05 tháng 9, 2004

Singapore và Bài Học Phát Triển (CT4)


Vũ Thạch

Đối với nhiều ngưòi, Singapore đồng nghĩa với Lý Quang Diệu, người sáng lập đảo quốc này và thực chất vẫn nắm quyền cai trị tối hậu tại đây. Trong lúc Singapore được hâm mộ vì chỉ trong 4 thập niên đã vươn lên hàng Tứ Hổ Châu Á, thì ông Lý Quang Diệu được đón rước như bậc thầy tại Bắc Kinh và Hà Nội, nhờ thành tích quản trị khắt khe mà xã hội vẫn giàu lên. Chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn xem người Việt nên bắt đầu từ bài học nào và làm sao áp dụng.

Singapore là một đảo quốc nằm ở tận cùng phía Nam của Mã Lai, diện tích vỏn vẹn 640 cây số vuông (tương đương với đảo Phú Quốc). Sau nhiều cuộc đụng độ chủng tộc đẫm máu, Singapore chính thức tách ra khỏi Mã Lai thành một nước độc lập vào năm 1965 với dân số khoảng 2 triệu người. Đa phần là người gốc Hoa. Ngay từ lúc thành lập, Singapore phải đối diện với nhiều mối nguy sinh tử. Anh Quốc rút dần lực lượng bảo vệ về nước. Mã Lai và Indonesia liên tục đe dọa nền tự chủ. Xung đột chủng tộc và tôn giáo lúc nào cũng có thể bộc phát. Nguy hiểm nhất là nỗ lực của đảng cộng sản tìm mọi cách tạo bất ổn để lật đổ chính quyền. Trong nhu cầu sống còn, chính phủ Lý Quang Diệu bắt buộc phải xiết chặt xã hội và nắm mọi cửa ngõ kinh tế. Một trong những nỗ lực chính yếu đầu tiên là loại trừ đảng Barisan Xã Hội Chủ Nghĩa và đảng Cộng Sản Mã Lai (đang nhận lệnh và tài trợ từ Bắc Kinh nhằm lật đổ chính phủ để thiết lập nền chuyên chính vô sản) ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả là chính người dân Singapore biết rõ những mối đe dọa đang bao vây và đồng lòng ủng hộ các chính sách khắt khe của chính phủ.

Cùng với thành công trong nỗ lực ổn định xã hội, nền kinh tế Singapore cũng tăng vọt. Tổng sản lượng nội địa (GDP) theo đầu người tăng từ 400 USD năm 1965 lên 22.330 USD năm 2003. Tác nhân chính trong nền kinh tế Singapore là loại công ty có gạch nối với chính quyền. Đây không hẳn là loại công ty quốc doanh nhưng lại luôn theo sự định hướng của nhà nước và được hưởng nhiều nâng đỡ từ phía chính phủ. Những đại công ty này có mức tăng trưởng tương đối chậm và mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Thành phần các công ty tư nhân nhỏ và hoàn toàn độc lập không được chính phủ lưu tâm khuyến khích. Nói cách khác, nhà nước không ngăn cấm nhưng không khuyến khích các sinh hoạt kinh tế ngoài định hướng.

Về mặt xã hội, giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu. Quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong trường học thay vì tiếng Hoa cho thấy tính thực dụng của chính phủ. Hầu hết các dịch vụ liên quan đến đời sống người dân đều được chính phủ cung cấp gần như miễn phí. Tuy vậy, các sinh hoạt xã hội, đặc biệt là các sinh hoạt có hơi hướm chính trị đều bị kiểm soát chặt chẽ. Cho đến nay báo chí vẫn bị cấm không được bình phẩm hay đăng các tin không thuận lợi về chính phủ hay lãnh đạo. Mọi cuộc tụ họp chính trị không được tổ chức ngoài trời. Và hiện nay, quốc hội chỉ có 2 dân biểu được xem là đối lập.

