05 tháng 6, 2004

Người con gái nhà bên kia đường (CT1)


Cành Nam


Con hẻm hẹp, ồn, bẩn, nghèo, nhưng đầy sinh động. Giòng sống bắt đầu tất tả từ 4 giờ sáng đến mãi quá nửa khuya. Căn hộ bên phải là của hai gương mặt suốt buổi không thấy nụ cười. Một nam, một nữ, là chồng, là vợ suốt mấy chục năm dài. Cực nhọc với lũ con đông đúc, ốm, bụng thõng, mặt mũi, tay chân lem luốc. Suốt buổi chúng lê bước, rảo chân, nhanh tay giành giựt bên những đống rác chen chúc cùng những tuổi thơ khắp các nẻo phố khác tập trung về.


Căn hộ bên trái là những chị em không cùng mẹ cùng cha, từ các làng quê trôi giạt theo lời mai mối dẫn đường của một bà dẻo nói, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Căn hộ ấy là nơi thu hút nhiều lời bàn, nhiều ngày giờ rỗi, mỗi khi công việc tạm lắng đọng của các bà bưng thúng bán mẹt, các bác xích lô, các tay thợ thuyền, các cán bộ ở hẻm trên. Dù gì, nơi ấy vẫn là ‘cái rốn vũ trụ’ của con hẻm, với chút hương tươi mát thổi vào giòng sống vốn khô cằn, ngạt bụi, không gì mới mẻ giữa nhịp độ đều đặn, chán nản, mệt mỏi của con hẻm nhỏ.

Căn hộ bên kia đường là nhà của một cán bộ, thừa tiền, nhiều quyền, chiếm lấy, cho thuê. Người thuê căn hộ lần này là một cô gái trẻ. Gầy gò nhưng dai sức; da xanh nhưng mắt sáng. Con hẻm xầm xì: cô gái là sinh viên mới ra trường, đang làm việc cho một công ty thuộc chủ nước ngoài. Họ bàn tán: người đâu mà may mắn thế!

Một hôm trời nắng, cô gái mở toang cửa chính. Ánh sáng tràn vào, rọi khắp góc cạnh thế giới riêng tư của cô gái. Những đôi mắt tò mò vụt nhìn ngang, dọc, tìm hiểu. Đến quá ngọ, mặt trời lên đến đỉnh đầu, những cặp mắt không còn vội vã, tưới vội cái nhìn nghiêng, mà đã có vài kẻ dừng hẳn chân, nhìn kỹ, nhìn sâu. Một căn hộ chiều ngang hẹp, nhưng có chiều dài bù đắp đáng kể. Một chiều dài cong cong, không thẳng tắp, nhưng đằng đẳng nhiều quá khứ nổi trôi, chịu đựng miệt mài cùng những người con người từng ngự trị nó. Tường vôi được tô trát lại khi vừa đổi chủ. Người chủ mới, được rước vào, và những thay đổi được nhìn thấy ngay, rõ nét. Những thay đổi vội vã, chấp vá, phô trương hình thức bề ngoài. Tuy thế, cũng khiến bộ mặt căn hộ trông khang trang, hào nhoáng hẳn lên. Những thay đổi hình thức trên mặt nổi ấy, dù gì cũng đủ làm hài lòng những ai không thật sự quan tâm, và những ai không nghĩ sâu, nhìn kỹ.

Mặt trời đúng ngọ, phóng những tia nắng chói chang, sòng sọc rọi vào từng góc cạnh. Đến lúc ấy, dù không chú tâm tìm tòi, người ta cũng phải nhìn ra được những cái thay đổi chưa triệt để, tạm bợ, vá víu của căn hộ sau nhiều năm đã bắt đầu phơi rõ nét suy tàn. Ở những góc nhà, chái bếp, và đằng sau cánh cửa nửa khép nửa mở, nhờ ánh sáng không biết tránh né, người ta nhìn ra được những mạng nhện bụi bặm, những vết loang lỗ, những giọt nước rỉ từ vết nứt trên chái nhà... Người ở ngoài nhìn vào, sau những cái tô trát màu sắc che đậy bề ngoài, có lẽ không ít thì nhiều đều nhìn ra những cái không vẹn toàn, những điều ương dở, khiếm khuyết của căn hộ. Vấn đề là không rõ những ai từng ở trong căn hộ, đang ở trong căn hộ, có nhìn thấy sự điêu tàn phục sẵn sau những bức tường sắp đổ, và có thấy ra nhu cầu phải có những thay đổi cần thiết tận nền móng của căn hộ chăng?

Cô gái sống ở căn hộ lần này xem vẻ hẳn ra là người có tài, có trí. Ít ra là cô ta không ngần ngại để ánh sáng tràn vào, đẩy lùi phần nào những góc tối tăm của căn hộ. Phải chăng đó là bước đầu, để ít ra nhìn được những điều cần phải thấy? Cô gái đứng bên bàn viết. Trước mặt là ba tờ giấy xanh. Không rõ trên giấy viết những gì, chỉ thấy cô gái đứng nhìn mãi tới trời quá ngọ vẫn không ngẩng đầu lên. Ngoài kia, con hẻm nhỏ vẫn ồn ào, với đủ tiếng động cơ, tiếng rao hàng, tiếng nước dội, tiếng mắng con, tiếng người chạy tất tả... Tất cả hình như không làm giao động luồng tư tưởng của cô gái trong căn hộ này. Cô ta nghĩ gì? đọc gì? tại sao cô ta không ngồi nhìn mà lại đứng? đứng mãi thế để làm gì? ngồi lại chả dễ chịu hơn là đứng sao? mà lại là đứng rất lâu? Càng lúc, số người tò mò qua lại trước căn hộ đều tự hỏi: cô gái muốn gì trong cái thế đứng thẳng người ấy?

Một ngày sắp trôi qua. Ánh tà dương còn rơi rớt làm ửng váng cả một góc trời đỏ cam. Một người bước hẳn vào nhà. Lại thêm một người bước theo. Thêm một người nữa. Rồi thêm một người. Chẳng mấy chốc, căn hộ đầy những người hàng xóm. Những người cùng sống chung trong căn hẻm nhỏ. Cùng chịu đựng bao mùa mưa nắng. Cùng một vận mệnh, một tương lai, một quá khứ. Ngày thường không nói nhiều với nhau, nhưng đều biết về nhau. Họ đứng nhìn cô gái vẫn đang trong thế đứng thẳng lưng, mắt nhìn dán xuống những tờ giấy xanh trên bàn. Ai đó bước thêm bước nữa. Giờ thì họ đứng cạnh cô gái, và họ cùng nhìn vào ba tờ giấy trên bàn như cô. Trời rất khuya họ mới rời căn hộ. Mỗi người bước về nhà mình như về một nơi khác lạ. Khác lạ vì chính họ đã đổi khác.

Vẫn là đôi vợ chồng khốn khó, bố mẹ của lũ con gầy gò, bụng thõng. Vẫn là những chị em không cùng mẹ cùng cha, sống dưới sự sắp xếp từng giờ của con mụ dẻo nói. Vẫn là cô gái trí thức, có việc làm nơi hãng của chủ nhân người nước ngoài. Thế nhưng đêm nay, họ trở về nhà với một khát vọng. Một ước muốn mãnh liệt mà họ ngỡ rằng sự vật lộn từng phút cho cái ăn, cái mặc, đã không thể có cơ hội dấy lên nữa. Đêm nay, trong cuộc đời bương chải tất tả, lần đầu họ thấy họ quan tâm đến những điều ra ngoài phạm trù đời sống cá nhân họ, gia đình họ. Lần đầu, họ nghĩ đến những điều xa xôi hơn, ảnh hưởng đến cả con hẻm nhỏ, thậm chí cả cái đất nước mà họ thường được điều kiện hóa để ít khi còn nghĩ đến.

Đêm nay, đầu con hẻm có tiếng ai trăn trở: ‘làm lại con người’. Tiếng ai vọng lại: ‘đúng thế! những con người biết chấp nhận lấy nhau; biết những điều khác biệt của nhau là bình thường’. Thoảng trong cơn gió cuối hẻm: ‘ những con người có suy nghĩ đa dạng, đa chiều, cá biệt, nhưng không vì thế mà tiêu diệt nhau, trù dập nhau’. Những con người Việt Nam mới, một nước Việt mới, lấy dân làm gốc. Vẳng xa từ hướng đống rác cuối hẻm, nghe nhẹ như tiếng ai thở dài: ‘nhưng còn có thể được chăng? có còn kịp chăng?’. Giọng ai tràn đầy hy vọng: ‘Nếu cùng làm có ngày sẽ được. Sức mạnh dân tộc, lịch sử rành rành, không thể không tin!’. Câu hỏi đâu đó chợt vang lên: ‘nhưng biết phải khởi đầu từ đâu?’. Trong bóng tối của đêm khô bức, đèn chợt bật cháy sáng trong căn hộ bên kia đường. Trong sự tĩnh lặng của con hẻm khuya, từng lời một vang rền khẩn thiết: ‘bắt đầu từ chính mình ! Hãy bắt đầu từ chính bản thân!’. Hãy gõ cửa sẽ mở !. Hãy tìm sẽ gặp!.

Đã có người khởi xướng. Lời kêu gọi đồng vọng đã vang lên. Có người đã nghe thấy. Không ai còn chờ đợi ai khác. Từng căn hộ một, đèn lần lượt được thắp lên. Chẳng mấy chốc, cả con hẻm tối đã rực sáng với cùng một khát vọng: Khát vọng Canh tân! Canh tân Con người! Canh tân cuộc đời! Canh tân môi trường! Canh tân Đất nước! Sự đồng tâm chung niềm khát vọng đang mở từng cánh cửa nửa khép nửa mở, xua tan đi bóng tối. Ngày mai trời hẳn đầy nắng đẹp.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

đọc cũng được

Trường