05 tháng 8, 2004

Sợ Hãi và Hy Vọng (CT3)


Bích Thuyên

Xã hội chúng ta đầy rẫy những con người sợ hãi!

Cha mẹ lo sợ cho tương lai của đám con nheo nhóc. Sinh viên sắp ra trường lo âu không tìm được việc làm. Người tìm được việc lo sợ có kẻ mua đứt vị trí chỗ làm của mình. Giới tư doanh lo âu hàng lậu Trung Quốc vượt biên giới ào ào như nước mùa lũ. Kẻ lao động nước ngoài canh cánh viễn ảnh bị đuổi về nước trước hạn hợp đồng. Các cô dâu Đài Loan lo sợ những ông chồng già nhưng ngầm mắc bệnh cuồng dâm. Tiểu thương chợ Đồng Xuân sợ sưu cao thuế nặng. Người buôn thúng bán bưng sợ nặng thúng tiền vơi. Bậc đại gia sợ hầu bao không đủ sống đời trưởng giả. Nông dân sợ giá gạo xuống, phân lên. Kẻ bỏ ruộng vườn lo tôm xuất khẩu giá thấp, thuế cao. Đồng bào vùng cao sợ mất đất mà còn bị đánh hôi. Những người có lòng với đất nước lo sợ tiếng nói lẽ loi của mình lạc lõng trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đám quần chúng không chức, không quyền thì sợ kẻ có quyền có chức. Kẻ có chức, có quyền thì sợ tước quyền, mất chức. Càng sợ mất quyền mất chức lại càng bóp chặt, bóc lột đám người không chức, không quyền.

Bỏ ra ngoài những sợ hãi ích kỹ của kẻ quyền thế, những nỗi sợ hãi còn lại này chẳng có gì để xấu hổ cả. Bản năng con người là phải biết sợ. Có biết sợ thì mới sống. Đất nước chúng ta là như thế đấy. Tập hợp của những con người sinh động biến sợ thành một nghệ thuật sống.

Tuy thế trong bất cứ nỗi sợ hãi nào cũng lóe lên một niềm hy vọng. Chỉ khi tuyệt vọng với cuộc sống, chai lì với cuộc đời thì người ta mới vất đi nỗi sợ hãi, chia tay với niềm hy vọng. Còn khi còn chút hy vọng vào tia sáng cuối đường hầm thì người ta sẽ hoặc rụt rè hoặc liều mạng vượt qua những nỗi sợ hãi để tìm đến ánh sáng cuối đường.

Trong sự lo âu nhìn ra ngoài ngưỡng cửa trường lớp, người sinh viên vẫn hy vọng rằng tương lai của mình nằm ở ngoài đấy. Trong nỗi sợ bấp bênh của cuộc sống, bậc cha mẹ nào cũng mang niềm hy vọng rằng đời con, đời cháu mình sẽ khá hơn đời mình. Thấm thía nỗi nhục nhã mang thân lao động xứ người, người lao công hy vọng rằng ngày nào đó họ sẽ làm việc ngay tại xứ sở với gia đình thân yêu bên cạnh. Tựa cửa nhìn về biển Đông, các cô dâu Đài Loan ước mơ ngày trở về với gia đình sống đời hạnh phúc, bình dị nơi quê nhà. Trong nỗi lẽ loi đầy bức xúc, những người có lòng với đất nước vẫn tin rằng tiếng nói của họ sẽ đến với mọi người. Trong những niềm hy vọng hoặc bình dị hoặc cao cả đó, cũng xen lẫn những hy vọng hèn mọn của kẻ bám víu chức quyền.

Trong sợ hãi luôn toát ra niềm hy vọng. Nhưng sợ hãi lo âu không đủ sức mạnh để biến hy vọng thành hiện thực. Ngược lại hy vọng phải là động lực để thoát ra, vượt qua nỗi sợ hãi của từng cá nhân. Chúng ta phải tin vào quy luật của lịch sử bất biến: niềm hy vọng cao cả, đứng đắn của người dân sẽ đánh bạt những hy vọng hèn mọn của kẻ nắm quyền vào sọt rác của lịch sử. Hãy vượt qua những sợ hãi vì chiến thắng chính nỗi sợ hãi của mình là chiến thắng vẽ vang nhất. Hãy khởi đầu bằng những hy vọng nho nhỏ như hy vọng của những bạn hàng chợ Đồng Xuân mong được yên ổn làm ăn, không phải bị sưu cao thuế nặng và đã cùng nhau bãi thị để phản đối việc đánh thuế cao của chủ chợ. Hãy như người dân Hải Phòng xuống đường để phản đối việc đổ rác bừa bải gây tác hại đến môi trường sinh sống của họ. Niềm kỳ vọng vào một môi trường sống sạch sẽ khoẻ mạnh đã khiến cho người dân Tràng Cát, Thượng Lý và Gia Minh không còn sợ hãi những nỗi sợ vu vơ nữa.

Lịch sử thăng trầm của đất nước, dân tộc rồi cũng sẽ sang trang. Sức mạnh và trí tuệ của dân tộc rồi cũng sẽ thay thế sự áp đặt u mê. Màu xanh của lá là màu của hy vọng. Màu xanh của trời là màu của hy vọng. Ngày nào đất trời còn cây xanh lá, còn trời xanh mây là cuộc đời vẫn còn hy vọng. Còn hy vọng thì sợ hãi sẽ được vượt qua, tương lai của mỗi con người sẽ tươi sáng. Lúc đó đất nước ta sẽ không còn là một tập hợp của những con người sinh động biến sợ thành một nghệ thuật sống. Đó sẽ là một tập hợp của những con người can đảm luôn vươn mình trước mọi phong ba bão táp.

Những Bước Nhỏ Đầu Tiên Để Canh Tân (CT3)


Nguyễn Đại Việt


Dân tộc ta là một dân tộc phi thường. Trong lịch sử thế giới có dân tộc nào sau một nghìn năm đô hộ vẫn không bị đồng hóa mà còn đánh đuổi được ngoại xâm? Có dân tộc nào ba lần đánh bại đế quốc Mông Cổ hùng mạnh? Nước ta là thuộc địa đầu tiên chiến thắng thực dân Pháp. Siêu cường Hoa Kỳ lần đầu tiên thua trận ở Việt Nam. Học sinh nước ta thường xuyên đoạt những giải thi toán, lý hóa quốc tế. Những ví dụ trên cho thấy dân tộc ta lẽ ra không thua bất cứ một dân tộc tiến bộ nào trên thế giới.


Thế mà đến nay nước ta vẫn còn là nước nghèo nhược tiểu. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm nay về chỉ số phát triển con người xếp Việt Nam đứng hạng 112 trong số 177 nước, thua xa Thái Lan hạng 76, Mã Lai 59, Singapore 25. 30 năm trước đây trình độ phát triển của các nước này xấp xỉ ngang hàng với miền Nam Việt Nam. Rõ ràng là sau gần 30 năm hòa bình, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta đã không đạt. Ta có tiến so với quá khứ của chính ta nhờ nương theo đà tiến hóa của nhân loại nhưng đã tụt hậu so với các nước lân bang khu vực. Tại sao?

Kiều bào người Việt nước ngoài thường hay lên án Đảng và Nhà Nước với chế độ độc tài chuyên chế là nguyên nhân của tất cả những chậm lụt tụt hậu của nước ta. Đảng và nhà nước thì lại quy tội cho các thế lực thù địch phản động đã gây khó khăn, cản trở cho sự nghiệp tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Dân ta thì đổ lỗi cho tham nhũng và lạm quyền của cán bộ từ trên xuống dưới làm tan hoang cả nước. Cứ như thế và nước ta tiếp tục loay hoay trong vũng lầy tụt hậu.

Theo lô gíc thông thường, một nước giàu mạnh hay nghèo yếu là do ở lãnh đạo giỏi hay kém. Nước ta vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo của thế giới thì không thể nói rằng lãnh đạo ta tài giỏi. Rất tiếc hiện nay dân ta không có quyền chọn lựa lãnh đạo nào khác, nên phải nhắm mắt để cho Đảng dẫn dắt với tốc độ của loài rùa, bằng khả năng và tư duy của loài vượn.

Nhìn lại, dân tộc ta phi thường. Nhưng đấy là trong chiến tranh. Trong xây dựng, dân ta chỉ còn phi thường trên mặt báo, từ cái loa đầu đường. Như nhà văn nữ Dương Thu Hương (DTH) đã viết: "một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình...". Nhiều thói quen và tư duy tiêu cực lạc hậu đã và đang kềm hãm những bước nhẩy vọt mà đáng lẽ dân ta có dư tiềm năng thực hiện.

Một tư duy tiêu cực cơ bản còn đè nặng dân ta là mặc cảm nhược tiểu đã đưa đến lối hành xử của những con người thiếu tự chủ. Từ đấy mà nhân dân và lãnh đạo ta thường hay vọng ngoại, thích dựa dẫm vào ngoại bang. Điển hình là trước đây lãnh đạo miền Nam thì dựa vào Mỹ, còn Đảng và nhà nước hết dựa vào các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc vĩ đại trong thời chiến, rồi ngả hoàn toàn theo Liên Xô khi mới hết chiến tranh, khi Liên Xô sụp thì trở lại quy thuận với Trung Quốc với những món quà dâng đất nhượng biển và nay lại ve vãn với Hoa Kỳ. Mặc cảm nhược tiểu cũng làm cho nhân dân ta dễ an phận làm người dân thấp cổ bé miệng, xem cán bộ nhà nước như là "phụ mẫu chi dân", coi cơ chế "xin - cho" là chuyện bình thường, đương nhiên trong cuộc sống. Vì mặc cảm nhược tiểu mà dân ta không thể sống như những chủ nhân thực sự của đất nước khiến khẩu hiệu "nhân dân làm chủ tập thể, nhà nước quản lý" vẫn chỉ là những bánh vẽ để Ðảng và nhà nước nhân danh đó mà tự tung tự tác, vừa đá bóng vừa thổi còi. Và cứ như thế "phần trôi nổi của bề mặt dòng sông cuộc sống vẫn là tiếng độc thoại oang oang không mệt mỏi không hổ thẹn của đảng cầm quyền" (DTH)

Muốn canh tân đất nước, nhân dân ta trước tiên cần canh tân lại tư duy của mình. Cần phải thấy rõ là dân tộc có đầy đủ khả năng đưa đất nước đi lên ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới. Phải tin rằng ta có thể và nhất định phải đóng vai kẻ chủ động trên bàn cờ thế giới thay vì làm thân phận những con cờ thí. Ðể xây dựng tinh thần này, đầu tiên ta cần nhập tâm ý niệm nhân dân là chủ của đất nước chứ không phải một tập đoàn, phe đảng thiểu số. Khi đã là chủ thì không thể xin xỏ những gì vốn thuộc của mình. Dân đã là chủ thì Đảng và nhà nước không thể đóng vai phụ mẫu, ban phát ân huệ mà phải là công bộc đúng nghĩa phục vụ nhân dân. Là người chủ, dân ta có quyền yêu cầu các cán bộ nhà nước phục vụ nhu cầu của nhân dân vì chính tiền thuế của ta đã đóng để trả lương nuôi nhà nước. Vì là chủ ta có quyền đòi hỏi cơ quan nhà nước phải minh bạch công khai mọi thủ tục, luật lệ hành chánh để nhân dân có thể kiểm tra tiến trình phục vụ của nhà nưóc đối với nhu cầu của người dân. Trước mọi thủ tục rườm rà tạo kẽ hở cho tham nhũng, người chủ của đất nước có trách nhiệm và có quyền lên tiếng đòi hỏi nhà nước cải thiện thay vì thụ động than oán chờ nhà nước giác ngộ tự sửa.

Làm chủ vận mệnh của chính mình và góp phần làm chủ vận mệnh của đất nước là bước đầu tiên mà nhân dân ta phải thực hiện để xã hội tốt hơn. Ðó cũng là bước đầu tiên để xây dựng sức mạnh tinh thần của dân tộc làm nền tảng cho tiến trình canh tân con người và canh tân đất nước lâu dài.

Chuyện Dân Gian: Âm Binh và Phù Thủy (CT3)


Trần Châu Khoa


Hồi nhỏ, nghe kể rằng phù thủy cao tay có thể vẽ bùa, phù phép biến giấy thành âm binh để sai khiến làm những chuyện kinh thiên động địa. Đôi khi, những tay phù thủy pháp thuật không thâm hậu có thể bị chính những âm binh của mình quay lại bóp cổ chết tươi. Lớn lên, những chuyện phù thủy, âm binh đã mờ nhạt dần với dĩ vãng. Chợt mới đây, đọc bức thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đề ngày 17/6/2004 gửi lãnh đạo Đảng để tố cáo và kiến nghị giải quyết vụ án Chính trị cực kỳ nghiêm trọng ở Tổng cục 2 (vụ T4), hình ảnh âm binh phù thủy lại hiện lên từ miền ký ức xa xôi.


Ở mọi thời đại, thời chiến cũng như thời bình, nước nào cũng có nhu cầu an ninh tình báo để nắm bắt tình hình và đề xuất những kế hoạch quy mô hầu có thể ngăn ngừa những hiểm họa cho quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại, chiến tranh ít khi có súng nổ, đạn bay mà thường được tiến hành bằng các hình thức tinh vi, hiểm độc hơn như gián điệp kinh tế, âm mưu gây mất ổn định chính trị... Vì thế, quốc gia nào cũng phải cảnh giác, đề phòng và ngăn chặn bằng cách thiết lập hệ thống an ninh tình báo quốc gia có tầm hoạt động không những trong nước mà còn bên ngoài biên giới. Kinh nghiệm các nước cho thấy tiện lợi nhất là cải biến một cơ quan an ninh sẵn có của quân đội hay công an thành cơ cấu an ninh tình báo chiến lược quốc gia. Nước ta cũng không ra khỏi những quy luật đó và vì thế việc Đảng và nhà nước đã nâng "cục 2" của quân đội lên thành "tổng cục 2" với quyền hạn và lãnh vực hoạt nộng được nâng cấp, mở rộng cũng là một quy trình... hợp lý. Chính vì tính cách hợp lý này mà lãnh đạo Đảng đã đưa ra "Pháp lệnh tình báo và nghị định 96/CP" với nhận định "Lực lượng tình báo Việt nam là một trong những lực lượng trọng yếu, tin cậy của Đảng và Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam..." (Điều 2, chương 1 của pháp lệnh).

Trở lại hình ảnh "phù thủy, âm binh" thì ta có thể hình dung những nhân viên của tổng cục 2 hoạt động bí mật, gián điệp có thể ví như âm binh, thần tướng vì có nhiều quyền năng, phương tiện, xuất quỷ nhập thần, ở khắp mọi nơi, mọi chốn, kể cả trong các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Những người sản sinh ra nó là các tay phù thủy chóp bu của Đảng. Pháp lệnh An ninh Tình báo và Nghị định 96/CP là hai lá bùa phù phép. Trong việc tổ chức hệ thống an ninh, tình báo, yếu tố con người là cơ bản. Khi đề cập đến yếu tố con người thì phải nói đến tham vọng, đến quyền và lợi. Phù thủy có tham vọng và quyền lợi của phù thủy. Âm binh có tham vọng và quyền lợi của âm binh. Phù thủy thì tìm cách nêu lên thành tích xuất quỷ nhập thần của mình, đồng thời sai khiến âm binh của mình bóp cổ các phù thủy khác qua các vụ mà theo Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, ông Trần Đại Sơn và "Một số cán bộ lão thành Cách mạng Trung ương và Hà Nội", đã được Tổng cục 2 dựng lên như vụ "Xiêm Riệp" (1983), vụ "Sáu Sứ" (1991), vụ "T4" (1997 đến nay). Vụ nổi cộm nhất có liên quan đến hầu hết bộ phận lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước là vụ T4. Theo báo cáo của Tổng cục 2 thì họ đã cài được một nhân sự mang bí danh T4 vào CIA. T4 thường xuyên báo cáo cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng những tin tức của CIA. Theo những báo cáo này thì "CIA đã tiếp cận được, đã cho người liên hệ, đã chỉ đạo các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Lê Khả Phiêu, Mai Chí Thọ, Trương Tấn Sang, Võ Trần Chí, Bùi Thiện Ngộ, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, Võ Thị Thắng, Vũ Quốc Hùng, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Diễn, Lê Văn Dũng, Phan Trung Kiên, Võ Viết Thanh, Đoàn Mạnh Giao...". Nếu những "tin tức của CIA" trên đây là đúng thì những người đang là Đảng và Nhà nước đã theo đế quốc Mỹ tư bản hết rồi. Còn gì là Đảng CSVN?

Trong những người bị tố cáo, chỉ có đại tướng Võ Nguyên Giáp và thượng tướng Nguyễn Nam Khánh là đã lên tiếng. Còn ông Tổng Bí Thư đương nhiệm Nông Đức Mạnh, ông Thủ tướng Phan Văn Khải và những ông khác đều câm như ngậm hột thị. Tại sao? Chỉ biết có một hiện tượng cho thấy các ông không muốn lá thư tố cáo của tướng Nguyễn Nam Khánh lọt đến tay nhân dân. Thế là ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, đã huy động công an đang đêm ập tới tư gia của ông Lê Hồng Hà, một lão thành cách mạng từng làm Bộ trưởng Công an, ở 62 Ngô Quyền, suốt từ 21 giờ 30 phút ngày 10/7 đến 1 giờ 30 phút ngày 11/7 với lý do "có tin ông Hồng Hà đang có ở trong nhà 1 bản tài liệu vô cùng quan trọng đề ngày 17/6/2004 mà nếu để lọt ra ngoài dân chúng thì có thể gây tác hại vô cùng lớn lao cho Đảng ta...". Cũng có hiện tượng, không biết vì lý do gì mà Bộ Chính trị muốn ém vụ này, không truy cứu những người lãnh đạo Tổng cục 2. Ý đồ này đã được các nhà cách mạng lão thành viết trong thư gửi lãnh đạo tối cao như sau: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có quyền ngăn cản việc truy tố trước pháp luật bọn tội phạm trong Tổng cục II, không có quyền vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước ta, ngược lại còn phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước hơn ai hết!".

Trong vụ này, có hai phù thủy đang bị nhắm mũi dùi là hai người đứng đầu Tổng cục 2 hiện nay là Trung tướng Đặng Vũ Chính và Thiếu tướng Nguyễn Chí Vinh. Nhưng theo tinh thần những lá thư tố cáo thì hai nhân vật này tuy là tướng nhưng cũng thuộc loại tướng âm binh. Tay phù thủy "giáo chủ" chính là Lê Đức Anh. Âm binh của tay phù thủy này hiện đã trở thành "cương thi", "ma cà rồng" và đã len lỏi vào mọi cơ chế của Đảng và Nhà nước. Chúng có cơ sở làm ăn lớn khắp nơi, dùng tiền bạc, chứng cứ giả khống chế toàn bộ guồng máy Đảng và Nhà nước. Không biết chừng phù thủy Lê Đức Anh, Đặng Vũ Chính, Nguyễn Chí Vinh cũng không còn sai khiến được lũ âm binh này nữa. Đến một lúc nào đó để giành quyền thống trị, chúng sẽ quay lại bóp cổ những phù thủy đang sai khiến chúng.

Thế giới đang tiến bộ mà nước ta lại còn cảnh phù thủy, âm binh. Thực là tình trạng thoái hóa tột độ. Đó chính là vì cơ chế ta kém cõi lạc hậu. Nhà nước, Đảng, quân đội, công an là một bè lũ với nhau thì lấy ai kiểm soát ai? Cần phải tách bạch cơ chế điều hành đất nước ra khỏi cơ chế làm luật, cơ chế thi hành luật. Cạnh đó báo chí phải được tự do thông tin đầy đủ để vạch trần những tình trạng tiêu cực, thoái hóa ở mọi tầng lớp. Có cơ chế tách bạch độc lập với nhau dưới sự dòm chừng của giới báo chí thì tình cảnh âm binh, phù thủy khó mà tồn tại.

Từ Xóa Đói Giảm Nghèo đến Bất Công Xã Hội (CT3)


Long Tuyền


Cuộc thăm dò mới đây về tình trạng nghèo khó tại Việt Nam đã đưa ra những kết quả tương đối khả quan về các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, được tiến hành gần một thập niên với sự bảo trợ của một số định chế quốc tế, trong đó có Ngân Hàng Thế Giới. Năm 1995, 58% người dân sống trong cảnh nghèo khó. Năm 1998 tỉ lệ giảm xuống 37% và năm 2002 còn khoảng 29%. Tuy đáng khích lệ thật, song có vài khuyết điểm đã làm át giảm những kết quả gặt hái được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.


Trước hết là nhịp độ xoá đói giảm nghèo đã chậm đi một nửa so với những năm trước. Quan trọng hơn là phương pháp chọn lựa các hộ được thăm dò dựa trên cảm quan chủ quan chứ không trên cơ sở khách quan. Đóng vai tiên quyết trong việc chỉ định ai là người nghèo là cấp lãnh đạo địa phương đã lựa lọc các hộ được gọi là nghèo. Tuy nhiên, những thành phần bị coi là lười biếng, hoặc mắc những tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc thì bị loại bỏ ra khỏi danh sách những hộ nghèo. Những người nợ nần nhiều hay những người chưa có qui chế thường trú, chưa có nhà hoặc chưa có việc làm cũng không nằm trong danh sách các hộ nghèo. Trên thực tế, chính những thành phần vừa kể thường là những người khốn khó nhất của địa phương.

Cảm quan cũng thay đổi tùy theo mức độ giàu nghèo chung chung của mỗi địa phương. Nơi nào dư dả thì những người kém thu nhập so với chòm xóm cảm thấy mình nghèo. Trong khi đó ở địa phương nghèo thì cũng những người đó có khi lại không cảm thấy mình nghèo vì chung quanh ai ai cũng đồng cảnh ngộ. Thêm vào đó, lằn ranh của nghèo đói thay đổi tùy theo mỗi địa phương. Chẳng hạn như tại quận Bình Chánh (Thành Phố HCM) ranh giới được ấn định là 2.5 triệu đồng, trong khi đó, tại quận 8, cũng thuộc Thành Phố, là 3 Triệu Đồng.

Tuy dựa trên phương pháp lựa chọn không khách quan, cuộc thăm dò cũng nêu ra một số khía cạnh đáng lưu tâm. Khía cạnh thứ nhất là sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Khía cạnh thứ nhì là sự chênh lệch giữa các vùng trong nước. Khía cạnh thứ ba là bất công gia tăng trong xã hội Việt Nam. Khía cạnh cuối cùng là sự bất bình đẳng giữa các sắc dân.

Yếu tố địa dư ảnh hưởng lên mức độ thu nhập ra sao? Người sống ở thành thị có sác xuất có thu nhập khá hơn tại nông thôn. Tại thành thị cứ 100 người thì có 7 người nghèo, trong khi đó tại nông thôn cứ 3 người thì có 1 người nghèo. Khi xét rằng 75% người dân Việt Nam sống tại các nông thôn thì sẽ hiểu rằng các thành phố có thể ví như những ốc đảo nằm giữa đại dương của đói khổ. Cuộc thăm dò còn cho thấy rằng ở các thành phố khoảng 2% người bị đói, trong khi tại các nông thôn, nơi còn trồng cấy nhiều, tỉ lệ là 14%, tức cao hơn tại các thành phố gấp 7 lần.

Về sự chênh lệch giữa các vùng thì nước ta được chia thành 7 vùng: Trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc), đồng bằng sông Hồng (gồm các thành phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng..), Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (gồm các thành phố TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu...), đồng bằng sông Cửu Long. Giữa các vùng có những chênh lệch kinh tế trầm trọng. Tây Nguyên thu nhập yếu kém nhất nước với tỉ lệ nghèo khó là 51.8%, tức cứ 2 người sống ở Tây Nguyên là có 1 người khốn khó. Kế tiếp là Trung du-miền núi bắc bộ và Bắc trung bộ cũng là hai vùng thu nhập kém. Tây Nguyên có nhịp độ giảm nghèo rất chậm: tỉ lệ người nghèo là 70% vào năm 1993, 52.4% vào năm 1998 và 51.8% vào năm 2002. Trong 4 năm từ 98 tới 2002, con số người nghèo gần như không giảm. Tình trạng nghèo đói cũng đáng quan ngại tại Bắc Trung Bộ và Trung du-miền núi Bắc Bộ, vì hai nơi này tập trung 28% dân số Việt Nam và 42% những người nghèo trong nước. Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, nơi sinh sống 43% dân số Việt Nam, cũng là nơi có tới 1 phần ba những người khốn khó.

Khái niệm gần cạnh với nghèo đói là bất công xã hội, được đo lường qua chỉ số Gini. Chỉ số này từ 0 tới 1, càng gần 1 thì càng nói lên sự bất bình đẳng. Nói chung, chỉ số này cao tại các thành phố (0.35) so với các nông thôn (0.28). Cuộc thăm dò cho thấy là bất bình đẳng trong xã hội tại nước ta gia tăng không ngừng từ năm 1993. Chỉ số này cao nhất tại Đông Nam Bộ (0.38), kế đến là đồng bằng sông Hồng (0.36). Lạ lùng thay chỉ số này cũng cao ở Tây Nguyên (0.36), vùng nghèo nhất nước.

Khi xét tới ảnh hưởng của sắc tộc thì nói chung mức chi tiêu của một gia đình thuộc các dân tộc thiểu số thấp kém khoảng 13% so với gia đình người Kinh hoặc gốc Trung Hoa. Nhưng đó là chưa kể số con trong gia đình thiểu số, thường thường đông hơn, trình độ học vấn của cha mẹ thường thường kém cỏi hơn. Các sắc tộc nghèo nhất là Ba-Na, Ê-Đê, Gia-Rai và Cô-Hô tại Tây Nguyên và người Mường và Mông ở vùng núi Bắc bộ. Tỉ số người nghèo là 14% cho những người gốc Trung Hoa, 22% cho người gốc Kinh, 50% cho người Tầy, 52% cho người Khờ-Me, 55% cho người Nùng. Tất cả những sắc dân khác như Thái, Đào, Mường...đều trên 70%, riêng người Gia-Rai, Mông và Ba-Na trên 90%.

Tại Tây Nguyên, những người dân sắc tộc có nghèo đi, thu nhập sút giảm hẳn từ năm 1998. Trong cuộc thăm dò thực hiện tại Dak Lak, nhiều người dân thiểu số than phiền rằng họ không có thị trường để bán sản phẩm, hạ tầng cơ sở tồi tàn (dẫn thủy nhập điền, giao thông hụt hẫng), thiếu vốn, thiếu đất, thiếu cơ hội lao động, cán bộ làm việc không minh bạch và tham nhũng, các chính sách của nhà nước không hữu hiệu ngay từ cấp thấp nhất, không có sự điều hòa trong việc di dân, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiếu cơ hội để chăm lo sức khoẻ. Cấp lãnh đạo địa phương cũng nhìn nhận rằng nguyên nhân của sự đói khổ xuất phát từ thiếu đất, thiếu vốn, thiếu cơ hội lao động, nhưng cũng cho rằng người sắc tộc bị rủi ro trong đầu tư (giá cà-phê sút giảm trên thị trường quốc tế), thiếu kinh nghiệm làm ăn, già yếu, ỷ lại và đông con.

Tình trạng nghèo khó của người dân sắc tộc càng nổi bật khi xét đến những tiêu chuẩn phi thu nhập như giáo dục hay sức khoẻ. 80% trẻ em sắc tộc được ghi danh vào tiểu học (so với 92% cho người kinh hoặc gốc Hoa) và sự chênh lệch càng gia tăng ở cấp trung học. Tại các nông thôn của Tây Nguyên có đến 45,3% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (so với 26% các em bé người Kinh hoặc Hoa).

Nuớc ta có phát triển trong những năm gần đây nhưng những kết quả của phát triển đã không được chia sẻ đồng đều trong xã hội. Sự chênh lệch giữa những thành phần giàu nhất và nghèo nhất thêm sâu đậm, sự chênh lệch giữa các vùng trong nước ngày càng gia tăng. Các sắc tộc thiểu số không được dự phần vào sự tăng trưởng kinh tế và nếu tiếp tục theo đà này thì vào năm 2010 một nửa những người đói khổ sẽ thuộc các sắc dân thiểu số. Nhà nước không thể chỉ trông chờ vào tăng trưởng kinh tế để cải thiện đời sống của người dân thiểu số mà cần phải có những biện pháp tích cực hơn đi từ việc nâng cấp hạ tầng sơ sở tới việc tái phân phối ruộng đất, gia tăng việc cung cấp dịch vụ xã hội bằng tiếng địa phương. Bên cạnh đó là việc gia tăng sự tham gia của người dân sắc tộc vào việc lấy quyết định tại cấp địa phương và cải tổ guồng máy lãnh đạo địa phương tại những nơi có nhiều người sắc tộc cư ngụ. Chỉ những biện pháp này mới hàn gắn được hố sâu chia cách càng ngày càng sâu rộng giữa người dân sắc tộc với người dân gốc Kinh hoặc Hoa.

Vấn nạn của nước ta không dừng lại ở những thành quả tương đối của Xóa Đói Giảm Nghèo. Chuyện bất bình đẳng cũng không gì mới lạ với dân ta. Ra đầu ngõ đã gặp, liếc sang nhà bên cạnh đã thấy. Nhưng khi bất công được nhìn từ khung cảnh vĩ mô của cả nước và cả dân tộc thì ta mới thấy được vấn nạn này sẽ là ngòi nỗ cho những bất ổn trầm trọng của xã hội trong tương lai.