05 tháng 3, 2005

Những Đóa Hồng Khóa Nòng Súng Máy (CT10)

Trương Nữ Ngọc Hạnh


Li-băng không phải bỗng dưng biến thành điểm nóng trên bờ cực Đông của Địa Trung Hải. Dung nham phún thạch của khát vọng dân chủ và độc lập ở đây, và cả khu vực Ả-rập Trung Đông nói chung, đã sục sôi từ trước cả cuộc bầu cử lịch sử ở I-Rắc mới vừa rồi. Bức thông điệp về nữ quyền đã lan truyền từ Áp-ga-ni-xtan sang I-rắc rồi tỏa rộng bao trùm cộng đồng Ả-rập. Hiệu lệnh đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ đã tập họp ý chí và những nắm tay quyết đẩy lùi các chế độ độc tài cai trị nhân dân bằng bạo lực. Ở Li-băng, bạo lực nòng súng được khóa chốt bằng những đóa hồng. Và hiện đang trở thành một xu thế quyết thắng của lòng khát khao dân chủ thông qua hình thái đấu tranh hòa bình. Những ngọn gió đổi thay ở đây ngát hương những lẵng hoa vốn vẫn được dành cho tình yêu. Các nốt nhạc huýt sáo trong bài Wind of Change của Klaus Meine từ thời bức tường Bá Linh sụp đổ, hiện đang vút lên ở Li-băng theo tầm cao của một tình yêu nhân rộng: yêu tự do, yêu nhân bản.

Hình ảnh những cuộc mít-tinh tặng hoa cho quân đội của thanh niên nam nữ ở thủ đô Bây-rút đã được tiếp sóng suốt ngày vào tận phòng khách của từng gia đình, từng hội quán, từng khách sạn, từng cửa hàng ăn uống khắp vùng Trung Đông, và chỉ chấm dứt bằng lời tuyên bố từ nhiệm của nội các Li-băng thân Xy-ri. Hãy dành tặng một đóa hồng tươi thắm nhất cho giới truyền thông Li-băng, và Ả-rập nói chung, như một lời cảm tạ về nỗ lực trưng bày liên tục những hình ảnh xúc động nhất và hào hùng nhất của sức mạnh quần chúng. Truyền thông Li-băng đã vẫy chào chế độ để đứng cạnh quần chúng, về phía chính nghĩa dân tộc.

Có người tự hỏi rằng có phải đây mới chính thực là một cuộc Cách Mạng Hoa Hồng? Gì thì gì, nó không dừng lại ở Li-băng, ai cũng biết vậy. Nó đang là một câu hỏi thực tiễn và cấp thiết cho lương tâm từng người ở Yen-men, ở I-ran, ở Sau-đi Ả-rập, ở tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất v.v... Nó đang là cái gạch nối giữa các dân tộc Ả-rập đang đòi hỏi sự chuyển hướng từ độc tài sang dân chủ, hay từ dân chủ trá hình sang dân chủ đích thực. Tổng thống Ai-cập vừa tuyên hứa tổ chức một cuộc bầu cử đa nguyên. Nhân dân của vương quốc Sau-đi đang nô nức bỏ phiếu bầu vòng hai những Hội Đồng Thành Phố....

Ôi, những đóa hồng của hòa bình thuần khiết! Nó không nhân danh bất cứ điều gì. Nó chỉ lẳng lặng trả lời cho những bình luận gia một chiều ở đâu đó, từng chẩn mạch thời cuộc theo định hướng giai cấp và chiếc hàn thử biểu quốc tế công nông hồi tháng trước, để tiên đoán chắc nịch về một cuộc nội chiến tắm máu kế tiếp ở Li-băng. Nó không sừng sộ đòi lấp sông xẻ núi chống xâm lăng. Nó chỉ lẳng lặng thoảng hương trong gió tiễn đưa 14 ngàn quân Xy-ri lùi dần về thung lũng Béc-ka rồi sẽ về bên kia biên giới. Ngược lại, nó cũng không để bị lừa mị bởi những câu khẩu hiệu ồn ào về một sự ổn định chính trị cần thiết. Nó chỉ lẳng lặng trả lời rằng sự cần thiết đó phải là cho dân, và ổn định chính trị phải bắt đầu bằng sự ổn định thật sự về dân sinh, dân quyền và quyền lợi dân tộc. Và lẳng lặng nêu lên con số sản lượng kinh tế của toàn thể cộng đồng Ả-rập khoảng 300 triệu người, với tài nguyên dầu hỏa dồi dào như thế, mà dưới độc quyền quản trị của các chế độ độc tài nhân danh ổn định chính trị, chỉ tương đương với tổng sản lượng của duy nhất một nước Tây-ban-nha không nằm trong G8!

Ôi, những đóa hồng công tâm mầu nhiệm! Nó không chỉ làm chùn tay súng. Nó là lời chối từ sử dụng những loại súng ngoại nhập từ phía này để bắn trả về những họng súng khác hiệu của phía bên kia trong khi người dân đứng giữa. Nó còn là một minh họa rực rỡ nhất của tính kết đoàn trên căn bản tình tự dân tộc: Nó chối từ những thế lực ngoại quốc. Nó phản ánh lập trường của cố thủ tướng Ha-ri-ri vừa bị ám sát bằng bom ba tuần trước đây. Nó phản ánh lập trường của thân nhân cố thủ tướng Ha-ri-ri là yêu cầu chính phủ thân Xy-ri đừng tham dự tang lễ của ông. Nó không chờ đèn xanh của Oa-sinh-tơn. Nó không ngại đèn đỏ của một chính phủ dựa vào Xy-ri theo khẩu hiệu "bảo vệ Li-băng không bị kẻ địch bên ngoài xâm lược". Nó không chấp nhận Li-băng là một ván cờ của bất kỳ ai. Lần đầu tiên trong lịch sử cộng đồng Ả-rập, nó khuếch đại khát vọng của từng người dân thành một biểu trưng cho quyền phát biểu tập thể: "Chúng tôi không bằng lòng!".

Nó chuyển thông điệp đó đến tận tai thủ tướng Ka-ra-mi. Trong diễn văn từ chức, ông đã tuyên bố rằng: "Tôi không muốn chính phủ trở thành rào cản đối với những ai mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước Li-băng. Tôi tuyên bố giải tán chính phủ do tôi lãnh đạo". Không bằng lòng một chế độ cai trị độc tài, đã đành. Nó không bằng lòng cả Hiệp Định Taef mà Li-băng từng ký với Xy-ri từ năm 1989. Nó mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý hay tổng tuyển cử nay mai.

Người Việt Nam chúng ta sẽ học được điều gì khi thấy là ở đây, những đóa hồng Li-băng còn nói hộ cho người dân nước họ rằng: "Chúng tôi không bằng lòng một chế độ cai trị dựa vào ngoại bang!"?

Người Việt Nam chúng ta nghĩ gì về bản tin mới đây của TTXVN, trong cùng thời điểm của biến cố Li-băng, và chỉ không bao lâu ngay sau biến cố hải quân TQ tàn sát ngư phủ Thanh Hóa: "Từ ngày 25-2 đến ngày 4-3-2005, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp vòng 11 cấp chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc... trong đó một số nhóm liên hợp thuộc tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) cố gắng hoàn thành cơ bản công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa trong năm 2005 "?

Không có nhận xét nào: