05 tháng 9, 2004

Canh Tân Con Người Trong Tiến Trình Xây Dựng Đất Nước (CT4)


Trần Thiên Ân


Phần một: Canh Tân Con Người trong Lịch Sử Việt Nam Cận Đại


Sự thua kém quá xa của Việt Nam so với Pháp và sự thất bại của quân ta trước lực lượng Pháp vào thế kỷ thứ 19 đã làm ông Nguyễn Trường Tộ dâng sớ lên triều đình xin canh tân, học hỏi người ngoài để đất nước có thể phát triển và tồn tại. Ông cũng đề nghị những phương cách để thu hồi tự chủ. Đề nghị này đã bị bác. Vì tinh thần cổ hủ của vua quan cũng có, nhưng cũng vì mối lo sợ bị nô lệ hoàn toàn khi đối tượng chính để học hỏi là Pháp, một nước đang thôn tính và chiến thắng nước ta. Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Tộ là người “khó có thể tin được”, bởi triều đình thời đó. Vì ông theo đạo Thiên chúa và được các giáo sĩ Pháp bảo trợ cho đi Pháp du học, từng làm thông ngôn cho các đô đốc hải quân Pháp. Cho nên kế hoạch canh tân của người Thiên chúa giáo yêu nước này đã bị vất bỏ.

Sau khi Pháp hoàn toàn làm chủ nước ta, vì sự thất bại của các phong trào Cần Vương, các nhà yêu nước đã bừng tỉnh thấy rằng không thể nào đấu tranh giành độc lập nếu trình độ khoa học kỹ thuật quá thấp kém. Hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã là những người cổ võ tinh thần cầu học đổi mới. Năm 1904, cụ Phan Bội Châu bí mật lập Duy Tân Hội. Hai cụ Phan đã sát cánh với nhau, tán thành việc phổ biến một nền giáo dục phổ thông bằng cách dùng chữ quốc ngữ, kêu gọi thành lập các hội đoàn để phát triển thương mại, thủ công và kỹ nghệ bản xứ, đồng thời mở các lớp học trong công xưởng. Từ năm 1906, tổ chức ngầm những cuộc du học sang Nhật (phong trào Đông Du). Năm 1907 Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập tại Hà Nội, dùng chữ quốc ngữ để dạy học trò những kiến thức mới. Các thầy giáo tự bỏ bộ quần áo cổ truyền bằng lụa Tàu mà mặc âu phục, bỏ búi tóc mà cắt tóc ngắn theo kiểu Tây. Cụ Phan Bội Châu tiếp tục theo chế độ quân chủ, quay sang Nhật là nước đã canh tân thành công để học hỏi và tìm đồng minh. Cụ Phan Chu Trinh dè dặt cho rằng chủ trương dùng Nhật đuổi Pháp là nguy hiểm. Vì "một khi quân Nhật vào thì có thể sẽ khó mà đuổi họ ra". Sau khi Nhật ký hiệp ước thương mại với Pháp, trục xuất cụ Phan Bội Châu và các du học sinh ra khỏi Nhật năm 1909, thì cụ Phan chu Trinh không còn cùng hướng hoạt động với cụ Phan Bội Châu nữa. Sang Tàu ở, cụ Phan Bội Châu tiếp tục con đường đấu tranh võ trang. Nhiều du học sinh theo cụ được gửi vào học trường võ bị Hoàng Phố. Cụ Phan Chu Trinh ở Việt Nam theo hướng xây dựng một nước cộng hòa, chống triều đình tham nhũng thối nát, đấu tranh ôn hòa với người Pháp, đòi họ phải thực thi các điều cao đẹp của khẩu hiệu chính trị "Khai Hóa Việt Nam".

Trong nỗ lực kêu gọi đổi mới đất nước, cụ Phan Chu Trinh đã nhận ra một cản trở quan trọng là cái ì tính của quần chúng. Đây là phản ảnh tâm thức của một xã hội nông nghiệp không muốn thay đổi, không có tinh thần mạo hiểm và là phản ảnh đặc tính của đa số quần chúng, nói chung ngại sự bất ổn. Vì thế mà cụ Phan đã phải đưa ra những khẩu hiệu và phong trào vận động quần chúng cắt tóc, thay đổi y phục. Các thầy gíáo dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục đã cắt tóc và mặc âu phục để làm gương là vì như vậy. Những vận động đổi mới này đã được tiếp tục trong các sách báo quốc ngữ, nhưng với những xu hướng chính trị khác nhau. Tạp Chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương là của các người đổi mới trên tinh thần hợp tác với Tây và triều đình. Các báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới trong cách sống, thiên về hướng đấu tranh v.v...

Một nhân vật đặc biệt ngoài hai cụ Phan là Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh. Ông Hồ là người thành công trong khi tất cả những nhà yêu nước khác đều thất bại. Tại sao ông Hồ đặc biệt? Trong lá thư gửi cho tổng thống cộng hòa Pháp ngày 15 tháng 9 năm 1911 để xin vào học trường thuộc địa, khi làm phụ bếp trên tàu Latouche Trevilliers, ông Hồ ký tên là Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1892, con ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bày tỏ ý muốn đổi mới như sau: "Tôi hoàn toàn không có nguồn kiếm sống và rất ham học hỏi. Tôi ước mong trở thành hữu ích cho nước Pháp trước đồng bào tôi và cũng đồng thời muốn cho đồng bào tôi được hưởng những lợi ích mà học vấn đem lại". (Je suis entièrement dénué de ressources et avide de m'instruire. Je desirerais devenir utile à la France vìs a vìs de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter les bienfaits de l'instruction)". Lá thư đã bị vất xó. Sau đó ông Hồ đã làm các nghề mọn kiếm sống ở Pháp và liên lạc hoạt động với nhóm cụ Phan Chu Trinh, dầu ông ít tuổi hơn nhiều. Qua thư này có thể nói rằng ông Hồ mới đầu có ước vọng làm quan cho Pháp để giáo hóa dân. Tương tự như nhóm Phạm Quỳnh. Việc không thành, đưa đẩy ông vào đảng Cộng sản Pháp và đã nói lên con đường đổi mới dân tộc bằng câu sau đây "Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi trong buồng một mình mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Tóm tắt, ông Hồ chủ trương canh tân con người Việt Nam bằng chủ nghĩa Cộng sản. Nói khác đi là thay thế những quan điểm văn hóa cổ truyền tam giáo Khổng-Lão-Phật lâu đời và những tư tưởng tự do dân chủ Tây phương mới du nhập, bằng quan điểm Mác Lenin Stalin, Mao Trạch Đông mà hình ảnh được trưng bày một cách tôn kính trong các dịp lễ hội. Sau khi chiếm được chính quyền năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh sự đổi mới tóm gọn bằng khẩu hiệu "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa". Trên lý thuyết đã có nhiều giải thích các đặc tính con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế đã có những biện pháp nghiêm khắc để đào tạo con người này. Nhưng sau trên nửa thế kỷ xây dựng thì khẩu hiệu "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa" của ông Hồ vẫn còn đang được nhắc lại.

Vì thế không thể chối bỏ được rằng canh tân con người vẫn là yêu cầu ngày hôm nay của dân tộc Việt Nam.

Trong số tới, xin mời các bạn đón xem phần hai: Canh Tân Con Người trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại.

Không có nhận xét nào: