05 tháng 2, 2005

Hội Đoàn trong Phát Triển (CT9)

Lê Trực


Kể từ thời dựng nước, Việt Nam đã trải qua gần năm chục thế kỷ bị thường trực đe dọa mầm xâm lược từ phương Bắc với tổng cộng cả ngàn năm Bắc thuộc và cả trăm năm Pháp thuộc. Nhưng, đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại trên mặt đất. Nhờ đâu? Có nhiều yếu tố đáng kể. Đáng kể hàng đầu phải là tinh thần quần tụ cộng đồng, thấy rõ nhất là khi phải đối diện với thiên tai và địch họa. Không ai bảo ai, chiến đấu với thiên nhiên và kẻ thù xâm lược phải bắt đầu bằng tinh thần đoàn kết. Đoàn kết từ cấp thôn xã tới cấp quốc gia. Đoàn kết từ các tảng đất đắp đê cho tới những đầu gậy Diên Hồng. Đoàn kết bằng ý chí đấu tranh và bằng kỷ luật tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo chỉ huy. Đoàn kết đã trở thành tập quán sinh hoạt của người Việt, từ năm ngàn năm trước. Đoàn kết chính là chất keo gắn liền những trang sử vẻ vang của dân tộc và sự tồn tại của quốc gia. Rõ ràng: Quốc gia không phải được hình thành để chia chác những vinh quang bổng lộc, mà nó hình thành để các cộng đồng dân cư cùng sẻ chia những khó khăn và thử thách.

Các cộng đồng dân cư đã cùng nhau tổ chức hóa quốc gia từ thời dựng nước và liên tục làm cho đất nước phát triển. Mặt khác, nó giữ một vai trò quan trọng trong cả việc quân bình hóa sinh hoạt tinh thần lẫn vật chất của chính những cộng đồng dân cư đó. Lòng tự tin của nhân dân ngày một nâng cao và khoảng cách giàu nghèo cũng được giảm thiểu khi sinh hoạt cộng đồng nảy nở lành mạnh dưới nhiều hình thái khác nhau, gần gũi nhất là các hội đoàn. Vì sao? Bản chất thực sự của đói nghèo là do sự bất bình đẳng về quyền lực, nguyên nhân chính gây ra sự bất bình đẳng về cơ hội. Nhất là khi mà trong xã hội, tính minh bạch cùng trách nhiệm giải trình không được coi trọng, thì cơ hội tiếp cận hoàn toàn thuộc về giới quyền chức, tất yếu làm giới hạn quyền được thăng tiến của một bộ phận lớn nhân dân. Một cơ chế xã hội càng tạo ra nhiều sự bất bình đẳng về quyền lực thì sẽ khiến cho tình trạng chênh lệch nghèo càng trở nên trầm trọng. Sinh hoạt hội đoàn sẽ làm gia tăng trọng lượng tiếng nói của các cá nhân đơn lẻ, khiến người nghèo không dễ dàng bị gạt bỏ bên lề cuộc đua thăng tiến. Sinh hoạt hội đoàn còn giúp cho tập thể những người yếu kém trong xã hội có chỗ tựa để nâng cao vị thế của mình, khả dĩ tạo được sự tôn trọng cũng như sự quan tâm của những thành viên khác trong xã hội, đặc biệt là từ nhà cầm quyền.

Thực tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy người dân nghèo không được quan tâm đúng mức và họ càng trở nên nghèo đói trong một xã hội đang chuyển biến với vô vàn cơ hội. Khi trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương, các cơ hội về quản lý và khai thác tài nguyên của họ cũng trở thành không đáng kể. Nếu được tham gia vào các tổ chức nhất định như hội, đoàn, tổ, nhóm vv.. người dân sẽ có điều kiện được quản lý nguồn tài nguyên của mình tốt hơn. Vừa có lợi cho đất nước, lại vừa giúp cho họ vượt khỏi ngưỡng đói nghèo. Thực tế đã chứng minh là khi có nhiều cộng đồng dân cư ven biển cũng như ven rừng đứng lại với nhau trong một tổ chức, họ sẽ có cách cùng nhau bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn nguồn lợi tự nhiên của biển và rừng. Nhiều dự án dựa vào cộng đồng và lấy nhóm cộng đồng dân cư làm định hướng phát triển đã chứng minh sự thành công vượt trội trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Trong sinh hoạt tổ, nhóm, hội, đoàn… các thành viên đều coi đó như những diễn đàn bình dân và bình đẳng mà họ có thể thoải mái phát biểu, cùng sẻ chia những kinh nghiệm thành công hay khó khăn của riêng mình cho toàn nhóm lấy làm kinh nghiệm chung. Năng lực của từng người và cả nhóm từ đó sẽ gia tăng. Kỹ thuật giải bày ý kiến cũng thằng thắn và trung thực đủ để mỗi người trau dồi khả năng nâng cao nhận thức và biểu đạt quan điểm. Mỗi cá nhân trong các hội, đoàn đó đều thấy ra: Trong một xã hội ngày càng đòi hỏi cải tiến liên tục phương thức làm việc tập thể, thì hiệu quả của việc tập trung trí tuệ và năng lực đã khiến cho vai trò và chức năng của những tổ chức cộng đồng quần chúng tự lập càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong một đất nước mà quyền lợi của Nhân dân được tôn trọng và bảo vệ thì các hội đoàn sẽ là những tổ chức trung gian đóng vai trò tích cực trong việc củng cố Chính quyền và là phương tiện chuyển tải những chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Như vậy, rõ ràng: Các hội đoàn là một bộ phận tất yếu của xã hội dân sự. Để giữ đúng chức năng bảo vệ quyền lợi của các thành viên, các hội đoàn này có thể ẩn mình trong quan hệ với Nhà nước, song ở nhiều lúc và nhiều nơi cần thiết, nó có khả năng thể hiện qua các tập hợp hoặc liên minh độc lập trong vai trò trung gian chuyển tải nguyện vọng của Nhân dân với Nhà nước. Ngược lại, trong một đất nước mà quyền lợi chỉ tập trung vào tay của một nhóm người lãnh đạo cố níu giữ độc quyền kinh tế xã hội, thì sinh hoạt của các tổ, nhóm, hội, đoàn… sẽ trở thành những diễn đàn tích cực của nhân dân để giải tỏa phần nào tính độc quyền ở hạ tầng cơ cấu, tiến dần tới việc giải tỏa nguồn gốc sinh ra những đặc quyền đặc lợi ở nhiều tầng cấp. Mặt khác, những sinh hoạt kết đoàn đích thực của nhân dân nói trên cũng sẽ dần dà quân bình hóa hay thăng tiến hóa hoạt động của những tổ chức quần chúng đang nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ mà thiếu hiệu quả hiện nay. Nói cách khác: Muốn thực thi khẩu hiệu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nói chung là muốn đất nước phát triển, thì tất yếu là phải đẩy mạnh việc hình thành một xã hội dân sự, bằng cách nâng cao vai trò của những bộ phận tất yếu của xã hội dân sự là các hội đoàn. Nhân dân chúng ta hãy tận lực giúp nhau và giúp Nhà nước phát huy tối đa mọi hình thái Sinh Hoạt Hội Đoàn, bắt đầu là ngay tại địa phương mình.

Không có nhận xét nào: