05 tháng 7, 2005

Việt Nam: WTO - Được và Mất (CT14)

Lệ Trân


Những ngày vừa qua, các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước đang ráo riết vận động chuẩn bị cho việc hoàn tất đàm phán song phương tại Hồng Kông vào tháng 12 năm 2005, sẵn sàng cho đàm phán đa phương tại Geneva để gia nhập vào tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vậy WTO là gì, Việt Nam sẽ có lợi như thế nào và thiệt thòi ra sao khi là thành viên của tổ chức này ?

WTO, chữ viết tắt của World Trade Organisation, là hiện thân của Hiệp định Tổng quát về Quan thuế và Thương mại gọi tắt là GATT (Genaral Agreement on Tariff and Trade). WTO được thành lập vào tháng 1 năm 1995 với vai trò thực thi các thủ tục mang tính dài hạn và cần thiết cho sự thành công của các vòng đàm phán, làm lành mạnh hệ thống thương mại quốc tế trên các hàng hoá, dịch vụ và sản phẩm trí tuệ.

Giành được khi là thành viên của WTO: Hầu hết các nước đều nghĩ đến lợi ích lâu dài trước khi cân nhắc gia nhập WTO. Gia nhập WTO, Việt Nam có hy vọng gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, hải sản, hàng dệt may và áo quần, đầu tư trực tiếp (FDI) và có tiếng nói trong các vòng đàm phán về các qui định của WTO. Tuy nhiên, lợi ích quan trọng nhất mà Việt Nam muốn là ổn định mối quan hệ kinh tế với bên ngoài. Quá trình cải cách kinh tế sẽ vững chắc với tốc độ nhanh hơn. Tăng trưởng kinh tế có tính dài lâu trên cơ sở hiệu quả và không ngừng đổi mới.

Ổn định mối quan hệ kinh tế với các nước là mấu chốt quan trọng nhất để đặt kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cho sự phát triển đất nước. Một khi có sự ổn định, VN có vị trí tốt hơn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, xem nơi đây như xuất phát nguồn hàng xuất khẩu của họ và cảm thấy ít rủi ro hơn tại thị trường nội địa. Nền kinh tế với các doanh nghiệp nhà nước là lực lượng áp đảo và chống lại xu hướng cần có thích hợp của nền kinh tế thị trường. Từ các điều kiện của WTO, sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, ở cả thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, dẫn tới tái cấu trúc nền kinh tế sao cho các cơ sở kinh tế trong nước giành được lợi thế so sánh. Do vậy, phải có sự cải tiến về mặt hiệu quả và tái phân phối các nguồn tài nguyên giữa các doanh nghiệp. Nếu những việc như thế không thực hiện được, các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh, sẵn sàng thay thế và trục lợi. Cuối cùng là nhu cầu đòi hỏi sự cải cách luật pháp để phù hợp và đáp ứng việc mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Những lợi ích tiềm năng như vậy liệu có thực hiện được hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực của các nhà lãnh đạo đất nước. Trong thực tế nhiều thập kỷ qua, người dân không còn nghi ngờ gì về sự yếu kém toàn diện của đảng và nhà nước ta, ngoại trừ dùng “chuyên chính vô sản” để trấn áp và là bậc thày trong nghệ thuật tham nhũng. Với bên ngoài, những điều quan trọng nói trên không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Vừa qua hay trong tương lai, nhiều nước vẫn tìm cách hạn chế Việt Nam truy nhập thị trường của họ, chẳng hạn như Mỹ ngăn chặn hàng dệt may, áo quần, tôm hay cá Catfish từ Việt nam. Dù họ biết rằng điều này đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu ngườì lao động khốn khó tại Việt Nam.

Những điều bất lợi khi gia nhập WTO: Mặc dù có một số lợi ích có thể giành được, song Việt Nam sẽ còn nhiều thua thiệt khi là thành viên WTO. Một số trong đó là bị áp lực trong quá trình đàm phán dẫn đến các hiệp định ký kết phải nhượng bộ nhiều hơn, các sản phẩm trong nước không ngang sức khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, và Việt Nam chưa được công nhận là một nền kinh tế thị trường (NME).

Nếu không có sự ủng hộ của một số thành viên quan trọng của WTO, ứng viên sẽ không thể gia nhập tổ chức này. Chính vì lẽ đó, Việt Nam sẽ ở thế bất lợi khi đàm phán. Là một nước đang phát triển, Việt Nam luôn bị áp lực từ các nước phát triển khác yêu cầu mở nhanh cánh cửa cho các nhà đầu tư quốc tế (điều này đồng nghĩa với gia tăng tốc độ phá sản, thất nghiệp…) trong các ngành sản xuất, dịch vụ. Họ đòi hỏi gỉảm mạnh hàng rào nhập khẩu nhằm tràn ngập kể cả những hàng hóa ế thừa từ nước ngoài. Những hiệp định kém cỏi được ký kết trong điều kiện như thế làm tăng nguy cơ cho tốc độ tăng trưởng và chiến lược phát triển quốc gia dẫn tới cuộc sống của người lao động bị đe dọa. Nông nghiệp là khu vực nhạy cảm với những thiệt thòi này. Hiện tại nước ta với 69% trong lực lượng lao động nông nghiệp và 45% dân số vùng nông thôn sống dưới mức nghèo khổ (Oxfam, “Trade-Extortion at the Gate”, November 2004).

Các sản phẩm của Việt Nam sẽ rất khó khăn khi cạnh tranh. Đây là một thực tế mà các nhà sản xuất phải tính đến.Thay vì cần được duy trì mức thuế để bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp mà phần lớn nông dân có mức sống rất thấp. Một mặt, Việt Nam bị áp lực phải chấp nhận thuế nhập khẩu trung bình cho các sản phẩm nông nghiệp là 25.3% (thấp hơn Thailand và Philipines là thành viên WTO là 10%). Không những các nước đàm phán đều yêu cầu Việt Nam không áp dụng thuế tỷ lệ quotas TRQs (Tariff rate quotas) và loại đảm bảo an toàn đặc biệt SSGs (Special Safeguards) cho các ngành mới phôi thai, mà còn đòi Việt Nam giảm hàng rào quan thuế. Mặt khác, năng xuất lao động trong hầu hết các ngành ở nước ta còn quá thấp nên giá thành sản phẩm cao, chất lượng kém trong khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của các nền sản xuất với năng suất, chất lượng cao như Liên Hiệp Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Canada, Úc, Tân Tây Lan…Còn khó khăn hơn gấp bội khi các nông gia Mỹ và EU nhận được tài trợ khổng lồ từ chính phủ (chỉ tính riêng nông dân trồng ngô của Mỹ một năm nhận 10 tỷ USD). Về các lĩnh vực khác cũng không khá hơn, chẳng hạn hàng công nghiệp với chất lượng kém, giá thành cao thuế nhập khẩu được đề nghị là 17%. Đối diện với những điều kiện ngặt nghèo như trên, nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ bị bóp chết do hàng ngoại ngập tràn, cuộc sống người lao động trên hầu hết các lĩnh vực bị đe dọa nghiêm trọng.

Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường (NME), nên các nước khác vẫn dùng trạng thái này để hạn chế hàng ta nhập vào thị trường của họ. Các biện pháp phá giá và chống phá giá thường được áp dụng để chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc, một thành viên WTO. Các doanh nghiệpViệt Nam sẽ không khác là bao khi gia nhập WTO.

Tóm lại, trở thành thành viên WTO, Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn mà không dễ vượt qua. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của đảng, nước ta chưa bao giờ có hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo sự an toàn cho người dân khi có bất trắc. Một khi cuộc sống bị đặt trong tình trạng hiểm nghèo, người dân chỉ còn biết lạy Trời, khấn Phật và nguyện cầu Chúa ra khỏi cơn khốn khó. Vì chỉ có sự thành công là thuộc về đảng mà thôi. Câu cửa miệng của người dân biểu hiện tính cơ hội vĩ đại của đảng: “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài đảng ta!”.

Không có nhận xét nào: