và bao dung, không cực đoan. Không lạm dụng tinh thần tự do đến mức quá trớn làm tê liệt xã hội nhưng cũng không nhân danh lợi ích tập thể để triệt tiêu các ước vọng của cá nhân hay thiểu số.

Như vậy trong một nền dân chủ đích thực không thể thiếu hai đặc tính Hòa Đồng. Trong một cách nhìn khác thì Dân Chủ là sự áp dụng của lý tưởng sống Hòa Đồng. Chỉ bằng ngọn đuốc thắp sáng bởi tinh thần Hòa và Đồng, chúng ta mới soi rọi được bản chất của một nền dân chủ đích thực.

Không có nhận xét nào: