05 tháng 6, 2004

Những cô gái Việt trên mạng lưới eBay và những cô dâu Đài Loan bất hạnh (CT1)


Trung Điền

Đầu tháng 3 năm 2004, ba phụ nữ Việt Nam bị một người Đài Loan mang ra đấu giá trên một mạng lưới điện toán với giá trên 5 ngàn đô la. Mạng lưới này thuộc công ty eBay, chuyên giới thiệu những sản phẩm cho người tiêu thụ trên khắp thế giới để vào mua bán. Việc phụ nữ bị rao bán như những món hàng trên internet, đã xuất hiện vài năm trở lại đây và đã bị nhiều quốc gia nghiêm cấm; nhưng đối với người phụ nữ Việt Nam thì đây là lần đầu tiên. Chủ nhân của dịch vụ nói trên còn nói rằng họ sẽ dẫn người "mua" qua tận Việt Nam để lựa hàng với giá là 200 ngàn đồng Đài tệ, bao gồm tiền vé và Visa nhập khẩu. Làn sóng bất bình của người Việt nổi lên đã làm cho chủ nhân công ty eBay có trụ sở chính tại tiểu bang California, Hoa Kỳ phải ra lệnh đóng cửa trang web có đăng hình bán đấu giá ba phụ nữ Việt Nam. Trong khi đó chính phủ Việt Nam vẫn hoàn toàn im lặng.

Ba phụ nữ Việt Nam bị mang ra đấu giá này là những người được đưa đến Đài Loan dưới hình thức "cô dâu". Họ là một trong gần 100 ngàn cô dâu Việt Nam đã được đưa sang Đài Loan trong 10 năm qua dưới sự tổ chức của các công ty môi giới Việt Nam và Đài Loan. Một số dữ kiện thu thập tại chỗ bởi một phóng viên sang làm việc tại Đài Loan và tiếp xúc với nhiều cô dâu chạy thoát ra ngoài như sau:

Cách đây vài năm, chi phí để cưới vợ mà đàn ông xứ Đài phải trả là vào khoảng 10.000 đô la Mỹ. Gia đình cô dâu nhận được trung bình là 2.000 đô. Hiện nay, chi phí xuống còn khoảng 6.000 đô và gia đình cô dâu nhận được khoảng 200-300 đô. Với 100.000 cô dâu và trung bình 8.000 đô cho mỗi người trong khoảng thời gian 10 năm qua thì dịch vụ này lên đến 800 triệu đô. Một dịch vụ to lớn, ít rủi ro cho các công ty môi giới Đài, Việt. Vốn? Chỉ là những con người nghèo khó trong đường cùng tuyệt vọng. Tại nước ta, dịch vụ "béo bở" như thế khó mà nằm trong tay những người dân thường.

Đa phần các cô dâu đến từ các vùng nông thôn miền Nam và miền Tây Nam bộ, học vấn thấp và gia đình nghèo khó. Họ được tập trung tại những chỗ gọi là Trại nuôi đào. Từ đây, các cô gái trên dưới hai mươi này được đưa đến sắp hàng trong những hành lang của khách sạn để khách Đài chọn lựa. Thông thường là mấy chục cô, có lúc lên đến cả 100, 200 cô. Đôi khi họ bị bắt cởi quần áo để khách chọn lựa. Chú rể có thể chọn nhiều cô và sau đó người thì dẫn cô gái lên phòng khách sạn, kẻ thì chọn 2,3 cô để dẫn đi ăn, đi chơi với mục tiêu tìm hiểu và quyết định một cô sau cùng.

Đàn ông Đài Loan bình thường không ai muốn lấy vợ Việt Nam. Đa phần các "chú rể" thuộc vào các thành phần: già, tàn tật, nghèo, thổ dân, làm biếng. Có những người thực lòng muốn xây dựng gia đình. Dù ở trong trường hợp này, các cô dâu vẫn lâm vào những khó khăn như không được ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, làm việc rất nhiều trong gia đình chồng. May mắn hơn một chút là các cô dâu được ra ngoài đi làm. Phần lớn là để kiếm tiền thêm cho gia đình chồng. Số ít được chồng cho gởi một phần tiền kiếm được về gia đình. Tình trạng này sẽ gia tăng trong tương lai với "sách lược" làm ăn mới của công ty môi giới: cho phép các thân chủ được trả góp. Một chú rể Đài Loan chỉ cần trả trước vài trăm đô. Lấy vợ xong bắt vợ đi làm để trả nốt số tiền còn lại. Kém may mắn hơn là những người lấy vợ để vừa thỏa mãn sinh lý vừa có thêm một người "a-sin" ở đợ phục vụ cho cả gia đình. Tình trạng bi thảm kế tiếp là việc lấy vợ để dùng vào việc săn sóc người bị tàn tật, bệnh thần kinh trong gia đình. Chỉ cần một người lành lặn qua cưới vợ nhưng thực tế trên giấy tờ là cưới một người em hoặc người anh tàn tật. Đây là một dịch vụ đang được khai thác bởi những gia đình trung lưu có người thân bị tật nguyền, khi mà tại Đài Loan, mướn một người đến chăm sóc kẻ bị tật nguyền kinh phí lên đến 2.000 đô la một tháng. Cuối cùng, bi thảm nhất là những cô dâu bị lừa cưới sang nhưng bị đưa vào những ổ gái ngay sau khi đặt chân xuống phi trường Đài Bắc. Một số trong những thiếu nữ này bị rao bán trên eBay.

Hàng ngày vẫn có hàng chục phụ nữ từ những miền quê xa xôi lên thành phố Hồ Chí Minh để được làm dâu cho người ngoại quốc theo sự sắp đặt của công ty môi giới. Đa phần họ không biết gì về các thảm kịch của người đi trước, mà chỉ muốn làm sao có tiền để giúp gia đình đang túng thiếu. Oái ăm thay, họ đâu biết rằng, sau khi nhận khoản tiền vài triệu đồng Việt Nam qua công ty môi giới, họ sang Đài Loan là bước vào thế giới của những nàng Kiều trong thời đại mới. Đây là một dịch vụ không những chà đạp nhân phẩm con người mà còn xúc phạm đến danh dự của cả một dân tộc. Tệ nạn này đang bị nhiều quốc gia lên tiếng ngăn cấm nhưng tại nước ta, không những chính quyền không ngăn cấm mà còn dính phần vào những công ty môi giới để buôn người qua hình thức cưới hỏi. Rõ ràng là tại nước ta đang có cái gì đó không bình thường. Đảng và nhà nước thì suốt ngày nói đến xây dựng xã hội hiện đại văn minh, dân giàu nước mạnh, trong khi người dân thì vật lộn với miếng ăn và làm bất cứ những gì để sống còn, kể cả việc bán rẻ nhân phẩm của mình.

Việt Nam đang cần một cuộc cải cách dân sinh mà trước hết phải làm sao ngăn chận tệ nạn buôn bán con người dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta không thể nào để những phụ nữ Việt Nam tiếp tục bị rao bán, đấu giá như những món hàng. Đây là điều sỉ nhục đối với một dân tộc từng tự hào có hơn bốn nghìn năm văn hiến.

Không có nhận xét nào: