05 tháng 6, 2005

Lời Sám Hối Muộn Màng (CT13)

Lệ Trân


Nhìn lại quá khứ, một số cán bộ cao cấp nhất của đảng đã từng đưa ra những ý kiến khác với chỉ đạo của cấp trên. Họ đã bị mạt sát thậm tệ trên các phương tiện truyền thông trước khi bị đảng trừng trị. Ông Hoàng Văn Hoan đã phải trốn để sống lưu vong tại Trung quốc và bị tử hình vắng mặt. Ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật và mất hết các chức vụ. Cả hai đều là Uỷ viên Bộ chính trị. Những sự trù dập này là lý do đơn giản nhất để giải thích tại sao các cán bộ của đảng ở mọi cấp rất hiếm khi tuyên bố chính thức phần nào quan điểm của mình trong lúc còn đương nhiệm. Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 vừa qua, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao, ông Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Bộ chính trị giữ chức Thủ tướng từ 1991-1997 đã đưa ra một số nhận định gây nhiều chú ý. Trong đó ông khẳng định qua trích lời của cố Tổng bí thư Lê Duẩn thay cho nhận định của mình khi nói về ngày 30/4: "Đây là thắng lớn của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Ông Kiệt nói đến một quá khứ nên được khép lại. Những tuyên bố của ông có đúng và mang tính hiện thực không?

Chiến tranh Việt Nam kết thúc và đánh dấu một biến cố đau thương nhất trong lịch sử nước nhà. Sau ngày 30/4 chỉ có hai nhóm người thực sự chiến thắng là chùm các tổ hợp sản xuất, buôn bán vũ khí quốc tế và những cán bộ hàng đầu của đảng. Nhóm thứ nhất thu lợi nhiều tỷ đô la từ chiến tranh, biến Việt Nam trở thành bãi thử nghiệm lý tưởng cho các loại vũ khí mới với kỹ thuật hiện đại và hiệu quả giết người cao hơn. Nhóm kia, giờ đây toàn quyền cai trị trên cả nước và có cơ hội vươn bàn tay dài hơn để vét cho đầy túi tham của họ. Còn lại tất cả các bên tham chiến đều thua. Mất mát lớn nhất là tổ quốc Việt Nam. Hàng triệu người đã bị hy sinh cho cuộc chiến tương tàn, hàng trăm ngàn người bỏ xác dưới đại dương hay chết trong rừng sâu trên đường vượt biên của họ. Tất cả khi còn sống có thể mang nhiều điều khác nhau, song khi chết, đều giống nhau với mái tóc đen, màu da vàng xạm nắng Việt Nam.

Tiếng súng chấm dứt, đảng và nhà nước nắm trong tay một tiềm năng to lớn là nguồn nhân lực và vật lực dồi dào, vô giá. Đặc biệt là lực lượng được đào tạo chính qui của miền Nam có chuyên môn cao trong đủ mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, các nhà quản lý giỏi, các thương gia rất thành công trong một nền kinh tế thị trường thực thụ, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển của đất nước. Số lớn hơn và quyết định mọi thành công của công cuộc xây dựng là đội ngũ công nhân và nông dân với kiến năng phong phú trong lĩnh vực công và nông nghiệp của một nền sản xuất tiền hiện đại mà cho đến nay đảng còn đang loay hoay, mò mẫm học mà chưa theo kịp. Bên cạnh đó là lực lượng quốc phòng với hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam được đào tạo với chất lượng cao đủ đáp ứng cho một cuộc chiến tranh hiện đại nếu xảy ra để bảo vệ tổ quốc khi cần. Tuy bị tàn phá nặng nề, song nguồn vật lực miền Nam để lại không nhỏ. Đồng ruộng phì nhiêu, các nhà máy tuy chưa thật lớn song nó chứa đựng tiềm năng quản lý và sản xuất của một nền kinh tế tự do tiên tiến. Thời gian rất ngắn sau ngày hòa bình, chỉ một số nhỏ trong lực lượng lao động nói trên rời khỏi đất nước, phần đông còn ở lại với hoài bão tái thiết xứ sở thời hậu chiến. Sau ngày 30/4 mọi hy vọng đều tan biến. Thay vì quản lý và sử dụng hữu hiệu các nguồn nhân và tài lực sẵn có cho việc xây dựng lại đất nước, thì trong niềm say chiến thắng, đảng và nhà nước đã nghĩ ra nhiều phương cách trả thù. Hầu hết những người được gọi là “ngụy quân” và “ngụy quyền” bị dồn vào các trại cải tạo mà thực chất là trại tù cay nghiệt nhất. Đảng dùng bài học từ lý luận của Lenin và kinh nghiệm thực hành từ miền Bắc để đoạt lấy các nhà máy, công xưởng qua cuộc “cải tạo công thương nghiệp”. Thực chất là chiến dịch cướp bóc và tàn phá sở hữu tư nhân của cơ chế thị trường theo đúng bài bản như Lenin viết: "Quốc hữu hóa xã hội chủ nghĩa là sự thủ tiêu sở hữu tư nhân của giai cấp bóc lột về tư liệu sản xuất, chuyển nó thành sở hữu toàn dân""Nhìn chung, phương pháp tịch thu không hoàn lại diễn ra nhanh hơn”. Lenin gọi đó là "cuộc tấn công của cận vệ đỏ vào giai cấp tư sản" (Sách giáo khoa “Kinh tế chính trị Mác-Lênin”, tập II, trang 32& 34, Nhà Xuất bản Giáo dục, 1998). Những doanh nhân và các nhà quản lý giỏi sau khi bị lợi dụng để dạy, truyền kinh nghiệm, họ bị đuổi việc hoặc bị đưa đi học tập cải tạo hoặc lên vùng kinh tế mới hoang dã. Ở nông thôn, nông dân cùng các tư liệu sản xuất được đưa vào hợp tác xã để sản xuất tập thể với năng xuất lao động rất thấp. Kết quả là kinh tế kiệt quệ, xã hội điêu tàn, người dân đầy ắp lòng thù hận và mất hết niềm tin. Hậu quả là hàng triệu người đã rời bỏ quê hương thân yêu, liều mình trao thân cho biển cả, rừng sâu đi tìm một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn, trong đó hàng trăm ngàn người đã bỏ xác trên biển cả, trong tay hải tặc hay trong rừng sâu. Đảng có nghe tiếng kêu van của họ, những bà mẹ quì lạy bọn hải tặc không còn tính người hòng xin tha cho những đứa con gái mới lớn hay đừng giết chồng họ. Nhiều chuyện hãi hùng trong những chuyến vượt biên mà con người chưa từng hoặc chưa bao giờ được nghe chỉ đơn giản vì chẳng còn ai để kể. Tội ác này này thuộc về ai, há chẳng phải tại đảng và nhà nước sau ngày chiến tranh chấm dứt?

Quá khứ không thể khép lại, người Việt Nam cả trong và ngoài nước chưa thể đồng lòng chung lưng xây đất nước một khi đảng và nhà nước vẫn đang say sưa với hơi men chiến thắng trong khi cả dân tộc quặn đau bởi quá khứ hãi hùng. Quá khứ cũng không thể khép lại nếu đảng và nhà nước không có khả năng đưa đất nước ra khỏi vũng lầy của tăm tối và lạc hậu với hai nỗi nhục là một trong ít nước nghèo đói và tham nhũng nhất thế giới hiện nay. Quá khứ chỉ thực sự khép lại và chiến thắng hiện diện trên đất nước ta nếu đảng biết đau những nỗi đau của dân tộc và đảng phải chứng tỏ được bản lĩnh và năng lực để đưa đất nước sánh vai mọi mặt với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ và quyền làm người được tôn trọng. Đảng phải thực tâm giải quyết những thách thức đang đặt ra trước mắt giữa nghèo đói, tụt hậu với thịnh vượng và tiến bộ. Phải chọn lựa giữa lòng bao dung với tính ích kỷ hẹp hòi, nghi kỵ và thù hận, giữa độc quyền và dân chủ. Chừng đó, lòng “hoà hiếu”“bao dung” dân tộc mới mở rộng để khép lại một quá khứ thương đau do đảng gây ra, trong đó bản thân nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có dự phần trách nhiệm. Thực tế, dưới sự lãnh đạo của đảng thì những lời tuyên bố của ông Kiệt cũng chỉ có chút ít sám hối cá nhân muộn màng, không mang tính hiện thực. Một lời sám hối muộn màng cuối đời vì lương tâm cắn rứt hay là lời phát biểu mị dân mang giọng đạo đức giả ? Câu trả lời nằm ở thời gian và những hành động cụ thể của ông Kiệt trong tương lai.

1 nhận xét:

Vn Hanoi nói...

Nếu chú mày là một trong những "tiềm năng to lớn là nguồn nhân lực và vật lực dồi dào, vô giá" của miền Nam ngày xưa thì chắc miền Nam không phải được giải phóng nhờ chiến thắng 30-4-1975. Loại như chú mày nếu lúc ấy đã sinh ra rồi chắc sẽ lập nên kỳ tích gì đấy chẳng hạn như ...?! Chán nhất là một lũ vô tích sự, vô lương, không đủ khả năng nhận thức đúng - sai ( có lẽ chỉ vì ôm nỗi hận riêng mù quáng! ) nhưng lúc nào cũng huyênh hoang như người ở hành tinh khác đến vậy!
Chú mày hãy thử tự suy ngẫm xem người tin vào thuyết lý sự ngu ngốc của chú mày là bao nhiêu phần tỷ trên thế giới?