Về hệ thống cai trị, ông Lý Quang Diệu giữ ghế thủ tướng từ 1965, ông Ngô Tác Đống từ 1990 và con trai ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long từ ngày 12/8/2004. Cả ba thuộc đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) và hiện đều đang ngồi trong nội các. Nói chung, chính quyền Singapore sẽ tiếp tục chính sách bảo thủ trong các vấn đề xã hội, kinh tế và không chấp nhận sự cạnh tranh chính trị với đảng cầm quyền. Dân chúng đa phần không biết nhiều về các nhân vật lãnh đạo hay những tính toán, vận hành lớn đằng sau chính trường.

Nhìn kỹ vào cách vận hành chính trị tại Singapore cho thấy thực chất chế độ tại đây là một triều đại phong kiến với một vị minh quân biết chăm lo cho dân cho nước, một người cha nghiêm khắc nhưng lo liệu mọi bề, kể cả quyết định tương lai cho con cái. Điều hiển nhiên mà mọi người phải công nhận là chính mô thức cai trị này đã đưa Singapore vượt qua giai đoạn hiểm nghèo ban đầu. Nó có khả năng tập trung sức lực quốc gia vào một số mục tiêu giới hạn và đạt tới những mục tiêu đó khá nhanh chóng. Ngoài ra, với những dịch vụ xã hội dồi dào từ chính phủ, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tương đối thấp. Với một guồng máy trong sạch tối thiểu, mô thức này đã chứng tỏ mức hiệu quả không thể chối cãi, ít ra là cho đến nay.

Câu hỏi được đặt ra là mô thức này sẽ đưa Singapore đi bao xa nữa. Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đều áp dụng công thức này trước Singapore, đều đã nhận ra các nhược điểm trầm trọng của nó, và đều phải cải tổ. Trước hết về kinh tế, có hẳn đây là công thức phát triển kinh tế tối hảo chăng? Hồng Kông là phần đất có quá trình lịch sử, đặc tính địa dư và dân số rất gần với Singapore. Tuy nhiên Hồng Kông mở rộng chính sách kinh tế tự do cho mọi thành phần. Kết quả là mặc dù động lượng phát triển đã giảm sút trong những năm gần đây, GDP của Hồng Kông hiện tại vẫn gấp đôi Singapore. Một nhược điểm nghiêm trọng khác là cách quyết định sau hậu trường và các móc ngoặc giữa nhà nước và các đại công ty đã sản sinh những ung thối tham nhũng tràn lan. Cả Nhật Bản và Nam Hàn đều phải truy tố và thay thế 4, 5 vị thủ tướng liên tiếp trong nhiều năm vì có thành tích tham nhũng. Hiện tượng này chưa hiện lên tại Singapore chỉ vì tại đây chưa có cánh đối lập, chưa có truyền thông độc lập và ảnh hưởng của Lý Quang Diệu vẫn còn. Nhược điểm khác là mục tiêu của chính quyền không còn là mục tiêu của dân chúng nữa trong tiến trình phát triển chung. Nói cách khác, khi giai đoạn khó khăn đã qua, lý do duy trì một chế độ hà khắc để vượt qua hiểm nguy không còn nữa mà chỉ để duy trì chế độ, thì người dân không có một cơ chế hợp pháp để thay thế chính phủ trong hòa bình và ổn định.

Tóm lại, mặc dù mang đầy đủ dáng vẻ của một nền cộng hòa, ngay từ cốt lõi, Singapore vẫn chủ trương dựa vào một cá nhân, một minh quân thay vì dựa vào một cơ chế của một nước dân chủ. Vấn đề là (1) làm sao bảo đảm được người lãnh đạo là một minh quân; và (2) cho dù có được minh quân vẫn không đương nhiên có chính quyền tốt; nhưng (3) quan trọng nhất là nếu người lên cai trị là bạo chúa và/hoặc chính phủ của ông bất lực thì làm sao để thay thế họ.

Trong lúc nhân loại đã thấy ra sự giới hạn của chế độ phong kiến và tiến lên chế độ dân chủ, thì Singapore và một vài nước châu Á khác vẫn muốn dừng lại ở chế độ cai trị bởi những nhà vua mặc áo cộng hòa và biết dùng máy vi tính.

Không có nhận xét nào: