05 tháng 9, 2004

Tại sao phải bảo vệ môi sinh (CT4)


Thế nào là môi sinh. Tại sao phải bảo vệ môi sinh và những ai có nhiệm vụ bảo vệ môi sinh Việt Nam

Hoàng Quân


Ngược dòng lịch sử nước ta từ bao nhiêu thế kỷ qua, người Việt chỉ quen thuộc với những câu như: bảo vệ giang sơn bờ cõi, bảo vệ Tổ Quốc, tranh đấu cho độc lập, tự do cho Dân Tộc v.v... Hai chữ "Môi sinh" hay "Môi trường" tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trong tài liệu hay sách báo nước ta cách đây 30 năm. Vậy thì môi sinh là cái gì, môi sinh trở nên một vấn đề quan trọng từ hồi nào và tại sao? Câu trả lời đơn giản là: Môi sinh là môi trường chúng ta sinh sống; Môi sinh bị đe dọa từ khi khả năng ảnh hưởng của con người lên môi trường sống gia tăng vượt bực và sự thay đổi của môi sinh, do con người tạo ra, sẽ ảnh hưởng quan trọng ngược lại lên đời sống của chúng ta, bây giờ và trong tương lai lâu dài.


Khoảng 50 năm về trước, ảnh hưởng đáng kể lên môi sinh chỉ có nạn đốt rừng làm rẫy của các dân tộc miền núi. Vấn đề này hệ trọng vì hoa mầu được trồng không đủ khả năng giữ lại đất mầu vì vậy nhiều vùng đồi núi dần dần không còn cây mọc nữa, nước mưa không có môi trường giữ lại đã tạo nên những trận lụt chấp nhoáng, dữ dội ... Trong thời chiến tranh, bom đạn cũng đã làm cho nhiều cánh rừng bị cháy với hậu quả tương tự... Rồi tới việc sử dụng thuốc khai quang đã khiến cho rừng càng bị phá hủy trầm trọng.

Vào năm 1975, khi hòa bình trở lại, tưởng rằng thiên nhiên có điều kiện phục hồi, nhưng chính sách tập trung cải tạo các sĩ quan và cán bộ của chế độ cũ, đồng thời với việc đưa dân thành thị đi lập các vùng kinh tế mới đã huy động một khối dân khổng lồ vào việc phá rừng bừa bãi. Một trong những hậu quả rõ rệt tồn đọng tới nay là việc đào kinh thủy lợi một cách vô tổ chức tại đồng bằng Miền Nam Việt Nam. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các trận lụt xẩy ra thường xuyên tại đồng bằng Sông Cửu Long những năm gần đây .

Tóm lại, lý do đầu tiên của việc phá hủy môi sinh là chính sách của Nhà Nước không coi trọng việc bảo vệ môi sinh đồng thời lại có quá nhiều quyền hạn để huy động sức lao động của dân chúng trong các sinh hoạt nguy hại này.

Lý do quan trọng thứ nhì đã đe dọa và phá hủy môi sinh VN là sự thay đổi của nếp sống dân ta, đặc biệt tại các đô thị. Trong vòng 20 năm qua, việc sử dụng dầu khí cho nhu cầu di chuyển đã tăng vọt, khói xe và bụi đường đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt các thành phố. Bên cạnh đó là sự xuất hiện nhiều ngành sản xuất công nghệ trước đây không có. Tình trạng ô nhiễm môi trường thể hiện qua việc tháo đổ các chất phế thải công nghệ và thành phố ra các dòng sông, đồng ruộng và bầu không khí đang ảnh hưởng trầm trọng lên đời sống của nhân dân. Hiện nay chúng ta chưa có được con số thống kê về số tử vong do các chứng bệnh về viêm đường phổi tại các đô thị lớn và các bệnh do phế liệu hóa học tại các vùng dân cư bao quanh các cơ sở sản xuất lớn nhỏ, nhưng hình ảnh vô số người dân phải mang khẩu trang khi có việc phải di chuyển ngoài đường là một chỉ dấu báo động vì có biết bao nhiêu người khác không có khẩu trang, mà ngay như khẩu trang cũng chỉ ngăn được bụi mà thôi.

Lý do quan trọng thứ ba đe dọa môi sinh VN là sự thay đổi trong các phương pháp canh tác trong nông , ngư nghiệp. Để gia tăng năng xuất, nông dân đã sử dụng rất nhiều chất bón hóa học và các hóa chất trừ sâu. Vì không nắm vững và không được hướng dẫn về kỹ thuật, nhiều khi lượng hoá chất sử dụng đã nhiều từ 5 tới 10 lần hơn lượng cần thiết, gây nên nạn ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước ngầm trầm trọng. Phong trào phá rừng để làm đồn điền trồng một số cây kỹ nghệ hoặc làm trại nuôi tôm, nhất là để nuôi tôm, đã biến nhiều diện tích rừng quý giá, và cả một số ruộng lúa, thành những vùng đất bỏ hoang không sản xuất hay canh tác được .

Môi sinh là môi trường chúng ta sinh sống. Bảo vệ môi trường chúng ta đang sinh sống là chuyện đương nhiên. Tuy vậy những chuyện đương nhiên này đã không được thực hiện vì tình trạng thiếu hiểu biết, ích kỷ hay vô trách nhiệm của nhiều người. Bảo vệ môi sinh là nhiệm vụ của cả chính quyền lẫn người dân. Tuy nhiên trên tờ báo Canh Tân này, chúng tôi muốn đề cập nhiều hơn tới vai trò của người dân hơn là của chính quyền dù rằng đây chính là những người có trách nhiệm giải quyết hay chính là những thủ phạm đã gây nên những tàn phá môi sinh.

Vấn đề trước mắt của dân ta hiện nay là phải ý thức được hiểm họa của vấn đề tàn phá hay ô nhiễm môi trường sống của chính chúng ta. Làm sao mọi người cùng quan tâm tới môi sinh, thường xuyên cố gắng theo dõi và hiểu biết tình trạng vi phạm hay các nỗ lực bảo vệ môi sinh đang diễn ra tại các nơi trên đất nước. Sự quan tâm này chính là tâm thức, phong cách của những ai muốn và dám làm chủ đất nước. Đây cũng là một thái độ cần có để xây dựng sinh hoạt dân chủ trong các lãnh vực khác hơn là môi sinh.

Bên cạnh sự quan tâm, cũng cần phải có nỗ lực thi hành những công tác từ nhỏ tới lớn để bảo vệ môi sinh một cách cụ thể. Muốn thi hành công tác, dầu là nhỏ, cũng cần tìm cách tạo sự hợp tác giữa một số người và thông tin cho nhau để trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm. Việc tìm hiểu và thông tin là những bước đầu để đối phó với một vấn nạn về môi sinh tại một địa phương. Đừng quên là tai họa môi sinh tại một địa phương nhiều khi phát xuất từ thượng nguồn dòng sông chẩy qua đó, từ một dẫy núi ở xa hay từ nhà máy tại một thành phố kế cận.

Để đối phó với nguy cơ về môi sinh, sẽ cần sự hợp tác của người dân tại các địa phương khác nhau, nhiều khi vượt ra ngoài cả biên giới quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng để làm sao, trong việc bảo vệ môi sinh Việt Nam, chúng ta sẽ có sự chung sức của đồng bào cả ở trong và ngoài nước.

1 nhận xét:

Unknown nói...

bai viet dai qua ah