05 tháng 11, 2004

Canh Tân Con Người trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại: Làm Sao mà Đổi Mới (CT6)


Trần Thiên Ân

Trong bài trước (Canh Tân #5), chúng ta đã thấy đổi mới con người sau giai đoạn độc tài toàn trị chẳng qua là trở lại cái bình thường đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Nhưng cái bình thường đó là cái gì và tại sao một chế độ được ca tụng là tốt đẹp không có chỗ nào chê mà lại phá bỏ cuộc sống bình thường của con người như vậy? Trước khi có chuyên chính vô sản và chủ nghĩa duy vật, cái bình thường là noi theo những lề thói hành xử được qui định bởi tam giáo Khổng Lão Phật. Noi theo thôi, chứ thực ra không phải ai cũng làm được đúng những tiêu chuẩn đó. Nhưng cho dù không làm được hết thì đó cũng là những tiêu chuẩn giá trị để phán xét, và như thế do phân biệt phải trái mà có được trật tự hài hòa xã hội tối thiểu. Cái trật tự đó nước ta hiện nay không có. Chỉ cần nhìn vào cảnh xe chạy ngoài đường hay đọc thoáng qua các chuyện trên báo hàng ngày là thấy. Có người bào chữa cho rằng đó là những hệ quả không tránh được khi đi theo kinh tế thị trường. Điều này đúng sai ra sao thì sẽ bàn tới sau. Nhưng mà ngay cả thời toàn trị nghiêm ngặt cũng không có nổi cái bình thường, khiến cho đạo diễn Trần Văn Thủy đã phải làm cuốn phim "Chuyện Tử Tế", khi mà tình hình đã có thể nói ra phần nào tâm sự. Ngay hiện tại, người để ý đối chiếu những điều nhà nước chính thức nói với những điều thực sự xẩy ra trước mắt hay thực sự nhà nước làm, cũng thấy rằng không có bình thường, vì rằng trắng bảo là đen, xấu khen là tốt.

Người ta đã nói nhiều về những chuyện con tố cha, vợ tố chồng thời cải cách ruộng đất, truyền miệng và trên thơ văn (không nhiều) của văn nghệ sĩ miền Bắc. Người ta kể lại vô số những bà con họ hàng miền Bắc làm lớn vào tiếp thu miền Nam năm 1975. Gặp anh em con cháu thì miệng nói rất thân thương tình nghĩa. Nhưng hoàn toàn ngoảnh mặt quay đi khi bà con miền Nam gặp những khó khăn có thể giúp đỡ. Ai cũng biết khi nói lời tốt đẹp chia xẻ tình nghĩa thì người ta cũng biết đến thế nào nào là tình nghĩa. Nhưng cái văn hóa toàn trị với đảng trên hết nó đã làm thui chột tất cả, chỉ còn để lại những lời khôn khéo dễ nghe. Để người nói tự an ủi rằng mình còn tình nghĩa, dù chỉ trong đầu óc, hay là vì đã quen nói những điều quan chức đảng muốn nghe dầu mình không nghĩ thế để tồn tại, mà cũng có thể là vì muốn phân bua rằng mình có tình nghĩa nhưng không thể làm được gì. Sống trong môi trường có sao nói vậy, người ở miền Nam chỉ thấy rằng "trăm voi không được bát sáo", lời nói khác xa việc làm và vì thế cho nên, miền Nam, sau một thời gian, đã xuất hiện câu "vào vơ vét về" chua chát.

Trong những ngày đầu cách mạng tháng 8, quả thật là có nhiều người đã hy sinh, theo tinh thần tổ quốc trên hếtđảng trên hết vì tin rằng đảng phục vụ tổ quốc. Nhưng khi đảng trở thành toàn trị thì không còn tổ quốc mà chỉ còn đảng đáng sợ, vì không theo đảng là chết chóc tù đầy. Cái sợ mà Nguyễn Tuân nói ra lúc cuối đời, cái ngoảnh mặt đi trước mọi bất thường, bất công, cái ù lì đồng ý , cái luồn lách kéo dài tới hiện nay, đã trở thành qui luật sống bình thường.

Nhắc lại những sự kiện trên không phải là để chê bai thêm những điều tệ hại đã và đang xẩy ra, mà chỉ để thấy rằng con người bất thường và hủ hoại không nhất thiết chỉ vì không biết điều bình thường, không hiểu điều tồi tệ, mà chỉ vì đã bị môi trường, hoàn cảnh, khiến phải như thế. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, (một người ở miền Nam hoạt động chống Mỹ cứu nước, nay đã lấy vợ bỏ tu) sau tháng 4/1975 trong bài viết "Hà Nội Tôi Thế Đấy" đã kể một chuyện lý thú trong chuyến ra thăm Hà Nội. Một kỹ sư Đông Đức đi thăm một nhà máy thấy người kỹ sư Việt Nam thao tác không có năng xuất, đã đẩy ông này ra, cầm lấy dụng cụ biểu diễn để hướng dẫn. Người Việt Nam không nói năng gì. Lúc trở lại chỗ làm, ông ra tay còn nhanh và khéo hơn người kỹ sư Đông Đức. Trước sự ngạc nhiên của người khách ngoại quốc, người công nhân Việt Nam nói vắn tắt "Ông có biết ông lĩnh lương gấp mấy lần tôi không? Làm như ông thì mấy lúc tôi ho lao chết?". Đấy là một cái bình thường bất bình thường ở dạng ít tiêu cực nhất ngay tại thủ đô dưới mắt của một người hoạt động miền Nam, trong niềm phấn khởi hân hoan sau khi đất nước thống nhất ra thăm Hà Nội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của "niềm tin yêu và hy vọng". Hiện nay, những người Việt nước ngoài về thăm nhà, ít ai mà không trải qua những chuyện bị làm khó dễ, từ hoạch họe giấy tờ đủ điều đến chuyện lục tung hành lý, kéo dài mấy tiếng đồng hồ để xét, nếu không chịu theo đúng qui luật "đầu tiên" là kẹp mấy đô la vào giấy tờ. Các nạn nhân chỉ lắc đầu, nhưng hiểu rằng những nhân viên đó phải như thế vì muốn làm ở hải quan thì phải nộp hối lộ và đóng hụi chết định kỳ. Và tự nhủ chỉ sẽ trở lại thăm quê hương nếu có lý do bất khả kháng.

Câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Lan và không biết bao nhiêu chuyện tương tự khác đã và đang xẩy ra cho thấy canh tân con người không chủ yếu chỉ là học theo kỹ thuật mới. Kỹ thuật đúng là cần cho con người đóng góp có hiệu năng và phẩm chất, nhưng không đủ, và không ích lợi, nếu không có tư thái hành xử bình thường, chưa nói đến là phải tích cực. Kỹ thuật học nhanh, từ vài tháng đến vài năm là đủ trở thành dùng được. Canh tân khả năng kỹ thuật chỉ mới là một phần tư công việc. Canh tân tư thái hành xử là một phần tư nữa. Tổng cộng mới đạt 50% yêu cầu. Để làm được chuyện canh tân trọn vẹn thì phải có môi trường và hoàn cảnh thuận lợi, như ta thấy sau khi nhìn lại những sự kiện nói trên, thì mới hoàn thành 100% công việc. Và như thế, tới đây chúng ta đã trả lời câu hỏi thứ hai khi ở phần mở đầu của bài này, là "làm sao đổi mới".

Nói cho rõ thì con người không thể đổi mới nếu không đổi mới cơ chế và môi trường xã hội.

Thực tế trước mắt cho thấy như thế. Lịch sử hay sách vở cũng cho thấy như thế. Đã có đi học qua lớp tiểu học, có lẽ ai cũng biết câu Án Tử đi sứ trả lời vua Tề trong Cổ Học Tinh Hoa "cây quít ở phía Nam sông Hoài thì ngọt ở phía bắc sông Hoài thì chua. Cùng một giống quít mà chua ngọt khác nhau, ấy là vì thủy thổ khác nhau vậy". Thủy thổ (đất và nước) thì ảnh hưởng lên cỏ cây hoa trái. Chế độ chính trị xã hội thì ảnh hưởng cách sinh hoạt và cư xử con người.

Canh tân cơ chế và môi trường xã hội phải tiến hành song song, nếu không muốn nói là tiến hành trước canh tân con người. Chúng ta sẽ không bàn luận ở đây về thứ tự trước sau này, vì nó cũng giống như tranh cãi trước sau của con gà và quả trứng. Khi nói tiến hành song song, thì chỉ có nghĩa rằng ta cần ý thức rõ nhu cầu tiến hành cả hai để có thể thành tựu sự nghiệp cách mạng canh tân đưa đất nước ra khỏi khổ nạn hiện nay và xây dựng đất nước trở thành thái hòa an lạc.

Không có nhận xét nào: