05 tháng 10, 2005

Can Đảm Sống và Sống Can Đảm (CT17)

Cành Nam


"Tôi yêu thích con người biết cười trong gian khó, biết tạo được sức mạnh từ nỗi khổ đau và hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh" - Thomas Paine


Dưới chế độ độc tài, sự sống con người đôi khi còn kinh khủng gấp trăm lần hơn cái chết; nhưng cũng chính ở những nơi đầy gian khó ấy, giá trị đích thực của lòng can đảm đã biểu hiện. Hành động dám sống, trước nhất là trong đời sống bình thường, đã là một sự can đảm; và sau nữa, là dám sống cho đại sự lại càng là một sự can đảm cao quý. Bởi lẽ, can đảm đích thực không phải là dám chết, mà là dám sống ! Vấn đề là sống thế nào để vừa không đánh mất phẩm giá con người, vừa dũng cảm đấu tranh cho quyền được tự định đoạt lấy số phận chính mình, vừa không liều lĩnh thái quá để đương đầu với hiểm họa, trấn áp, bắt bớ một cách vô ích từ guồng máy công an bạo lực.

Câu hỏi tự vấn ‘sống thế nào thì gọi là đáng sống’ đã là tiền đề thúc đẩy các chiến sĩ dân chủ nước ta ý thức được sự cấp bách của nhu cầu phải đấu tranh cho quyền sống căn bản của con người và cho lợi ích chung của sự phát triển đất nước. Và sau khi bắt tay vào hành động, chắc hẳn các nhà đấu tranh cho dân chủ cũng đã từng tự hỏi: ‘làm thế nào để giữ mạng sống chính mình và thúc đẩy thêm ngày càng đông người phản tỉnh, ý thức tham gia cùng mình để tranh đấu cho quyền lợi của chính họ và cho cả nước?’.

Những câu hỏi này vô cùng quan trọng và cần có lời giải. Vì dưới chế độ độc tài, dân chúng chịu đựng áp bức triền miên, nhồi nhét bởi sự tuyên truyền qua năm tháng, khiến sự tuân phục vô điều kiện và quán tính sợ hãi đối với kẻ cầm quyền đã trở thành thói quen lâu đời, khó chữa. Trong môi trường bưng bít thông tin, khả năng tư duy bị thui chột, niềm tin vào chính sức mình để tạo thay đổi bị hủy diệt, và sự tin tưởng giữa người và người cũng xuống cấp, đã đưa đến hệ quả là cá nhân mỗi một người dân đã bị điều kiện hóa để trở thành những ốc đảo sống riêng lẻ, khó lòng hợp lực để tạo sức mạnh tổng thể hầu đòi hỏi tự do. Trạng thái tâm lý cho rằng mình chỉ là một hạt cát đơn độc trước sóng gió bất kỳ, không có sức mạnh trong tay để thay đổi hiện trạng, và luôn sống trong sợ hãi, đã giết chết mọi hành động tự phát của quần chúng. Ngay cả khi chứng kiến những tấm gương can đảm của các nhà đấu tranh cho dân chủ như Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, Dương Thu Hương, LM Nguyễn Văn Lý, HT Thích Quảng Độ, MS Nguyễn Hồng Quang v.v. vẫn không đủ sức thúc đẩy để người dân cùng đứng lên vì bên cạnh những vị này, còn có tấm gương tầy liếp của Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình v.v... vẫn còn đang đếm từng phút trấn áp trong nhà tù.

Để giải bài toán sợ hãi và thói quen phục tùng, vốn là hai nguyên nhân chính cản trở tiến trình giật sập mọi chế độ độc tài, các lực lượng dân chủ cần xét đến ít nhất là ba yếu tố: (1) Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ; (2) Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do và (3) Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng. Từ ba vấn đề cốt lõi này hy vọng những lực lượng dân chủ có thể khai triển một kế hoạch chiến lược tổng quan; để từ đó hoạch định cụ thể những việc cần làm, hầu chấm dứt chế độ độc tài hiện tại.

Ba vấn đề nêu trên là những phạm trù lớn, đòi hỏi nhiều hơn là một bài viết ngắn này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thử lược qua vài nét khái quát của hai yếu tố đầu, để làm tiền đề cho những trao đổi, thảo luận giữa chúng ta về yếu tố thứ ba, Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng, trong những bài kế tiếp.

Dựa vào chính phủ chẳng ích gì ...Bạn phải dựa vào chính sự quyết tâm của mình mà thôi.... Hãy tự giúp mình bằng cách đứng chung lại với nhau... vun bồi sức lực cho những người đuối sức trong hàng ngũ... kết hợp lại với nhau, đoàn ngũ hóa ... và chắc chắn bạn phải thắng!'.
Charles Stewart Parnell

I. Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ:

Bất cứ chế độ độc tài nào tồn tại được chủ yếu là nhờ vào sự tập trung hết cả quyền lực vào tay một thiểu số. Tất cả của cải, tài sản quốc gia, phương tiện quân sự, mạng lưới công an, cơ chế xã hội, các định chế tài chánh, các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin liên lạc, truyền thông, nhân vật lực ... đều nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo. Đây chính là sức mạnh và là nguồn thế lực chính trị tuyệt đối của chế độ.

Tuy nhiên, tất cả những nguồn lực này bền vững hay không và có thật sự là cường điểm của chế độ hay không, còn tùy thuộc vào mức độ chấp nhận chế độ, vào sự quy phục, hợp tác và tuân thủ của quần chúng. Không có sự hợp tác, tuân thủ của dân chúng và những định chế trong xã hội, quyền năng của chế độ sẽ bị suy giảm, và vô hiệu hóa dần những nguồn thế lực mà chế độ lệ thuộc vào để tồn tại. Chính vì ý thức được mấu chốt cơ bản này của việc duy trì thế và lực, nên các chế độ độc tài luôn thẳng tay đàn áp hầu ngăn chận những hành động hay ý kiến có khả năng đe dọa sự cai trị ‘chính thống’ của chế độ. Như câu nói ‘quần chúng nào thì chính quyền đó’; kẻ trị vì chỉ có thể cai trị khi quần chúng bị trị thụ động chấp nhận, ‘cho phép’ sự cai trị đó tiếp diễn. Không có sự ‘trợ giúp’, hợp tác của quần chúng, xuyên qua các định chế, không chế độ độc tài nào có thể tồn tại. Bạo chúa nào cũng phải mất ngôi cao nếu bị cả nước xem như kẻ thù; vấn đề chỉ là thời gian do ý thức mà hành động và phản kháng sao cho hiệu quả !.

Từ đó, chúng ta có thể hiểu được cường điểm của chế độ là khả năng trấn áp bằng bạo lực, bắt ép quần chúng vào thế phải tuân phục, nhưng đồng thời, nhược điểm của chế độ là tất cả những hình thức chống đối, bất phục tùng, chấm dứt hợp tác của quần chúng, nếu có thể kéo dài một thời gian, dù bị trấn áp, sẽ có khả năng làm suy yếu chế độ, rút dần lại các nguồn thế lực kể trên, để cuối cùng dẫn đến sự tan rã, chấm dứt chế độ ấy.

Ngoài ra, xét riêng những nhược điểm của chế độ độc đảng nước ta thì hiện có vô số những nhược điểm khác mà nếu minh định rõ, sẽ giúp cho các lực lượng dân chủ hoạch định được kế hoạch đấu tranh tổng thể. Những nhược điểm này, trong những bài sau, chúng ta sẽ trở lại một cách chi tiết hơn, chỉ xin tạm thời liệt kê vắn tắt ở đây:

  • Ý thức hệ bị soi mòn. Những bánh vẽ một thời và hình ảnh của lãnh đạo bị phơi bày trước ánh sáng, không còn thu phục, hay mị được ai.
  • Những chính sách nhà nước không đáp ứng nhu cầu của quần chúng và không giải quyết được những nan đề đất nước.
  • Sự kém hiệu năng của đảng viên các cấp đã khiến sự vận hành của guồng máy hành chánh ngày thêm vô hiệu quả và trở thành gánh nặng lên cơ chế vốn đã nặng nề của chính phủ.
  • Hiện tượng ‘làm ít khai nhiều’, báo cáo sai lạc, ‘nhào nặn’ dữ kiện từ các cấp đã khiến lãnh đạo không có những thông tin, con số chính xác hầu hoạch định chính sách đúng đắn.
  • Mâu thuẫn nội bộ, phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo, và tranh giành quyền lực từ thấp đến cao khiến sự vận hành, chỉ đạo, và thi hành lệnh lạc càng thêm khó khăn, đình trệ.
  • Hệ thống quyền lực hàng dọc luôn bị thách đố, lung lay vì sự tranh giành quyền lực cá nhân giữa các cấp và phe nhóm; góp phần làm soi mòn thêm quyền lực ở thượng tầng.
  • Giới trí thức, sinh viên... có những chỉ dấu thao thức, quan tâm đến thực trạng đất nước; và bắt đầu nẩy sinh những tư duy cấp tiến, không còn sẵn sàng chấp nhận thực tại v.v....

Với thời gian, những nhược điểm vắn tắt nêu trên sẽ ngày càng khiến chế độ mất hiệu năng, và khó giữ vững nếu gặp phải tình hình mang tính thách đố cao, hoặc khi phải đối phó với những chủ đích phản kháng có trọng tâm xuyên phá vào chính những nhược điểm của chế độ. Thế đánh nhắm vào điểm yếu của đối phương vẫn mang nhiều xác suất thành công cao hơn là nhắm vào thế mạnh của họ. Từ nhận định này, chúng ta thử xét xem có những biện pháp nào khả dĩ chấm dứt một chế độ độc tài; và từ đó, nhận diện sức mạnh của ta để tận dụng sức mạnh này của mình mà đánh vào những điểm nhược của đối thủ, hầu giành lại tự do cho cả nước.

II. Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do (*)

Xuyên qua lịch sử đấu tranh của thế giới, có thể tạm liệt kê một số phương thức để giành lại quyền tự chủ trong một nước:

1. Phương thức Đấu Tranh Bạo Động
Phương thức này ngay lập tức cho chúng ta thấy là khi chọn cách này, chúng ta đã chọn đúng cách thức mà những kẻ đàn áp luôn nắm phần ưu thế. Tất cả vũ khí, quân đội, công an, phương tiện vận chuyển, chìa khóa nhà tù... đều nằm trong tay họ, và khi áp dụng cách này, chúng ta đang mang nhược điểm của mình để đối chọi với điểm mạnh hàng đầu của đối thủ.

2. Chiến Tranh Du Kích
Phương thức này thường dẫn đến số thương vong không nhỏ cho các lực lượng đối kháng, và sự thiệt hại đổ xuống đầu dân lành cũng không ít. Chưa kể, dù có thành công, các hệ quả tai hại từ chiến tranh du kích sẽ khiến đất nước thêm trì trệ một thời gian dài, và tiềm năng đất nước càng suy kiệt để có thể tái kiến thiết và thiết lập một chế độ dân chủ hiệu quả và nhanh chóng.

3. Đảo Chánh Quân Sự
Phương thức này có những điểm hại cần lưu ý. Đầu tiên, cách này cốt lõi là nhằm đoạt quyền sinh sát từ tay một thiểu số để trao lại cho một thiểu số khác bước lên thay thế, mà không nhất thiết là trao lại quyền lực đó cho toàn dân. Dân chủ không chắc sẽ được bảo đảm và không có những cơ chế, định chế cần thiết để loại trừ xác suất những kẻ cai trị mới có thể sẽ còn độc tài, phi dân chủ hơn cả những kẻ vừa bị lôi xuống.

4. Bầu Cử Có Giám Sát Quốc Tế
Năm 1990, tại Burma, và 1993 tại Nigeria, chúng ta đã từng kinh qua kết quả đắc cử của thành phần ứng viên đối kháng đã không hề được tôn trọng; và những ứng viên đắc cử vẻ vang đều bị trải qua đủ loại hù dọa, bắt bớ, trấn áp, kể cả thủ tiêu. Trong loạt bài sau, chúng ta có thể trở lại với những trường hợp mà bầu cử có các cơ quan quốc tế giám sát đã đưa đến sự thoát ách độc tài tại một số quốc gia, để thấy rằng muốn đạt kết quả thắng lợi cuối cùng bằng một cuộc bầu cử tự do, phải hội đủ một số điều kiện tiên quyết khác.

5. Giải Phóng Nhờ Thế Lực Nước Ngoài
Lực từ nước ngoài có thể là dưới dạng của công luận quốc tế, hay một siêu cường, cơ chế Liên Hiệp Quốc, hoặc những biện pháp cấm vận, phong tỏa chính trị, kinh tế của thế giới v.v. Khi người dân bị đàn áp lâu dài, đánh mất lòng tự tin vào sức mạnh của chính họ và của dân tộc, cộng thêm sự sợ hãi trở thành quán tính, thì hiện tượng tâm lý trông chờ vào sự giải phóng đến từ bên ngoài, để khỏi phải tự đấu tranh, tránh hy sinh mất mát, là điều có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, sự chờ đợi này và nếu quả thật có xảy đến thì cũng không tốt đẹp gì cho chính dân tộc ấy bởi các lẽ:
  • Quốc gia nào cũng chỉ đặt ưu tiên quyền lợi của nước họ lên trên tất cả;
  • Quyền lợi chính trị hay kinh tế của nước họ sẽ định đoạt việc họ tích cực hỗ trợ ta hay bán đứng, bỏ rơi dân ta không thương tiếc;
  • Và thông thường, sau khi cân phân lợi ích cho họ, một chính phủ nước ngoài sẽ chỉ hỗ trợ lực đối kháng khi thành phần này đã lớn mạnh và có khả năng xoay chuyển tình hình. Không có được một lực lượng kháng cự mạnh mẽ ở trong nước thì khó có xác suất vận động được thế giới hỗ trợ, giải phóng dân ta.

6. Đấu Tranh Bất Bạo Động
Nhìn vào các quốc gia đã thoát ách độc tài gần đây như Estonia, Latvia, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp, Lithuania v.v... nhờ vào sự phản kháng bất bạo động của nhân dân mà nên, khiến chúng ta thêm niềm tin rằng chấm dứt một chế độ độc tài là việc khả thi, có thể làm được. Vấn đề là biết phương thức để đánh đúng vào nhược điểm sinh tử của chế độ, có kế hoạch nhận diện và khiển dụng lực quần chúng, và khả năng gìn giữ cuộc đấu tranh ôn hòa, không để bị lôi cuốn vào trận thế bày sẵn của chế độ, cho họ lý cớ để sử dụng bạo lực, hầu tránh bị tiêu diệt hoặc gánh lấy những tổn thất có thể tránh được. Tuy nhiên, khi nói như thế không có nghĩa rằng nỗ lực đấu tranh chấm dứt một chế độ độc tài, dù bất bạo động, là bảo đảm không có thiệt hại, mất mát. Mọi phong trào kháng cự lại cái ác, đều đòi hỏi sự hy sinh và thời gian.

Tạm Kết

Trong bài tới, chúng ta sẽ thử trao đổi cái nhìn về những nguồn lực chính yếu của lực lượng dân chủ, phương thức đấu tranh nào giúp ta tận dụng sức mạnh của mình để xoáy thẳng vào nhược điểm của chế độ, và những kỹ thuật đấu tranh thực tiễn nào khả dĩ giúp quần chúng vượt qua nỗi sợ hãi và để lại sau lưng thói quen phục tùng để cùng nhau nỗ lực giải thể một chế độ độc tài. Nhận diện được thế lực quần chúng và khiển dụng thế lực quần chúng trong một kế hoạch đấu tranh bất bạo động sẽ là trọng điểm của bài kế tiếp.

Rất mong nhận được những cao kiến đóng góp và cơ hội trao đổi cùng các bạn nào cùng chung một niềm tin rằng dân Việt ta vẫn biết cười trong gian khó, biết tạo sức mạnh từ khổ đau, và biết hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh !

(*) Tài liệu tham khảo:
From Dictatorship to Democracy, by Gene Sharp

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cam on da doc duoc mot bai viet rat hay.Men chuc tac gia nhieu suc khoe va thanh cong de dem den cho doc gia nhung hieu biet moi.