05 tháng 8, 2005

Nhận Diện Xã Hội Việt Nam Hôm Nay - Qua Đạo Đức Giả (CT15)

Lê Bình An


Dung là một em bé 3 tuổi, gác đầu lên đùi người anh 5 tuổi, hai đứa nằm dài bất động, giả chết trước cổng chùa Quán Sứ – Hà Nội. Người mẹ già cong queo như một con tôm, đầu gục xuống, ngậm lấy đất và bụi đường cất tiếng khóc não nề. Bà khóc giả tiếng khóc của 2 con đã chết. Tiếng khóc của bà mẹ Việt Nam, nay bị đem đi làm giả, cũng khổ đau, tức tưởi. Dù nhiều người biết đó là giả, họ vẫn bỏ tiền vào chiếc mũ vải bên cạnh. Còn gì khủng khiếp và đau đớn hơn khi chính những công dân Việt Nam lương thiện, thật thà hôm nao nay giả chết để kiếm sống trước khi chết thật trong đói khổ, hờn căm. Bên cạnh gia đình Dung là vô số kẻ khác bó chân, tay trong những tấm vải màn trắng, bôi một ít thuốc đỏ giả làm máu để gây lòng thương cảm của các phật tử. Hầu hết mọi người biết đó là giả. Thế nhưng những tiếng khóc ré lên đầy thương cảm của các trẻ thơ là thật vì đang bị anh hoặc chị dùng đinh đâm dưới mông. Điều này rất ít người phát hiện. Những em bé 1,2 tuổi đầu ngặt nghẽo và đau đớn một cách thực sự, người chị cũng giả vờ ngất ngư. Có những đứa trẻ bị đưa đi làm thuê việc đó. Trên những con đường nhỏ bé và thân thương của Hà Nội thỉnh thoảng ta thấy có cháu bé ngoắc dây vào cổ một ông già rồi kéo trượt đi trên một tấm gỗ có gắn bánh xe. Mặc cho da thịt cọ xát dưới lòng đường và quần áo tả tơi đói khổ, không nhiều người bỏ tiền vào chiếc mũ đứa bé chìa ra vì mọi người đều hiểu đó là giả. Đó là kiểu đạo đức giả của những người bần cùng nhất trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Dân tộc Việt Nam, dân tộc của nhiều ngàn năm lịch sử miệt mài với nền văn minh lúa nước chân chất, giản đơn, nay đang tự hủy chính mình. Người ta nhìn nhau bằng con mắt nghi kỵ, oán hờn. Việc giúp nhau xách đồ đạc đã trở thành xa lạ, quê kệch. Hầu hết những người được yêu cầu giúp đỡ từ chối lời đề nghị hoặc chấp nhận trong lo âu. Sự lo sợ của họ là có lý. Trộm cướp, lừa gạt, giật dọc đã trở thành nếp. Đi đâu giữa thành phố này chúng ta cũng thấy khóa và ống khóa. Những ngôi nhà càng to, càng cao thì càng nhiều khóa. Thép gai không còn dùng trong quân sự mà được làm thành từng đống bùng nhùng vứt lên khoảng không gọi là “giếng trời” trong những ngôi nhà tư phân lô cao tầng của Hà Nội, Sài Gòn. Thay vì chức năng của các khoảng không hút gió là để tạo ra bầu không khí thanh thản và bình an thì lại tạo ra cho những người đang sống cảm giác của địa ngục và tù đày. Thế mà đâu đâu người ta cũng nói về lòng lương thiện, về CNXH với những bầu trời bao la. Đó là lối sống giả của nền đạo đức giả.

Nguyễn Văn Mười khánh thành ngôi nhà 4 tầng của mình trên đường Âu Cơ, Quận Tây Hồ. Tất cả các con đều được dặn rằng đây không phải là nhà mình. Buổi lễ mừng tân gia không có ai trong cơ quan Quận Ủy, Mười chỉ mời những bạn cũ đến chơi. Chủ nhà nở một nụ cười vừa khoe khoang vừa giấu diếm. Gian mà không lận được. Giả dối từ trong tâm tưởng đã trở thành nếp nhăn nơi khóe miệng khi cười. Mười giàu và Mười đau. Đạo đức giả theo nhau chạy vào đứa con 3 tuổi khi cố gắng bập bẹ rằng đây là nhà Ông Bác Họ trong Sài Gòn cho ở nhờ. Bố đang đợi nhà cơ quan phân. Mười chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn cán bộ công chức hiện nay muốn mình nội dung là tư sản còn hình thức là vô sản. Bên trong phải giàu và bên ngoài phải nghèo. Đó là đạo đức giả, loại đạo đức giả của các quan chức thời nay.

Đạo đức giả chui vào cơ quan công quyền, luồn lách leo lên giảng đường và lấy đà xuyên thủng tường rào Học viện chính trị quốc gia. Nga là một cô giáo dạy kinh tế chính trị trong Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2000 bị bắt quả tang vì nhận hối lộ 2 triệu đồng của một phó bí thư Huyện Uỷ thuộc tỉnh Bắc Ninh khi đang thi vấn đáp. Bài thi có tựa đề: “Nêu những cơ sở lý luận để triển khai thực hiện nghị Quyết TW về chống tham nhũng”. Cô và trò đóng kịch trong một môn thi của chương trình cao học. Sự giằng xé lương tâm, nếu còn, của những người cộng sản mới thực là khủng khiếp. Hay là thấy bình yên, vô sự. Hay là ta đã quen rồi. Những đồng tiền bẩn thỉu của tên xã hội đen vô học Năm Cam đã đâm toạc một quốc gia lẽ ra phải được bảo vệ bởi lòng tốt, tính cần cù và kỷ luật. Đi đâu chúng ta cũng thấy cò, thấy bảo kê, những băng đảng và ổ nhóm. Chính quyền thực sự đã rơi vào các tay anh chị và các băng nhóm xã hội đen chỉ biết đâm thuê chém mướn nhưng nhiều tiền. Đó là chính quyền giả. Đó là một kiểu đạo đức chính trị giả.

Họp chi bộ là nơi để người ta thổ lộ những kế hoạch tốt đẹp viển vông nhằm che dấu những điều bỉ ổi, xấu xa hiện tại. Rất ít ý kiến có trách nhiệm được nêu ra. Cơ quan văn hóa tư tưởng là một bộ máy tuyên truyền khổng lồ. Vô khối diễn giả chỉ đi nói những điều không thật để lấy tiền. Họ biết họ đang nói dối và người nghe thì cũng đang nghe giả dối. Họ phải đi nghe để che dấu sự không bằng lòng đã có trong tư tưởng của mình. Tất cả đều là giả tạo. Chiếc loa phóng thanh treo đầu phố nơi Ông giám đốc Trần Mai Hạnh của nó vừa mới phát hiện bị Năm Cam mua đứt đúng một tháng 30 ngày ra rả nói về vẻ đẹp và an ninh tại VN. Thế mà đôi dép hôm qua để trong nhà còn mất. Nam nữ co chân tự tình với nhau tại công viên còn bị những kẻ xấu bôi mình đầy bùn như đặc công trườn vào rình và ăn trộm luôn đôi giày để dưới ghế đá. Hầu hết những nơi hẹn hò yêu thương đều là địa điểm của ma túy và bụi đời với vô khối ống kim tiêm. Không gian để thể hiện tình yêu ở Việt Nam đang bị bóp nghẹt hoặc bị làm giả. E rồi có một ngày tình yêu sẽ chết.

Đạo đức giả bắt đầu hoành hành đến một địa hạt tưởng như bị cấm tuyệt đối: Đó là tầng lớp kinh doanh. Đạo đức kinh doanh được xem là yếu tố quan trọng nhất của doanh nhân. Quyết định sự thành bại của bất cứ doanh nghiệp nào. Thế mà, trong xã hội chúng ta hiện nay, nhiều người làm ăn chân chính bị “đập chết” một cách cay đắng và nhục nhã. Việc tồn tại quá lâu những cối xay ngân sách khổng lồ là các doanh nghiệp Nhà nước cho phép sự giả dối len lỏi và lũng đoạn hoạt động kinh doanh. Sự bóp nghẹt tầng lớp thương gia và hoạt động kinh doanh tư nhân suốt nhiều thập kỷ đã làm thương tín bị xói mòn. Với một hệ thống văn bản quy phạm hết sức nhiêu khê và mâu thuẫn điều chỉnh hoạt động kinh doanh đã nay không cho phép doanh nhân có cơ hội để được làm người lương thiện. Buôn gian bán lận, một cách dã man và khốc liệt, bắt đầu từ những tập đoàn lớn của Nhà nước rồi theo đó lan dần đến những người buôn thúng bán mẹt trong những phiên chợ quê nghèo, đôi lúc họ điêu toa và ngoa ngoắt một cách đầy thương hại.

Trước mặt tôi, trong Chùa Hà, là 2 cô cave vội vàng, loáng quáng khấn vái với những dự định vật chất thầm kín cho đêm nay. Họ đang cần có khách, rất cần một quan chức có nhiều tiền tham nhũng. Tôi thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Sau tôi là người đàn bà béo tốt, một phu nhân “mới phát”. Tất nhiên nhiều năm trước không hề có tôn giáo. Bà ta là vợ một quan chức cộng sản và cộng sản coi tôn giáo là kẻ thù thứ 3 của mình sau gia đình và quyền tư hữu. Nhưng sự trống hoác lương tâm là điều không thể được. Vì vậy, người ta đành nhét vào đó một chút đức tin, một phần đĩ điếm, một mảng lưu manh và một ít chân thành. Tất cả điều đó hoà trộn trong nhiều phật tử đến chùa. Nhìn cung cách khấn vái mới thể hiện hết được những điều đạo đức giả. Tôn giáo đang bị làm giả. 42 chiếc chùa giả tại Hương Tích chưa kịp phá hết thì vô số chùa chiền giả nơi khác đã mọc lên. Nhà thờ là lãnh địa riêng của những người chống cộng cũng đang bị tấn công một cách liên tục và ác liệt. Cộng sản với chính sách cài người, vừa đấm vừa xoa và thái độ đạo đức giả đã đàn áp một cách có hệ thống những Cha cố trung thành với La Mã nhất. Đồng thời đã kịp bôi đỏ nhiều vị chức sắc tôn giáo khác của Nhà thờ với những hành vi sa đoạ đến sững sờ. Hoà thượng tại nhiều chùa của Hà Nội là những chiến sỹ công an với quân hàm từ đại uý đến trung tá. Ban ngày mặc áo cà sa niệm Nam Mô còn ban đêm chạy xe phân khối lớn đi uống rượu và tìm gái để hành lạc. Đây là lúc tôn giáo đang bị làm giả. Tôn giáo mà giả tức là đời sống tâm linh ta phá sản. Ôi dân tộc Việt Nam ta !!!

Đạo đức giả ngang ngược chiếm lĩnh công đường. Thay vì nơi thực hành công lý lại là nơi chễm chệ của những lực lượng quyền uy dấu mặt. Lẽ ra đó là nơi bảo vệ luật pháp nhưng lại là nơi bẻ cong luật pháp. Pháp luật vừa thừa vừa thiếu, xét xử thế nào cũng được. Công lý vì vậy mà bị biến tướng, to hay nhỏ, méo hay tròn phụ thuộc vào đồng tiền chạy án. Khi quan tòa được coi là công cụ bị những thế lực đằng sau giật dây; khi kiểm sát là những chiếc loa phóng thanh mà quyền điều chỉnh chiết áp thuộc về những kẻ không bao giờ hiểu thế nào là công tố; khi luật sư không được hành nghề một cách đầy đủ và tự do... thì đó là lúc đất nước lâm nguy. Công lý bị làm giả tức là cái lý chung không còn, hoặc là còn một cách giả dối. Khi lập pháp chắp vá ngổn ngang, hành pháp chủ quan bừa bãi thì tư pháp ruỗng nát tan hoang là một điều không tránh khỏi. Ngay lúc này đây, Nhà nước đang huỷ hoại niềm tin chân thành của chúng ta vào công lý. Những cuộc đấu tố tràn lan trong quá khứ và hiện tại là việc làm tiếp tay xây dựng một khái niệm công lý giả.

Đạo đức giả là một căn bệnh. Đó là một bệnh xấu xa lắm. Khả năng lây nhiễm rất cao và tính hủy diệt là ghê gớm. Môi trường đất nước ta dưới thời cộng sản đã tạo ra nó, động viên nó phát triển và hiện đang bị nó gây ô nhiễm trầm trọng. Khả năng lan tỏa là rất lớn. Lòng tốt và tính chân thành đang ngày một bị dồn đuổi trên quê hương lẽ ra rất thanh bình và nhân văn. Không, hãy thét lên, Vì truyền thống dân tộc, vì tiền đồ ngày mai của gần 80 triệu nhân dân Việt Nam, Vì những giá trị tốt đẹp đã có và sẽ có, Chúng ta hãy cùng nhau diệt trừ bệnh dịch này, hãy phun thuốc trừ sâu, hãy chặn đánh mọi ngả đường, hãy đập gãy xương sống, cái xương sống độc tài - nguyên nhân của mọi sự lạm quyền và lũng đoạn. Hãy thay đổi môi trường sống. Một môi trường lành mạnh hơn để khắp nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu này thực sự có độc lập, tự do, thái bình và hạnh phúc. Đạo đức giả cần phải bị truy đuổi đến tận cùng hang ổ của nó để rồi bị vùi lấp một cách vĩnh viễn như dân tộc khai sinh ra nó đã quyết tâm tiêu diệt hơn 160 năm trước.

Quê hương, ngày nắng giả

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Gửi tác giả bài viết.
Tôi không phản đối những điều tác giả viết trong bài "Nhận Diện Xã Hội Việt Nam Hôm Nay Qua Đạo Đức Giả", nhưng tôi đề nghị khi tác giả viết về những việc cụ thể như là những sa đoạ của các chức sắc tôn giáo, xin vui lòng ghi chú thêm bên dưới bài viết những dữ kiện chính xác mà dựa vào đó tác giả đã phát biểu như trong bài viết. Tôi cho đó là việc quan trọng và là nguyên tắc cần tuân thủ khi viết lách trong mọi vấn đề, để người đọc thấy rằng tác giả không nói càn.