Thanh Bình
Giữa tháng 3 vừa rồi tại Hà Nội, trong kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố có xuất hiện một bài văn lạ của Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11. Với lý do lạc đề, bài văn này được giáo viên chấm 3/15 điểm. Nhiều người bảo nên cho điểm tối đa, người khác bảo nên cho 0 điểm.
Đúng là lạc đề. Bài văn không đi vào phân tích cái đẹp trong bài thơ “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” theo như đề ra mà em viết “Em thực sự không thích bài văn này, em đang sống trong thời bình và không rung động được với một bài văn tế”. Theo giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai thì gần 60 năm đi dạy và nghiên cứu văn học, ông chưa hề thấy một phản ứng mạnh mẽ nào như thế từ phía học sinh.
Điều đó đúng. Từ khi đảng CSVN cầm quyền năm 1945 đến nay nhân dân Việt Nam không được tự do nói đúng những điều mình nghĩ, viết những điều mình thích. Đối với học sinh, và với môn văn học, thì chỉ có quyền khen hay mà không có quyền bày tỏ chính kiến của mình. Mái trường XHCN đã đào tạo ra những con người, trong đó có tôi, chỉ biết vâng lời. Sự thuần dưỡng của đảng đã thành thần và tuân phục của nhân dân đã thành nếp. Tôi nhớ nhân vật Mị trong “Vợ Chồng A Phủ”, giống nhân dân tôi, lầm lũi như con rùa núi, lặng lẽ như cây rừng lúc hoàng hôn, và tin theo như một định mệnh.
Trong suốt 60 năm đó, Đảng cộng sản đã được rất nhiều người tung hô và tiếp tay kiến tạo niềm tin cho thế hệ trẻ. Một số người trong họ có năng khiếu về văn học, âm nhạc. Tố Hữu, dẫu có chút ăn năn trong những ngày cuối đời, cũng không làm thay đổi được chân dung bồi bút của mình. Ông góp phần vào việc đưa văn học của Đảng vào cuộc sống của đất nước tôi, gây bao cảnh lầm than và phi nghĩa. Hầu hết thanh niên Việt Nam đều biết bài thơ của Tố Hữu về Anh Hùng Nguyễn Văn Trỗi (theo một cách nói). Kẻ khủng bố (theo cách nói khác) đã được tuyên truyền như là một bản Anh hùng ca bất khuất. Vì nó, hàng triệu thanh niên đã hăng hái lên đường, trút máu xương cho cuộc chiến ủy nhiệm. Trong bài thơ tác giả viết:
“Chúng trói anh vào cọc mấy vòng dây
Mười họng súng một băng đen bịt mắt
Anh thét lớn chính Mỹ kia là giặc
Và tay anh giật phắt mảnh băng đen…”
Kèm với bài thơ này còn có hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi bị trói chặt tay, thế mà không một ai trong chúng tôi, từ trước đến nay, đặt câu hỏi là tay bị trói chặt rồi, làm sao anh có thể “giật phắt mảnh băng đen được nữa”. Chúng tôi tin một cách chân thành và mù quáng điều đó. Lớp lớp học sinh đọc vang cả góc trường. Bởi vì chúng tôi không có quyền hỏi lại và buộc phải tin rằng những điều đem ra giảng dạy là đúng, là không thể chuyển lay.
Mới đây, tôi có may mắn được đọc một bài tâm bút của nhà thơ Trần Trung Đạo hiện đang ở hải ngoại, tôi rất cảm phục anh và nhận thấy rõ sự vô nhân đạo của Nhà thơ Tố Hữu khi ông ta viết về những người lính đối phương trong bài thơ Bắn Đi:
“ Ngon như một đĩa thịt bò tươi
ở dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé các con ơi rồi chết…”
Khi nhà thơ ví quân đối phương như “một đĩa thịt bò tươi” thì đúng là không còn nhân tính trong đó. Nhưng hàng chục năm qua, bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã và đang được giáo dục như vậy, rất nhiều người tin theo như vậy và không ít kẻ thích thú được làm như vậy. Chúng tôi bị say máu.
Nhưng sự vô nghĩa và mất đạo đức nhất của nhà thơ chỉ có thể cảm thụ được khi mà…con bạn tập nói. Cả gia đình tôi đã xúc động lặng im rất lâu khi con tôi cất tiếng nói đầu tiên Nước mắt chảy trên mi bà, người được đón nhận âm thanh đầu tiên đó, lần lượt sau đó con nói tên ba, tên mẹ, tên anh em với một tình thương trìu mến. Tôi thấy mình xấu hổ vì đã từng gào lên trong 2 câu thơ trong bài thơ “Nói với con” của Nhà thơ Tố Hữu:
“Vui biết mấy khi con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”
Lớp lớp học sinh chúng tôi từng đọc hào sảng, ngu dốt một cách hồn nhiên như chính nhà thơ vậy. Phải đợi đến khi con tập nói mới biết được một cách chắc chắn rằng đó là một câu thơ sai cả về nội dung và âm điệu, đó là một câu thơ lừa dối, dán nhãn và phi nhân tính. Nó phản động về tư tưởng, mất dạy về nhận thức và dã man về đạo đức. Hãy hình dung trong một đêm khuya, đang bế con trên tay, bỗng nhiên nó hô vang tên độc tài Stalin. Hãi thật!
Ngoài việc “chia trái tim thành 3 phần tươi đỏ” và dành riêng “cho Đảng phần nhiều”, Tố Hữu còn có nhiều bài thơ làm chúng ta sợ. Nó xem thường quá khứ và hù dọa tương lai. Tác giả cho rằng thời kỳ đói kém trong những năm 1960s là “ đỉnh cao muôn trượng”
“Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”
Tất cả chúng tôi đều đọc những câu thơ đó trong cái đói, cái rét. Thế mà vẫn tin, vẫn cho rằng tuyệt vời và lịch sử dựng nước hàng ngàn năm qua chưa bao giờ tươi đẹp, hào hùng đến thế. Chúng tôi không đặt câu hỏi rằng đỉnh cao nhất rồi thì tương lai làm sao tốt đẹp hơn được nữa? Năm 1961 đảng ta đã là đỉnh cao của trí tuệ loài người, đất nước ta đã là đỉnh cao của phát triển và sau đó sẽ là gì?. “Nghìn xưa” không bì kịp và “mai sau” mãi mãi vẫn thấp hơn? Với cái đói đến trong veo hai hòn dái, chúng tôi gào lên những no ấm đâu đâu. Chúng tôi nghe âm hưởng rì rào của một chế độ cộng sản quần hôn và mất dạy với một đức tin vừa bị đánh tráo. Và với đức tin giả đó, chúng tôi tin, một cách chân thành. Và do vậy chúng tôi không hề ngạc nhiên, khi Tố Hữu viết “30 năm đời ta có Đảng” thì “ Thịt với xương tim óc dính liền”. Một hình ảnh dự báo chân thực nhất của tai nạn giao thông hiện nay tại Việt Nam.
Phải mất hơn 40 năm, dần dần chúng tôi mới thoát khỏi cái bóng tư duy khủng khiếp đó và mãi đến hôm nay những cô cậu học sinh mới bắt đầu dám nói những điều mình suy nghĩ. Nhưng bài viết của em Thanh vẫn chỉ là 3/15 điểm. Tư tưởng của Đảng và của những kẻ đồng lõa vẫn tiếp tục bóp nghẹt những tiếng nói trung thực cất lên từ lứa tuổi học trò. Nhưng rồi sẽ đến một ngày trong tương lai rất gần, không phải một, mà là hàng trăm, hàng triệu học sinh, sinh viên đều cất tiếng nói đòi được bày tỏ đúng đắn chính kiến của mình. Chúng ta là những tờ giấy trắng bị Đảng vẽ bậy lên quá nhiều, còn con cái chúng ta quyết không để bị viết những điều lung tung nữa. Phải không các bạn ?
Câu chuyện giáo dục thực ra không chỉ dừng ở Nhà thơ Tố Hữu. Cũng như tất cả các học sinh khác, khi bắt đầu đi học, chúng tôi đều biết về Lê Văn Tám, rất nhiều người trong chúng tôi mong ước ngày đêm làm “Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” để “ phá kho xăng của địch”. Tất cả bỗng nhiên chưng hửng, ngã ngửa ra khi mới đây chính đích thân Giáo Sư sử học Phan Huy Lê nói rõ rằng: Lê Văn Tám là nhân vật không có thật. GS. Phan Huy Lê nói rằng sự thật đó cần được công bố vì đó chính là di chúc cuối đời của Giáo Sư Trần Huy Liệu. Như vậy: đường phố nơi tôi sinh, công viên nơi em tôi chơi, tượng đài nơi chúng tôi ngưỡng mộ, trường học thuở thiếu thời của tôi …đều mang tên của một người giả. Đó là sự dối lừa. Chúng tôi không nhận ra vì nó tinh vi và hệ thống.
Đối với trẻ thơ, sau khi biết nói, các em sẽ tập hát. Cũng giống như chúng ta ngày xưa, bài hát “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh…” là một trong những bài hát đầu tiên các em biết đến. Hết thế hệ tuổi thơ này sang thế hệ tuổi thơ khác, đã hát một cách nồng nàn, say sưa. Vậy mà, đã bao giờ ta tự hỏi rằng điều đó có đúng không?. Liệu một người theo tư tưởng Cộng sản Maxist sinh ở tận Nghệ An hơn một thế kỷ trước yêu con cái của chúng ta hơn chúng ta hay không? Chắc chắn rằng bạn cũng như tôi, chúng ta yêu thương con cái mình nhất và ngược lại con cái chúng ta yêu thương ta. Chỉ hai từ yêu ghét trung thực như vậy, Nhà thơ Phùng Quán bị bỏ tù khi ông sáng tác:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…
Và khi đêm về…….con bạn chắc chắn sẽ nằm mơ. Một ngàn lần tôi ước ao rằng, giấc mơ của con cái chúng ta có là những gì đẹp đẽ nhất, yêu thương và gắn bó với bé nhất. Liệu đã bao giờ chúng ta tự hỏi rằng con có mơ về Bác Hồ như là một bài hát mà tất cả học sinh mẫu giáo đều hát. Đã có những người bạn nói với tôi rằng con của cậu ấy nói rằng “Đêm qua con không mơ gặp Bác hồ mà con mơ gặp Bà ngoại”. Hầu hết chúng ta không mơ gặp Bác và con chúng ta cũng không mơ gặp Bác. Nhưng một số người, vì những mưu toan chính trị của riêng mình đã không trung thực. Họ tiếp tục dối lừa, đưa nhân dân vào những huyền thoại.
Lớn lên chút nữa chắc chắn con của chúng ta học làm văn và khi được ra một đề bài tả về Bà nội, thì đó phải là "Bà nội em rất vui tính, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, rất yêu lao động... ". Chúng ta sẽ nghĩ sao, khi bây giờ bà của các cháu thực sự đang bị ốm, nằm viện đã mấy tháng nay, người gầy lắm và chẳng làm việc gì được.... Các em không được nói lên rằng bà của mình có thể sắp phải qua đời. Bởi lẽ, đáp án đã có sẵn, bởi vì bài văn mẫu đã đưa ra rồi và bởi vì Chế độ đã muốn điều đó rồi.
Cũng tương tự như vậy đối với việc mô tả một trận đấu bóng đá: “Lúc đầu 2 đội ra sân, đội nhà chơi có phần rời rạc và bị ghi một bàn. Sang hiệp hai, ngay phút đầu đã gỡ lại, trận đấu trở nên quyết liệt, đến phút thứ 89, đội nhà ghi thêm một bàn nữa, cả sân vận động vỡ òa trong tiếng hò reo…” Đây là một bài văn mẫu mà các em phải theo, phải mô tả đúng kịch bản, nếu không chắc chắn sẽ bị “lạc đề” và điểm sẽ thấp.
Nền giáo dục rập khuôn một chiều như vậy trong suốt mấy chục năm đã làm cho nhiều mái đầu trẻ thơ trở thành bạc trắng. Nó vẫn tiếp tục tồn tại. Nó vẫn tiếp tục bào mòn những suy nghĩ và sức sáng tạo của con em chúng ta. Nó làm cho sự cảm thụ về văn học trở nên buồn tẻ, nhàm chán. Nó dày vò lòng yêu nước vốn đã bị hao hụt của chúng ta. Đáng nói hơn là nó đã đụng chạm đến tình thương yêu của chúng ta đối với con cái, không chỉ cản trở bước chân của anh của tôi mà còn cả thế hệ kế tiếp chúng ta. Như vậy đã đến lúc chúng ta phải nói rằng “mũ ni che tai” là vô trách nhiệm. Thật vậy!, Đã đến lúc tất cả chúng ta cần phải sát cánh bên nhau, ủng hộ nhau và cùng lên tiếng đòi hỏi phải tôn trọng tự do ngôn luận và tư tưởng để canh tân môi trường xã hội.
Nguyễn Phi Thanh:
Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...
Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen – chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình (Hoài Thanh, Hoài Chân...)... Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi, tất cả chỉ vì áp lực của điểm số...
Những suy nghĩ đó không phải là nhất thời. Đó là những điều tôi từng suy nghĩ, trăn trở trong quá trình học tập. Chính vì vậy, có thể nói tôi đã viết những điều đó với tất cả tâm huyết. Viết xong thấy nhẹ nhõm cả người vì cuối cùng tôi cũng đã có một dịp “trút bầu tâm sự”, nói lên những suy nghĩ thật của mình...
Tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ thật của mình với mục đích tích cực, có tính xây dựng chứ không phải là phản ứng tiêu cực. Điều tôi nghĩ, tôi viết thể hiện mong muốn sẽ có những cải cách chương trình, thay đổi cách dạy và học, mong muốn thầy cô, nhà trường có thể linh hoạt hơn trong cách ra đề, đánh giá...
Tôi tự nhận thấy hiện nay chúng tôi học theo kiểu thụ động, tiếp nhận kiến thức một chiều, hầu như là học thuộc. Thầy cô phân tích theo cảm nhận, suy nghĩ của mình, sau này kiểm tra, thi cử chúng tôi cũng theo mẫu đó nếu muốn được điểm cao, không có chỗ cho chúng tôi tự nghĩ, trình bày những ý tưởng, cảm nhận riêng.
05 tháng 6, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
o nuoc viet nam
Đăng nhận xét