05 tháng 4, 2005

Lê Đăng Doanh - Con Người của Sự Thật và Niềm Tin (CT11)

Lê Trực




Thế là, tiếng nói của niềm tin và sự thật cũng đã được cất lên. Bom tâm đã nổ trong lòng người Việt. Bom tư tưởng đã nổ ngay giữa lòng Bộ Chính Trị Việt Nam. Lê Đăng Doanh, người châm ngòi cho quả bom xã luận 32 trang đã thực sự gây được một chấn động lớn trong thanh niên trí thức Hà Nội. Những điều ông nói không mới nhưng nơi ông nói là mới. Cách ông nói là đặc biệt mới và giọng ông cất lên là nguồn cổ vũ, là hiệu ứng dây chuyền cho một cuộc cách mạng về thảo luận tại Hà Nội. Ông được coi là con người của sự thật đang trỗi dậy trong một bộ máy chính quyền bạc nhược ngày hôm nay. Ông được giới công chức trẻ Hà Nội coi là niềm tin và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh loại trừ cái xấu, xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho cuộc cách mạng canh tân.

Tại giờ giải lao của những buổi họp dài lê thê và buồn tẻ giữa các cơ quan liên bộ, các chuyên viên lại háo hức vây quanh bàn cà phê và chè nước để xì xào bàn tán. Các công chức bàn về nội dung hội thảo thì ít mà bàn về bài của ông Doanh thì nhiều. Quả thật, bài phát biểu của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh được chính giới công chức trẻ tiếp nhận là vì tính thời sự và tính can đảm của tự thân bài phát biểu. Có thể nói, dưới góc nhìn của cán bộ công chức bình thường, Bài nói chuyện đã nhận chân toàn diện về tình hình Việt Nam ta hiện tại.

Giới trẻ Việt Nam háo hức đón nhận nó vì hầu như tất cả những điều ông Doanh nói lên đã từng được họ, hoặc trích lại hoặc tự mình nói ra, đâu đó nơi vỉa hè, nơi quán rượu hay tại nhà riêng với bạn bè thân hữu. Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh lấy từ thực tế sinh động những sự thật, gom các ý tưởng, nén chặt nó lại, thắp lên ngọn lửa và cho nổ bùng lên ngay giữa lòng các nhân vật thủ cựu của Đảng cộng sản. Thế nhưng đúng là nhiều người cũng đã nói, đã phát biểu nhưng tại sao bài xã luận của Lê Đăng Doanh lại được nhiều người bàn tán và ủng hộ như vậy ? Bài viết này xin ghi lại một đôi điều về bài viết và Ông Doanh để mọi người hiểu được kỹ hơn vị tiến sỹ đeo kính cận 7 điốp này.

Tôi bước chân vào toà soạn báo Lao Động, cánh thanh niên trên tầng 2 xôn xao bàn tán, cô gái trẻ nói vọng qua màn hình “thật là đã”, còn anh chàng trong góc phòng thì không chịu đựng được, đứng lên múa chân múa tay mà nói : “Đúng thật, làm gì có lợi nhuận của đảng, của dân tộc... chỉ có lợi nhuận của ban tài chính quản trị mà thôi..” Tại một số cơ quan bộ ngành, nhân viên bắt đầu bàn tán công khai trong khi làm việc. Cái câu “ thằng Trung Quốc đang lăm lăm làm thịt mình” cũng đang trở nên phổ biến, được tiếp nhận một cách dễ chịu, hồn nhiên đi vào đời sống thường nhật. Tại trường học viện hành chính quốc gia, người ta đã “nện” nhau ngay tại bàn làm việc, các giáo sư đe dọa lẫn nhau. Người A bảo đưa B ra tòa, B đòi đưa A ra chi bộ kỷ luật...vv..vv. Vì Lê Đăng Doanh còn làm tư vấn cá nhân cho WB và UNDP cho nên tại các buổi họp bàn dự án đầu tư của các bộ ngành, người ta cũng nói về ông, một cách lặng lẽ nhưng trí tuệ hơn... Tại sao bài phát biểu của tiến sỹ Lê Đăng Doanh thực ra không nhiều điểm mới, lại được các cán bộ công chức bàn tán nhiều tại các cơ quan nhà nước đến thế ?.

Có lẽ trước hết vì “Con người Lê Đăng Doanh”. Ông là một hiện tượng hiếm và quý của nguồn cán bộ công chức Việt Nam. Ông đã từng làm nhiều việc, cố vấn nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao và cũng đã thể hiện tư tưởng cải cách của mình rất rõ. Cách đây khoảng 10 năm tôi đã từng được nghe Lê Đăng Doanh nói chuyện trong một buổi họp, vẫn cái giọng châm biếm sắc sảo đó, Lê Đăng Doanh đã từng nói về bế tắc trong quá trình đổi mới với nội dung cũng có phần như trong bài xã luận. Chính ông đã phát biểu và bày tỏ rất nhiều lần quan điểm về dân chủ trong phạm vi hẹp là các buổi họp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Đến những năm cuối của thập niên 1990s, hầu hết anh em trong Bộ KH&ĐT đều biết về tư tưởng của Ông. “A, anh Doanh chuẩn bị nổ đây... đó là câu truyền tin một cách vui tươi khi tiến sỹ Doanh chuẩn bị phát biểu trong các cuộc họp buồn tẻ. Thời kỳ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là thời kỳ Tiến Sỹ Doanh được trọng dụng. Viện của ông Doanh nằm trên phố Phan Đình Phùng ngập tràn cây sấu, tôi còn nhớ, gần 10 năm về trước, khi ngồi ở quán rượu Nhất ly trên phố Hàng hàng Lược, nhìn thẳng lên đường Phan Đình Phùng ngập tràn nắng chiều và lá sấu rơi. Trên những cây sấu già trồng từ thời Pháp chỉ còn lại ít lá, Ông lặng lẽ nói “Nhân tài như lá mùa thu”. Vâng, nhưng mùa thu đang đi qua, cây lá đã đâm chồi và hôm nay nhiều người tìm thấy trong đó sức sống của mầm cây.

Đến cuối năm 2000, ông bị một cú sốc nặng do chính người Mỹ phản bội. Đó chính là Peter Peterson, viên đại sứ Mỹ tại Việt Nam dưới thời Bil Clinton đã kể lại với “Người có tránh nhiệm” về những điều ông đã tâm sự với Đại Sứ Mỹ về tự do, dân chủ và cần phải đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam. Ông coi như bị kỷ luật từ đó, bị nghỉ chức Viện trưởng và không được đi ra nước ngoài. Qua chuyện này ta cần phải thấy rõ là chỉ có những người Việt Nam, trăn trở với tình yêu quê hương, đất nước mới chia sẻ được với nhau những điều tốt đẹp. Đúng là mình phải tự mạnh lên. Cá nhân Peterson đã không xứng đáng là một con người đàng hoàng khi đem những chuyện trao đổi cá nhân báo cáo lại với “người có trách nhiệm” trong Đảng. Đó cũng là bài học lớn cho Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh. Nhưng cũng từ đó người ta yêu ông hơn, quý trọng tư tưởng ông hơn và chia sẻ với ông sự thao thức về con đường hơn. Ông đã và đang tìm kiếm, đã thất bại với người ngoài nhưng ông thành công trong lòng anh em. Tuần trước, Võ Văn Kiệt đã chính thức mời Lê Đăng Doanh vào Sài gòn hội kiến. Thêm nữa, Võ Nguyên Giáp cũng đã liên lạc vơí Tiến sỹ Lê Đăng Doanh.

Một lý do cơ bản hơn làm cho không khí “bàn” về Lê Đăng Doanh lên cao là vì những điều ông nói là sự thật hiển nhiên ngay tại lòng xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay. Hằng ngày chúng ta vẫn gặp những “Cô bé phục vụ cấp phường lên mặt với mình..”. Nếu như ông Doanh thấy ở bờ hồ Nghĩa Tân những cô gái đứng đường phải đút lót cho công an, thì đâu đó, hàng ngày ta cũng thấy cảnh tương tự ở Hồ Ba Mẫu, Hồ Bảy mẫu, Thanh Nhàn, Đường cao tốc Thăng Long... Bộ mặt xã hội đã bị ông Doanh trực tiếp, theo cách nói vo, lột trần cho mọi người nhìn thấy. Những nhức nhối của ông Doanh không còn là của ông nữa mà là của anh, của tôi, của toàn bộ nhân dân Việt Nam và đặc biệt là lớp trẻ biết thao thức hôm nay.

Điều ấn tượng nữa là ông Doanh là người có trình độ, có tâm huyết và ông chỉ rõ những thực tế của đất nước từ vĩ mô đến vi mô. Ông khác với những nhà “Cách mạng lão thành khác” chống tham nhũng để bảo vệ Đảng ở chỗ, về bản chất, ông thẳng thắn cho rằng đó là vì Chế độ chính trị và cần cải tổ chế độ chính trị, phải đa nguyên chính trị mới giải quyết được bài toán này. Ông kêu gọi một cách trực tiếp và thẳng thắn, ngay trước mũi những người cộng sản cao cấp nhất rằng “Đảng cộng sản lãnh đạo cái đất nước này thì phải chịu trách nhiệm..”, Rằng “có giỏi thì đi vận động bầu cử ... chứ đừng hành xử kiểu tù mù còn nhân dân thì đoán mò đoán non, kiểu “thầy bói xem voi”, rằng “nhân dân không được bầu lên người lãnh đạo cao nhất của mình”.

Bài xã luận của Lê Đăng Doanh thực sự được thảo luận công khai là vì đã khơi dậy được một vấn đề nhạy cảm trong tầng lớp công chức trí thức tại các cơ quan Nhà nước. Họ vốn là những người hằng ngày đang bị phân hóa một cách cực độ. Một phần trong số họ thì bằng mọi cách để len lỏi, phấn đấu để vào Đảng, để lên những chức vụ cao hơn, giành giật được nhiều lợi ích hơn. Số khác thì hoặc không có cơ hội hoặc có lý tưởng đổi mới nên hay “nổ” cho dôm rả. Bài xã luận của Lê Đăng Doanh đụng chạm nhiều vấn đề trực tiếp liên hệ đến đường hướng phấn đấu và tu nghiệp của nhiều cán bộ công chức trẻ. Chính phủ Việt Nam ta đang ở đâu, có nghĩa là ta, với tư cách là các chuyên viên bộ ngành, đang ở đâu, mai này sẽ thế nào ???. Hàng loạt câu hỏi vang lên trong đầu giới trẻ. Bên “khôn ngoan” thì thấy “lo lo” cho cái ghế, cái quan hệ đang chăm sóc của mình... Bên “cải cách” thì thấy “lâng lâng” vì đây là một nguồn động lực lớn cho những khát vọng, hoài bão và tương lai của mình, của dân tộc. Vì thế họ tranh luận rất sôi nổi và, tùy từng cơ quan, có khi gay gắt. Chuyện của ông Doanh đã đi vào các công sở một cách rì rào, chưa đến mức ồn ào nhưng đã lao xao.

Bài phát biểu của Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh gây được xôn xao dự luận trong giới công chức là vì vấn đề không còn chỉ là của ông Doanh nữa mà là vì vấn đề của một trong những ông quyền lực nhất Việt Nam bây giờ. Đó là: Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tổ chức trung ương. Tất nhiên những người cải cách và cả bộ chính trị sẽ đặt ra câu hỏi: Sao lại mời Ông Doanh ?, sao lại làm đề cương theo hướng đó ? sao lại để cho “hắn” nói nhiều thế ? và làm sao bài nói lại được thoát ra ngoài để đến với nhân dân...


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

tOI LF CHAU CỦA ÔNG lÊ ĐĂNG dOANH QUE QUAN tIÊN tÂN dUY tIÊN HA nAM NHƯNG TÔI KHÔNG THỂ NÀO CHẤP NHẬN ĐƯỢC ÔNG TA. ôNG TA là người thẳng thật nhưng làm chính chính trị hiện nay là hỏng xã hội bây giờ là tiền và lịnh lọt không cần bằng cấp đây đến Ông chủ tịch UBND Tỉnh Hà nam Ủy viên trung uong đảng Cộng sản việt nam hiện tại không cần có băng đại học họ chỉ cần tiền và đem đi biêu cấp trên là họ leo lên cao thôi.