05 tháng 3, 2005

Từ Mua Sắm Đến Bình Đẳng Xã Hội (CT10)

Thế Trân


Vào giữa thế kỷ 19, dân Âu châu đến Hoa Kỳ nhận thấy một điểm lạ: đó là khó phân biệt các giai tầng xã hội qua cách ăn mặc của họ. Thật vậy, ở Âu châu, giới quý tộc vận y phục theo lối quý tộc; giới trung lưu, giới bình dân, dân nhà nghèo có lối ăn mặc riêng của họ. Nhìn vào y phục của một người nào đó, người ta có thể đoán họ ở giai cấp xã hội nào. Nhưng tại Hoa Kỳ từ giữa thế kỷ 19 trở đi, người ta dần dà khó đoán được điều này.

Sự việc bắt đầu từ cuộc nội chiến của Hoa Kỳ. Để trang bị quân phục cho hàng trăm ngàn người, chính quyền đặt mua hàng từ các công ty may mặc và chỉ may những bộ quân phục với kích thước phổ thông nhất. Lấy kinh nghiệm đó cùng với sự phát minh của máy may, các công ty may mặc bắt đầu sản xuất hàng loạt áo quần may sẵn. Trước đó, dân giàu thì ra tiệm để may quần áo đúng kích thước của mình. Dân nghèo thì tự may lấy, hoặc mua đồ cũ mặc lại. Khái niệm mua quần áo may sẵn không có trong dân chúng thời bấy. Dần dà, người dân thấy được sự thuận tiện, đa dạng, giá thành rẻ của quần áo may sẵn. Vào đầu thế kỷ 20, có đến 9/10 trong số nam giới mua quần áo may sẵn. Không chỉ riêng áo quần mà thôi, tất cả các loại y phục từ giầy, vớ, nón, áo khoác, đồ lót, v.v... đều được tiêu chuẩn hóa kích thước và sản xuất hàng loạt.

Việc ăn mặc giống nhau đã xóa dần đi những khác biệt trong các giai tầng xã hội tại Hoa Kỳ. Ngoài ra việc vận y phục may sẵn có thêm một tác dụng hội nhập đối với các nhóm di dân. Trước khi có y phục may sẵn, mỗi nhóm di dân khi đến Hoa Kỳ tiếp tục duy trì y phục với sắc thái riêng của họ. Nhưng sau đó, khi y phục may sẵn trở nên phổ thông, những cộng đồng di dân cũng mua mặc như mọi người. Chỉ nhìn bề ngoài người ta khó đoán được một người nào đó là gốc Ý, gốc Đức, gốc Anh, v.v.... Việc đó vô hình chung đã giúp "Mỹ hóa" hay đồng hóa các nhóm di dân lại với nhau.

Y phục may sẵn góp phần vào việc bình đẳng xã hội, thế còn đi mua sắm thì giúp như thế nào? Để trả lời, người ta cần xem lại việc đi mua hàng vào những thế kỷ trước. Kẻ giàu sang thì đến những cửa hàng riêng biệt để mua hàng. Người có tiền vào các cửa tiệm này cũng chưa chắc thấy hết mặt hàng. Chủ nhân chỉ trưng bày một ít làm mẫu. Bên trong tiệm còn có một số hàng khác dành riêng cho một số thân chủ đặc biệt. Giới bình dân thì đến chợ trời và tha hồ mà mặc cả. Chuyện trả giá là chuyện bình thường từ chợ trời vào đến cửa tiệm.

Cũng vào giữa thế kỷ 19 bắt đầu xuất hiện những thương xá khổng lồ bán các thứ hàng từ y phục, dụng cụ nhà bếp cho đến đồ dùng, bàn ghế trong nhà. Tiệm lớn như vậy thì cần có nhiều nhân viên bán hàng. Những người này không thể nắm vững tình hình giá cả để mà mặc cả, trả giá với người mua. Hơn nữa, lợi nhuận nằm ở chỗ bán hàng đi cho lẹ. Do đó các cửa hàng tổng hợp đều ghi giá tiền cho các mặt hàng; và chỉ độc nhất một loại giá cho tất cả người mua, không phân biệt giàu nghèo. Những người vào tiệm xem hàng đều có thể là người mua hàng, do đó được đối xử như nhau. Tiệm mở rộng cửa bình đẳng cho tất cả mọi người. Người mua hàng từ nay không bị thách giá, không bị đánh giá ở y phục bề ngoài của mình nữa, cảm thấy thoải mái và bình đẳng đi mua sắm ở những cửa hàng bách hóa này.

Một điểm lý thú cần ghi nhận là vào thời điểm giữa thế kỷ 19, kỹ thuật làm kiếng tiến bộ tới mức có thể làm những cửa kiếng thật to cho các cửa hàng tổng hợp để họ trưng bày hàng mẫu cho người bộ hành qua lại xem. Thiên hạ mới rủ nhau đi xem hàng qua các cửa kiếng này và từ đó ở các xứ này nảy sinh ra danh từ "mua sắm bằng mắt".

Khuyến mãi bằng các hàng mẫu sau cửa kiếng không đủ, các cửa hàng tổng hợp phải có cách nào quảng cáo đến tay người tiêu thụ và họ phải đến tiệm mua mới thúc đẩy việc mua sắm.

Thế kỷ 19 chưa có radio hay truyền hình. Phương tiện thông tin quảng đại phổ thông nhất là nhật báo. Việc quảng cáo trên báo cũng không như ngày nay. Mẩu quảng cáo thường là một ô chữ chằng chịt. Dần dà, với sự tìm tòi, thử nghiệm, quảng cáo bắt đầu có hình dạng như ngày hôm nay với hình ảnh, ít chữ, chữ to, nguyên trang báo to bắt mắt, đập vào mắt người đọc. Cùng lúc đó phương tiện giao thông công cộng tại các thành phố lớn bắt đầu phổ thông, giúp cho người tiêu thụ di chuyển đến các cửa hàng tổng hợp một cách thuận tiện. Việc quảng cáo nguyên trang thường xuyên trên các nhật báo cũng có một tác dụng tốt bất ngờ. Nguyên là trước đó các nhật báo thường được tài trợ bởi các đảng phái chính trị hay nhóm chính trị địa phương. Khi có thể đứng vững một mình nhờ vào các quảng cáo thì các nhật báo thoát khỏi vòng ảnh hưởng của các đảng phái chính trị và nhờ đó đóng đúng vai trò truyền thông trung thực góp phần vào việc dân chủ hóa.

Người ta có thể nói không ngoa là việc "mua sắm" đã đóng một vai trò gián tiếp vào việc bình đẳng hóa xã hội và dân chủ hóa nước Mỹ từ giữa thế kỷ 19 trở đi. Việt Nam ngày nay không khác, và nhờ đó giảm dần vai trò độc quyền của nhà nước, đồng thời góp phần vào việc đẩy mạnh tiến trình bình đẳng hóa xã hội mà cũng không nhất thiết nằm trong định hướng của nhà nước.

(Phỏng theo "The Americans: The Democratic Experience", Daniel J. Boorstin)

Những Đóa Hồng Khóa Nòng Súng Máy (CT10)

Trương Nữ Ngọc Hạnh


Li-băng không phải bỗng dưng biến thành điểm nóng trên bờ cực Đông của Địa Trung Hải. Dung nham phún thạch của khát vọng dân chủ và độc lập ở đây, và cả khu vực Ả-rập Trung Đông nói chung, đã sục sôi từ trước cả cuộc bầu cử lịch sử ở I-Rắc mới vừa rồi. Bức thông điệp về nữ quyền đã lan truyền từ Áp-ga-ni-xtan sang I-rắc rồi tỏa rộng bao trùm cộng đồng Ả-rập. Hiệu lệnh đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ đã tập họp ý chí và những nắm tay quyết đẩy lùi các chế độ độc tài cai trị nhân dân bằng bạo lực. Ở Li-băng, bạo lực nòng súng được khóa chốt bằng những đóa hồng. Và hiện đang trở thành một xu thế quyết thắng của lòng khát khao dân chủ thông qua hình thái đấu tranh hòa bình. Những ngọn gió đổi thay ở đây ngát hương những lẵng hoa vốn vẫn được dành cho tình yêu. Các nốt nhạc huýt sáo trong bài Wind of Change của Klaus Meine từ thời bức tường Bá Linh sụp đổ, hiện đang vút lên ở Li-băng theo tầm cao của một tình yêu nhân rộng: yêu tự do, yêu nhân bản.

Hình ảnh những cuộc mít-tinh tặng hoa cho quân đội của thanh niên nam nữ ở thủ đô Bây-rút đã được tiếp sóng suốt ngày vào tận phòng khách của từng gia đình, từng hội quán, từng khách sạn, từng cửa hàng ăn uống khắp vùng Trung Đông, và chỉ chấm dứt bằng lời tuyên bố từ nhiệm của nội các Li-băng thân Xy-ri. Hãy dành tặng một đóa hồng tươi thắm nhất cho giới truyền thông Li-băng, và Ả-rập nói chung, như một lời cảm tạ về nỗ lực trưng bày liên tục những hình ảnh xúc động nhất và hào hùng nhất của sức mạnh quần chúng. Truyền thông Li-băng đã vẫy chào chế độ để đứng cạnh quần chúng, về phía chính nghĩa dân tộc.

Có người tự hỏi rằng có phải đây mới chính thực là một cuộc Cách Mạng Hoa Hồng? Gì thì gì, nó không dừng lại ở Li-băng, ai cũng biết vậy. Nó đang là một câu hỏi thực tiễn và cấp thiết cho lương tâm từng người ở Yen-men, ở I-ran, ở Sau-đi Ả-rập, ở tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất v.v... Nó đang là cái gạch nối giữa các dân tộc Ả-rập đang đòi hỏi sự chuyển hướng từ độc tài sang dân chủ, hay từ dân chủ trá hình sang dân chủ đích thực. Tổng thống Ai-cập vừa tuyên hứa tổ chức một cuộc bầu cử đa nguyên. Nhân dân của vương quốc Sau-đi đang nô nức bỏ phiếu bầu vòng hai những Hội Đồng Thành Phố....

Ôi, những đóa hồng của hòa bình thuần khiết! Nó không nhân danh bất cứ điều gì. Nó chỉ lẳng lặng trả lời cho những bình luận gia một chiều ở đâu đó, từng chẩn mạch thời cuộc theo định hướng giai cấp và chiếc hàn thử biểu quốc tế công nông hồi tháng trước, để tiên đoán chắc nịch về một cuộc nội chiến tắm máu kế tiếp ở Li-băng. Nó không sừng sộ đòi lấp sông xẻ núi chống xâm lăng. Nó chỉ lẳng lặng thoảng hương trong gió tiễn đưa 14 ngàn quân Xy-ri lùi dần về thung lũng Béc-ka rồi sẽ về bên kia biên giới. Ngược lại, nó cũng không để bị lừa mị bởi những câu khẩu hiệu ồn ào về một sự ổn định chính trị cần thiết. Nó chỉ lẳng lặng trả lời rằng sự cần thiết đó phải là cho dân, và ổn định chính trị phải bắt đầu bằng sự ổn định thật sự về dân sinh, dân quyền và quyền lợi dân tộc. Và lẳng lặng nêu lên con số sản lượng kinh tế của toàn thể cộng đồng Ả-rập khoảng 300 triệu người, với tài nguyên dầu hỏa dồi dào như thế, mà dưới độc quyền quản trị của các chế độ độc tài nhân danh ổn định chính trị, chỉ tương đương với tổng sản lượng của duy nhất một nước Tây-ban-nha không nằm trong G8!

Ôi, những đóa hồng công tâm mầu nhiệm! Nó không chỉ làm chùn tay súng. Nó là lời chối từ sử dụng những loại súng ngoại nhập từ phía này để bắn trả về những họng súng khác hiệu của phía bên kia trong khi người dân đứng giữa. Nó còn là một minh họa rực rỡ nhất của tính kết đoàn trên căn bản tình tự dân tộc: Nó chối từ những thế lực ngoại quốc. Nó phản ánh lập trường của cố thủ tướng Ha-ri-ri vừa bị ám sát bằng bom ba tuần trước đây. Nó phản ánh lập trường của thân nhân cố thủ tướng Ha-ri-ri là yêu cầu chính phủ thân Xy-ri đừng tham dự tang lễ của ông. Nó không chờ đèn xanh của Oa-sinh-tơn. Nó không ngại đèn đỏ của một chính phủ dựa vào Xy-ri theo khẩu hiệu "bảo vệ Li-băng không bị kẻ địch bên ngoài xâm lược". Nó không chấp nhận Li-băng là một ván cờ của bất kỳ ai. Lần đầu tiên trong lịch sử cộng đồng Ả-rập, nó khuếch đại khát vọng của từng người dân thành một biểu trưng cho quyền phát biểu tập thể: "Chúng tôi không bằng lòng!".

Nó chuyển thông điệp đó đến tận tai thủ tướng Ka-ra-mi. Trong diễn văn từ chức, ông đã tuyên bố rằng: "Tôi không muốn chính phủ trở thành rào cản đối với những ai mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước Li-băng. Tôi tuyên bố giải tán chính phủ do tôi lãnh đạo". Không bằng lòng một chế độ cai trị độc tài, đã đành. Nó không bằng lòng cả Hiệp Định Taef mà Li-băng từng ký với Xy-ri từ năm 1989. Nó mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý hay tổng tuyển cử nay mai.

Người Việt Nam chúng ta sẽ học được điều gì khi thấy là ở đây, những đóa hồng Li-băng còn nói hộ cho người dân nước họ rằng: "Chúng tôi không bằng lòng một chế độ cai trị dựa vào ngoại bang!"?

Người Việt Nam chúng ta nghĩ gì về bản tin mới đây của TTXVN, trong cùng thời điểm của biến cố Li-băng, và chỉ không bao lâu ngay sau biến cố hải quân TQ tàn sát ngư phủ Thanh Hóa: "Từ ngày 25-2 đến ngày 4-3-2005, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp vòng 11 cấp chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc... trong đó một số nhóm liên hợp thuộc tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) cố gắng hoàn thành cơ bản công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa trong năm 2005 "?

Cơn Lốc Mại Dâm Tại Việt Nam (CT10)

Hùng Tâm


Gần 70 năm trước, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phải than trong một bài báo trên tờ Tương Lai rằng: “Chỗ nào cũng mãi dâm, chỗ nào cũng đĩ điếm...”. Nhãn quan của một nhà văn hiện thực đã giúp ông hoàn thành những tác phẩm lừng danh xung quanh chủ đề này như các tiểu thuyết Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy tây, Phóng sự lục xì…. Như vậy, đã từ lâu, đề tài này không còn là chuyện xa lạ, bất kể thời thực dân chưa có bệnh SIDA hay thời cộng sản với vi khuẩn HIV được hoàn toàn giải phóng và mức bành trướng tự do của AIDS. Thời “Tương Lai” của nhà văn Vũ Trọng Phụng chính là hôm nay. Báo chí thời nay đã tốn khá nhiều giấy mực trên nhiều thiên phóng sự, nhiều bài ghi chép phản ánh nhiều khía cạnh hiện thực về tệ nạn này. Thậm chí, đó còn là đề tài của nhiều cuộc tranh luận gay gắt từ các nhà xã hội học, luật học, và nếu còn thừa nhận, người ta có thể kể cả các đại biểu quốc hội. Tức là nó đã có tầm vóc cả nước.

Dù vậy, ít người có thể lường trước được tốc độ diễn biến phức tạp của tệ nạn mại dâm trong cuộc sống hôm nay. Cũng không một ai có thể tưởng tượng nổi mức độ lan tràn của nó từ thành thị, nông thôn đến rừng núi và ...xuất khẩu sang Campuchia hay TQ. Từ những nhà nghỉ, quán Karaoke, những hàng cà phê đèn mờ, đến những hiệu tẩm quất, hớt tóc thanh nữ, rồi đến cả công viên, vườn hoa, gốc cây, góc phố… không một chỗ nào là không có mặt gái mại dâm. Đó là chưa kể đến các đường dây gái gọi qua điện thoại di dộng, qua phòng chat, hay được tổ chức đặc biệt tinh vi để chuyên cung ứng gái cao cấp và trẻ em dưới tuổi vị thành niên, thiếu nữ trinh nguyên cho những kẻ sử dụng đồng tiền tham nhũng vào các trò tiêu khiển trụy lạc và tàn bạo (tiêu biểu như Lương Quốc Dũng, chẳng hạn). Ngoài ra còn có một hình thức mại dâm đặc thù khác nữa, đó là mại dâm nam, chỉ thời này mới có: Những gã thanh niên trẻ trung khỏe mạnh công khai bán dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho các bậc mệnh phụ tìm “nem” trong khi cán bộ chồng bận rộn kiếm “chả”; hoặc để thỏa mãn những kẻ đồng tính luyến ái….

Những tệ nạn này đang gia tăng bằng tốc độ vượt mặt cuộc sống. Các cơ quan chức năng quản lý xã hội đã mở nhiều cuộc điều tra thống kê về mại dâm, nghiện ma túy và AIDS, song hiện nay chưa có một công bố chính thức và chính xác nào về số lượng gái mại dâm. Có nhiều bản ước tính có thể lên đến cả triệu người dưới mọi hình thức. Điều đó là chứng minh thực tiễn sự bất lực thường trực của Nhà nước:

  • Bất lực trong thông tin vì đã nhân danh ổn định chính trị mà bưng bít tin tức hay thống kê, khiến quần chúng không hiểu rõ tác hại sinh tử và dây chuyền của bệnh AIDS;
  • Bất lực trong hệ thống nhân dụng vì đã không giải quyết được công ăn việc làm lương thiện cho lực lượng lao động nữ giới;
  • Bất lực trong ngành giáo dục vì đã không hướng dẫn thanh thiếu niên về các loại bệnh truyền nhiễm chết người qua đường giao hợp và ma tuý;
  • Bất lực trong sinh hoạt đảng, đặc biệt là giáo dục đảng viên CS biết giữ cuộc sống chừng mực và lành mạnh;
  • Bất lực trong luật pháp và áp dụng luật pháp vì đã tạo uy quyền và điều kiện cho công an bảo kê cho ma cô, gái điếm cùng các loại tội phạm ma túy;
  • Bất lực trong bài trừ tham nhũng vì đã coi đó là một tất yếu của hệ thống cai trị độc đảng, phải có đứa “lấy miệng nuôi trôn” mới tạo điều kiện cho đám nghèo “lấy trôn nuôi miệng”….

Mại dâm đã tồn tại từ rất xa xưa, mọi thời, khắp chốn. Nhưng ở những quốc gia lạc hậu và quản trị nhà nước yếu như VN thì tệ nạn này đã biến tướng dưới những hình thức và theo những động cơ vô cùng phức tạp. Rất nhiều con đường, rất nhiều cảnh ngộ đã đẩy người phụ nữ vào việc bán dâm. Trong đó, con đường gần gũi nhất chính là miếng cơm, manh áo, nhà ở, và việc làm. Tóm gọn là vì thiếu điều kiện hay cơ hội bình đẳng để có việc làm, người phụ nữ phải xoay bằng vốn tự có và bằng nghề tự mình làm chủ. (chỉ độc có khoản này là sự thể hiện đúng nhất của khầu hiệu “dân làm chủ” hiện nay). Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa hơn nữa chính là là sự tăm tối về nhận thức và đạo đức, lối sống. Cách đây gần 2 thế kỷ, văn hào Vich Tô Huy Gô đã viết: “ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm…”. Đó là cái gốc của vấn đề. Và đúng là một bi kịch thời nay của VN. Bi kịch này là chủ yếu và thảm hại nhất, đến từ một tổng hợp của các bi kịch khác: bi kịch gia đình, bi kịch tôn giáo, bi kịch đánh mất niềm tin vào tương lai, bi kịch thiếu vắng lòng tự hào về chính mình, bi kịch chạy đua vật chất dẫn đến những thèm khát thay đổi theo hướng xấu, bi kịch phung phí tiền của từ đặc quyền đặc lợi, và nhiều thứ khác nữa xoay vòng… tất cả bắt nguồn từ bi kịch khép kín mọi nguồn tự do dân chủ vốn là điều kiện ắt có và đủ để tạo cơ hội đồng đều cho từng người tự chủ động thăng tiến, vươn lên, để toàn xã hội thăng tiến vươn theo.

Nguồn gốc của nó là một chế độ tạo ra và dung dưỡng những bi kịch vừa nói. Thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta có quyền lựa chọn và hy vọng về một tương lai của xã hội tốt đẹp hơn, không còn những bi kịch thê thảm đó. Muốn chận đứng tệ nạn mại dâm và AIDS, ắt phải chận đứng nguyên nhân gây ra nó là sự bất lực của Đảng và Nhà nước CSVN hiện nay. Đó là điểm tương đồng giữa CSVN-bất lực và AIDS-liệt kháng. Phải sớm chấm dứt cả hai trước khi nó hoành hành gây tác hại sâu rộng hơn.

Tiện Túc (CT10)

Italo Calvino (1923-1985)


Ở một trị trấn nọ, mọi thứ đều bị cấm đoán ngoại trừ độc nhất một thứ không bị cấm là trò chơi đánh trống. Do đó, dân chúng của thị trấn ấy thường tụ tập trên những bãi cỏ phía sau thị trấn và suốt ngày chơi đánh trống. Và vì những điều luật cấm đoán đã được ban hành dần dần, mỗi lần về một thứ, và luôn luôn có lý do chính đáng, nên không ai tìm thấy cớ gì để phàn nàn hay thấy phiền hà gì trong việc thích ứng với tình hình mới.

Nhiều năm trôi qua. Rồi một ngày kia quý viên chức công an thấy rằng chẳng còn lý do gì để mọi thứ phải bị cấm đoán nữa, và các ngài bèn sai những thằng mõ đi báo cho dân chúng biết rằng họ muốn làm gì thì cứ làm.

Những thằng mõ đi đến những nơi dân chúng thường tụ tập.

"Nghe đây, nghe đây," chúng rao, "không còn thứ gì bị cấm đoán nữa." Dân chúng vẫn tiếp tục chơi đánh trống.

"Có hiểu không?" những thằng mõ khăng khăng nhắc lại. "Quý vị được tự do làm bất cứ thứ gì quý vị muốn." . "Tốt lắm," dân chúng trả lời, "Chúng tôi đang chơi đánh trống."

Những thằng mõ bỏ thì giờ lải nhải nhắc cho họ về vô số những công việc hay ho và hữu ích mà thời trước họ đã theo đuổi và bây giờ họ lại có thể tiếp tục theo đuổi. Nhưng dân chúng chẳng buồn nghe, mà cứ mải chơi đánh trống, hết bài này đến bài khác, thậm chí không dừng lại để xả hơi.

Thấy mọi nỗ lực của mình đều vô ích, những thằng mõ về tâu với quý viên chức công an. "Quá dễ," quý viên chức công an nói. "Ta hãy cấm trò chơi đánh trống."

Đó là lúc dân chúng nổi dậy và nhận giếng cả lũ công an.

Rồi không bỏ phí một chút thì giờ, họ lập tức trở lại với trò chơi đánh trống.

Con Cừu Đen (CT10)



Ở một xứ nọ, mọi người đều là kẻ trộm.
Ban đêm, mọi người đều rời nhà với chùm chìa khoá cùng chiếc đèn lồng có vải che và đến nhà một người láng giềng để ăn trộm. Họ trở về lúc rạng đông, với nhiều của cải và thấy nhà của chính họ đã bị mất trộm.


Mọi người vui vẻ sống với nhau vì chẳng ai thiệt thòi gì, bởi kẻ này ăn trộm của kẻ khác, kẻ khác lại ăn trộm của kẻ khác nữa. Cứ tiếp tục như thế đến khi kẻ cuối cùng ăn trộm của kẻ đầu tiên. Việc mua bán ở xứ ấy tất nhiên là người mua và kẻ bán lường gạt nhau. Chính phủ là một tổ chức tội phạm chuyên ăn trộm của nhân dân và nhân dân chỉ chăm lo ăn trộm của chính phủ. Do đó, cuộc sống rất thoải mái, chẳng có ai giàu và chẳng có ai nghèo.

Một ngày nọ, chẳng biết vì sao một người đàn ông trong sạch lại đến sống ở xứ ấy. Ban đêm, thay vì ra đi với bao tải và chiếc đèn lồng, anh ta ở nhà hút thuốc lá và đọc tiểu thuyết. Kẻ trộm đến, thấy đèn sáng, nên không vào nhà.

Tình trạng này diễn ra trong một thời gian ngắn, và mọi người buộc lòng phải giải thích cho anh ta hiểu rằng ngay cả nếu anh muốn sống mà không làm việc thì cũng không có lý do gì anh lại ngăn cản những người khác làm việc. Mỗi đêm anh ở nhà nghĩa là ngày hôm sau một gia đình nào đó chẳng có cái gì để ăn.

Người đàn ông trong sạch khó lòng phản đối lý lẽ đó. Ban đêm, anh ra đi và sáng hôm sau lại về nhà giống như họ. Nhưng anh ta không ăn trộm. Anh ta trong sạch, và bạn không thể làm gì khác để thay đổi bản tính ấy. Anh ta đi đến tận cây cầu và đứng nhìn nước trôi bên dưới. Khi về nhà, anh ta thấy mình đã bị mất trộm.

Chưa đến một tuần lễ, người đàn ông trong sạch không còn một xu dính túi, không còn gì để ăn và căn nhà trống rỗng. Nhưng đó chẳng phải là vấn đề, vì đó là lỗi của chính anh ta; không, vấn đề là thái độ của anh ta đã làm mọi sự đảo lộn. Bởi anh ta để những kẻ khác ăn trộm tất cả của cải của anh ta, mà anh ta lại không ăn trộm của ai cả, cho nên luôn luôn có kẻ về nhà vào lúc rạng đông và thấy nhà mình còn nguyên vẹn: đáng lẽ anh ta phải ăn trộm nhà ấy. Rốt cuộc, sau một thời gian ngắn, những kẻ không bị mất trộm thấy mình giàu có hơn người khác và không còn muốn đi ăn trộm. Tệ hại hơn nữa, những kẻ đến nhà của người đàn ông trong sạch để ăn trộm thấy nhà luôn luôn trống rỗng, do đó họ trở thành nghèo đói.

Trong lúc ấy, những kẻ đã trở nên giàu có lại nhiễm cái thói quen của người đàn ông trong sạch là đi đến cây cầu vào mỗi đêm để nhìn nước trôi bên dưới. Điều này làm sự rối loạn càng tăng thêm, bởi nó khiến cho nhiều kẻ khác trở nên giàu có và nhiều kẻ khác trở nên nghèo đói.

Thế rồi, những kẻ giàu có nhận ra rằng nếu đêm nào họ cũng đến cầu ngắm nước chảy thì chẳng mấy chốc họ lại trở nên nghèo. Và họ nghĩ: "Hãy trả lương để những đứa nghèo đi ăn trộm cho mình". Rồi họ viết hợp đồng, quy định mức lương, tính huê hồng theo phần trăm: tất nhiên họ vẫn còn là những kẻ trộm, và họ vẫn muốn lừa đảo kẻ khác. Và điều phải xảy ra là kẻ giàu càng giàu thêm và kẻ nghèo càng nghèo thêm.

Một số kẻ giàu trở nên quá sức giàu đến mức họ thấy không cần ăn trộm hay thuê những kẻ khác ăn trộm cho mình để mình được tiếp tục giàu nữa. Nhưng nếu họ thôi ăn trộm, họ sẽ trở nên nghèo, bởi những kẻ nghèo ăn trộm của họ. Vì thế, họ trả lương để những kẻ nghèo nhất trong đám nghèo canh giữ của cải của họ khỏi bị bọn nghèo lấy trộm, và qua đó họ hình thành lực lượng công an và xây dựng những nhà tù.

Nói tóm lại, chỉ trong vòng vài năm sau khi người đàn ông trong sạch xuất hiện, người ta không còn nói đến chuyện ăn trộm và mất trộm, mà nói đến chuyện kẻ giàu và người nghèo; nhưng họ vẫn còn là những kẻ trộm.

Con người trong sạch duy nhất ấy chính là con người bản thiện nguyên thủy, nhưng anh ta đã chết từ sớm, vì đói.