05 tháng 10, 2005

Tư Tưởng Cách Mạng (CT17)

Hùng Tâm


Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói rằng: “Chẳng có óc tưởng tượng thì chẳng có gì hết”. Tôi cho rằng “Chẳng có tư tưởng thì chẳng có gì cả”. Và đó chính là chủ đề của bài viết này với một số quan điểm và lòng mong muốn có một tác động nhỏ đến với các bạn trẻ sinh viên đang học tập, nghiên cứu dưới mái trường trung học và đại học. Ở lứa tuổi này các bạn cần một môi trường để giúp các bạn hình thành rõ nét tư tưởng và nhân cách của mình thông qua việc học tập. Rất tiếc, chúng ta đang thiếu một môi trường giáo dục lành mạnh đó.

Theo tôi mục đích của một nền giáo dục văn minh là đào tạo chúng ta có khả năng nhận thức, dạy chúng ta biết yêu những gì đáng yêu, biết ghét những gì ta đáng ghét. Nhưng tiếc thay, từ trước đến nay chúng ta vẫn bị đào tạo một nền giáo dục ngục tù, phản động. Điều này đã có rất nhiều người phê phán và là nỗi đau đớn của nhiều thế hệ, là bi kịch của nước ta hàng mấy thập kỷ qua. Đảng cộng sản đã nhồi sọ cho chúng ta bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu ngụy biện phản tri thức, phản khoa học. Nền giáo dục áp đặt ấy không giúp ta sự phân biệt phải trái, nhận thức đúng nghĩa về Chân, Thiện, Mỹ mà còn cố tình làm lu mờ các giá trị đó. Nó giết chết khả năng nghi ngờ, một nhân tố để hình thành óc lập luận độc lập, quan điểm độc lập về một hiện tượng hay một sự vật. Nguyên nhân của hiện trạng giáo dục nước ta hôm nay, suy cho cùng, chính là hậu quả của một chế độ chính trị độc tài và thiển cận, với âm mưu trường kỳ là muốn biến những thần dân họ đang cai trị thành những kẻ nô lệ tinh thần. Đảng cộng sản muốn đất nước ta là cái xưởng sản xuất nô lệ tư tưởng. Đảng sử dụng bộ máy cai trị về tư tưởng bằng nhiều con đường như truyền hình, báo chí, phát thanh... và quan trọng nhất là qua con đường giáo dục đào tạo. Bằng những khẩu hiệu hô hào một cách khéo léo và có hệ thống quy mô, đảng đã tiêu diệt khả năng phân biệt đúng sai và biến bao nhiêu thế hệ người dân nước Việt thành những kẻ nô lệ tư tưởng, chỉ biết nhắm mắt ngoan ngoãn vâng dạ, nghe lời.

Nô lệ tư tưởng là thứ nô lệ tồi tệ nhất trong mọi thứ nô lệ. Quả thật, người ta có thể nô lệ về cơm áo, nô lệ về thân thể, nô lệ về công việc. Tuy nhiên, những thứ nô lệ này chỉ tạm thời về mặt thời gian và nó có thể được giải phóng dễ dàng. Còn nô lệ về tư tưởng là tự mình tạo ra cho mình một cái nhà tù và nó không dễ thay đổi cho đến khi tiếp thu một cách khoa học những tri thức mới. Nhưng phương pháp tiếp thu khoa học thì không được dạy và do vậy người ta sẽ rất khó tự phá bỏ các nhà tù của chính mình. Giáo dục nó ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi con người vì một khi con người đã suy nghĩ một chiều theo cách của chế độ cai trị thì đó là thứ suy nghĩ bình quân, họ không có óc lập luận độc lập, họ trở thành những kẻ a dua theo đám đông, a dua theo chế độ. Vì không có óc phán xét, họ có thể chống lại những tư tưởng tiến bộ hay phong trào tiến bộ trong xã hội. Họ trở thành những kẻ luôn run sợ trước những thay đổi của xã hội.

Nền giáo dục bao nhiêu năm nay được những kẻ cai trị đưa ra đã nhồi sọ qua không biết bao nhiêu môn học vô bổ, nhất là các môn khoa học xã hội như sử học, văn học, luật học và đặc biệt là triết học và chính trị học. Họ giáo huấn cho sinh viên những luận điệu phản khoa học như yêu dân tộc yêu nước là yêu Đảng, yêu CNXH hay cho rằng học thuyết Mác Lê là những gì tinh tuý nhất của loài người. Nhà nước XHCN là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử vv…. Tôi không thể dẫn chứng hết ra đây, tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ về một nhân vật lịch sử mà chế độ tuyên truyền đưa vào nhà trường, vào sách giáo khoa. Đó là hình ảnh anh hùng Lê Văn Tám. Cho đến đầu thế kỷ 21 này, dư luận mới rộ lên phản đối về một hình ảnh ngọn đuốc sống Lê Văn Tám. Thực tế Đảng đã dựng Lê Văn Tám để hy vọng có nhiều thanh thiếu niên sẽ bắt chước hành động của con ngưòi này. Thế nhưng giả sử nếu câu chuyện ấy dưới con mắt của một người có tư duy nghiên cứu lịch sử chắc sẽ đặt ra những câu hỏi như Lê Văn Tám chết vào ngày tháng nào ? sự kiện đó xảy ra ở đâu? có ai là những người làm chứng không ? kho đạn và kho xăng bị huỷ diệt có gần khu dân cư không ? có bao nhiêu người chết trong vụ này. Sự kiện ấy có đài báo trong nước và nước ngoài thông tin không ?. Hành động của Lê Văn Tám là hành động của một cá nhân hay của một tổ chức ? Tại sao một cậu bé mình đầy lửa có thể vượt qua cổng gác, chạy dài đến hàng trăm mét trước khi vào kho xăng ? v.v...

Thế đấy. Nền giáo dục này đã không dạy cho sinh viên, học sinh khả năng đặt câu hỏi nghi ngờ và có những lập luận độc lập. Điều đó đã đạt được mục đích của họ là dễ bề cai trị, củng cố duy trì chế độ độc tài, đặc quyền đặc lợi của đảng. Đảng muốn chúng ta lẫn lộn giữa dân tộc, nhân dân với chế độ và thực sự họ muốn ta lẫn lộn giữa văn học nghệ thuật với đạo đức, triết học với chế độ chính trị. Đảng muốn tiêu diệt những tư tưởng tự do và tiến bộ của quá khứ, trong hiện tại và tương lai. Đảng chính là kẻ thù của trí tuệ, của phát triển tư duy và của nhân cách con người. Đã đến lúc chúng ta phải làm cách mạng, phải phá tung những ngục tù của chính mình, phải đặt lại nghìn câu hỏi cho những gì đã và đang nhồi nhét vào đầu chúng ta. Làm chủ tri thức là bước đầu làm chủ vận mệnh của chính mình, là nền tảng dẫn đến việc thực sự làm chủ vận mệnh của xã hội chung quang và tương lai của đất nước. Hãy bắt đầu cho cuộc cách mạng tư tưởng của chính mình bằng một câu hỏi cho mọi điều trong đời sống: CÓ THẬT VẬY KHÔNG ?

Không có nhận xét nào: