05 tháng 7, 2004

Tiến Tới Mà Lại Tụt Hậu (CT2)


Vũ Thạch


"Dù gì thì cuộc sống bây giờ cũng khá hơn mươi mười năm về trước..."
Vô Danh Cùng Khắp.


Nếu cách đây 2 thập niên nhiều bà con ta ngỡ ngàng là tại sao trên báo chí các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường đều vượt chỉ tiêu sản xuất mà cả nước vẫn đói, thậm chí một số vùng có chết đói, thì ngày nay cũng không ít người Việt Nam phải tự hỏi tại sao nhan nhản trên báo những báo cáo phấn khởi về mức phát triển kinh tế hàng năm, những con số xuất cảng tăng vụt, trong lúc một vài quan chức Đảng và một số nhà trí thức lại cứ kêu gào báo nguy về tình trạng tụt hậu của nước ta. Ai đúng, ai sai ?

Trước hết, cả các định chế quốc tế cũng phải công nhận rằng những con số tăng trưởng GDP khoảng 7% hàng năm mà Nhà Nước ta công bố, tuy có thổi phồng đôi chút, nhưng không tới độ quá ngược với sự thật như các tin tức "vượt chỉ tiêu" của thời kinh tế chỉ huy và bao cấp. Tuy vậy con số tăng trưởng GDP là một con số có tính so sánh, nó so sánh tổng sản lượng nội địa của năm này so với năm trước. Vì nền kinh tế thị trường nước ta chỉ mới mở mắt được vài năm nay và các chỉ số kinh tế cũng chỉ mới bắt đầu được thu thập trong thời gian ngắn ngủi này, do đó, có thể nói chúng ta đang so sánh với một lằn mức rất thấp, nếu không nói là so sánh với một con số không. Chính vì vậy mà con số GDP chia theo đầu người cho năm 2003, dù đã có xoa bóp, vẫn chỉ mới ở mức 476 USD.

Dĩ nhiên kinh tế không đại diện trọn vẹn cho mức phát triển của một quốc gia, tuy nhiên, đem con số 476 USD này so với các quốc gia trong vùng vẫn làm bật lên hình ảnh tụt hậu của chúng ta. GDP trên đầu người năm 2003 của Indonesia là 1140 USD, tức hơn gấp đôi Việt Nam; của Thái Lan là 2223 USD, tức hơn gấp 4 lần Việt Nam; của Nam Hàn là 11630 USD, tức hơn 24 lần Việt Nam; của Đài Loan là 13180, tức hơn 27 lần Việt Nam; của Singapore là 22330 USD, tức hơn 46 lần Việt Nam.

Năm nước kể trên được liệt kê để chúng ta cùng thấy vận tốc tụt hậu kinh hồn của Việt Nam trong 28 năm qua. Tại thời điểm 1975, mặc dù bị đắm chìm trong chiến tranh, nền tảng kinh tế tại miền Nam Việt Nam vẫn hơn hẳn các nước trong vùng Đông Nam Á và cả Đài Loan, Đại Hàn. Cụ thể như kỹ nghệ lắp ráp xe hơi với động cơ nhập từ Nhật Bản đã được khởi động tại Việt Nam vào đầu thập niên 70. Cùng mô thức phát triển kỹ nghệ xe hơi này, hãng xe Hyundai của Đại Hàn và Proton của Mã Lai đều đi sau La Dalat của Việt Nam từ 5 đến 10 năm. Nhiều trại nuôi gà hàng trăm ngàn con, nhiều khu trồng nho kỹ nghệ của tư nhân đã đi vào sản xuất. Ngành nuôi tôm, cá ngay trên sông nước đã đi vào giai đoạn thử nghiệm. Bên cạnh ngân hàng quốc gia đã có một số ngân hàng tư nhân làm nền tảng cho nền kỹ nghệ tài chánh, v.v... Nói cách khác trong 2 thập niên sau khi đất nước thống nhất, mức tăng trưởng GDP của ta mang giá trị âm, nghĩa là chỉ có những nỗ lực phá hủy các cơ sở hạ tầng kinh tế quốc gia sẵn có và diệt trừ khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động. Phải mất gần gần 30 năm sau, chúng ta mới đang cố tạo dựng lại các cơ sở này từ con số không.

Một khó khăn khác trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách tụt hậu là mỗi thành tựu kinh tế, khoa học, kỹ thuật lại góp phần làm nền tảng cho sự phát triển chung nhanh hơn. Hãy dùng một thí dụ thật gần, theo các dự đoán tươi sáng nhất của Đảng và nhà nước, dựa trên nền tảng kinh tế hiện tại, Việt Nam vẫn phải mất 20 năm nữa mới theo kịp Thái Lan của ngày hôm nay, nghĩa là tăng gấp 4 lần GDP theo đầu người. Nhưng trong 20 năm trước mặt, chắc chắn Thái Lan sẽ không đứng yên nhưng sẽ phát triển với vận tốc còn nhanh hơn nữa dựa trên nền tảng đã có ở hiện tại. Và như vậy, có xác suất cao là khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan sau 20 năm sẽ còn rộng hơn khoảng cách hiện nay. Đó là chưa kể đến vận tốc phát triển vũ bão của các con hổ Á Châu như Đại Hàn, Đài Loan. Nếu nỗ lực canh tân đất nước để giải trừ quốc nạn tụt hậu không được gấp rút nâng lên thành ưu tiên hàng đầu của toàn dân tộc, rất có thể Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn cơ hội bắt kịp thế giới.

Trong nỗ lực đó, câu hỏi đầu tiên cho mỗi người chúng ta là có nên tiếp tục dùng một vài con số lựa lọc để lừa dối nhau chấp nhận ổn định trong tụt hậu, hay phải đánh thức nhau về khoảng cách cứ xa dần giữa Việt Nam và thế giới để thấy nỗi nhục và trách nhiệm của chúng ta không chỉ đối với dân tộc hôm nay mà còn đối với hàng trăm thế hệ cha ông đã trả giá xương máu cho tương lai của đất nước này.

Không có nhận xét nào: