05 tháng 7, 2004

Giàu Mạnh (CT2)


Lưu Tấn Đông


"Đất nước người ta phát triển giàu mạnh là nhờ có ít anh hùng".
Trịnh Công Sơn.


Từ năm 1976, TBT Lê Duẩn đã tuyên bố chỉ trong vòng 10 năm, mỗi hộ sẽ có xe máy, tivi, tủ lạnh. Thế là tất yếu đổng, đạp, đài... bỗng nhiên thành chuyện vặt! Đó cũng là thời điểm cuộc đổi tiền đầu tiên ở VN, hệ thống tem phiếu được cải tổ, chính sách Giá-Lương-Tiền được phát động cùng lúc với các chính sách tận diệt bọn tư sản mại bản và chuyển dân lên vùng kinh tế mới. Đến 1979, bộ đội ta được trên chỉ thị ồ ạt tràn sang ngăn chận nạn diệt chủng ở Campuchia. Mặt trận Tây Nam bùng nổ, kéo theo năm hậu quả kinh khiếp cho một đất nước chưa kịp lành vết thương chiến tranh Nam-Bắc: Một là hàng vạn gia đình bộ đội Việt Nam đồng loạt nhận bằng liệt sĩ trên đất Chùa Tháp. Hai là VN ta vốn đang sống nhờ kinh viện của Liên Bang Xô Viết lại phải cưu mang thêm gần bốn triệu dân Campuchia đói rách tả tơi. Ba là hàng vạn bộ đội khác đã phải trắng xương đỏ máu ngăn chận giòng thác "giáo trừng" môi hở răng lạnh của bọn bá quyền phương Bắc. Bốn là các cột mốc biên giới Việt-Trung đã bị dời sâu vào nội địa nước ta. Năm là quyết định của thế giới đồng tình cấm vận kinh tế VN. Bấy giờ, chỉ mỗi VN ta mới hội đủ điều kiện thực tiễn để phân biệt rạch ròi các hạng mục thiếu đói, đói, và đói gay gắt. Bấy giờ, suy dinh dưỡng không còn là một cụm từ y học được quy vào một tỷ lệ dân số nhất định nào. Nó là tình trạng mẫu mực chung của nhân dân ta anh hùng.

Mười năm sau, 1986, lời tuyên bố của TBT Lê Duẩn chỉ ứng đủ cho những hộ có cán bộ đi B. VN vừa trải qua thêm một đận đổi tiền kèm theo những lời kêu gọi thế giới cứu đói cực kỳ thống thiết. TBT Nguyễn Văn Linh chuẩn bị chính sách đổi mới theo hướng Perestroika của điện Cẩm Linh, cũng là sự chuẩn bị cho báo đài thu hình những chuyến rút quân ra khỏi Campuchia sau 10 năm hữu nghị trên xứ bạn, chỉ giữ lại những sư đoàn chuyên gia đóng chốt an ninh gọi là để ổn định chính trị. Giấc mộng Liên Bang Đông Dương bốc hơi, nhưng cả ba nước Đông Dương đều được phân bố rạp mình nằm ở cuối bảng xếp hạng của thế giới thứ ba. Đến cuối năm 1989, Đông Âu chuyển mình, chính sách cởi trói văn nghệ của TBT Nguyễn Văn Linh bỗng chốc biến thành xiết lại. Làn sóng dân chủ hóa ăn lan sang cái nôi cách mạng Liên Xô vào năm 1991, ngày 19 tháng 8. Quốc tế cộng sản tan rã. VN ta bị cắt đứt viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Hệ quả tiêu cực là trắng tay cháy túi. Nhưng, kết quả tích cực là lãnh đạo phải chấm dứt tư duy ký sinh vào những bậc đàn anh vĩ đại. Dân ta phát kiến ra cách khoán ruộng, sau đó trở thành chính sách hàng đầu của đảng và nhà nước ta, xóa sổ chế độ hợp tác xã trên con đường quá độ tiến lên nơi chưa biết. Nhân dân ta bớt đói, và ở một góc nhìn nhất định, chừng mực nào đó, nước ta bắt đầu bớt yếu đi từ ý niệm tự lực đó. Chỉ từ bấy, VN mới bắt đầu có đủ gạo cung ứng cho thị trường trong nước, tiến dần đến chỗ xuất khẩu gạo lên hàng thứ ba, rồi thứ nhì trên thế giới.

Từ năm 1991, chúng ta đã bắt đầu nghe nhiều về khẩu hiệu "nước mạnh dân giàu". Dân đã đủ ăn, cán bộ đã có quyền làm giàu theo lời tuyên bố của TBT Đỗ Mười và có thể tạm coi là đủ giàu, nhưng có phải là nước ta đã đủ mạnh? Do đâu mà người chiến thắng là ta phải quay lại quỵ lụy trong quan hệ với bọn thực dân và đế quốc chiến bại? Do đâu mà, nhỏ là các giao kèo liên doanh, lớn là các hiệp ước song phương của ta vẫn bị thiệt thòi, như ta từng chịu thiệt thòi dưới các quy chế tối huệ quốc với Nhật và Mỹ? Do đâu mà đảng và nhà nước ta phải tiến từ Điện Biên Phủ sang Liên hiệp các nước Pháp thoại? Do đâu mà mọi phái đoàn công du của đảng và nhà nước ta vẫn phải ra vào công quán nước ngoài bằng cửa hậu? Do đâu mà công nhân vốn là giai cấp tiền phong của XHCN vẫn bị chủ nhân người nước ngoài quát mắng, đánh đập ngay trên đất nước mình, hay được xuất khẩu ra nước ngoài để làm những việc mà người bản xứ không muốn làm với mức lương rẻ mạt? Do đâu mà người phát ngôn ngoại giao của ta cứ phải liên tục lên tiếng phản đối những văn bản, nghị quyết của quốc hội Liên Âu, quốc hội Mỹ, hay của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án tình hình vi phạm nhân quyền của đảng và nhà nước ta? Do đâu mà đảng và nhà nước ta đã tự động dâng đất hiến biển cho ngoại bang để đánh đổi lấy 16 chữ vàng ổn định tình hữu nghị?... Có nhức nhối lắm không khi nghe loa phường mỗi ngày nhiều lần lặp lại khẩu hiệu "nước mạnh dân giàu"?

Phải chăng đã đến lúc vấn đề cần được nhìn lại một cách nghiêm túc? Phải chăng dân giàu không chỉ có nghĩa là đủ ăn đủ mặc, hay được lượn lờ xe máy dưới ánh đèn màu của hàng hàng lớp lớp khách sạn, vũ trường? Phải chăng dân giàu còn bao gồm cả sự đáp ứng những nhu cầu trí tuệ, tâm linh và niềm tự hào văn hóa dân tộc khác với niềm tự hào chiến thắng sau những trận biển người dập vùi núi xương sông máu trên Trường Sơn xẻ dọc, Biển Hồ sóng sánh, hay giữa các cột biên chập chùng từ Lũng Cú đến Đồng Đăng? Phải chăng dân ta chưa giàu là bởi một nền giáo dục lạc hậu từ chương và đặt nặng phần chính trị lên trên kiến thức? Phải chăng dân ta chưa giàu vì âm hưởng các cuộc "chiến đấu thần thánh", và XHCN vẫn được coi là thứ giáo điều linh hiển ở trên mọi loại tín ngưỡng tâm linh khác? Phải chăng dân ta chưa giàu vì vẫn còn đó những vòng kim cô khắc nghiệt trên đầu các văn nghệ sĩ? Phải chăng dân ta chưa giàu vì bức tường lửa ngăn dân lên mạng internet mỗi ngày một dày hơn cả đê Yên Phụ? Phải chăng dân ta chưa giàu vì vẫn còn phải cơm nắm nước bịch sắp hàng đội đơn khiếu kiện trước tư dinh của TBT?... Còn nước mạnh? Có lý nào nước mạnh ở chỗ "quyền lực trên nòng súng", nhà nước có toàn quyền bắt giam hay quản thúc những người nghĩ khác với mình? Có lý nào nước mạnh ở chỗ chính phủ ta quản lý được một chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt với hàng chục vạn đơn xin tạm vắng tạm trú mỗi ngày? Có lý nào nước mạnh ở chỗ nhà nước có toàn quyền ra lệnh giật sập nhà nguyện, phong tỏa nhà chùa? Có lý nào nước mạnh ở chỗ toàn bộ hơn 500 cơ quan ngôn luận trong cả nước cùng đánh vần đều nhịp từng bản tin của thông tấn xã nhà nước? Có lý nào nước mạnh ở chỗ TBT đảng ta đứng bục lên lớp một tổng thống Mỹ về bài học quân sự cổ tích ngay giữa thủ đô của mình trong lúc vẫn chực chờ ngửa tay xin viện trợ? Có lý nào nước mạnh ở chỗ VN cởi áo chen chân xin nhập vào khối các nước xác xơ của Nam Bán Cầu, của thế giới thứ ba? Có lý nào nước mạnh ở chỗ lá quốc kỳ chỉ được phép tung bay bên trong vòng rào các đại sứ quán VN trên thế giới? Có lý nào nước mạnh ở những bài ca đàm phán xin khất nợ hay xóa nợ trước các câu lạc bộ Paris, London?...

Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, cả Đức lẫn Nhật đều bại trận, song chỉ vài thập niên sau đó, nước Đức vươn vai dẫn đầu châu Âu và nước Nhật lẫy lừng dẫn đầu châu Á. Năm 1975, VN ta hãnh diện là đã chiến thắng đế quốc đầu sỏ tư bản Mỹ. Non ba mươi năm sau, đảng và nhà nước ta lại hãnh diện về một chiến thắng khác trong trận đàm phán cuối cùng là đã "gài" được vào thương ước Việt-Mỹ một câu khẳng định "VN là một quốc gia đang phát triển", để hưởng thêm tí phúc lợi trên thuế biểu xuất khẩu hàng sang Mỹ. Liệu có cần phải hỏi VN ta đang đứng đâu với biển hiệu "xóa đói giảm nghèo" đeo cổ, trước tầm tiến bộ và phát triển giông bão của nhân loại? Có nên chăng, ở vị trí của dân là gốc của nước, mỗi người VN chúng ta cùng đối diện với những dằn vật nhức nhối vừa nêu, và cùng khai phá một hướng cất cánh cho chính mình và cho đất nước mình, sao cho thực sự đúng nghĩa với cụm từ "dân giàu nước mạnh"?

Không có nhận xét nào: