Phương Nam - Đỗ Nam Hải
Thân gửi Hải Yến và các bạn của Hải Yến,
Nhận được thư của Hải Yến và các bạn gửi đã lâu, nhưng vì bận việc nên hôm nay anh mới viết thư trả lời được. Mong Hải Yến và các bạn thông cảm về sự chậm trễ này nhé. Anh cũng rất cảm ơn Hải Yến và các bạn đã gửi cho anh món quà có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần trên. Điều đó đã động viên anh rất nhiều trong giai đọan khó khăn hiện nay của mình.
Anh hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Hải Yến và các bạn rằng: “thiên đường” Mác - Lênin hiện nay đã quá lỗi thời rồi và đảng cộng sản Việt Nam chỉ dùng nó để nhồi sọ, ru ngủ thanh niên mà thôi. Điều này đã được chứng minh một cách hùng hồn qua thực tiễn lịch sử: Nếu đem so sánh với những nước có điều kiện, hoàn cảnh tương tự nhau, thì rõ ràng tất cả những nước nào vô phúc mà lao đầu vào cái “con đường Mác-Lênin” kia đều đã “thân tàn, ma dại” cả.
Trong một bức Thư Ngỏ gửi nhân dân Việt Nam và gửi Hội nghị TƯĐCS VN lần thứ 12 (khóa 9), vào ngày 15/6/2005 vừa qua, các cụ cách mạng lão thành tại Hà Nội đã tổng kết rằng: Dân tộc ta đang phải sống với 2 mối quốc nhục và 5 quốc nạn. Trong đó, 2 mối quốc nhục là nghèo khổ và tham nhũng đều thuộc vào hạng nhất trên thế giới.
Hải Yến và các bạn thân mến, để tìm được lối ra cho dân tộc ta hôm nay thì theo anh, cần phải xác định cho đầy đủ và chính xác Vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân nào đã gây ra 2 mối quốc nhục và 5 quốc nạn trên. Còn nếu chỉ loay hoay đi tìm những nguyên nhân nửa vời thì tất nhiên các giải pháp cũng nửa vời theo, và đất nước do vậy vẫn không tìm được lối ra cho tử tế. Để rồi, dân tộc Việt Nam anh hùng và thông minh này sẽ vẫn cứ hiển hiện nguy cơ chìm đắm trong kiếp nô lệ. Có khác chăng là: Kiếp nô lệ của dân tộc trong thế kỷ 21 này, với mỹ từ “nhân dân làm chủ” đã đánh lừa được một bộ phận nhân dân (trong đó có cả một bộ phận không nhỏ thuộc giới trí thức), so với kiếp nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến của thế kỷ thứ 19, 20 vừa qua mà thôi.
Trong khuôn khổ giới hạn của một bức thư thì không thể nói được nhiều. Nhưng theo anh, như ở phần cuối của bài Viết tiếp về nhận thức lại (8/2001), anh viết: “… Muốn chống bất công, đói nghèo, tụt hậu, muốn hoàn thành những mục tiêu của một nước Việt Nam mới, nhằm hòa nhập được tốt vào thế giới hiện đại; ngoài con đường dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác!”
Dĩ nhiên, anh hiểu rằng những kẻ bảo thủ trong đảng CSVN sẽ không bao giờ tự giác chấp nhận con đường trên. Bởi một lẽ đơn giản là từ trước đến nay, họ luôn luôn đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của dân tộc. Thông qua bộ máy chuyên chính vô sản và hệ thống thông tin độc quyền của mình; họ luôn tìm mọi cách để nặn ra những điều ngụy biện, dối trá và những con ngáo ộp hòng hù dọa nhân dân,… Còn về thực chất, họ không bao giờ muốn chấp nhận một sự cạnh tranh bình đẳng trên chính trường. Điều này cũng tương tự như trong kinh tế: các doanh nghiệp độc quyền không bao giờ muốn chủ động chia sẻ ưu thế ấy cho bất cứ một doanh nghiệp nào khác. Mặc dù họ vẫn thừa biết rằng nếu có sự cạnh tranh như vậy sẽ hoàn toàn có lợi cho nhân dân, cho khách hàng.
Nhưng anh tin rằng, sức ép của dân tộc và của thời đại đang tăng lên ngày càng mạnh mẽ sẽ có tác động trực tiếp đánh thẳng vào giai cấp cầm quyền bảo thủ hiện nay. Và một khi sức ép kia đủ mạnh thì dù muốn hay không họ cũng buộc phải thay đổi, nếu như họ không muốn phải hứng chịu đòn trừng phạt của nhân dân. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn mà những kẻ bảo thủ trong đảng CSVN không thể cai trị nhân dân như trước được nữa, và đại bộ phận nhân dân cũng không chấp nhận sự cai trị của họ như trước nữa. Sự vô cảm, thờ ơ, bàng quan,… với hiện tình đau thương của đất nước trước đây của tầng lớp trung lưu trong xã hội đang tan dần, thay vào đó là bắt đầu sự chấp nhận nhập cuộc của họ. Điều này báo hiệu thời cơ của một cuộc Cách Mạng Xã Hội đang đến gần.
Một tương lai tươi sáng của dân tộc đang mở ra. Chế độ chính trị phản dân chủ và phản dân tộc hiện nay chắc chắn sẽ là chế độ độc tài cuối cùng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cái gọi là “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa long trời, lở đất” ở Việt Nam nhất định sẽ phải thôi gào thét, để nhường chỗ cho một xã hội dân sự và pháp trị, lấy quyền sở hữu tư nhân làm nền tảng. Anh hy vọng rằng Hải Yến và các bạn, với nhiệt tình và khả năng của mình sẽ góp phần không nhỏ vào sự thay thế đó.
Về phần mình, cho dù hiện nay anh vẫn đang tiếp tục bị chính quyền bao vây về kinh tế, cuộc sống tinh thần của bản thân và gia đình anh vẫn luôn bị khủng bố, v.v… Nhưng anh không vì thế mà nao núng hoặc sợ hãi. Suy rộng hơn nữa chúng ta cũng thấy: Phong trào dân chủ VN nói chung và những người dân chủ VN nói riêng, dẫu có phải trải qua sự đàn áp tàn bạo và sự chia rẽ thâm độc của giai cấp cầm quyền đến đâu đi chăng nữa, thì nó vẫn cứ không ngừng tiến lên! Sự mất mát, hy sinh của những cá nhân không quan trọng bằng sự trường sinh của cả dân tộc! Và sự mất mát, hy sinh ấy là rất cần thiết. Đất nước và dân tộc rồi sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn ấy của họ.
Anh cũng tin là sẽ đến lúc chính quyền VN, thông qua bộ máy chuyên chính vô sản của họ phải giác ngộ ra rằng: giống như các cuộc Cách Mạng Nhung, Cách Mạng Cam, Cách Mạng Hoa Hồng,… của các nước Đông Âu, Liên Xô vừa qua, hễ chính quyền càng đàn áp nguyện vọng thiết tha đòi dân chủ của nhân dân hung hãn bao nhiêu thì tội ác của họ lại càng thêm nặng bấy nhiêu. Để rồi, sẽ có một ngày, với tiếng thét ầm vang của nhân dân phẫn nộ họ sẽ phải đối diện trước công lý, khi các dân tộc ấy chuyển mình.
Con đường sáng nhất để các thế lực bảo thủ đang nắm thực quyền trong ĐCSVN lựa chọn lúc này là: Hãy đối thọai một cách thực lòng với nhân dân! Hãy đối thọai một cách thực lòng với những nhà dân chủ VN! Để từ đó tìm ra phương án tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta không sợ đất nước không có những phương án đúng để xây dựng và phát triển, mà chỉ sợ đường đi của cả dân tộc bị chọn sai! Dân tộc ta hôm qua đã chọn sai đường, thì hôm nay cả dân tộc ấy hãy dũng cảm vượt qua chính mình để chọn lại đường đi cho đúng. Còn một khi chính quyền cứ loanh quanh tìm cách câu giờ, nhằm khước từ đổi mới chính trị hoặc cứ chơi trò đổi mới theo kiểu nửa vời như hiện nay, thì họ chỉ tiếp tục dẫn dắt dân tộc này đi vào ngõ cụt mà thôi. Và cái kiếp nô lệ của dân tộc ta, những tưởng rằng đã thoát ra được từ 60 năm trước thì nay vẫn là còn nguyên. Đó là điều khẳng định.
Để kết luận, anh muốn được một lần nữa nhắc lại cùng Hải Yến và các bạn của Hải Yến câu nói của nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn An Ninh (1900 – 1943): “Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”
05 tháng 8, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét