05 tháng 7, 2005

Thuế và Nghĩa Vụ của Nông Dân Việt Nam (CT14)

Thanh Bình


Sưu thuế đang là nỗi kinh hoàng của người nông dân Việt Nam. Khi vụ chiêm kết thúc, vang vang đâu đó tiếng ve báo hiệu mùa hè là lúc tiếng loa phóng thanh kêu gọi người dân nộp tiền thuế và nghĩa vụ vang lên. Nó câu thúc, dồn đuổi và đe dọa những người nông dân, đặc biệt là đối với nông dân nghèo. Nhiều người đã trốn khỏi quê hương. Vụ chiêm năm nay được mùa và đi kèm với nó là giá lúa thấp và sưu thuế tăng lên. Tiếng loa thúc thuế gay gắt như chính từng tia nắng, nóng bỏng chiếu xuống lòng người.

Suốt 5 tháng trời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Người nông dân chợt bàng hoàng nhận ra rằng mình đã bị “cướp” đi gần hết thành quả lao động. Nếu tính tất cả các khoản thuế và nghĩa vụ, Nông dân phải đóng lên đến khoảng 40 loại, chủ yếu là cho ba đối tượng: Uỷ ban nhân dân, Hợp tác xã nông nghiệp và Thôn xóm. Trong các loại thuế thì sự phản ứng của người dân mạnh mẽ nhất là ở thuế thủy lợi. Thông thường chiếm từ 16-20kg thóc cho một sào trong khi ở rất nhiều nơi, nước ở sông hồ được tháo trực tiếp vào đồng ruộng mà không qua một hệ thống kênh tưới tiêu nào của Nhà nước, mà dân vẫn phải gồng lưng chịu thuế. Có một khoản nghĩa vụ khác, nghe rất nực cười, đang được áp dụng tại Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa là thuế đồng cỏ. Tức là trâu ăn cỏ phải chịu thuế. Loại này tùy từng nơi áp dụng từ 4 đến 6kg thóc trên một sào Bắc bộ cho các gia đình có trâu và cả những gia đình không có trâu.

Đi đến đâu nhân dân cũng than phiền rằng, Nhà nước bỏ thuế nông nghiệp là do thuế nông nghiệp ít quá, thu không bõ bèn gì. Vậy nên, bây giờ thay vì thuế nông nghiệp, người dân phải gánh chịu bao nhiêu loại nghĩa vụ mới. Có những nghĩa vụ đã được quy định thành Luật như nghĩa vụ Lao động công ích nhưng cũng có những loại nghĩa vụ mà cả Nhân dân không hiểu như “nghĩa vụ giao thông”. Mỗi cường hào tại một địa phương lý giải theo một cách riêng. Người thì cho rằng đó là nghĩa vụ phải nộp để Nhà nước làm đường Hồ Chí Minh, người thì bảo đó là do “ông bà đi lại trên đường”. Dĩ nhiên, Nhân dân hầu hết các nơi đều đã phải đóng góp tiền để làm đường nội bộ, đường liên thôn. Đồng thời, bất cứ ai đi trên đường cũng đã phải đóng tiền thuế giao thông do thuế đã được tính vào trong giá xăng dầu. Tiền bị giật khỏi tay người dân nghèo nhưng chưa đủ. Cảnh sát giao thông vẫn “làm luật” nơi nơi và hậu quả là 6 tháng đầu năm 2005 đã giết chết 5.747 người. Ai có lỗi với những sinh linh vừa bị tước đi mạng sống minh một cách oái oăm này ?

Ngoài các khoản về quỹ tình thương, an ninh, quốc phòng… Nhân dân còn phải đóng những quỹ hết sức kỳ lạ. Đó là quỹ “chống nghiện hút, chống HIV”. Thực tế, Nhân dân đang là nạn nhân. Biết bao nhiêu cán bộ của Đảng và Nhà nước đang trực tiếp hoặc tiếp tay cho bọn buôn ma túy, đang gieo rắc nỗi hoảng sợ vào tận từng làng quê yên bình. Nông dân nhiều vùng quê bây giờ đêm nằm ngủ còn phải đem theo cả đàn gà đang ấp vào nhốt cạnh giường ngủ với người để khỏi bị mất cắp. Chó là con vật trung thành với người nông dân nhất và nó bị kẻ trộm thời Cộng sản “câu” mất. Nhân dân chính là nạn nhân của bảo kê Nhà nước và chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự của Nhân dân.

Công việc thu thuế của Nhà nước được bắt đầu ngay khi vụ Đông Xuân vừa kết thúc. Tổ thu hồi sản phẩm đã được thành lập để lên danh sách tất cả các khoản nghĩa vụ phải nộp và gửi đến cho từng hộ gia đình trong làng. Vào thời điểm tôi đặt bút viết những dòng này là lúc tổ công tác bắt đầu tiến hành chiến dịch trưng thu khốc liệt nhất đối với những gia đình không còn gì để nộp. Mặc dù được tính bằng thóc nhưng Nhà nước ở địa phương hầu hết đều thu tiền mặt vì dễ thu và dễ bớt. Như thế, bà con nông dân lại phải bán lúa ngày mùa với giá hạ hơn nhiều để lấy tiền nộp thuế. Thông thường nghĩa vụ được tính theo năm, nhưng vì vụ Chiêm thường được mùa hơn cho nên Nhà nước đã bắt nhân dân, tùy theo nơi, nộp đến 60% hoặc 70% tổng các khoản nghĩa vụ hàng năm.

Tất cả các khoản thuế và nghĩa vụ Nhân dân đều không được kiểm tra giám sát. Do vậy người nông dân luôn hỏi là tại sao là 10.000đ hoặc 20.000đ mà không phải là ít hơn hay nhiều hơn, bởi vì không một người dân nào biết được là đồng tiền họ đóng góp sẽ đi đâu, ai sẽ sử dụng nó làm gì. Cứ mỗi khoản thuế của người dân đóng góp có thể bị một ông quan xã bớt đi một nghìn, quan huyện bớt đi một nghìn. Sau đó, chúng nó nối đuôi nhau, tiền Xã chạy lên Huyện, lên Tỉnh, lên Trung ương và cuối cùng ra nước ngoài dưới tên những tài khoản cá nhân. Ai đó vẫn đang nói chuyện về đạo đức. Nhưng không! Sự thật là ai đó đang bóc bớt gạo trong bữa cơm chiều của bác nông phu nghèo. Ai đó đang lấy cắp từng con cá khô trước những ánh mắt trẻ thơ thèm thuồng, ngơ ngác.

Có một điều đang góp sức rất lớn trong việc bần cùng hóa người nông dân. Đó là rất nhiều khoản thu của Nông dân được tính theo “khẩu”. Tức là Nhà nước cứ theo đầu người mà bổ xuống. Nông dân nghèo thường đông con, cho nên các khoản tiền phải nộp rất lớn. Đã nghèo lại càng nghèo thêm. Một nền kinh tế bóc lột đang xâm lấn mọi ngõ ngách đời sống nhân dân Việt Nam. Nơi xa nhất là nơi họ phải đóng nghĩa vụ nhiều nhất với những chi phí cao nhất. Tổng công ty điện lực quyết định tăng giá và với mục đích nói rất rõ là “lấy tiền để đầu tư xây dựng”. Như vậy chính Nhà nước đã bán giá điện đắt hơn để “cướp” tiền của Nhân dân rồi lại dùng chính đồng vốn lấy được đó để đem đi đầu tư xây dựng nhà máy điện để bán điện lại cho dân. Nông dân nghèo luôn là người phải mua điện với giá cao.

Dưới trời Nam, Nông dân ca thán. Họ đã lầm lũi, chịu đựng như vậy suốt bao nhiêu năm. Nhưng đã đến lúc họ tự hỏi vậy những khoản tiền khổng lồ từ thu thuế, từ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đang đi đâu? Nhân dân Việt Nam ta có quyền đối với từng lít dầu xuất khẩu, từng tấn than moi lên, từng mảng rừng bị đốn trụi hay không? hay là chỉ có nghĩa vụ mà thôi? Chúng ta cần tổ quốc Việt Nam để có một đảm bảo về an sinh, y tế, giáo dục và danh dự, chứ không phải là sự nghèo nàn, đe dọa, sợ hãi và khổ đau. Nhân dân hỏi rằng ngày hôm nay đang chịu sưu cao thuế nặng, rồi mai này khi các khoản nợ quốc tế đến hạn phải trả thì ai lại là người trả nếu không phải là những người nông dân nghèo khó trên mảnh đất hình chữ S này?

Giữa trưa hè miền quê Bắc kỳ nóng nực, tiếng câu thúc nghĩa vụ đang vang vang khắp mọi ngõ ngách xóm làng. Đâu đó, trong các căn phòng máy lạnh, những bàn tay được chìa ra, những hợp đồng được ký. Con bạch tuộc tham nhũng vẫn lạnh lùng vươn vòi hút đến cùng kiệt những đồng tiền xương máu của đồng bào nghèo chúng ta.

Không có nhận xét nào: