05 tháng 6, 2004

Thư Ngỏ (CT1)



Quí bạn đọc thân mến,


Là người Việt Nam, ai trong chúng ta cũng đều muốn đất nước giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhân dân được sống trong một đất nước ổn định và giàu mạnh, có nhiều cơ hội để thăng tiến. Khát vọng tuy giản đơn nhưng vẫn còn nằm ngoài tầm tay với của nhiều thế hệ chúng ta.

Vào năm 1847, chỉ với một chiến thuyền, hải quân Pháp đã đánh chìm toàn bộ các chiến thuyền Việt Nam trong cuộc đụng độ đầu tiên tại hải cảng Đà Nẵng. Sự kiện này đã nói lên sự chênh lệch quá rõ ràng về trình độ kỹ thuật và sức mạnh quân sự giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Nhưng vua quan của nhà Nguyễn thời đó vẫn không học được kinh nghiệm này để mau chóng thay đổi chính sách bế quan tỏa cảng. Tình trạng sơ cứng về tư duy của tầng lớp lãnh đạo đã đưa nước ta đắm chìm vào vòng nô lệ.

Hơn 150 năm sau, kinh nghiệm nhức nhối của triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn, nước ta vẫn tiếp tục đắm chìm trong tụt hậu không lối ra. Vào thế kỷ 19 hay chỉ mới cách đây chừng vài chục năm, một số nước trong vùng cũng ở ngang tầm chậm tiến như Việt Nam. Nhưng ngày nay, các quốc gia này đã có những bước phát triển nhảy vọt, bỏ xa Việt Nam. Chỉ so với Thái Lan, nước ta đã bị bỏ xa khoảng 20 năm phát triển. Đây là một vấn đề rất nghịch lý đối với tiềm năng dồi dào của dân tộc.

Nếu nói nước ta không tiến thì không đúng. Nhưng khi Việt Nam đi được một bước, thì các nước khác đã tiến năm, bảy bước. Các chuyên gia kinh tế đã dự phóng rằng nếu Việt Nam cứ phát triển đều đều mỗi năm là 10% thì cho đến năm 2020 mới bằng với mức phát triển của Thái Lan hiện nay, đến năm 2030 thì bằng Mã Lai và đến năm 2060 mới bằng Hàn Quốc. Hẳn nhiên, các nước này đâu đứng chờ ta. Họ vẫn tiếp tục phát triển. Khoảng cách giữa ta và họ vẫn tiếp tục dài ra. Thực tế này có khác gì Việt Nam đang bị tụt hậu trên con đường phát triển chung của kinh tế toàn cầu? Việt Nam ta hiện có rất nhiều chuyên viên, trí thức giỏi và giàu lòng yêu nước với hoài bảo và nhiều phấn đấu để đưa đất nước tiến lên, nhưng kết quả đã không như họ muốn. Tại sao?

Những câu hỏi trên và nhiều câu hỏi khác cứ bật ra khi kiểm nghiệm lại hoàn cảnh của đất nước. Tại sao một đất nước có đầy đủ những điều kiện để sống sung túc nhưng nghèo nàn và lạc hậu vẫn tiếp tục đè nặng lên đa phần dân ta? Tại sao một dân tộc nổi tiếng là cần cù và thông minh lại không có khả năng đưa đất nước tiến nhanh trên con đường phát triển? Tại sao chúng ta có một tập thể những người trẻ tuổi đầy năng lực và ý chí, trong đó không thiếu những người ưu tú, lại chưa tạo được điều kiện để biến Việt Nam trở thành một nước tiên tiến trong vùng?

Đây là một mối nhục của mọi thế hệ Việt Nam. Thông thường, người ta thường thích đề cập đến cái vinh, cái đẹp, cái đáng kiêu hãnh... của dân tộc mình và che dấu hoặc không muốn nhắc đến cái nhục, cái xấu, cái đáng trách... Đây là phản ứng rất bình thường của mỗi con người. Nhưng nếu không được lưu tâm đến, cái xấu vẫn còn đó và có thể ngày một tệ hơn, cái nhục vẫn còn nguyên vẹn và có thể ngày một khó rửa.

Ngày xưa, cái nhục của một dân tộc thường là mất nước, bại trận hay bị lệ thuộc. Ngày nay, sự bành trướng và chi phối của các nước mạnh không còn thể hiện qua hành động xâm chiếm đất đai, mà bằng những ảnh hưởng về kinh tế, tài chính để khống chế các nước yếu và khai thác các nước này cho nhu cầu và quyền lợi của họ. Vì thế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sẽ có những nước bị kìm hãm trong lạc hậu và chỉ đóng vai trò phục vụ cho những nước khác. Nước ta đang rơi vào nguy cơ này, nguy cơ lạc hậu vĩnh viễn và không có cơ hội ngóc đầu lên được. Mối nhục Việt Nam sẽ không còn là mất nước, mà là mối nhục chậm tiến, nghèo nàn và lạc hậu.

Mối nhục này có là nỗi bận lòng của chúng ta không? Có phải là một vấn đề đáng chất vấn lương tri của mỗi người Việt Nam quan tâm đến tương lai của giống nòi không? Không trả lời thỏa đáng những câu hỏi này, dù 150 năm trước hay 150 năm sau, vấn đề canh tân Việt Nam chắc chắn sẽ còn nguyên vẹn. Với tâm huyết góp phần gỡ bỏ mối nhục chậm tiến và lạc hậu, với khát vọng canh tân Việt Nam đã kéo dài từ nhiều thế hệ, nhóm chủ trương tờ "Canh Tân" mà quí bạn đọc đang cầm trên tay chỉ muốn góp một đóng góp nhỏ bé của mình là mở ra một diễn đàn chung nhằm chuyên chở những suy tư, nhận định, ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến nhu cầu canh tân Việt Nam. Mặc dù chỉ là một đóng góp nhỏ mọn, nhưng chúng tôi tin rằng nếu mỗi người Việt Nam đều sẵn sàng có những đóng góp nhỏ mọn tương tự, thì con đường canh tân Việt Nam sẽ mau chóng bắc cầu, vượt sông, xẻ núi, nối liền hiện tại đen tối với tuơng lai tươi sáng của dân tộc, đưa nước Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu không thua kém bè bạn năm châu bốn biển.

Nhóm Chủ Trương Canh Tân

Không có nhận xét nào: