05 tháng 7, 2004

Quan Niệm Độc Lập Trong Thời Đại Mới (CT2)


Trần Châu Khoa

Đối với mọi dân tộc trên thế giới và nhất là đối với dân tộc Việt Nam, từ "Độc Lập", "Tự Chủ" có một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Dân tộc ta có truyền thống trân quý độc lập, tự chủ. Phải chăng vì dân ta đã từng nhiều phen bị mất đi những gia sản quý giá đó mà phản ứng tự nhiên của dân tộc là bảo vệ độc lập chủ quyền, giành lại độc lập chủ quyền dù phải hy sinh tất cả ? Lịch sử Việt Nam là cả một chuỗi dài toàn dân chiến đấu chỉ vì những giá trị đó.

Tự điển định nghĩa độc lập là đứng một mình, không nhờ cậy ai, không lệ thuộc ai, không cần ai bảo hộ mình. Một xí nghiệp, một cơ quan truyền thông... được coi là độc lập khi họ không bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi bất cứ ai kể cả chính quyền.

Một nuớc độc lập là một nước có khả năng tự trị: nội chính, ngoại giao đều không chịu sự chi phối, can thiệp, khống chế bởi các nước khác. Trong lịch sử, thời xưa hay ngay giữa thời cận đại, ở phương Đông hay phương Tây, người ta ghi nhận những nước lớn thường hay bắt các nước nhỏ "thần phục" hay làm "chư hầu". Đã có một thời Trung Quốc vẫn coi nước ta là một nước chư hầu của họ; vua ta phải được họ ban sắc phong.

Trong ngôn ngữ của thế kỷ 20 người ta mệnh danh một số nước nhỏ là các nước "vệ tinh", xoay quanh nước lớn. Vì thế, trong chiến tranh lạnh, phe tư bản gọi Liên Xô hay Trung Quốc là "đế quốc" và các nước XHCN Đông Âu, Việt Nam, Bắc Triều Tiên hay Cuba là những nước vệ tinh. Gọi là vệ tinh vì nó phải đi đúng trong "quỹ đạo" của Liên Xô hay Trung Quốc, phải tuân hành những quy luật của hệ thống "thái dương hệ" XHCN; đi trật đường là có vấn đề. Liên Xô đã dùng chiến xa và quân đội tràn vào Đông Berlin, thủ đô nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, ngày 16/6/1953 (hàng trăm người thiệt mạng, 25.000 bị bắt); vào Budapest, thủ đô của Hungari 4/11/1956 (200.000 người chết, 160.000 chạy sang phương Tây) , vào Praha, thủ đô của Tiệp Khắc ngày 21/8/1968 với 300.000 quân và hàng ngàn chiến xa... vì các nước này đã muốn đi ra khỏi quỹ đạo. Phe XHCN gọi Mỹ là "đế quốc" và các nước theo phe Mỹ là "tay sai". Dù là nước vệ tinh hay tay sai thì những nước liên hệ cũng đã mất phần nào độc lập của mình.

Nói đến độc lập, người ta thường liên tưởng đến dân chủ và chủ quyền. Vấn đề là chủ quyền nằm trong tay ai ? Chủ quyền thuộc Nhà Nước hay chủ quyền thuộc nhân dân? Người ta dễ dàng chấp nhận, công dân của một nước độc lập có quyền làm chủ và quyết định về vận mệnh của mình. Nhiều chính quyền cũng muốn núp sau quan niệm độc lập, chủ quyền để mặc tình áp dụng đường lối cai trị của mình, cho dù cách cai trị đó hà khắc, chà đạp con người, không cho con người được hưởng những quyền tự do căn bản nhất. Nước nào chỉ trích, phê bình họ đều bị gán vào tội "xen vào công việc nội bộ", "xâm phạm chủ quyền" nước họ.

Nói đến chủ quyền, người ta cũng lại thường nghĩ đến lãnh thổ, đến biên giới. Ở thời đại ngày hôm nay, ngoại trừ trường hợp có quốc gia chuyển nhượng đất đai cho nước khác, không còn thấy có những nước lớn mang quân đi xâm lược, chiếm cứ lãnh thổ của nước khác làm thuộc địa như hồi thế kỷ thứ 17, 18 nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là quốc gia được bảo vệ bởi biên giới của mình một cách khép kín. Ở thời đại toàn cầu hóa ngày hôm nay, nếu có còn biên giới địa dư thì các thứ biên giới khác đã bị phai mờ, nếu không muốn nói là bị biến mất. Công dân của các nước châu Âu, từ nước này sang nước kia, không cần chiếu khán. Hơn thế nữa, giữa nhiều nước châu Âu các trạm kiểm soát ở cửa khẩu trên đường biên giới giữa các nước cũng đã biến mất như giữa Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp vv... Thông tin, tư tưởng, vốn liếng, văn hóa vv... đã không còn bị giới hạn bởi biên giới các quốc gia nữa.

Trên thế giới hiện nay, đã hình thành nhiều nhóm quốc gia trong các Hiệp Hội, các Liên Minh, các Tổ Chức xuyên quốc gia, như Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên Minh Các Nước Châu Âu (EU), Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) vv... Vì nhu cầu hội nhập, hợp tác cho quyền lợi của các quốc gia, nên các nước không thể nào ôm lấy định nghĩa "độc lập" của các thế kỷ trước. Không ai có thể phủ nhận tính cách độc lập, tự chủ của các nước như Anh, Pháp Đức chẳng hạn; nhưng vì cùng chấp nhận ở trong EU, nên mỗi nuớc phải từ bỏ một phần độc lập của mình. Ví dụ, Ủy Ban Âu Châu tại Bruxelles quyết định cấp cho mỗi nước thành viên của EU một hạn ngạch sản xuất sữa; các quốc gia không được sản xuất quá số lượng ấn định cho dù nông dân có khả năng sản xuất nhiều hơn. Nuớc nào vượt chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền. Không thể nói vì chuyện này mà các nước thành viên EU mất độc lập. Đối với WTO cũng thế. Nước ta có nhu cầu hội nhập nền kinh tế thế giới và gia nhập WTO. Từ 10 năm nay, Việt Nam đã chập chững cải tổ nhiều lãnh vực, từ kinh tế đến luật pháp vv... kể cả những cải tổ đi ngược lại hướng XHCN của Đảng và Nhà Nước. Thế nhưng sau vòng thương thuyết mới đây tại Genève, WTO còn đòi hỏi ta phải cải tổ hơn nữa và cải tổ thực sự, nhất là về luật pháp và khu vực quốc doanh.

Trong thời đại ngày hôm nay, bước qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới, cần phải canh tân tư duy con người, từ người công dân đến người lãnh đạo quốc gia, và qua đó canh tân quan niệm về độc lập, tự chủ. Ngày nay, không thể có một quốc gia nào tuyên bố độc lập, đứng riêng lẻ, đóng chặt các cửa ngõ với thế giới bên ngoài. Tư duy mới là thế độc lập trong đại gia đình thế giới. Nói cách khác, đó là thế không đứng một mình và đứng chung với người khác nhưng không để mất chính mình: thế liên lập. Dĩ nhiên, nền độc lập của Việt Nam không phải cứ hô hào mà có. Nó sẽ phải được xây dựng bằng những giá trị thực sự dân tộc và bằng sức mạnh nội tại. Sức mạnh ấy phải đến từ toàn dân chứ không phải loại sức mạnh của một nhóm cầm quyền vay mượn từ ngoại quốc. Nếu không có loại sức mạnh nội tại đúng nghĩa ấy, từ liên lập nước ta sẽ trở thành một thứ nô lệ tân thời, súng sính trong vai kẻ phục dịch cho các nước khác.

Không có nhận xét nào: