05 tháng 4, 2005

Đe Dọa Nằm Đâu? (CT11)

Trần Quang Vũ




Nghị quyết khóa 9 của BCH/TW Đảng hồi đầu năm ngoái ghi rõ ba đe dọa lớn lao: Một là chậm phát triển; hai là tham nhũng leo thang; và ba là "diễn biến hòa bình" do các thế lực thù địch từ bên ngoài.

Thế là đáng lo lắm. Và cũng đáng suy nghĩ ghê lắm. Để xem thử những đe dọa đó đang nằm đâu, với ai? Nhất là khi cả nước đang trong cơn sốt chuẩn bị Đại Hội X cận kề.

Khó quá. Nhìn quanh chẳng thấy nước nào ra sức làm cho VN ta chậm phát triển. Cũng chẳng một nước nào bắc thang cho tham nhũng ta leo. Họa may chỉ còn mấy cái thế lực thù địch. Các câu lạc bộ Âu châu vừa mới xóa nợ cho ta, vậy thì chắc không phải thù địch rồi. Còn đế quốc Mỹ ư? Thủ tướng Phan Văn Khải đang cụ bị hành trang qua đó để vận động Mỹ sớm thỏa thuận cho quy chế Liên hệ Ngoại thương Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations), tức là không để cho Mỹ duyệt xét hàng năm, như một điều kiện lót đường cho VN tham gia vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), thì có lý nào VN ta có thể coi Mỹ là thế lực thù địch? Hay là bởi phải van cả Campuchia bỏ phiếu thuận cho ta vào WTO? Cũng không hẳn thế lực thù địch từ bên ngoài đó là tập thể Việt kiều vẫn cung ứng cho ta trên dưới 4 tỷ USD hàng năm, tương đương với mức kim ngạch xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê và cao su của ta gộp chung lại. Họa chăng chỉ còn thế lực của Trung Quốc. TS Lê Đăng Doanh đã chẳng vừa mới khẽ khàng nói cho cả nước cùng nghe đó sao: "Ta cứ nói ta là bạn bè với tất cả mọi người, thế cái ông Trung Quốc ông ấy có phải là bạn không, hay là ông lăm lăm ông ấy định thịt mình đây?".

Mà nào có phải là TQ kém ưu thế hơn Mỹ trong quyết định về tiến trình VN gia nhập WTO đâu?

Như vậy thì, mối đe dọa lớn lao kia, phải chăng tập trung ngay ở hệ quả của sự tranh chấp giữa các phe thân Tàu hay thân Mỹ trong thượng tầng TW đảng ta, vào một thời điểm mà nhiều người biết chắc là từ 1/4 đến 1/3 tổng số ủy viên TW và Bộ chính trị sắp phải ra đi? Hẳn không mấy ai lấy làm lạ là đối với lãnh đạo các cấp hiện nay, cuộc đua tốc lực vào TW và Bộ chính trị kỳ này quan trọng gấp bội lần cuộc đua trường lực của VN vào WTO.

Học giả Carlyle A. Thayer đoan chắc rằng đứng đầu trong 4 diễn tiến về mặt chính trị của VN 2005-2006 là: "Chương trình cải tổ chính trị sẽ tăng tốc". Ông nhận định: "Bất cứ nhượng bộ kinh tế nào Việt Nam thỏa thuận với Hoa Kỳ cũng sẽ gây ra phản ứng chống đối và tranh cãi, trong khi VN đang chuẩn bị Đại Hội 10". Thêm nữa: "Những lãnh tụ của đảng CSVN nhìn nhận sự tham nhũng trong các cơ quan có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với tính cách hợp pháp chính trị của đảng... Chiến dịch chống tham nhũng có nhiều xác suất được dùng như một phương tiện bởi phe này để chống lại phe khác trong đảng". Hóa ra là: Đe dọa chậm phát triển của nghị quyết 9 chẳng còn chút trọng lượng nào. Hóa ra là: Các thế lực thù địch hiện đang đứng bên nhau ngay trong TW đảng. Còn tất cả đang đứng đâu? Vẫn theo TS Lê Đăng Doanh: "Đại hội X đang đứng trước ngã ba đường".

Trên thực tế, từ lâu, lắm người đã nhìn trước ra được cái ngã ba oan nghiệt đó. Ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo TW đảng, đã trình bày trước Hội đồng Lý luận TW là Đại hội 9 chỉ xử lý những vấn đề sống còn của đảng "về mặt chiến thuật, chứ chưa xử lý về chiến lược, đặc biệt là những vấn đề thuộc về quan niệm". Theo ông Bảo, "không phải chỉ là sai lầm của lãnh đạo", mà "có sự trục trặc nào đó trong hệ thống học thuyết của chúng ta". Tức là: "Bây giờ đưa kết luận của thế kỷ 19 để dẫn đường cho thế kỷ 21, cái điều này nên xem lại".

Vấn đề không chỉ ở chỗ thiếu thống nhất quan điểm. Theo lý thuyết gia Trần Bạch Ðằng, nhân hội nghị về nghị quyết số 23-NQ/TW: "Bây giờ trong Ðảng không đoàn kết, lại không phải từ những vấn đề về quan điểm đường lối,... nhưng lại khổ vì tiền, địa vị, thằng cha này ngồi chỗ này, thằng cha nọ ngồi chỗ kia... tất cả nó chi phối toàn bộ cái rối loạn trong nội bộ Ðảng. Hết sức là nguy hiểm, là chết thôi!". Mới rõ là các thế lực thù địch ra mặt đấu đá nhau thành một đe dọa sinh tử chỉ vì cơ hội tham nhũng không đồng đều. Cũng trong hội nghị đó, nguyên trưởng ban tuyên huấn TP.HCM Dương Ðình Thảo khẳng định: "Tôi coi đây là vấn đề sống còn mà thời điểm này là chậm, không còn bao lâu. Bây giờ nó có những cái chuyển biến là không lường trước được". Còn nguyên Ủy viên Bộ chính trị Mai Chí Thọ kết luận rằng: "Nói thật với các anh, tôi có cảm giác chẳng bao lâu nữa Ðảng mất quyền lãnh đạo".

Vì sao vậy? Hãy nghe lại lời giải thích gần nhất của TS Lê Đăng Doanh: "Nhược điểm lớn nhất thể chế chính trị của chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề… Ðè nén dân quá làm cho nó tích tụ lại, đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó giống như ở Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Ðức hay như ở đâu đấy...."

Hãy tạm quên Carl Thayer, thử cột lại tất cả những ý kiến nội bộ bên trên, người ta thấy gì? Một là, những cựu quan chức có điều kiện nói rõ chuyện hơn về mối nguy ở tầm cung đình. Hai là, những "chuẩn" cựu quan chức đang ra sức gia cố cái ghế của mình. Ba là, các đương kim quan chức phải dồn hết nỗ lực đốn gãy chân ghế kẻ khác. Bốn là, túm gọn lại, tất cả những đe dọa sinh tử không ở đâu xa mà hiện đang nằm ngay trên thượng tầng lãnh đạo. Năm là, không phải ngẫu nhiên mà nhân dân gọi Đại hội X là đại hội gạch tréo, theo cách nói của ông Bảy Trấn của tờ Người Sài Gòn ngày trước.

Quả đúng vậy, nó rất xứng đáng là Đại Hội cuối cùng của đảng ta. Hãy cùng nhau giúp nó sớm trở thành hiện thực.

Không có nhận xét nào: