05 tháng 4, 2005

Thư Ngỏ (CT11)



Quí bạn đọc thân mến,

Như nhà sử học Cornelius Tacitus đã từng nói: "chính quyền càng thối nát thì lại càng có nhiều luật" (the more corrupt the state, the more numerous the laws). Một trong những luật trong cái rừng luật lệ của Việt Nam ta là luật giới hạn hoặc cấm đoán những hoạt động về thông tin tin học. Từ đó, bằng lý cớ chống văn hóa đồi trụy, ổn định chính trị, bức tường lửa internet đã được đảng và chính phủ ta dựng lên và biến thành chính sách ngăn sông cấm chợ trong thế giới điện toán toàn cầu. Đối với việc ngăn chận việc truy cập trái phép nhằm gia tăng bảo mật của các công ty thì tường lửa là một nhu cầu sinh tử trong môi trường kinh tế đầy rẫy cạnh tranh. Nhưng đối với xu hướng thông tin và giáo dục của thời đại, việc ngăn chận tự do trao đổi thông tin đại chúng lại là thứ chính sách ngu dân, ngăn chận sự mở mang kiến thức và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Vượt tường lửa đã trở thành trò chơi của những hacker Việt Nam ngày đêm xây dựng những hẻm chui, lối tắt đục khoét địa đạo cho dòng sông trí tuệ được lưu thông. Vượt tường lửa cũng là thử thách cho những người nhiệt huyết muốn trao đổi những tin tức, bài vở, kiến thức về hướng đi tới của dân tộc. Canh Tân và những bạn đọc cũng không thoát khỏi thử thách này.

Khởi đi từ tháng 6 năm 2004, Canh Tân đã có mặt được 10 tháng. 10 số báo đến với bạn đọc bằng tâm huyết của những người Việt Nam yêu nước. Tâm huyết đó được trải rộng qua nhiều bài viết về nhiều tệ nạn chung với nguyên nhân, hậu quả và phương hướng giải quyết. Khi phải thẳng thắn và khách quan phân tích gốc nguồn của mọi vấn đề, khi phải can đảm vạch rõ con đường đi tới, thì Canh Tân, cũng như những diễn đàn thông tin khác, bị cho vào danh sách đen của công an văn hóa nhà nước. Đụng phải những bức tường lửa của đảng ta, những nhiệt huyết cho đất nước đã không thể thênh thang tỏa khắp mà phải âm thầm lan truyền bằng cửa ngỏ chui.

Cũng từ những ngỏ chui này, trong thời gian qua, Canh Tân đã nhận được nhiều sự hỗ trợ âm thầm của nhiều bạn đọc đã giới thiệu thêm các địa chỉ email, tiếp tay phổ biến và lan truyền các bài viết trong Canh Tân. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm sự tiếp tay của các bạn, không phải để cho Canh Tân mà cho các ý tưởng và mối quan tâm về vận mạng của đất nước được đến với nhiều người. Bên cạnh việc chuyển email đến những người quen biết trong môi trường đang sống, chúng tôi đề nghị các bạn tìm cách chuyển Canh Tân đến nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài và kêu gọi chuyển ngược cho nhiều người tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đề nghị các bạn chia xẻ những bài viết tích cực của tờ báo đến các diễn đàn thảo luận internet trong nước mà không nhất thiết ghi xuất xứ là từ Canh Tân.

Quí bạn thân mến,

Đã 15 năm trôi qua từ khi bức tường ô nhục Bẹt-Lin sụp đổ, xóa tan đi những bức màn sắt của nhiều thể chế độc tài. Ngày hôm nay, dân ta đã bước qua bức tường hộ khẩu, tem phiếu để rồi đụng phải bức tường ngăn chận trí tuệ. Hãy cùng nhau vượt qua những hàng rào ngăn sông cấm chợ trong thế giới tin học đang được giăng mắc khắp nơi trên đất nước thân yêu. Bằng sự hỗ trợ của các bạn, chúng tôi tin rằng những tâm huyết của chúng ta sẽ được lan rộng đến nhiều người và khát vọng Canh Tân Việt Nam sẽ mau chóng trở thành hiện thực.

Nhóm chủ trương Canh Tân

Đe Dọa Nằm Đâu? (CT11)

Trần Quang Vũ




Nghị quyết khóa 9 của BCH/TW Đảng hồi đầu năm ngoái ghi rõ ba đe dọa lớn lao: Một là chậm phát triển; hai là tham nhũng leo thang; và ba là "diễn biến hòa bình" do các thế lực thù địch từ bên ngoài.

Thế là đáng lo lắm. Và cũng đáng suy nghĩ ghê lắm. Để xem thử những đe dọa đó đang nằm đâu, với ai? Nhất là khi cả nước đang trong cơn sốt chuẩn bị Đại Hội X cận kề.

Khó quá. Nhìn quanh chẳng thấy nước nào ra sức làm cho VN ta chậm phát triển. Cũng chẳng một nước nào bắc thang cho tham nhũng ta leo. Họa may chỉ còn mấy cái thế lực thù địch. Các câu lạc bộ Âu châu vừa mới xóa nợ cho ta, vậy thì chắc không phải thù địch rồi. Còn đế quốc Mỹ ư? Thủ tướng Phan Văn Khải đang cụ bị hành trang qua đó để vận động Mỹ sớm thỏa thuận cho quy chế Liên hệ Ngoại thương Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations), tức là không để cho Mỹ duyệt xét hàng năm, như một điều kiện lót đường cho VN tham gia vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), thì có lý nào VN ta có thể coi Mỹ là thế lực thù địch? Hay là bởi phải van cả Campuchia bỏ phiếu thuận cho ta vào WTO? Cũng không hẳn thế lực thù địch từ bên ngoài đó là tập thể Việt kiều vẫn cung ứng cho ta trên dưới 4 tỷ USD hàng năm, tương đương với mức kim ngạch xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê và cao su của ta gộp chung lại. Họa chăng chỉ còn thế lực của Trung Quốc. TS Lê Đăng Doanh đã chẳng vừa mới khẽ khàng nói cho cả nước cùng nghe đó sao: "Ta cứ nói ta là bạn bè với tất cả mọi người, thế cái ông Trung Quốc ông ấy có phải là bạn không, hay là ông lăm lăm ông ấy định thịt mình đây?".

Mà nào có phải là TQ kém ưu thế hơn Mỹ trong quyết định về tiến trình VN gia nhập WTO đâu?

Như vậy thì, mối đe dọa lớn lao kia, phải chăng tập trung ngay ở hệ quả của sự tranh chấp giữa các phe thân Tàu hay thân Mỹ trong thượng tầng TW đảng ta, vào một thời điểm mà nhiều người biết chắc là từ 1/4 đến 1/3 tổng số ủy viên TW và Bộ chính trị sắp phải ra đi? Hẳn không mấy ai lấy làm lạ là đối với lãnh đạo các cấp hiện nay, cuộc đua tốc lực vào TW và Bộ chính trị kỳ này quan trọng gấp bội lần cuộc đua trường lực của VN vào WTO.

Học giả Carlyle A. Thayer đoan chắc rằng đứng đầu trong 4 diễn tiến về mặt chính trị của VN 2005-2006 là: "Chương trình cải tổ chính trị sẽ tăng tốc". Ông nhận định: "Bất cứ nhượng bộ kinh tế nào Việt Nam thỏa thuận với Hoa Kỳ cũng sẽ gây ra phản ứng chống đối và tranh cãi, trong khi VN đang chuẩn bị Đại Hội 10". Thêm nữa: "Những lãnh tụ của đảng CSVN nhìn nhận sự tham nhũng trong các cơ quan có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với tính cách hợp pháp chính trị của đảng... Chiến dịch chống tham nhũng có nhiều xác suất được dùng như một phương tiện bởi phe này để chống lại phe khác trong đảng". Hóa ra là: Đe dọa chậm phát triển của nghị quyết 9 chẳng còn chút trọng lượng nào. Hóa ra là: Các thế lực thù địch hiện đang đứng bên nhau ngay trong TW đảng. Còn tất cả đang đứng đâu? Vẫn theo TS Lê Đăng Doanh: "Đại hội X đang đứng trước ngã ba đường".

Trên thực tế, từ lâu, lắm người đã nhìn trước ra được cái ngã ba oan nghiệt đó. Ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo TW đảng, đã trình bày trước Hội đồng Lý luận TW là Đại hội 9 chỉ xử lý những vấn đề sống còn của đảng "về mặt chiến thuật, chứ chưa xử lý về chiến lược, đặc biệt là những vấn đề thuộc về quan niệm". Theo ông Bảo, "không phải chỉ là sai lầm của lãnh đạo", mà "có sự trục trặc nào đó trong hệ thống học thuyết của chúng ta". Tức là: "Bây giờ đưa kết luận của thế kỷ 19 để dẫn đường cho thế kỷ 21, cái điều này nên xem lại".

Vấn đề không chỉ ở chỗ thiếu thống nhất quan điểm. Theo lý thuyết gia Trần Bạch Ðằng, nhân hội nghị về nghị quyết số 23-NQ/TW: "Bây giờ trong Ðảng không đoàn kết, lại không phải từ những vấn đề về quan điểm đường lối,... nhưng lại khổ vì tiền, địa vị, thằng cha này ngồi chỗ này, thằng cha nọ ngồi chỗ kia... tất cả nó chi phối toàn bộ cái rối loạn trong nội bộ Ðảng. Hết sức là nguy hiểm, là chết thôi!". Mới rõ là các thế lực thù địch ra mặt đấu đá nhau thành một đe dọa sinh tử chỉ vì cơ hội tham nhũng không đồng đều. Cũng trong hội nghị đó, nguyên trưởng ban tuyên huấn TP.HCM Dương Ðình Thảo khẳng định: "Tôi coi đây là vấn đề sống còn mà thời điểm này là chậm, không còn bao lâu. Bây giờ nó có những cái chuyển biến là không lường trước được". Còn nguyên Ủy viên Bộ chính trị Mai Chí Thọ kết luận rằng: "Nói thật với các anh, tôi có cảm giác chẳng bao lâu nữa Ðảng mất quyền lãnh đạo".

Vì sao vậy? Hãy nghe lại lời giải thích gần nhất của TS Lê Đăng Doanh: "Nhược điểm lớn nhất thể chế chính trị của chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề… Ðè nén dân quá làm cho nó tích tụ lại, đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó giống như ở Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Ðức hay như ở đâu đấy...."

Hãy tạm quên Carl Thayer, thử cột lại tất cả những ý kiến nội bộ bên trên, người ta thấy gì? Một là, những cựu quan chức có điều kiện nói rõ chuyện hơn về mối nguy ở tầm cung đình. Hai là, những "chuẩn" cựu quan chức đang ra sức gia cố cái ghế của mình. Ba là, các đương kim quan chức phải dồn hết nỗ lực đốn gãy chân ghế kẻ khác. Bốn là, túm gọn lại, tất cả những đe dọa sinh tử không ở đâu xa mà hiện đang nằm ngay trên thượng tầng lãnh đạo. Năm là, không phải ngẫu nhiên mà nhân dân gọi Đại hội X là đại hội gạch tréo, theo cách nói của ông Bảy Trấn của tờ Người Sài Gòn ngày trước.

Quả đúng vậy, nó rất xứng đáng là Đại Hội cuối cùng của đảng ta. Hãy cùng nhau giúp nó sớm trở thành hiện thực.

Lê Đăng Doanh - Con Người của Sự Thật và Niềm Tin (CT11)

Lê Trực




Thế là, tiếng nói của niềm tin và sự thật cũng đã được cất lên. Bom tâm đã nổ trong lòng người Việt. Bom tư tưởng đã nổ ngay giữa lòng Bộ Chính Trị Việt Nam. Lê Đăng Doanh, người châm ngòi cho quả bom xã luận 32 trang đã thực sự gây được một chấn động lớn trong thanh niên trí thức Hà Nội. Những điều ông nói không mới nhưng nơi ông nói là mới. Cách ông nói là đặc biệt mới và giọng ông cất lên là nguồn cổ vũ, là hiệu ứng dây chuyền cho một cuộc cách mạng về thảo luận tại Hà Nội. Ông được coi là con người của sự thật đang trỗi dậy trong một bộ máy chính quyền bạc nhược ngày hôm nay. Ông được giới công chức trẻ Hà Nội coi là niềm tin và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh loại trừ cái xấu, xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho cuộc cách mạng canh tân.

Tại giờ giải lao của những buổi họp dài lê thê và buồn tẻ giữa các cơ quan liên bộ, các chuyên viên lại háo hức vây quanh bàn cà phê và chè nước để xì xào bàn tán. Các công chức bàn về nội dung hội thảo thì ít mà bàn về bài của ông Doanh thì nhiều. Quả thật, bài phát biểu của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh được chính giới công chức trẻ tiếp nhận là vì tính thời sự và tính can đảm của tự thân bài phát biểu. Có thể nói, dưới góc nhìn của cán bộ công chức bình thường, Bài nói chuyện đã nhận chân toàn diện về tình hình Việt Nam ta hiện tại.

Giới trẻ Việt Nam háo hức đón nhận nó vì hầu như tất cả những điều ông Doanh nói lên đã từng được họ, hoặc trích lại hoặc tự mình nói ra, đâu đó nơi vỉa hè, nơi quán rượu hay tại nhà riêng với bạn bè thân hữu. Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh lấy từ thực tế sinh động những sự thật, gom các ý tưởng, nén chặt nó lại, thắp lên ngọn lửa và cho nổ bùng lên ngay giữa lòng các nhân vật thủ cựu của Đảng cộng sản. Thế nhưng đúng là nhiều người cũng đã nói, đã phát biểu nhưng tại sao bài xã luận của Lê Đăng Doanh lại được nhiều người bàn tán và ủng hộ như vậy ? Bài viết này xin ghi lại một đôi điều về bài viết và Ông Doanh để mọi người hiểu được kỹ hơn vị tiến sỹ đeo kính cận 7 điốp này.

Tôi bước chân vào toà soạn báo Lao Động, cánh thanh niên trên tầng 2 xôn xao bàn tán, cô gái trẻ nói vọng qua màn hình “thật là đã”, còn anh chàng trong góc phòng thì không chịu đựng được, đứng lên múa chân múa tay mà nói : “Đúng thật, làm gì có lợi nhuận của đảng, của dân tộc... chỉ có lợi nhuận của ban tài chính quản trị mà thôi..” Tại một số cơ quan bộ ngành, nhân viên bắt đầu bàn tán công khai trong khi làm việc. Cái câu “ thằng Trung Quốc đang lăm lăm làm thịt mình” cũng đang trở nên phổ biến, được tiếp nhận một cách dễ chịu, hồn nhiên đi vào đời sống thường nhật. Tại trường học viện hành chính quốc gia, người ta đã “nện” nhau ngay tại bàn làm việc, các giáo sư đe dọa lẫn nhau. Người A bảo đưa B ra tòa, B đòi đưa A ra chi bộ kỷ luật...vv..vv. Vì Lê Đăng Doanh còn làm tư vấn cá nhân cho WB và UNDP cho nên tại các buổi họp bàn dự án đầu tư của các bộ ngành, người ta cũng nói về ông, một cách lặng lẽ nhưng trí tuệ hơn... Tại sao bài phát biểu của tiến sỹ Lê Đăng Doanh thực ra không nhiều điểm mới, lại được các cán bộ công chức bàn tán nhiều tại các cơ quan nhà nước đến thế ?.

Có lẽ trước hết vì “Con người Lê Đăng Doanh”. Ông là một hiện tượng hiếm và quý của nguồn cán bộ công chức Việt Nam. Ông đã từng làm nhiều việc, cố vấn nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao và cũng đã thể hiện tư tưởng cải cách của mình rất rõ. Cách đây khoảng 10 năm tôi đã từng được nghe Lê Đăng Doanh nói chuyện trong một buổi họp, vẫn cái giọng châm biếm sắc sảo đó, Lê Đăng Doanh đã từng nói về bế tắc trong quá trình đổi mới với nội dung cũng có phần như trong bài xã luận. Chính ông đã phát biểu và bày tỏ rất nhiều lần quan điểm về dân chủ trong phạm vi hẹp là các buổi họp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Đến những năm cuối của thập niên 1990s, hầu hết anh em trong Bộ KH&ĐT đều biết về tư tưởng của Ông. “A, anh Doanh chuẩn bị nổ đây... đó là câu truyền tin một cách vui tươi khi tiến sỹ Doanh chuẩn bị phát biểu trong các cuộc họp buồn tẻ. Thời kỳ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là thời kỳ Tiến Sỹ Doanh được trọng dụng. Viện của ông Doanh nằm trên phố Phan Đình Phùng ngập tràn cây sấu, tôi còn nhớ, gần 10 năm về trước, khi ngồi ở quán rượu Nhất ly trên phố Hàng hàng Lược, nhìn thẳng lên đường Phan Đình Phùng ngập tràn nắng chiều và lá sấu rơi. Trên những cây sấu già trồng từ thời Pháp chỉ còn lại ít lá, Ông lặng lẽ nói “Nhân tài như lá mùa thu”. Vâng, nhưng mùa thu đang đi qua, cây lá đã đâm chồi và hôm nay nhiều người tìm thấy trong đó sức sống của mầm cây.

Đến cuối năm 2000, ông bị một cú sốc nặng do chính người Mỹ phản bội. Đó chính là Peter Peterson, viên đại sứ Mỹ tại Việt Nam dưới thời Bil Clinton đã kể lại với “Người có tránh nhiệm” về những điều ông đã tâm sự với Đại Sứ Mỹ về tự do, dân chủ và cần phải đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam. Ông coi như bị kỷ luật từ đó, bị nghỉ chức Viện trưởng và không được đi ra nước ngoài. Qua chuyện này ta cần phải thấy rõ là chỉ có những người Việt Nam, trăn trở với tình yêu quê hương, đất nước mới chia sẻ được với nhau những điều tốt đẹp. Đúng là mình phải tự mạnh lên. Cá nhân Peterson đã không xứng đáng là một con người đàng hoàng khi đem những chuyện trao đổi cá nhân báo cáo lại với “người có trách nhiệm” trong Đảng. Đó cũng là bài học lớn cho Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh. Nhưng cũng từ đó người ta yêu ông hơn, quý trọng tư tưởng ông hơn và chia sẻ với ông sự thao thức về con đường hơn. Ông đã và đang tìm kiếm, đã thất bại với người ngoài nhưng ông thành công trong lòng anh em. Tuần trước, Võ Văn Kiệt đã chính thức mời Lê Đăng Doanh vào Sài gòn hội kiến. Thêm nữa, Võ Nguyên Giáp cũng đã liên lạc vơí Tiến sỹ Lê Đăng Doanh.

Một lý do cơ bản hơn làm cho không khí “bàn” về Lê Đăng Doanh lên cao là vì những điều ông nói là sự thật hiển nhiên ngay tại lòng xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay. Hằng ngày chúng ta vẫn gặp những “Cô bé phục vụ cấp phường lên mặt với mình..”. Nếu như ông Doanh thấy ở bờ hồ Nghĩa Tân những cô gái đứng đường phải đút lót cho công an, thì đâu đó, hàng ngày ta cũng thấy cảnh tương tự ở Hồ Ba Mẫu, Hồ Bảy mẫu, Thanh Nhàn, Đường cao tốc Thăng Long... Bộ mặt xã hội đã bị ông Doanh trực tiếp, theo cách nói vo, lột trần cho mọi người nhìn thấy. Những nhức nhối của ông Doanh không còn là của ông nữa mà là của anh, của tôi, của toàn bộ nhân dân Việt Nam và đặc biệt là lớp trẻ biết thao thức hôm nay.

Điều ấn tượng nữa là ông Doanh là người có trình độ, có tâm huyết và ông chỉ rõ những thực tế của đất nước từ vĩ mô đến vi mô. Ông khác với những nhà “Cách mạng lão thành khác” chống tham nhũng để bảo vệ Đảng ở chỗ, về bản chất, ông thẳng thắn cho rằng đó là vì Chế độ chính trị và cần cải tổ chế độ chính trị, phải đa nguyên chính trị mới giải quyết được bài toán này. Ông kêu gọi một cách trực tiếp và thẳng thắn, ngay trước mũi những người cộng sản cao cấp nhất rằng “Đảng cộng sản lãnh đạo cái đất nước này thì phải chịu trách nhiệm..”, Rằng “có giỏi thì đi vận động bầu cử ... chứ đừng hành xử kiểu tù mù còn nhân dân thì đoán mò đoán non, kiểu “thầy bói xem voi”, rằng “nhân dân không được bầu lên người lãnh đạo cao nhất của mình”.

Bài xã luận của Lê Đăng Doanh thực sự được thảo luận công khai là vì đã khơi dậy được một vấn đề nhạy cảm trong tầng lớp công chức trí thức tại các cơ quan Nhà nước. Họ vốn là những người hằng ngày đang bị phân hóa một cách cực độ. Một phần trong số họ thì bằng mọi cách để len lỏi, phấn đấu để vào Đảng, để lên những chức vụ cao hơn, giành giật được nhiều lợi ích hơn. Số khác thì hoặc không có cơ hội hoặc có lý tưởng đổi mới nên hay “nổ” cho dôm rả. Bài xã luận của Lê Đăng Doanh đụng chạm nhiều vấn đề trực tiếp liên hệ đến đường hướng phấn đấu và tu nghiệp của nhiều cán bộ công chức trẻ. Chính phủ Việt Nam ta đang ở đâu, có nghĩa là ta, với tư cách là các chuyên viên bộ ngành, đang ở đâu, mai này sẽ thế nào ???. Hàng loạt câu hỏi vang lên trong đầu giới trẻ. Bên “khôn ngoan” thì thấy “lo lo” cho cái ghế, cái quan hệ đang chăm sóc của mình... Bên “cải cách” thì thấy “lâng lâng” vì đây là một nguồn động lực lớn cho những khát vọng, hoài bão và tương lai của mình, của dân tộc. Vì thế họ tranh luận rất sôi nổi và, tùy từng cơ quan, có khi gay gắt. Chuyện của ông Doanh đã đi vào các công sở một cách rì rào, chưa đến mức ồn ào nhưng đã lao xao.

Bài phát biểu của Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh gây được xôn xao dự luận trong giới công chức là vì vấn đề không còn chỉ là của ông Doanh nữa mà là vì vấn đề của một trong những ông quyền lực nhất Việt Nam bây giờ. Đó là: Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tổ chức trung ương. Tất nhiên những người cải cách và cả bộ chính trị sẽ đặt ra câu hỏi: Sao lại mời Ông Doanh ?, sao lại làm đề cương theo hướng đó ? sao lại để cho “hắn” nói nhiều thế ? và làm sao bài nói lại được thoát ra ngoài để đến với nhân dân...


Chết Lâu Rồi, Sao Không Báo Tử (CT11)

Hùng Tâm

Đã từ lâu thuật ngữ “kinh tế thị trường” được người ta nhắc đến rất nhiều. Nó đã trở lên quen thuộc với tất cả người dân VN. Song đó chỉ là mặt từ ngữ, còn về mặt bản chất “kinh tế thị trường” được hiểu là tất cả mọi thành phần kinh tế được tự do kinh doanh độc lập trên nguyên tắc bình đẳng, lấy thị trường làm trung tâm, làm thước đo để đánh giá sản phẩm. Vậy nội dung “kinh tế thị trường” ở nước ta ra sao? Đó là cả một vấn đề rất lớn cần bàn cãi. Trong khôn khổ bài viết này chỉ so sánh hai loại hình doanh nghiệp, một bên là doanh nghiệp nhà nước và một bên là các loại hình doanh nghiệp khác để nhận thức được vấn đề mà lâu nay người ta vẫn khẳng định “đảm bảo cho các loại hình doanh nghiệp được hoạt động bình đẳng”. Thực chất giữa hai khối doanh nghiệp này chưa bao giờ được nhà nước đối xử bình đẳng như nhau. Xét về phương diện kinh tế, không cần chứng minh nhiều ai cũng phải thừa nhận những biểu hiện bất bình đẳng sau:

Doanh nghiệp nhà nước khi thành lập không phải nộp lệ phí cho Sở Kế họch - Đầu tư.

Doanh nghiệp nhà nước được đầu tư ban đầu như phân xưởng, máy móc, trang thiết bị văn phòng …

Được nhà nước cho phép sử dụng một khoản đất để xây dựng văn phòng, trụ sở, nhà kho….

Từ giám đốc, phó giám đốc đến ban lãnh đạo của doanh nghiệp được nhà nước trả lương và các khoản trợ cấp khác.

Trong chừng mực nhất định được nhà nước bù lỗ hoặc ưu đãi trong việc vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó các khối doanh nghiệp khác hoàn toàn không được hưởng những ưu đãi trên mà phải tự mình đầu tư, tự hạch toán, tự trang bị và tự trả lương cho mình.

Trên thực tế, khối doanh nghiệp này đã đóng góp một khoản thuế đáng kể hàng năm vào ngân sách nhà nước chiếm từ 75 – 80% thuế thu từ doanh nghiệp so với 20-25% thuế đóng từ phía doanh nghiệp nhà nước. Đó là chưa kể thành phần kinh tế này đã tạo ra được hàng triệu việc làm cho người lao động. Chính vì vai trò đóng góp to lớn như thế đối với xã hội thì phải xem kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo và thực chất họ đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia. Thật vô lý khi nhà nước vẫn xác định lấy kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo?.

Một ví dụ điển hình về việc làm ăn của một vài doanh nghiệp nhà nước nằm tại thủ đô Hà Nội đó là Công ty giầy Thượng Đình và Công ty giầy da Hà Nội là những đơn vị được tuyên dương đi đầu trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp ở miền Bắc thế mà từ bốn năm nay, hai Công ty này không còn một bóng công nhân nữa, lý do ban lãnh đạo nhà máy đã ép mua lại phần lớn số cổ phiếu từ tay các cổ đông rồi giải quyết cho công nhân nghỉ không hưởng lương, sau đó họ cho các đơn vị khác thuê hàng loạt phân xưởng, văn phòng làm địa điểm sản xuất, họ bán thương hiệu của mình. Vì thế sản phẩm mang tên doanh nghiệp họ vẫn có mặt trên thị trường mà họ vẫn “ngồi chơi xơi nước” hưởng lợi nhuận từ những việc trên. Hàng loạt các doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đang chơi trò này (các ngài năng động thật).

Doanh nghiệp của các ngài đã chết từ lâu mà cái tên thì vẫn còn. Chết lâu rồi sao không báo tử ! Chết không chôn còn đợi đến bao giờ !