05 tháng 7, 2005

Từ "Cúm Gia Cầm" đến "Giá Gông Cùm" (CT14)

Vũ Thạch


Giữa một rừng những tin tức sôi động tại Đông Á và thế giới, tiếng cảnh báo của những viên chức thuộc các cơ quan y tế quốc tế về nạn dịch cúm gia cầm với tâm điểm nằm tại Việt Nam đã không được mấy ai chú ý ngoại trừ chính phủ các nước lân cận.

Tại Thái Lan, nước xuất cảng gia cầm lớn thứ tư trên thế giới, đang diễn ra một cuộc tranh luận lớn giữa các nhà chăn nuôi gà vịt cỡ nhỏ, các nhà chăn nuôi kỹ nghệ để xuất cảng, và giới y khoa chăm lo sức khỏe đại chúng. Chủ đề của cuộc tranh luận là nên hay không nên chích ngừa toàn bộ số gà vịt trong nước.

Đa phần các nhà chăn nuôi nhỏ muốn chính phủ chích ngừa toàn bộ gia cầm để bảo vệ số vốn liếng ít ỏi của gia đình họ. Cùng lúc, các nhà khoa học nghiêm trọng cảnh cáo rằng thuốc chích ngừa rất có thể sẽ tạo biến dạng nơi các vi rút có tên H5N1 này, khiến cho việc phát hiện chúng khó khăn hơn mà cứ lầm tưởng là đã tận diệt. Việc phát hiện chậm cũng sẽ rất tai hại một khi bắt đầu có triệu chứng loại vi rút này lây lan thẳng từ gà vịt qua người. Các nhà sản xuất kỹ nghệ để xuất cảng cũng lo ngại rằng việc chính thức phát động chiến dịch chích ngừa sẽ tạo hình ảnh sai lạc là cơn dịch đang hoành hành cùng khắp Thái Lan, khiến các nước khác không dám nhập gà vịt từ Thái nữa. Ngoài ra, Cộng đồng Âu châu cũng có luật cấm nhập gà vịt có chích thuốc ngừa và chỉ cho nhập trở lại sau khi đã ngưng dùng thuốc một năm.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc tranh luận này có vẻ như tạo thêm phức tạp cho chính phủ Thái trong việc đối phó, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Chính thủ tướng Thaksin Shinawatra triệu tập và chủ tọa một cuộc họp với các đại diện ngành nghề liên hệ vào tháng 2 năm 2005 để lắng nghe các khó khăn, những hậu quả ngoài ý muốn có thể xảy ra của mỗi biện pháp được dự định để đối phó. Chính những tranh luận công khai đã giúp chính phủ quan tâm đúng mức và có đối sách thích hợp nhất, nghĩa là đem lại tối thiểu thiệt hại và tối đa lợi ích cho quốc gia Thái ở mức tổng thể, chứ không chỉ lo riêng cho một bộ phận dân chúng hay cho đảng cầm quyền. Đây là biểu tượng cụ thể mà thể chế Dân chủ đóng góp thực sự vào đời sống hàng ngày của người dân.

Riêng tại Việt Nam, trong lúc số người chết vì lây bệnh cúm gia cầm tiếp tục gia tăng, các cơ quan phòng chống bệnh dịch quốc tế càng tỏ vẻ lo ngại về các con số báo cáo của chính phủ ta. Trong tình trạng bưng bít và độc quyền thông tin hiện tại, các quan chức đảng ta thường che dấu bớt mức nghiêm trọng, hay ngay cả tung tin sai lạc để trấn an dân chúng. Trong quá khứ, có nhiều tuyên bố mà cơ quan y tế thế giới cho là quá vội vã, đã được Nhà nước tung ra, như những khẳng định đã diệt hẳn mầm bệnh SARS và cúm gà từ mấy năm trước; hoặc việc hơ khói "bồ kết" để diệt vi khuẩn SARS, v.v... Loại khẳng định này, theo các cơ quan y tế thế giới, chỉ tạo thêm nhiều tai hại vì khiến người dân không đề phòng đúng mức hoặc chạy theo những phương pháp chữa trị không có căn bản khoa học.

Tình trạng Nhà nước không cho phép báo chí hoạt động độc lập, không cho phép các phóng viên tường thuật đúng theo kết quả quan sát, cũng khiến cho bức tranh thêm mờ mịt. Không ai biết các giới chức địa phương thi hành việc phát hiện, phòng ngừa ra sao và lại càng không biết mức độ dấu diếm của họ đến cỡ nào, nhất là khi chính các quan chức địa phương là chủ các đàn gà vịt, các trại chăn nuôi, hay các đường dây xuất cảng.
Ngay cả khi có một vài phóng viên và các nhà khoa học can đảm cảnh báo công chúng thì tiếng nói của họ bị dập tắt, kết án tiết lộ bí mật quốc gia bởi các loại luật lệ tùy tiện. Vì thế chẳng bao giờ có những thảo luận công khai giữa các ngành nghề liên hệ để có đối sách thích hợp nhất cho cả nước.

Chỉ riêng trong vụ cúm gia cầm này, cái giá mà dân ta phải trả cho chính sách bưng bít thông tin của Nhà nước đã hiện rõ. Trong lúc các trung tâm dịch mấy năm trước tại Hồng Kông và Thái Lan nay đã không còn dấu vết, người ta chỉ còn bàn các biện pháp phòng ngừa để tránh tái diễn mà thôi, thì Việt Nam, từ vị trí một bệnh nhân không đáng kể 2 năm trước đã trở thành trung tâm trận dịch hiện nay.

Nếu nhân cái giá tai hại của chính sách gông cùm thông tin này lên mọi mặt sinh hoạt xã hội và nhân rộng ra trên phạm vi cả nước, người ta có thể tính ra được khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với láng giềng và thế giới trong 3 thập niên qua và còn tăng dần trong những năm tháng tới.

Không có nhận xét nào: