05 tháng 4, 2006

Xuân Chẳng Lỗi Thề (CT23)


Thạch Hãn

Đã lâu rồi, đàn én chưa quay về. Đuôi cờ đỏ lê thê một mùa Thu đọng giọt chảy ròng. Non tám mươi triệu người lầm lũi trong những khung tù vô thức. Ngày với năm cùm chung một cũi, không khác gì nhau, nhìn quanh quẫn vẫn chỉ một mùa xám đông ảm đạm, vẫn nhàn nhạt một màu khuất lấp. Gió giật từng cơn, bật tung cái đói, cào xướt nỗi lo.

Trường Sơn đã xẻ. Hiền Lương đã thông. Cả nước đã phẳng lì dưới lưỡi cày chuyên chính vô sản của lãnh đạo bần nông thành thổ phỉ. Vàng đã căng túi tham. Dân đã rạc kiếp người. Bao nhiêu năm máu bón đất cho chính trị bộ tổng kết nửa thế kỷ biến dân lành thành người máy XHCN, vùi đất nước xuống vực sâu đói nghèo. Dòng Bến Hải đã thôi in dấu chia phôi nhưng mặt đất cắt đôi từ đó: bên dưới ăm ắp những xương nằm, bên trên chen chúc những xương đi. Trăm miền đất nước: tù trên huyệt dưới, máu đọng thành cờ, uất đọng thành thơ.

Bao nhiêu năm hòa bình thống nhất, cương lĩnh đấu tố bước sang đấu giá, đấu thầu. Bao kế hoạch năm năm đã làm thui chột nhiều thế hệ chạy ăn từng bữa. Và sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ lãnh đạo Ba Đình tới lãnh đạo miếu đình để tất cả là một. Chỉ đất nước là bị phân liệt từng miền cát cứ và dân tộc bị xói mòn bởi chênh lệch lợi quyền. Hận thù xưa dồn vào bọn đế quốc xâm lăng, hận thù nay xoay về đám đầu lãnh vô học và vô hậu. Mạng người kể bỏ, nhân phẩm không cân đủ ký, thiên hạ lên trời dễ hơn dân tôi mót tìm hột gạo. Kiếm đâu ra đôi điều tử tế thời nay? Được ghi vào hiến pháp là quy luật bình đẳng đói và bình đẳng nghèo. Được ghi vào nghị quyết là quy luật bình đẳng bị trị. Mọi công dân đều được khuyến khích như nhau là sống theo hiến pháp và kiếm ăn theo nghị quyết. Còn chết chỉ là hệ quả tất yếu không đáng quan tâm.

Ngày hôm nay, các phản ứng đề kháng của dân mới là diễn biến đáng quan tâm. Dõi mắt nhìn khắp chốn đã hai năm rõ mười: các đỉnh cao trơ trọi với sợi dây chuối trên tay không dắt nổi con tàu quá độ lên CNXH; lạc hậu đói nghèo là quốc nhục; lý tưởng độc lập-canh tân còn nguyên. Cái mất là tuổi trẻ, của riêng mình. Nỗi đau đớn nhân đôi là chính mình từng góp phần làm mất thêm tuổi trẻ của bao thế hệ tiếp nối.

Tấm thẻ đảng hay ngay cả giấy chứng minh nhân dân trong tay không chứng minh được điều gì cả. Cái căn cước thật nằm trong lương tri mới quả thật là điều hệ trọng. Hệ trọng nhất là nó đang ở thời điểm cựa mình.

Mấy mươi năm thống nhất, vẫn còn một đoạn chót chưa kết thúc chờ đợi lương tri mỗi người. Hãy tựa vai nhau, và tựa vào lý tưởng còn nguyên mà đứng dậy. Hãy làm lại từ đầu. Không nhất thiết phải hô hào chống chủ nghĩa ngoại lai. Chủ nghĩa đã chết tiệt từ lâu. Còn lại chăng chỉ dăm ba kẻ loay hoay với mẩu dây chuối đứt khúc. Còn lại chăng chỉ những dây ký sinh độc dược trên thân cây mục. Hãy làm lại từ đầu. Dù đã sang trang thế kỷ. Quyết không để cái ác làm thui chột thêm con người, băng hoại thêm đất nước, khi nhân loại đã hân hoan dắt tay nhau đi một đoạn đường dài vào buổi hừng đông của một thiên niên kỷ mới. Hãy làm lại từ đầu. Bức tường Bá Linh không chỉ đổ vì những nhát búa năm 1989, mà đã chực đổ bởi ý chí của những con người yêu chuộng tự do nhân bản từ nhiều năm trước đó. Lý tưởng độc lập-canh tân của chúng ta vẫn còn nguyên, chỉ chờ cái dũng biến điều thấy đúng thành hành động triệt tiêu cái sai. Ôn hòa mà quyết liệt. Phải chấm dứt cái ác. Phải chấm dứt một chế độ đã nhân danh cái sai từng tàn phá đất nước và còn đang tiếp tục tàn phá đất nước. Bắt đầu bằng Tự Do Ngôn Luận.

Mẹ Việt Nam vẫn hằng dang tay đón đợi. Khi mọi quyết định đều đặt cơ sở trên ý thức dân tộc, những mối dây liên kết ngày càng dày càng rộng. Giữa những người cùng Tổ khác quê. Giữa những người từng có chung một đoạn quá khứ. Giữa những người từng bị chủ nghĩa đùa cợt và lịch sử trớ trêu phân ranh quá khứ. Giữa cả những người từng bị chế độ của cái cực ác chia cắt trong-ngoài suốt mấy thập niên qua. Giữa những người bật rõ lý luận cùng những người vung cao nắm tay. Giữa những dòng chữ trên giấy và những bước chân xuống đường. Giữa những người đã ký và sắp ký vào Tuyên Ngôn 8406. Giữa những người từng ký bằng mực và sẵn sàng ký bằng tấm thân mình. Cho tương lai Việt Nam cất cánh.

Đàn én đã có cơ hội tung cánh gọi mùa xuân, đón một niềm vui thật, cho cả nước. Xuân chẳng lỗi thề. Hãy dang tay đón nhau để cùng dựng mùa Xuân dân tộc.

Cuộc Tranh Đấu Không Cân Xứng Giữa Các Nhà Dân Chủ Trong Nước và Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam (CT23)


Nguyễn Chính Kết

Ngày xưa, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân quân VN phải dùng chiến thuật «du kích» để chiến đấu. Theo Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị, «du kích» được định nghĩa là «lối đánh giặc bằng những toán quân nhỏ, thiện chiến, luôn lưu động khi địch với một đối phương đông và nhiều khí giới hơn». Thời ấy, quân Pháp vừa đông; vừa được huấn luyện đầy đủ để chiến đấu có kỹ thuật và bài bản; vừa được cung cấp đầy đủ vũ khí, các phương tiện chuyên chở hiện đại. Còn nghĩa quân của ta vừa ít, vừa thiếu tập luyện, vừa dùng vũ khí rất thô sơ. Nói chung là thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Muốn giải phóng đất nước thành công, nếu cứ chiến đấu kiểu chính quy, mặt đối mặt, thì chắc chắn trăm trận trăm thua! Vì thế, quân ta phải áp dụng chiến thuật du kích, đánh lén, dấu mặt, và nhiều khi phải chấp nhận vi phạm pháp luật của nhà nước Pháp thuộc thời ấy. Với lối đánh du kích ấy, quân ta đã từng làm quân Pháp phải hao binh tổn tướng, nhiều khi thiệt hại rất nặng nề. Quân ta có hơn được quân địch là hơn ở chính nghĩa bảo vệ an nguy tổ quốc, ở dũng khí, ở sức mạnh của lòng ái quốc… Còn quân địch chỉ là kẻ xâm lăng, không chính nghĩa, động lực của họ chỉ là quyền lợi của đất nước họ, phe nhóm và cá nhân họ.

Nói chung, «du kích» là kiểu đánh của kẻ yếu đối với kẻ mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Kẻ yếu và ít người mà dùng chiến thuật du kích để đánh kẻ mạnh và đông thì ai cũng chấp nhận được. Nhưng kẻ mạnh và đông mà lại áp dụng chiến thuật du kích đối với kẻ yếu và ít thì chỉ những kẻ bụng dạ tiểu nhân mới chấp nhận được và mới làm được thôi. Chẳng khác nào người lớn, có sức mạnh, có vũ khí trong tay lại vừa đánh, vừa chơi xấu với một đứa trẻ yếu đuối, tay không vũ khí. Người quân tử hay người còn liêm sỉ không bao giờ chấp nhận và càng không bao giờ thực hiện được điều ấy.

Ngày nay, trong cuộc chiến đấu giành lại quyền tự do và quyền làm chủ mà đảng cộng sản đã tước đoạt của người dân trên 60 năm qua, các nhà dân chủ ít ỏi trong nước đang phải tranh đấu với cả một bộ máy nhà nước rất lớn mạnh, có lực lượng quân đội và công an – cả chìm lẫn nổi – hùng hậu, vũ khí tối tân, phương tiện thiện xảo, và tiền rừng bạc bể. Trước hai lực lượng bất cân xứng như thế, cứ theo lý luận hợp lý thì đáng lẽ các nhà dân chủ phải áp dụng chiến thuật du kích đối với nhà nước cộng sản mới đúng. Nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược: chính nhà nước cộng sản lại áp dụng chiến thuật rất «du kích» đối với các nhà dân chủ hiện nay. Các nhà dân chủ khắp cả nước đếm chưa được một trăm người, không có một tấc sắt trong tay để tự vệ, nhưng chiến đấu với nhà nước cộng sản theo kiểu chính quy nhất. Thế mới lạ đời và ngược đời!

Hiện nay, dù rất ít ỏi, dù không một tấc sắt trong tay, các nhà dân chủ luôn phải chiến đấu một cách công khai, lộ diện, kiểu «ván bài lật ngửa», bằng những phương tiện rất ôn hòa, bất bạo động và hợp pháp. Cụ thể và chủ yếu là tranh đấu bằng ngòi bút của mình trên các trang web, các diễn đàn Internet, và mới đây, trên cả báo giấy nữa. Ngoài ra, không còn một thứ vũ khí nào khác. Dù chỉ dùng thứ phương tiện đơn giản và rất ôn hòa ấy, họ vẫn bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu, đe dọa đủ kiểu, thậm chí bỏ tù, hãm hại... Dù nắm được đủ mọi ưu thế trong tay, nhà nước cộng sản vẫn phải dùng những chiến thuật ám muội, lén lút, bỉ ổi, là khủng bố, gây sợ hãi, bao vây kinh tế, cúp điện thoại, cúp Internet, sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm… để trấn áp, bịt miệng và hạn chế tối đa số người tranh đấu trong nước cùng khả năng hoạt động của họ. Rất nhiều trường hợp, để thực hiện việc trấn áp ấy, nhà nước đã phải vi phạm hiến pháp: họ lập ra những pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, luật pháp đi ngược hẳn lại tinh thần của hiến pháp cũng do chính họ lập ra. Ngay cả những luật lệ “dưới hiến pháp” do chính họ đặt ra ấy, nếu cần, họ cũng sẵn sàng chà đạp. Nếu có một cơ quan Quốc Hội hay tòa án xử lý những điều luật vi hiến ấy như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn có, thì sẽ có biết bao điều hay khoản luật trong các pháp lệnh, nghị quyết… phải đem ra xét xử hoặc xét lại. Và tòa án ấy cũng phải xử vô số những hành động trái pháp luật của chính nhà cầm quyền hiện nay.

Để xử án các nhà dân chủ, nhiều khi tòa án của nhà nước cộng sản phải bất chấp quy định của pháp luật, là xử lén lút, âm thầm chứ không dám xử công khai. Họ thường hạn chế tối đa số thân nhân, đồng bạn hay đồng sự của bị can đến tham dự, thậm chí chỉ còn 1, 2 người, đôi khi chẳng có ai. Như thế hẳn nhiên phải có những khuất tất, lấp liếm, bất công trong đó. Thật ra xử án chỉ là cách hợp pháp hóa những bản án bất công đã được giới cầm quyền định sẵn từ trước. Vụ xử án Lm Nguyễn Văn Lý (2001), Ms Nguyễn Hồng Quang (2003), Bs Phạm Hồng Sơn (2003), nhà báo Nguyễn Vũ Bình (2003)… là những chứng cứ rất điển hình. Điều thật bỉ ổi, đó là: pháp luật, tòa án, thay vì là một phương tiện hữu hiệu để bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân thì trong rất nhiều trường hợp lại trở thành một công cụ bảo vệ, che chở cho những bất công và tội ác của chế độ cũng như những người đang làm việc cho chế độ.

Cách nhà cầm quyền đàn áp linh mục Nguyễn Văn Lý là một điển hình rõ rệt cho sự bất cân xứng về đủ mọi mặt giữa nhà nước cộng sản và các nhà dân chủ. Để bắt có một mình Lm Nguyễn Văn Lý, vào ngày 17-5-2001, nhà nước đã phải dùng đến chiến thuật biển người, với một lực lượng công an đông đảo tới 600 người (theo như các nguồn tin đã loan trên các mạng Internet). Việt Nam đúng là một nước rất nghèo về nhiều mặt nhưng lại là nước rất giàu về công an! Để chiến đấu với một kỹ sư Đỗ Nam Hải, họ đã phải dùng một số công an chìm thay phiên nhau theo dõi từng đường đi nước bước của anh. Anh Hải cho biết: nhiều tháng nay, anh đi đâu cũng có ít nhất 2 thanh niên đi theo, có khi 3, có lúc 4… Thế nhưng khi anh phản đối điều ấy với công an quận Phú Nhuận, thì như anh kể, họ chối phăng như không bao giờ có chuyện ấy! Để dẫn anh về nhà hầu tịch thu có mỗi một cục CPU (máy vi tính) của anh, mà công an quận Phú Nhuận phải huy động cả mười mấy người để làm cái việc rất nhỏ ấy! Có lần tại công an phường 6 quận 3, vào cuối năm 2005, anh phải làm việc với một tổ công an gồm 6 người thay phiên nhau thẩm vấn anh, suốt ngày và suốt đêm theo kiểu «xa luân chiến»! Họ có quyền thay phiên nhau nghỉ ngơi, còn anh thì phải làm việc liên tục!

Hiện nay, bất kỳ một hành vi tranh đấu nào của các nhà dân chủ cũng đều phải làm cách công khai. Để tránh bị phiền nhiễu, họ phải tôn trọng pháp luật tối đa, dù pháp luật ấy đối với họ còn rất nhiều điều bất công, bất hợp lý, có nhiều điều chẳng những mâu thuẫn với hiến pháp mà còn mâu thuẫn lẫn nhau nữa. Các nhà dân chủ phải tôn trọng pháp luật để hạn chế tối đa những duyên cớ hay lý do mà nhà cầm quyền có thể vin vào để bắt bớ họ. Nếu cần phải bí mật thì không phải vì điều ấy trái pháp luật, mà chỉ vì các nhà dân chủ không muốn để nhà cầm quyền biết trước để phá đám hay ngăn cản mình. Nhưng những việc tạm thời bí mật ấy sau khi thực hiện xong thì các nhà dân chủ đều công khai hóa tất cả trên mạng Internet trước thế giới và trước cả nhà cầm quyền cộng sản nữa. Cụ thể nhất là mới đây (vào tháng 3 và tháng 4-2006) anh Đỗ Nam Hải đã phải khốn khổ nhiều ngày chỉ vì nhà cầm quyền muốn ngăn cản anh viết bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ: họ đã đến bắt anh khi anh đang ăn sáng ở ngoài tiệm, tịch thu máy vi tính một cách trái pháp luật, làm việc với anh nhiều ngày để anh không còn tâm trí và thì giờ mà viết… Nhưng họ đã thất bại vì bản tuyên ngôn vẫn ra đời đúng kỳ hạn, nghĩa là trước đại hội đảng X!

Sự công khai của các nhà dân chủ cũng được thực hiện ngay trong những cú điện thoại, những email, những thư từ, vì nhà nước cộng sản đang nắm trong tay quyền kiểm soát tất cả những thứ ấy. Sự công khai ấy cũng là một thứ khí giới lợi hại, vì nhờ đó nhà nước có muốn đàn áp, bịt miệng các nhà dân chủ cách vi hiến hay vi luật, thì hành động của họ cũng bị trở thành công khai. Các nhà dân chủ đã phải hành động theo cách thức của một kẻ yếu thế và đơn độc bị một đám đông bất lương muốn hành hung hãm hại: để được bảo vệ an toàn thì sự khôn ngoan đòi hỏi người ấy đi đâu cũng phải đi giữa chốn đông người, chỗ có ánh sáng chan hòa. Nếu đi vào chỗ vắng, chỗ tối thì có rất nhiều nguy cơ bị hãm hại. Chính vì thế, vũ khí để tự vệ của các nhà dân chủ hiện nay chính là công khai mọi hoạt động của mình và những hành vi đàn áp của nhà cầm quyền trên mạng lưới Internet toàn cầu, để nhất cử nhất động của mình và của họ đều được phơi bày ra trước ánh sáng.

Cũng chính vì muốn hạn chế thứ vũ khí này của các nhà dân chủ mà nhà cầm quyền đã cố gắng hạn chế việc sử dụng Internet, điện thoại của các nhà dân chủ. Hiện nay, anh Đỗ Nam Hải và một số nhà dân chủ khác đã bị cắt điện thoại di động (dùng sim card) nhiều lần hoặc bị cúp điện thoại nhà, bị cắt dịch vụ Internet môt cách trái pháp luật… Không chỉ như thế, anh Hải còn cho biết, mỗi khi anh vào tiệm Internet thì người theo dõi anh (mà nhiều khi anh biết mặt) cũng tìm cách vào ngồi bên cạnh anh để xem anh làm gì, đọc gì. Việc theo dõi của nhà cầm quyền đối với các nhà dân chủ không được thực hiện cách kín đáo, lịch sự như trong các nước tự do dân chủ, mà nhiều khi rất trắng trợn, lộ liễu. Các nhà tranh đấu cho dân chủ chỉ còn biết dựa vào những quyền căn bản nhất mà hiến pháp VN và công ước quốc tế đều công nhận để công khai làm những việc cần thiết cho công cuộc tranh đấu của mình. Việc làm mới nhất là tự động ra hai tờ báo giấy «Tự Do Ngôn Luận» và «Hoa Mai» để hành xử quyền tự do ngôn luận của mình. Nếu bị bắt bớ hay ngăn cấm thì họ cũng phải công khai hóa việc vi phạm nhân quyền ấy trên mạng lưới toàn cầu.

Trong khi các nhà dân chủ phải luôn luôn tôn trọng pháp luật để khỏi bị nhà cầm quyền có cớ bắt bớ, khó dễ, thì nhà cầm quyền lại vi phạm chính pháp luật mà họ đặt ra một cách rất công khai mà vô sự. Nhà cầm quyền không những tạo ra những điều luật vi hiến để hợp pháp hóa những hành động đàn áp, như nghị định 31/CP cho công an quyền quản chế khỏi cần xét xử, mà còn vi phạm ngay chính luật pháp của họ. Cụ thể như năm 2004 họ đã bắt cóc anh Đỗ Nam Hải buộc anh làm việc với công an suốt hai ngày hai đêm mà chẳng có ai xét xử. Một số bài báo trên Internet còn cho biết có những lần công an phải nhờ đến thứ «nhân dân phẫn nộ» (từ mà công an vẫn dùng) để tiếp tay trong những vụ đàn áp như ném mắm tôm, đồ bẩn vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, hành hung hai anh Đỗ Nam Hải và Nguyễn Khắc Toàn trong tiệm Internet, hoặc mới đây với luật sư Nguyễn Văn Đài ở ngoài đường…

Nhiều nhà tranh đấu chỉ cần nhận tiền của bạn bè ở ngoại quốc – dù chỉ là 100, 200 USD để sống qua ngày hầu tiếp tục tranh đấu trong lúc bị nhà cầm quyền bao vây kinh tế, bị cho là nhận tiền để «làm tay sai cho những thế lực thù địch». Trong khi các quan lớn cầm quyền nhận hàng triệu đôla của nước ngoài, hoặc biển thủ hàng triệu đôla tiền viện trợ hay vay nợ nước ngoài mà chẳng có anh công an nào dám hạch sách, cho đến khi sự việc bị đổ bể do báo chí khui ra. Xem ra nhà nước VN không chịu để lọt lưới pháp luật một lỗi nhỏ bằng con muỗi của các nhà tranh đấu dân chủ hay của dân đen, nhưng lại sẵn sàng để lọt lưới những tội lớn bằng cả con trâu của những kẻ đang cầm quyền. Một đằng họ quản lý vô cùng chặt chẽ, một đằng họ thả lỏng đến mức không thể chấp nhận được. Sự bất cân xứng về mặt luật pháp giữa hai bên thật quá đáng! Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu mà nhiều anh công an nói với tôi: «Việt Nam tự do gấp triệu lần những nước khác!» và thấy câu ấy quả là đúng và chí lý. Nhưng dường như chỉ đúng với các cán bộ cầm quyền, chứ chẳng đúng với người dân chút nào! Với người dân, chẳng những không đúng mà còn phải hiểu ngược lại mới đúng!

Bài này nêu lên sự bất cân xứng ấy để mọi người thấy rằng Việt Nam cần phải có một «luật chơi» công bằng của một đất nước thật sự là tự do dân chủ. «Luật chơi» ấy phải được áp dụng công bằng cho những khuynh hướng chính trị khác nhau của người dân. Nếu một nước chỉ có chủ trương hay tiếng nói của một thiểu số cầm quyền – ở Việt Nam là đảng cộng sản, chỉ gồm 3 triệu đảng viên (tức chưa được 4%) so với hơn 80 triệu dân – được coi là duy nhất đúng cách vĩnh viễn, không chấp nhận một tiếng nói nào khác từ người dân, thì nước ấy làm sao gọi là dân chủ được? Nếu người dân nào nói lên tiếng nói ôn hòa và hợp lý của mình ngược lại với chủ trương của thiểu số đang cầm quyền đều bị đàn áp, bị bịt miệng lại, thì làm sao bảo được là người dân có tự do?

Cuộc tranh đấu của đa số các nhà dân chủ hiện nay ở trong nước là làm sao thực hiện được một thể chế biết thật sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân, trong ấy mọi người dân, mọi đảng phái đều có quyền bình đẳng đúng như mọi bản hiến pháp trên thế giới kể cả của Việt Nam đều quy định. Trong thể chế dân chủ này, người cộng sản cũng phải bình đẳng và cũng được bình đẳng như mọi công dân khác, không hơn không kém. Đảng cộng sản tự cho mình độc quyền cai trị đất nước cách vĩnh viễn, không thời hạn, không nhiệm kỳ, bất chấp đảng này đã bị thoái hóa trầm trọng, là một điều vô cùng phi lý. Chính điều phi lý này là nguyên nhân làm nên tình trạng tụt hậu và nghèo khổ của đất nước hiện nay.

Cuộc tranh đấu của các nhà dân chủ hiện nay là một cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa. Chính nghĩa đó chính là sức mạnh có thể lôi kéo được cả toàn dân vào cuộc tranh đấu này. Toàn dân hiện nay chưa tham gia vào cuộc tranh đấu này vì vẫn còn sợ hãi do nhà nước kiềm chế quá chặt chẽ bằng bạo lực khủng bố. Tuy hiện nay các nhà dân chủ mới chỉ là một nhúm người, nhưng họ tin tưởng vào chính nghĩa của mình và vào sức mạnh của chính nghĩa ấy. Còn những kẻ đang cầm quyền hiện nay họ chỉ quyết tâm bảo vệ chế độ bằng mọi giá, kể cả bằng những việc làm bỉ ổi, đê hèn, thất nhân tâm như đã nói trên, chỉ vì muốn bảo vệ độc quyền cai trị để tiếp tục hưởng những đặc quyền đặc lợi từ chế độ độc tài ấy. Họ không có chính nghĩa.

Cũng như Liên Sô vả các nước cộng sản khác ở Âu châu, chính nghĩa của các nhà đấu tranh cho dân chủ chắc chắn sẽ thắng lợi vẻ vang. Chế độ độc tài toàn trị chắc chắn phải cáo chung khi toàn dân thắng vượt được sợ hãi để cùng sát cánh tranh đấu với các nhà dân chủ.

Du Học Sinh và Tương Lai Đất Nước (CT23)


Võ Chương

Trong 15 năm đầu sau ngày thống nhất, đa phần du học sinh VN mở mang kiến thức và thu nhận học hàm học vị ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ (đến nay chỉ còn một số rất nhỏ du học ở Trung Quốc và Cuba). Những tệ nạn xảy ra cho du học sinh thời đó cũng dự phần tiêu cực khá lớn vào chính sách của VN sau này, khi những du học sinh bấy giờ về nước và nắm giữ những vị trí quan trọng trong guồng máy chính phủ. Đó là thế hệ của các ông Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương v.v....

Thế hệ du học sinh kế tiếp, sau chiến tranh lạnh, được mở rộng con đường tri thức về phía các quốc gia tân tiến, một số lớn nằm trong G7. Hiện nay, số du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam ở nước ngoài đã lên đến trên dưới 30 vạn người. Hẳn là, trong bài toán canh tân đất nước hồi giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh có thể mường tượng ra rằng Việt Nam ta có lúc có được một lượng lớn sinh viên Đông Du và Tây Du nhiều đến vậy. Đó là thế hệ của các bạn Lê Công Định, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung v.v....

Ở lứa tuổi trung bình trên dưới 30, nếu bước đi bằng ngọn đuốc soi đường của trí tuệ tự do, bằng ngọn lửa lý tưởng trong sáng trong tim, thế hệ du học sinh này sẽ là những đại sứ chân chính của VN ở nước ngoài. Và có những người đã bước đi bằng những ngọn đuốc soi đường đó.

Họ đã đến Đức và Nhật là hai quốc gia thất trận thời thế chiến thứ hai, để thấy ra sức mạnh kinh tế đứng đầu Âu châu và Á châu của hai quốc gia này, so với một VN đã từng chiến thắng bao đế quốc và hiện đang lẽo đẽo xếp hàng sau lưng nhân loại, lại còn phải xin phép Campuchia để gia nhập vào WTO! Họ đã đến Mỹ để cảm nhận rõ ràng về mảnh đất được coi là cơ hội thăng tiến cho bất kỳ ai và thấu cảm đến tận cùng câu nói bất hủ của một cố nhạc sĩ được yêu mến hàng đầu ở VN: "Nước người ta trở thành siêu cường là nhờ ...có ít anh hùng!". Họ đã đến Pháp và gửi về cho Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo một câu hỏi chưa có lời giải: "Thưa thầy, làm sao có công bằng xã hội khi chỉ có một Đảng độc quyền lãnh đạo?". Họ đã đến Úc để bảo vệ luận án về ngành Giáo Dục, và khám phá ra rằng: "Khó lòng áp dụng được những điều học hỏi tốt đẹp này cho VN trong điều kiện hiện nay anh ạ. Chúng ta không thể vá đắp. Chúng ta phải thay cái lõi anh ạ!".

Họ đã ra nước ngoài, nhìn lại VN, và tự làm một so sánh căn bản: "Ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã thi hành chính sách kinh tế ngăn sông cấm chợ để tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Khi nhận ra sai lầm để tiến hành công cuộc đổi mới thì vẫn lại là «kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội», với kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, còn thành phần kinh tế tư nhân thì yếu và thiếu. Chính vì lý do đó mà Việt Nam không theo kịp đà tiến của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v…". Họ đã đến khắp miền đất lạ để nhìn tận mắt, bắt tận tay, day tận trán những ý niệm tưởng chừng vô cùng trừu tượng (hay từng được dán nhãn là cực kỳ phản động) trước đây: ý thức dân chủ của người dân; môi trường dân chủ của xã hội; cơ chế dân chủ của quốc gia... những ý niệm nối liền nhau đã từ lâu trở thành mẫu mực sống quân bình giữa quyền lợi và trách nhiệm của từng công dân sở tại, từ thuở ấu thơ đến tận tuổi già, xuyên suốt những cuộc đời an bình và thăng hoa trong một xã hội tiến hóa không ngừng. Qua đó, họ đã tự kết luận rằng môn Chính trị học mà họ từng bị gò ép từ những năm cấp 3 và suốt 4 năm đại học, thực chất không những vô bổ mà còn chính là những xiềng xích tư duy cá nhân lẫn tập thể.

Họ đã... Nhìn Từ Xa Tổ Quốc, rằng: "Không tự hào gì khi là đảng độc quyền, tự ca ngợi, tự lựa chọn chính mình. Điều nguy hiểm là để duy trì điều đó đảng đã kìm hãm Dân tộc, đã phải có những việc làm có lợi cho đảng nhưng có hại cho Dân tộc". Họ trưởng thành, không ở số tuổi, mà chính ở những phân định rạch ròi một lằn ranh và biết rõ chính mình phải đứng về phía nào. Họ đã tận tình chia sẻ cùng nhau một mẫu số chung bắt gặp: Dân chủ chính là cái nôi của phát triển. Đa nguyên đa đảng chính là điều kiện tất yếu của cất cánh. "Thăng Long ư? Không có con rồng nào bay được bằng mỗi một cánh độc đảng đâu anh! Cũng chẳng có con rồng nào bay xa được bằng một cánh Tàu với một cánh Mỹ đập loạn! Phải có đủ hai cánh, và cả hai cánh dân tộc mới được anh ạ!". Họ đã bình tâm và lịch sự trao đổi với nhau những trăn trở thường trực: "Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?". Họ đã ghé nhiều trang mạng mà không cần phải vượt tường lửa để góp ý với nhau về nhiều khía cạnh của cuộc sống, của xã hội. Họ phát biểu chừng mực nhưng tự do và rõ ràng (không nhất thiết phải bám vào giáo điều Mác-Lê hoặc dựa vào những danh ngôn trồng cây trồng người hay cần kiệm liêm chính...). Họ đứng bên ngoài những thương-ghét, những định kiến, những đánh bóng, những hào quang và ngay cả những vu khống hạ bệ... để phân biệt điều đúng-sai và sẵn sàng bênh vực cho lẽ phải. Họ tỉnh táo và công bằng hơn là thế hệ cha anh của họ chờ đợi.

Còn điều chờ đợi của chính họ? Phải chăng đó là những điều kiện thuận lợi nhất cho sự đóng góp của từng người vào một bức phá vượt thoát con nước ròng tụt hậu để hướng mọi nỗ lực canh tân về một tương lai sáng lạn hơn của VN? Đại hội nào của đảng sẽ cho họ một câu trả lời rạch ròi, minh bạch? Mức giới hạn tính kiên nhẫn của họ đến đâu với các PMU rò rỉ và chính sách Xóa đói Giảm nghèo miên viễn của đảng?

Trong 15 năm đầu sau ngày thống nhất, có mơ cũng không ai tưởng tượng ra nổi một thế hệ tráng niên suốt đời dằn vặt về ý nghĩa của cuộc chiến tương tàn 54-75. Cũng không ai tưởng tượng ra nổi một thế hệ thanh niên tự bức rời ra khỏi giáo điều chủ nghĩa hay những chiến công làm khánh tận đất nước, để hướng tầm nhìn về tương lai của dân tộc, sau khi đã phóng tầm mắt ra ngoài biên cương lãnh thổ và nhận chân ra nỗi nhục lớn nhất của mình là cái nhục lạc hậu đói nghèo. Bên cạnh đó, niềm tin lớn nhất cũng chính là niềm tin vào khả năng của người Việt Nam, trong một môi trường sinh hoạt lành mạnh (đã được chứng tỏ tại nhiều nước Âu Mỹ), sẽ đưa đất nước cất cánh không thua kém các quốc gia trong vùng. Môi trường lành mạnh đó không phải tự nhiên mà có để một thế hệ mới tự nhiên ươm mầm và vươn lớn. Chính những thế hệ ngày hôm nay, trong đó có hàng vạn du học sinh, bằng trí tuệ và lòng yêu nước, sẽ vun xới mảnh đất đó cho chính mình và tương lai những thế hệ mai sau.

Cho Vay Lắt Nhắt - Một Phương Cách Khởi Động Xã Hội Dân Sự (CT23)


Vũ Thạch

Cho Vay Lắt Nhắt, hay nói cho văn hoa: Vi Tín Dụng (VTD), Microcredit, Microfinacing, là các chương trình cho những gia đình cực nghèo trong xã hội vay những khoản tiền nhỏ, thường từ 100 đô la trở xuống để khởi xướng những kế sinh nhai cho gia đình. Chẳng hạn như US$15 để nuôi một đàn gà, US$50 để mua cái máy may đạp chân, v.v... Cần nói rõ đây không phải là tiền nhân đạo tặng không; cũng không phải loại tiền cho vay để lo liệu các chuyện bất ngờ trong gia đình. Mục tiêu của số tiền cho vay là để lập kế sinh sống lâu dài cho gia đình.

Người mượn các khoản tiền này phải trả lại cả vốn và lãi nhẹ. Số tiền đó lại được dùng cho người kế tiếp vay. Phần tiền lời được dùng cho các chi phí giấy tờ, di chuyển, hoặc đắp vào để mở rộng thêm ngân quỹ cho vay. Người mượn tiền phải trả thường xuyên, hàng tuần hay hàng tháng, thành nhiều khoản nhỏ chứ không chờ đến cuối hạn nợ mới trả hết một lần. Tại những nơi quá nghèo, 4, 5 nhà gần nhau có thể nhập thành nhóm tương trợ, để tuần hay tháng nào có nhà thiếu chút ít khoản tiền phải trả thì các nhà trong nhóm có thể đỡ đần tạm thời cho nhau. Mỗi gia đình mượn tiền phải cho thấy ý định rõ ràng họ sẽ dùng số tiền này làm gì. Sau mỗi lần họ làm ăn thành công và theo đúng tiến trình trả xong món nợ cũ, họ lại có thể mượn một khoản nợ mới lớn hơn lần trước. Chu kỳ này được lập lại cho đến khi gia đình này có thể hoàn toàn tự lập hoặc khoản tiền họ muốn mượn đã vượt quá giới hạn qui định.

Nguồn Gốc

Từ những năm 1970, càng ngày các tổ chức quốc tế với mục tiêu cải tạo xã hội cũng như các cá nhân hay hội đoàn tặng tiền bạc càng nhận ra sự phung phí và vô ích của các khoản tiền viện trợ khi trao vào tay các chính quyền để qua họ giúp các gia đình nghèo trong xã hội. Và nếu có đến tay các gia đình nghèo thì cũng chỉ giúp được một thời gian ngắn rồi đâu lại hoàn đấy, đói lại hoàn đói. Suốt 3 thập niên sau đó nhiều phương thức đã được thử nghiệm để tìm cách thực sự với tới giới nghèo ở tận cùng xã hội, giúp họ vươn lên một cách hữu hiệu, mà không tạo thêm những ganh ghét, cạnh tranh với giới thương mãi hay những kẻ đang nắm quyền. Sau rất nhiều thất bại và uổng phí vô số các khoản viện trợ trên khắp thế giới, ngày nay Vi Tín Dụng được xem là một trong vài phương cách hiếm hoi mang khả năng thực sự đưa nhiều con người thoát vòng nghèo đói cùng cực. Những tổ chức tiên phong với nhiều kinh nghiệm nhất trong lãnh vực này bao gồm FINCA International, ACCION International, Grameen, v.v....

Tại thời điểm 2005, hơn 100 triệu gia đình hiện đang mượn tiền và kiếm sống bằng các khoản nợ "li ti" này trong lúc hàng triệu gia đình khác đã có thể sống tự lập từ Phi Châu đến Châu Mỹ La Tinh và Á Châu, kể cả một số khu quá nghèo tại những cường quốc như Hoa Kỳ. Đây là con số tăng trưởng vượt bậc vì vào cuối thập niên 1990, chỉ có khoảng 25 triệu gia đình được mượn nợ. Hàng ngàn các định chế tài chánh đã nhập cuộc, không chỉ những tổ chức vô vị lợi mà cả những ngân hàng thương mãi. Đặc điểm thu hút các ngân hàng thương mãi là tỷ số hoàn lại nợ rất cao.

Từ những thành công ở cấp quốc gia và vùng, phong trào dùng Vi Tín Dụng để xoá đói giảm nghèo đã liên kết thành những mạng lưới toàn cầu. Đáng kể nhất là liên hội Microcredit Summit Campaign, bao gồm khoảng 3000 đoàn thể hội viên trong lãnh vực này. Liên Hiệp Quốc tuyên xưng 2005 là Năm Quốc Tế Về Vi Tín Dụng. Một đại hội toàn cầu có tên The Global Microcredit Summit 2006 sẽ được tổ chức vào ngày 12 -15 tháng 11 tại Halifax, Nova Scotia, Canada.

Những Thành Kiến Không Chính Xác

Có lẽ người Việt chúng ta cũng không khác gì dân chúng tại các nước khác khi mới nghe đến phong trào cho mượn nợ kiểu này, nghĩa là rất ngờ vực về khả năng thành công của nó. Nghi vấn khá hiển nhiên đầu tiên là: có ai khôn ngoan mà lại đưa tiền cho người đang cùng quẫn nhất trong xã hội, bất kể ít hay nhiều, rồi mong lấy lại được!? Đặc biệt trong trường hợp VN, đính kèm với nghèo đói cùng cực là tiêu chuẩn luân lý bị hủy hoại dưới sức tàn phá của XHCN, xác suất hoàn lại nợ sẽ còn ít hơn nữa. Những mẫu chuyện "giật hụi" còn nhan nhản khắp nơi. Chưa kể những người có tiền "chơi hụi" chưa phải là tầng lớp cùng kiệt nhất trong xã hội. Mức độ "chạy nợ" hẳn còn tệ hơn nữa ở tầng lớp nghèo khó nhất. Tuy nhiên, các dữ kiện thu thập từ 3 thập niên qua cho thấy các thành kiến trên đều không chính xác. Trước hết, mức nghèo của những người ở đáy xã hội Ấn Độ không khác gì dân VN; mức tàn phá của chiến tranh mà dân quê tại Trung Mỹ phải gánh chịu không thua gì nông dân VN; và hệ quả cùng kiệt của XHCN và thể chế độc tài tại nhiều quốc gia Châu Phi cũng ngang ngửa với xã hội ta. Nói tóm lại, hiện trạng trên đất nước chúng ta KHÔNG đặc thù so với những vùng nghèo khó khác trên thế giới. Vậy các tổ chức có chương trình Vi Tín Dụng đã thấy gì tại những nơi này?

Điều ngạc nhiên đầu tiên là: "Dân nghèo rất sợ mượn nợ". Là những người thấp cổ bé miệng, họ đã có nhiều kinh nghiệm về những biện pháp dã man của các chủ nợ khi họ không có tiền trả, kể cả việc bắt con cái họ đem bán để trừ nợ. Vì vậy, nhân viên của các chương trình VTD thường phải bỏ công thuyết phục dân chúng về sự "hiền lành" của các "chủ nợ" này và những phương cách để người mượn tiền trả liên tục nhiều khoản nhỏ chứ không để dồn lại, hoặc tụ một nhóm gia đình lại để nâng đỡ nhau trong việc trả nợ, v.v....

Điều ngạc nhiên thứ hai là mức hoàn lại nợ rất cao, thường từ 90% đến 95%. Đây là con số ngoài sự mơ tưởng của các ngân hàng thương mãi. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng này: những món nợ đầu quá nhỏ nên có "giật" cũng chẳng được là bao mà còn không được mượn những món lớn hơn. Khi đã thành công và mượn được các khoản nợ lớn hơn, chính người mượn nợ đã có được một số tài sản nhỏ và không muốn các tài sản đó bị "xiết" nếu không trả lại nợ. Những nhà hoạt động xã hội có nhận xét lạc quan hơn. Họ cho rằng vì những người nghèo này biết ơn chương trình VTD và biết rõ số tiền thu lại sẽ tiếp tục giúp cho những gia đình cùng khổ khác như họ.

Hiện tượng "giật hụi" khó có xác suất xảy ra vì (1) không có khoản tiền lớn nào được tụ lại lâu lâu một lần để "giật"; (2) món nợ lúc đầu rất nhỏ và chỉ tăng dần theo kết quả dùng tiền hữu hiệu và trả nợ sòng phẳng; và (3) việc trả nợ được chia nhỏ ra và được thu rất thường xuyên chứ không để dồn lại đến độ người nợ phải bỏ chạy.

Các Ảnh Hưởng Tích Cực của Vi Tín Dụng trong Xã Hội

Hiển nhiên về mặt nhu cầu vật chất thiết thực nhất, nhờ VTD các gia đình nghèo có kế mưu sinh lâu dài. Đây không phải là loại cứu trợ thừa mứa trong một thời gian ngắn rồi đói lại hoàn đói, nhưng là cách để kiếm sống lâu dài dựa trên chính sáng kiến, chọn lựa và công sức của từng gia đình. Hay hơn nữa, kinh nghiệm đã thu thập cho thấy hầu hết các gia đình vừa thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa là nghĩ ngay đến việc cho con cái đi học, ít là một vài đứa nếu không đủ cho tất cả, với ước mong chúng không phải quay lại với lối sống cùng khổ của cha mẹ. Đây mới là lời giải dứt khoát và lâu dài cho nạn nghèo đói, lạc hậu. Nhìn rộng hơn, ta thấy các gia đình nghèo này cũng thoát ra khỏi vòng nô lệ cho những kẻ có tiền bạc vẫn thường là chủ nợ hoặc thuê mướn họ rất bất công. Riêng tại Việt Nam ngày nay, đặc biệt tại nông thôn, những kẻ có tiền và có quyền thường là một hoặc cấu kết chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào người dân vượt ra được sợi dây trói kinh tế của những kẻ này họ mới đủ tự tin và gan dạ để đòi hỏi những quyền khác thuộc về họ hoặc dám chống lại những chèn ép vô cớ. Nói cách khác, chỉ khi nào có được khả năng tối thiểu tự lập về "dân sinh" người ta mới có thể nói đến chuyện đòi hỏi "dân quyền".

Từ góc nhìn của những người muốn xây dựng lại xã hội Việt Nam, chúng ta cũng thấy phương cách này có tiềm năng không những phục hồi nhân vị và lòng tự trọng nơi từng con người khốn cùng, mà còn xây dựng lại niềm tin giữa con người với nhau, niềm tin vào lý tưởng phục vụ vô vị lợi, và cách hành xử tương trợ nâng đỡ nhau trong cộng đồng. Đây chính là sức sống của một Xã Hội Dân Sự mà chúng ta rất mong muốn xây dựng.

Sau hết, nhìn từ góc cạnh đấu tranh, chúng ta cũng thấy rất nhiều lợi điểm gián tiếp từ các chương trình VTD:

  • Trước hết, với loại chương trình VTD, không những khối tiền lớn ban đầu không lọt vào tay thiểu số cầm quyền tham nhũng như những vụ quốc tế tài trợ phát triển thường thấy hiện nay, mà các phúc lợi sản sinh sau đó cũng không dồn về cho nhà nước nhưng luân lưu bên ngoài xã hội, trong vòng dân chúng.
  • VTD giúp gia tăng các sinh hoạt qua lại rất nhỏ liên quan đến các nhu cầu đời sống giữa dân chúng trong cùng một đơn vị dân cư với nhau mà không cần phải đi qua hệ thống nhà nước. Đây chính là một hình thức khởi động Xã Hội Dân Sự rất căn bản.
  • Chính vì không đi qua Nhà Nước nên vai trò "nắm quyền sinh sát" của những kẻ cầm quyền trên đời sống người dân giảm dần. Người ta không phải tiếp tục dựa vào chế độ để kiếm sống, và từ đó sự sợ hãi mới có cơ hội hạ xuống để các hành động đòi hỏi cho những quyền lợi khác, cao hơn, có thể dần dần ló dạng.
  • Hình thức tìm đến giúp dân nghèo qua các chương trình VTD cũng là vỏ bọc rất tốt để những người có thể di chuyển khắp nơi, đến gần dân chúng, và ngay cả tạo những quan hệ với các cơ quan quốc tế bên ngoài để xử dụng khi cần thiết.
  • VTD cũng cho ta cơ hội rất tốt để phát triển lý tưởng phục vụ của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là sinh viên. Họ có thể tình nguyện làm nhân viên không lương hoặc lương thấp cho các chương trình này.
  • Vì có thể khởi động mà không cần phải có một số tiền ban đầu thật lớn, loại chương trình VTD rất khả thi để khối kiều bào người Việt hải ngoại (với số đại phú còn rất ít) có thể góp phần tích cực vào việc phát triển XHDS tại VN băng ngang qua đầu chế độ. Tối thiểu, các chương trình VTD có thể tách ra được một phần con số 4 tỷ mỹ kim hải ngoại gởi hàng năm về nước cho những mục tiêu ích lợi cho đấu tranh và tương lai đất nước.

Những Khó Khăn

Hiện nay, chưa có tổ chức VTD độc lập nào lọt chân vào được các quốc gia còn nằm trọn vẹn dưới quyền cai trị của các đảng cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn. Các khó khăn chính vẫn là:

  • Vì đây không phải là những khoản tiền viện trợ không hoàn lại và cũng không phải là những khoản tiền cho chính phủ vay mượn, nên giới cầm quyền không mấy "hồ hởi" cho phép các chương trình VTD từ nước ngoài vào hoạt động hay các chương trình tự đứng lên trong nước với sự trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên theo kinh nghiệm mở đường tại một số nước còn bị cai trị ngặt nghèo khác (không cộng sản), nếu các định chế tài chánh thế giới tạo đủ áp lực hoặc dùng việc mở các chương trình VTD như những điều kiện để chế độ được nhận tiếp các khoản viện trợ vô điều kiện trước đây, các chương trình VTD đầu tiên có thể được thành hình.
  • Một khi được cho phép hoạt động, các chương trình VTD cũng phải vượt qua các trở ngại do các cán bộ cầm quyền tại địa phương gây ra. Vẫn theo kinh nghiệm tại một số nước kể trên, thành phần có quyền hành tại địa phương thoạt đầu nhất định xen vào số nhân viên của các chương trình VTD với hy vọng "bòn rút" hoặc phân phối các món tiền cho vay như những ơn huệ cho những gia đình "ưu tiên". Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn các kẻ này đều rút lui vì không bòn rút được gì, lương trả rất thấp chỉ vừa đủ sống, và các khoản cho vay đều rất nhỏ và có đủ cho tất cả những ai muốn vay.
  • Lý do quan trọng nhất khiến các chương trình VTD chưa mở được tại các nước cộng sản là mối lo ngại của giới cầm quyền về các ảnh hưởng chính trị của các chương trình này lên dân chúng. Tuy vậy, nếu nhìn những chương trình thiện nguyện về y tế và nhân đạo phi chính phủ đang tiến hành tại nhiều nơi trên đất nước, việc mở các chương trình VTD không còn là 1 bước quá lớn và rất có thể xảy ra. Tuy nhiên nỗ lực vận động các định chế quốc tế vẫn rất cần thiết để tạo đủ áp lực buộc đảng và nhà nước phải chấp nhận các chương trình này, đặc biệt là vạch trần sự thiếu thành tâm của chính phủ trong các kế hoạch "xóa đói giảm nghèo" nếu không cho phép các chương trình VTD hoạt động.

Kết Luận

Vi Tín Dụng là một phương tiện mới, đã được thế giới kiểm nghiệm, để các nước nghèo như Việt Nam không những giảm bớt số phận cùng cực của con người mà còn khởi đầu việc xây dựng Xã Hội Dân Sự. Chính Xã Hội Dân Sự này sẽ góp phần lớn trong việc xóa dần sự độc tôn quyền lực chính trị của đảng CSVN và làm nền tảng lâu dài cho việc thiết lập thể chế dân chủ cho đất nước.