Gần 70 năm trước, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phải than trong một bài báo trên tờ Tương Lai rằng: “Chỗ nào cũng mãi dâm, chỗ nào cũng đĩ điếm...”. Nhãn quan của một nhà văn hiện thực đã giúp ông hoàn thành những tác phẩm lừng danh xung quanh chủ đề này như các tiểu thuyết Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy tây, Phóng sự lục xì…. Như vậy, đã từ lâu, đề tài này không còn là chuyện xa lạ, bất kể thời thực dân chưa có bệnh SIDA hay thời cộng sản với vi khuẩn HIV được hoàn toàn giải phóng và mức bành trướng tự do của AIDS. Thời “Tương Lai” của nhà văn Vũ Trọng Phụng chính là hôm nay. Báo chí thời nay đã tốn khá nhiều giấy mực trên nhiều thiên phóng sự, nhiều bài ghi chép phản ánh nhiều khía cạnh hiện thực về tệ nạn này. Thậm chí, đó còn là đề tài của nhiều cuộc tranh luận gay gắt từ các nhà xã hội học, luật học, và nếu còn thừa nhận, người ta có thể kể cả các đại biểu quốc hội. Tức là nó đã có tầm vóc cả nước.
Dù vậy, ít người có thể lường trước được tốc độ diễn biến phức tạp của tệ nạn mại dâm trong cuộc sống hôm nay. Cũng không một ai có thể tưởng tượng nổi mức độ lan tràn của nó từ thành thị, nông thôn đến rừng núi và ...xuất khẩu sang Campuchia hay TQ. Từ những nhà nghỉ, quán Karaoke, những hàng cà phê đèn mờ, đến những hiệu tẩm quất, hớt tóc thanh nữ, rồi đến cả công viên, vườn hoa, gốc cây, góc phố… không một chỗ nào là không có mặt gái mại dâm. Đó là chưa kể đến các đường dây gái gọi qua điện thoại di dộng, qua phòng chat, hay được tổ chức đặc biệt tinh vi để chuyên cung ứng gái cao cấp và trẻ em dưới tuổi vị thành niên, thiếu nữ trinh nguyên cho những kẻ sử dụng đồng tiền tham nhũng vào các trò tiêu khiển trụy lạc và tàn bạo (tiêu biểu như Lương Quốc Dũng, chẳng hạn). Ngoài ra còn có một hình thức mại dâm đặc thù khác nữa, đó là mại dâm nam, chỉ thời này mới có: Những gã thanh niên trẻ trung khỏe mạnh công khai bán dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho các bậc mệnh phụ tìm “nem” trong khi cán bộ chồng bận rộn kiếm “chả”; hoặc để thỏa mãn những kẻ đồng tính luyến ái….
Những tệ nạn này đang gia tăng bằng tốc độ vượt mặt cuộc sống. Các cơ quan chức năng quản lý xã hội đã mở nhiều cuộc điều tra thống kê về mại dâm, nghiện ma túy và AIDS, song hiện nay chưa có một công bố chính thức và chính xác nào về số lượng gái mại dâm. Có nhiều bản ước tính có thể lên đến cả triệu người dưới mọi hình thức. Điều đó là chứng minh thực tiễn sự bất lực thường trực của Nhà nước:
- Bất lực trong thông tin vì đã nhân danh ổn định chính trị mà bưng bít tin tức hay thống kê, khiến quần chúng không hiểu rõ tác hại sinh tử và dây chuyền của bệnh AIDS;
- Bất lực trong hệ thống nhân dụng vì đã không giải quyết được công ăn việc làm lương thiện cho lực lượng lao động nữ giới;
- Bất lực trong ngành giáo dục vì đã không hướng dẫn thanh thiếu niên về các loại bệnh truyền nhiễm chết người qua đường giao hợp và ma tuý;
- Bất lực trong sinh hoạt đảng, đặc biệt là giáo dục đảng viên CS biết giữ cuộc sống chừng mực và lành mạnh;
- Bất lực trong luật pháp và áp dụng luật pháp vì đã tạo uy quyền và điều kiện cho công an bảo kê cho ma cô, gái điếm cùng các loại tội phạm ma túy;
- Bất lực trong bài trừ tham nhũng vì đã coi đó là một tất yếu của hệ thống cai trị độc đảng, phải có đứa “lấy miệng nuôi trôn” mới tạo điều kiện cho đám nghèo “lấy trôn nuôi miệng”….
Mại dâm đã tồn tại từ rất xa xưa, mọi thời, khắp chốn. Nhưng ở những quốc gia lạc hậu và quản trị nhà nước yếu như VN thì tệ nạn này đã biến tướng dưới những hình thức và theo những động cơ vô cùng phức tạp. Rất nhiều con đường, rất nhiều cảnh ngộ đã đẩy người phụ nữ vào việc bán dâm. Trong đó, con đường gần gũi nhất chính là miếng cơm, manh áo, nhà ở, và việc làm. Tóm gọn là vì thiếu điều kiện hay cơ hội bình đẳng để có việc làm, người phụ nữ phải xoay bằng vốn tự có và bằng nghề tự mình làm chủ. (chỉ độc có khoản này là sự thể hiện đúng nhất của khầu hiệu “dân làm chủ” hiện nay). Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa hơn nữa chính là là sự tăm tối về nhận thức và đạo đức, lối sống. Cách đây gần 2 thế kỷ, văn hào Vich Tô Huy Gô đã viết: “ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm…”. Đó là cái gốc của vấn đề. Và đúng là một bi kịch thời nay của VN. Bi kịch này là chủ yếu và thảm hại nhất, đến từ một tổng hợp của các bi kịch khác: bi kịch gia đình, bi kịch tôn giáo, bi kịch đánh mất niềm tin vào tương lai, bi kịch thiếu vắng lòng tự hào về chính mình, bi kịch chạy đua vật chất dẫn đến những thèm khát thay đổi theo hướng xấu, bi kịch phung phí tiền của từ đặc quyền đặc lợi, và nhiều thứ khác nữa xoay vòng… tất cả bắt nguồn từ bi kịch khép kín mọi nguồn tự do dân chủ vốn là điều kiện ắt có và đủ để tạo cơ hội đồng đều cho từng người tự chủ động thăng tiến, vươn lên, để toàn xã hội thăng tiến vươn theo.
Nguồn gốc của nó là một chế độ tạo ra và dung dưỡng những bi kịch vừa nói. Thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta có quyền lựa chọn và hy vọng về một tương lai của xã hội tốt đẹp hơn, không còn những bi kịch thê thảm đó. Muốn chận đứng tệ nạn mại dâm và AIDS, ắt phải chận đứng nguyên nhân gây ra nó là sự bất lực của Đảng và Nhà nước CSVN hiện nay. Đó là điểm tương đồng giữa CSVN-bất lực và AIDS-liệt kháng. Phải sớm chấm dứt cả hai trước khi nó hoành hành gây tác hại sâu rộng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét