05 tháng 11, 2004

Xã Hội Công Dân và Dân Chủ Đa Nguyên (CT6)

Ngọc Châu


Ở một xã hội công dân, trong khi phấn đấu để phát triển đời sống cá nhân, người dân vẫn luôn luôn có tinh thần trách nhiệm để tự nguyện tham gia vào tiến trình phát triển chung của đất nước. Một xã hội thiếu tinh thần công dân khi mọi người chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của gia đình và phó thác tương lai của đất nước cho người khác. Một xã hội mà mỗi người chỉ lo nhắm mắt làm giàu, không muốn hoặc không thể cộng tác với người khác để lo cho công việc chung thường là một xã hội đắm chìm trong đói nghèo, chậm tiến và mọi phát triển cá nhân chỉ là ngắn hạn và bấp bênh trong bối cảnh tụt hậu chung đó. Vì thế, chỉ khi nào người dân không nghĩ mình chỉ là một cá thể riêng biệt, mà thay vào đó, tự cho mình có trách nhiệm, bổn phận và khả năng góp phần ảnh hưởng lên guồng máy vận hành hoặc tương lai của cả quốc gia, thì ý thức công dân của xã hội đó sẽ phát triển, đất nước đó sẽ có cơ hội hưng thịnh.


Trong những nghiên cứu về ảnh hưởng của trình độ công dân với phát triển dài hạn của quốc gia, người ta thấy rằng thành quả của các chính sách cải tổ chính trị, dân chủ hóa không hoàn toàn lệ thuộc toàn bộ vào mức độ phát triển kinh tế, sự phồn vinh của xã hội mà còn tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần công dân của nhân dân nước đó.

Ý thức công dân không phải tự nhiên mà có và không phải chỉ hiện hữu trong thời đại văn minh của thế kỷ 21. Từ nghìn năm qua, dân tộc ta đã xây dựng được ý thức công dân qua những truyền thống cỗ truyền và sinh hoạt làng xã. Tuy nhiên ý thức công dân đã bị xóa mờ trong khung cảnh của một nền chính trị độc tài toàn trị để rồi qua năm tháng, người dân đã mất hẳn tư duy và quyền hạn làm chủ vận mệnh của riêng mình, cũng như góp phần vào việc quyết định vận mạng chung của đất nước. Đó là chưa nói đến sự ì tính và tình trạng phá sản về tư thái con người do chủ thuyết cộng sản và guồng máy đảng trị gây ra theo năm tháng. Để xây dựng lại ý thức công dân đại chúng, giáo dục học đường là nền tảng khởi đầu. Tuy nhiên giáo dục không cũng chưa đủ. Môi trường sinh hoạt xã hội còn phải tạo điều kiện để tinh thần công dân được ươm mầm kết trái. Từ đó chúng ta cần nói đến thể chế Dân Chủ Đa Nguyên và mối tương quan giữa ý niệm này và ý niệm Xã Hội Công Dân.

Ngày hôm nay chúng ta nói nhiều đến nhu cầu dân chủ hóa. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu cũng như thực tế tại các nước dân chủ tiên tiến cho thấy mức độ ý thức công dân là yếu tố quan trọng nhất để nuôi dưỡng, bảo vệ và phát huy nền dân chủ lâu dài. Cốt lõi của tinh thần công dân là người dân kết hợp bởi ý thức về quyền lợi chung của quốc gia chứ không phải vì quyền lợi cá nhân hoặc phe nhóm. Ở một mức độ cao hơn, với tinh thần tôn trọng công ích chung, người dân tham gia những sinh hoạt xã hội, chính trị do sự thúc đẩy của tinh thần công dân nhiều hơn là động lực của lòng vị tha, bác ái. Nói cách khác, ý thức công dân dẫn đến nhu cầu cùng nhau làm chủ xã hội vốn là nền tảng căn bản của Dân Chủ. Do đó, ý niệm Xã Hội Công Dân cần phải song hành với ý niệm Xã Hội Dân Chủ trong tiến trình canh tân con người và canh tân đất nước.

Khi nói đến ý niệm Đa Nguyên trong cụm từ Dân Chủ Đa Nguyên, nhiều người thường giới hạn tính đa nguyên trong khuôn khổ chính trị, tức là sự hiện hữu và hoạt động của nhiều đảng phái với sự công nhận chính thức bởi hiến pháp và được bảo vệ và tôn trọng bởi luật pháp. Thực chất, đa nguyên chính trị chỉ là điểm đến cuối cùng trong tiến trình xây dưng nền dân chủ đa nguyên được thể hiện trong một biểu đồ kim tự tháp đi từ thấp đến cao như sau:


Trong mô hình kim tự tháp này, đa nguyên được bắt đầu từ nền tảng của sự đa dạng về tư tưởng và cách sống của mỗi cá thể. Không thể có đa nguyên khi con người bị thống trị bởi một tư tưởng, một chủ thuyết và mọi sự thể hiện tư tưởng, cách sống ngoài dòng thống trị đều bị ngăn cấm hoặc bị trù dập.

Khi có được đa nguyên trong tư tưởng, sinh hoạt cá nhân thì nhu cầu tìm đến nhau dựa trên những điểm chung của một số người sẽ xảy ra. Đây là nhu cầu xúc tác ban đầu để hình thành xã hội công dân với nhiều đoàn thể tư nhân, được thành lập một cách tự phát, với những sinh hoạt đứng ngoài vòng kiềm chế của nhà nước hoặc của đảng cầm quyền. Những tập hợp này không mang nặng tính chính trị như các hội thể thao, tương tế, văn hóa, nghệ thuật... nhưng chúng lại là nền tảng để thành hình hoặc duy trì thể chế chính trị dân chủ. Thực tế ở Đông Âu cho thấy sau khi thể chế độc tài ra đi, những phát triển trong lãnh vực sinh hoạt tư nhân ngoài phạm vi của chính trị đã đem đến kết quả tốt đẹp và có ảnh hưởng tích cực lâu dài cho nền tảng dân chủ. Từ đó, số lượng hội tư nhân của quần chúng đã được một số nhà nghiên cứu dùng làm chỉ số đo lường trình độ công dân của một nước. Chỉ số này gia tăng khi người dân mở rộng những sinh hoạt chung sang lãnh vực giáo dục, kinh tế, tôn giáo. Đây là lúc mà mỗi cá nhân nhận thức rằng mình không thể tự đứng một mình để phát huy kiến thức, tiềm năng kinh tế hay đời sống tâm linh mà phải liên kết với nhiều người để có những đóng góp thiết thực cho những hệ thống của các lãnh vực này. Chỉ số gia tăng theo hình kim tự tháp khi người dân bước vào lãnh vực nghiệp đoàn, truyền thông, báo chí để chủ động tranh đấu quyền lợi của một tập thể, thông tin và nói lên tiếng nói của một số đông quần chúng. Cuối cùng là những tập hợp chính trị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách và sự vận hành quốc gia.

Trong suốt tiến trình trên, ý niệm xã hội công dân và dân chủ đa nguyên phải song hành và nuôi dưỡng lẫn nhau. Ở nước ta, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng ý thức công dân trong mỗi người và tranh đấu để có những hội đoàn tư nhân độc lập. Đây là nỗ lực không thể thiếu trong tiến trình xây dựng xã hội công dân và nền dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào: