05 tháng 4, 2006

Cuộc Tranh Đấu Không Cân Xứng Giữa Các Nhà Dân Chủ Trong Nước và Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam (CT23)


Nguyễn Chính Kết

Ngày xưa, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân quân VN phải dùng chiến thuật «du kích» để chiến đấu. Theo Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị, «du kích» được định nghĩa là «lối đánh giặc bằng những toán quân nhỏ, thiện chiến, luôn lưu động khi địch với một đối phương đông và nhiều khí giới hơn». Thời ấy, quân Pháp vừa đông; vừa được huấn luyện đầy đủ để chiến đấu có kỹ thuật và bài bản; vừa được cung cấp đầy đủ vũ khí, các phương tiện chuyên chở hiện đại. Còn nghĩa quân của ta vừa ít, vừa thiếu tập luyện, vừa dùng vũ khí rất thô sơ. Nói chung là thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Muốn giải phóng đất nước thành công, nếu cứ chiến đấu kiểu chính quy, mặt đối mặt, thì chắc chắn trăm trận trăm thua! Vì thế, quân ta phải áp dụng chiến thuật du kích, đánh lén, dấu mặt, và nhiều khi phải chấp nhận vi phạm pháp luật của nhà nước Pháp thuộc thời ấy. Với lối đánh du kích ấy, quân ta đã từng làm quân Pháp phải hao binh tổn tướng, nhiều khi thiệt hại rất nặng nề. Quân ta có hơn được quân địch là hơn ở chính nghĩa bảo vệ an nguy tổ quốc, ở dũng khí, ở sức mạnh của lòng ái quốc… Còn quân địch chỉ là kẻ xâm lăng, không chính nghĩa, động lực của họ chỉ là quyền lợi của đất nước họ, phe nhóm và cá nhân họ.

Nói chung, «du kích» là kiểu đánh của kẻ yếu đối với kẻ mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Kẻ yếu và ít người mà dùng chiến thuật du kích để đánh kẻ mạnh và đông thì ai cũng chấp nhận được. Nhưng kẻ mạnh và đông mà lại áp dụng chiến thuật du kích đối với kẻ yếu và ít thì chỉ những kẻ bụng dạ tiểu nhân mới chấp nhận được và mới làm được thôi. Chẳng khác nào người lớn, có sức mạnh, có vũ khí trong tay lại vừa đánh, vừa chơi xấu với một đứa trẻ yếu đuối, tay không vũ khí. Người quân tử hay người còn liêm sỉ không bao giờ chấp nhận và càng không bao giờ thực hiện được điều ấy.

Ngày nay, trong cuộc chiến đấu giành lại quyền tự do và quyền làm chủ mà đảng cộng sản đã tước đoạt của người dân trên 60 năm qua, các nhà dân chủ ít ỏi trong nước đang phải tranh đấu với cả một bộ máy nhà nước rất lớn mạnh, có lực lượng quân đội và công an – cả chìm lẫn nổi – hùng hậu, vũ khí tối tân, phương tiện thiện xảo, và tiền rừng bạc bể. Trước hai lực lượng bất cân xứng như thế, cứ theo lý luận hợp lý thì đáng lẽ các nhà dân chủ phải áp dụng chiến thuật du kích đối với nhà nước cộng sản mới đúng. Nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược: chính nhà nước cộng sản lại áp dụng chiến thuật rất «du kích» đối với các nhà dân chủ hiện nay. Các nhà dân chủ khắp cả nước đếm chưa được một trăm người, không có một tấc sắt trong tay để tự vệ, nhưng chiến đấu với nhà nước cộng sản theo kiểu chính quy nhất. Thế mới lạ đời và ngược đời!

Hiện nay, dù rất ít ỏi, dù không một tấc sắt trong tay, các nhà dân chủ luôn phải chiến đấu một cách công khai, lộ diện, kiểu «ván bài lật ngửa», bằng những phương tiện rất ôn hòa, bất bạo động và hợp pháp. Cụ thể và chủ yếu là tranh đấu bằng ngòi bút của mình trên các trang web, các diễn đàn Internet, và mới đây, trên cả báo giấy nữa. Ngoài ra, không còn một thứ vũ khí nào khác. Dù chỉ dùng thứ phương tiện đơn giản và rất ôn hòa ấy, họ vẫn bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu, đe dọa đủ kiểu, thậm chí bỏ tù, hãm hại... Dù nắm được đủ mọi ưu thế trong tay, nhà nước cộng sản vẫn phải dùng những chiến thuật ám muội, lén lút, bỉ ổi, là khủng bố, gây sợ hãi, bao vây kinh tế, cúp điện thoại, cúp Internet, sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm… để trấn áp, bịt miệng và hạn chế tối đa số người tranh đấu trong nước cùng khả năng hoạt động của họ. Rất nhiều trường hợp, để thực hiện việc trấn áp ấy, nhà nước đã phải vi phạm hiến pháp: họ lập ra những pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, luật pháp đi ngược hẳn lại tinh thần của hiến pháp cũng do chính họ lập ra. Ngay cả những luật lệ “dưới hiến pháp” do chính họ đặt ra ấy, nếu cần, họ cũng sẵn sàng chà đạp. Nếu có một cơ quan Quốc Hội hay tòa án xử lý những điều luật vi hiến ấy như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn có, thì sẽ có biết bao điều hay khoản luật trong các pháp lệnh, nghị quyết… phải đem ra xét xử hoặc xét lại. Và tòa án ấy cũng phải xử vô số những hành động trái pháp luật của chính nhà cầm quyền hiện nay.

Để xử án các nhà dân chủ, nhiều khi tòa án của nhà nước cộng sản phải bất chấp quy định của pháp luật, là xử lén lút, âm thầm chứ không dám xử công khai. Họ thường hạn chế tối đa số thân nhân, đồng bạn hay đồng sự của bị can đến tham dự, thậm chí chỉ còn 1, 2 người, đôi khi chẳng có ai. Như thế hẳn nhiên phải có những khuất tất, lấp liếm, bất công trong đó. Thật ra xử án chỉ là cách hợp pháp hóa những bản án bất công đã được giới cầm quyền định sẵn từ trước. Vụ xử án Lm Nguyễn Văn Lý (2001), Ms Nguyễn Hồng Quang (2003), Bs Phạm Hồng Sơn (2003), nhà báo Nguyễn Vũ Bình (2003)… là những chứng cứ rất điển hình. Điều thật bỉ ổi, đó là: pháp luật, tòa án, thay vì là một phương tiện hữu hiệu để bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân thì trong rất nhiều trường hợp lại trở thành một công cụ bảo vệ, che chở cho những bất công và tội ác của chế độ cũng như những người đang làm việc cho chế độ.

Cách nhà cầm quyền đàn áp linh mục Nguyễn Văn Lý là một điển hình rõ rệt cho sự bất cân xứng về đủ mọi mặt giữa nhà nước cộng sản và các nhà dân chủ. Để bắt có một mình Lm Nguyễn Văn Lý, vào ngày 17-5-2001, nhà nước đã phải dùng đến chiến thuật biển người, với một lực lượng công an đông đảo tới 600 người (theo như các nguồn tin đã loan trên các mạng Internet). Việt Nam đúng là một nước rất nghèo về nhiều mặt nhưng lại là nước rất giàu về công an! Để chiến đấu với một kỹ sư Đỗ Nam Hải, họ đã phải dùng một số công an chìm thay phiên nhau theo dõi từng đường đi nước bước của anh. Anh Hải cho biết: nhiều tháng nay, anh đi đâu cũng có ít nhất 2 thanh niên đi theo, có khi 3, có lúc 4… Thế nhưng khi anh phản đối điều ấy với công an quận Phú Nhuận, thì như anh kể, họ chối phăng như không bao giờ có chuyện ấy! Để dẫn anh về nhà hầu tịch thu có mỗi một cục CPU (máy vi tính) của anh, mà công an quận Phú Nhuận phải huy động cả mười mấy người để làm cái việc rất nhỏ ấy! Có lần tại công an phường 6 quận 3, vào cuối năm 2005, anh phải làm việc với một tổ công an gồm 6 người thay phiên nhau thẩm vấn anh, suốt ngày và suốt đêm theo kiểu «xa luân chiến»! Họ có quyền thay phiên nhau nghỉ ngơi, còn anh thì phải làm việc liên tục!

Hiện nay, bất kỳ một hành vi tranh đấu nào của các nhà dân chủ cũng đều phải làm cách công khai. Để tránh bị phiền nhiễu, họ phải tôn trọng pháp luật tối đa, dù pháp luật ấy đối với họ còn rất nhiều điều bất công, bất hợp lý, có nhiều điều chẳng những mâu thuẫn với hiến pháp mà còn mâu thuẫn lẫn nhau nữa. Các nhà dân chủ phải tôn trọng pháp luật để hạn chế tối đa những duyên cớ hay lý do mà nhà cầm quyền có thể vin vào để bắt bớ họ. Nếu cần phải bí mật thì không phải vì điều ấy trái pháp luật, mà chỉ vì các nhà dân chủ không muốn để nhà cầm quyền biết trước để phá đám hay ngăn cản mình. Nhưng những việc tạm thời bí mật ấy sau khi thực hiện xong thì các nhà dân chủ đều công khai hóa tất cả trên mạng Internet trước thế giới và trước cả nhà cầm quyền cộng sản nữa. Cụ thể nhất là mới đây (vào tháng 3 và tháng 4-2006) anh Đỗ Nam Hải đã phải khốn khổ nhiều ngày chỉ vì nhà cầm quyền muốn ngăn cản anh viết bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ: họ đã đến bắt anh khi anh đang ăn sáng ở ngoài tiệm, tịch thu máy vi tính một cách trái pháp luật, làm việc với anh nhiều ngày để anh không còn tâm trí và thì giờ mà viết… Nhưng họ đã thất bại vì bản tuyên ngôn vẫn ra đời đúng kỳ hạn, nghĩa là trước đại hội đảng X!

Sự công khai của các nhà dân chủ cũng được thực hiện ngay trong những cú điện thoại, những email, những thư từ, vì nhà nước cộng sản đang nắm trong tay quyền kiểm soát tất cả những thứ ấy. Sự công khai ấy cũng là một thứ khí giới lợi hại, vì nhờ đó nhà nước có muốn đàn áp, bịt miệng các nhà dân chủ cách vi hiến hay vi luật, thì hành động của họ cũng bị trở thành công khai. Các nhà dân chủ đã phải hành động theo cách thức của một kẻ yếu thế và đơn độc bị một đám đông bất lương muốn hành hung hãm hại: để được bảo vệ an toàn thì sự khôn ngoan đòi hỏi người ấy đi đâu cũng phải đi giữa chốn đông người, chỗ có ánh sáng chan hòa. Nếu đi vào chỗ vắng, chỗ tối thì có rất nhiều nguy cơ bị hãm hại. Chính vì thế, vũ khí để tự vệ của các nhà dân chủ hiện nay chính là công khai mọi hoạt động của mình và những hành vi đàn áp của nhà cầm quyền trên mạng lưới Internet toàn cầu, để nhất cử nhất động của mình và của họ đều được phơi bày ra trước ánh sáng.

Cũng chính vì muốn hạn chế thứ vũ khí này của các nhà dân chủ mà nhà cầm quyền đã cố gắng hạn chế việc sử dụng Internet, điện thoại của các nhà dân chủ. Hiện nay, anh Đỗ Nam Hải và một số nhà dân chủ khác đã bị cắt điện thoại di động (dùng sim card) nhiều lần hoặc bị cúp điện thoại nhà, bị cắt dịch vụ Internet môt cách trái pháp luật… Không chỉ như thế, anh Hải còn cho biết, mỗi khi anh vào tiệm Internet thì người theo dõi anh (mà nhiều khi anh biết mặt) cũng tìm cách vào ngồi bên cạnh anh để xem anh làm gì, đọc gì. Việc theo dõi của nhà cầm quyền đối với các nhà dân chủ không được thực hiện cách kín đáo, lịch sự như trong các nước tự do dân chủ, mà nhiều khi rất trắng trợn, lộ liễu. Các nhà tranh đấu cho dân chủ chỉ còn biết dựa vào những quyền căn bản nhất mà hiến pháp VN và công ước quốc tế đều công nhận để công khai làm những việc cần thiết cho công cuộc tranh đấu của mình. Việc làm mới nhất là tự động ra hai tờ báo giấy «Tự Do Ngôn Luận» và «Hoa Mai» để hành xử quyền tự do ngôn luận của mình. Nếu bị bắt bớ hay ngăn cấm thì họ cũng phải công khai hóa việc vi phạm nhân quyền ấy trên mạng lưới toàn cầu.

Trong khi các nhà dân chủ phải luôn luôn tôn trọng pháp luật để khỏi bị nhà cầm quyền có cớ bắt bớ, khó dễ, thì nhà cầm quyền lại vi phạm chính pháp luật mà họ đặt ra một cách rất công khai mà vô sự. Nhà cầm quyền không những tạo ra những điều luật vi hiến để hợp pháp hóa những hành động đàn áp, như nghị định 31/CP cho công an quyền quản chế khỏi cần xét xử, mà còn vi phạm ngay chính luật pháp của họ. Cụ thể như năm 2004 họ đã bắt cóc anh Đỗ Nam Hải buộc anh làm việc với công an suốt hai ngày hai đêm mà chẳng có ai xét xử. Một số bài báo trên Internet còn cho biết có những lần công an phải nhờ đến thứ «nhân dân phẫn nộ» (từ mà công an vẫn dùng) để tiếp tay trong những vụ đàn áp như ném mắm tôm, đồ bẩn vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, hành hung hai anh Đỗ Nam Hải và Nguyễn Khắc Toàn trong tiệm Internet, hoặc mới đây với luật sư Nguyễn Văn Đài ở ngoài đường…

Nhiều nhà tranh đấu chỉ cần nhận tiền của bạn bè ở ngoại quốc – dù chỉ là 100, 200 USD để sống qua ngày hầu tiếp tục tranh đấu trong lúc bị nhà cầm quyền bao vây kinh tế, bị cho là nhận tiền để «làm tay sai cho những thế lực thù địch». Trong khi các quan lớn cầm quyền nhận hàng triệu đôla của nước ngoài, hoặc biển thủ hàng triệu đôla tiền viện trợ hay vay nợ nước ngoài mà chẳng có anh công an nào dám hạch sách, cho đến khi sự việc bị đổ bể do báo chí khui ra. Xem ra nhà nước VN không chịu để lọt lưới pháp luật một lỗi nhỏ bằng con muỗi của các nhà tranh đấu dân chủ hay của dân đen, nhưng lại sẵn sàng để lọt lưới những tội lớn bằng cả con trâu của những kẻ đang cầm quyền. Một đằng họ quản lý vô cùng chặt chẽ, một đằng họ thả lỏng đến mức không thể chấp nhận được. Sự bất cân xứng về mặt luật pháp giữa hai bên thật quá đáng! Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu mà nhiều anh công an nói với tôi: «Việt Nam tự do gấp triệu lần những nước khác!» và thấy câu ấy quả là đúng và chí lý. Nhưng dường như chỉ đúng với các cán bộ cầm quyền, chứ chẳng đúng với người dân chút nào! Với người dân, chẳng những không đúng mà còn phải hiểu ngược lại mới đúng!

Bài này nêu lên sự bất cân xứng ấy để mọi người thấy rằng Việt Nam cần phải có một «luật chơi» công bằng của một đất nước thật sự là tự do dân chủ. «Luật chơi» ấy phải được áp dụng công bằng cho những khuynh hướng chính trị khác nhau của người dân. Nếu một nước chỉ có chủ trương hay tiếng nói của một thiểu số cầm quyền – ở Việt Nam là đảng cộng sản, chỉ gồm 3 triệu đảng viên (tức chưa được 4%) so với hơn 80 triệu dân – được coi là duy nhất đúng cách vĩnh viễn, không chấp nhận một tiếng nói nào khác từ người dân, thì nước ấy làm sao gọi là dân chủ được? Nếu người dân nào nói lên tiếng nói ôn hòa và hợp lý của mình ngược lại với chủ trương của thiểu số đang cầm quyền đều bị đàn áp, bị bịt miệng lại, thì làm sao bảo được là người dân có tự do?

Cuộc tranh đấu của đa số các nhà dân chủ hiện nay ở trong nước là làm sao thực hiện được một thể chế biết thật sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân, trong ấy mọi người dân, mọi đảng phái đều có quyền bình đẳng đúng như mọi bản hiến pháp trên thế giới kể cả của Việt Nam đều quy định. Trong thể chế dân chủ này, người cộng sản cũng phải bình đẳng và cũng được bình đẳng như mọi công dân khác, không hơn không kém. Đảng cộng sản tự cho mình độc quyền cai trị đất nước cách vĩnh viễn, không thời hạn, không nhiệm kỳ, bất chấp đảng này đã bị thoái hóa trầm trọng, là một điều vô cùng phi lý. Chính điều phi lý này là nguyên nhân làm nên tình trạng tụt hậu và nghèo khổ của đất nước hiện nay.

Cuộc tranh đấu của các nhà dân chủ hiện nay là một cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa. Chính nghĩa đó chính là sức mạnh có thể lôi kéo được cả toàn dân vào cuộc tranh đấu này. Toàn dân hiện nay chưa tham gia vào cuộc tranh đấu này vì vẫn còn sợ hãi do nhà nước kiềm chế quá chặt chẽ bằng bạo lực khủng bố. Tuy hiện nay các nhà dân chủ mới chỉ là một nhúm người, nhưng họ tin tưởng vào chính nghĩa của mình và vào sức mạnh của chính nghĩa ấy. Còn những kẻ đang cầm quyền hiện nay họ chỉ quyết tâm bảo vệ chế độ bằng mọi giá, kể cả bằng những việc làm bỉ ổi, đê hèn, thất nhân tâm như đã nói trên, chỉ vì muốn bảo vệ độc quyền cai trị để tiếp tục hưởng những đặc quyền đặc lợi từ chế độ độc tài ấy. Họ không có chính nghĩa.

Cũng như Liên Sô vả các nước cộng sản khác ở Âu châu, chính nghĩa của các nhà đấu tranh cho dân chủ chắc chắn sẽ thắng lợi vẻ vang. Chế độ độc tài toàn trị chắc chắn phải cáo chung khi toàn dân thắng vượt được sợ hãi để cùng sát cánh tranh đấu với các nhà dân chủ.

Không có nhận xét nào: