05 tháng 2, 2005

Giáo Dục và Y Tế: Những Chỉ Dấu Báo Động (CT9)

Long Tuyền


Ngày 3 tháng 12, 2004 Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết số 41/2004/QH11 nêu lên tầm quan trọng của năm 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2001-2005 và đặt ra một số chỉ tiêu và nhiệm vụ chính phải thực hiện trong năm nay.

Các chỉ tiêu vĩ mô được đề nghị ra có đặc điểm chung là nhiều tham vọng, tuy không đến nỗi trở thành hão huyền. Chẳng hạn như mức tăng trưởng của Tổng Sản Phẩm phải gia tăng 8.5%. Trong khi năm 2002 hoặc năm 2003 đạt khoảng 7%, và các dự trù lạc quan nhất cho 2005 cho thấy sẽ khó vượt 7.5%. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ phải tăng dưới 6.5%, trong khi chỉ số này tăng khoảng 8% trong năm 2004, và trong khi những yếu tố có tác dụng làm vật giá gia tăng như sự việc tiền VN xuống giá so với đồng Mỹ Kim, giá nguyên liệu nhập khẩu cao, giá gạo gia tăng, cầu trong nước mạnh... có nhiều xác suất sẽ tồn tại trong năm 2005. Những chỉ tiêu còn lại là: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng sẽ phải giảm xuống 25%, từ 30% hiện nay. 1.6 triệu việc làm mới phải được cấu tạo, trong đó xuất khẩu lao động 70000 người. Số học sinh học nghề tăng 12%. Tỷ lệ hộ nghèo phải giảm xuống dưới 7%. Tỷ lệ sinh giảm 0.4 phần ngàn.

Sau phần ấn định chỉ tiêu, Quốc Hội đã kê khai 10 nhiệm vụ và giải pháp chính phải hoàn thành để đạt được các chỉ tiêu đưa ra. Các nhiệm vụ này trải rộng trên mọi lãnh vực. Nhiệm vụ 1 đề cập tới việc đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, củng cố doanh nghiệp nhà nước, chủ động chính sách tiền tệ, cố gắng tăng thu. Nhiệm vụ 2 nhấn mạnh về nâng cao chất lượng đào tạo nghề, điều chỉnh chi tiêu về đói nghèo, kềm chế tỷ lệ tăng dân số qua công tác tuyên truyền, ban hành pháp lệnh dân số, tăng cường quản lý nhà nước về viện phí, giá thuốc. Nhiệm vụ 3 liên quan tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Nhiệm vụ 4 nêu lên việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ 5 liên quan tới các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và các vùng có đông các sắc tộc thiểu số cư ngụ. Nhiệm vụ 6 nói tới nhu cầu củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, phối hợp giữa quân đội và công an. Nhiệm vụ 7 nhấn mạnh về sự ổn định quan hệ lâu dài với các nước láng giềng trong khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ 8 đề cập tới nhu cầu cải tổ guồng máy công lý, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, kiện toàn và nâng cao chất lượng cán bộ tại các cơ quan tư pháp, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng. Nhiệm vụ 9 liên quan tới việc bảo đảm quyền lợi của người dân, giải quyết các vụ khiếu nại tồn đọng, ban hành chính sách đền bù nhất là trong việc thu hồi đất của dân. Nhiệm vụ 10 nêu lên nhu cầu đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính.

Nói chung, những nhiệm vụ để lộ những thiếu sót kinh niên của cấp lãnh đạo trong việc mang lại phúc lợi cho người dân VN; guồng máy hành chính vẫn rườm rà và thư lại; tham nhũng vẫn hoành hành; hệ thống tư pháp vẫn bị cơ quan hành pháp chi phối; luật lệ vẫn thiếu minh bạch và tròng tréo nhau. Bên cạnh những khó khăn cố hữu này, người ta còn thoáng thấy một số chỉ dấu báo động cho nguy cơ mới.

Trước hết, dân số gia tăng nhanh chóng hơn dự trù! Theo kế hoạch 5 năm 2001-2005 thì đến năm 2005, nước VN sẽ có khoảng 83 triệu người, trong đó ở nông thôn khoảng 60 triệu và ở thành thị 23 triệu. Trong thực tế, thì dân số gia tăng khoảng 83.3 triệu người, trong đó 21.5 triệu ở thành thị. Thành ra người dân không rời bỏ nông thôn để vào thành thị đông như dự trù, khiến vấn đề khiếm dụng và thất nghiệp ở nông thôn thêm trầm trọng. Nghị quyết số 41 này nhấn mạnh rằng 1.6 triệu việc làm cần được cấu tạo trong năm 2005, trong khi con số thường được các bản báo cáo khác nhau nêu lên trước đây là 1.2 triệu.

Tuy chưa hết 5 năm của kế hoạch, nhưng có thể nói rằng các chính sách về phát triển xã hội không đạt được kết quả, đặc biệt là trên các mặt giáo dục và y tế. Đối chiếu với Tổng Sản Phẩm, tỉ lệ chi tiêu về giáo dục còn thấp kém so với các quốc gia cùng trình độ phát triển. Đối chiếu với ngân sách Nhà Nước, thì thấy rằng tỉ lệ này suy giảm mỗi năm. Bên cạnh những con số cho thấy số trẻ em ghi danh tiểu học có gia tăng từ 88% năm 1998 lên tới 91% vào năm 2002, thì ai cũng thấy việc giảm thiểu con số 9% còn lại khó vô cùng. Một nửa trẻ em ở tuổi tiểu học không được đến trường thuộc các sắc dân thiểu số, nửa còn lại là các em bị khuyết tật, hay không có gia đình sống lang thang đầu đường xó chợ. Các vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là những vùng tập trung đông trẻ em ở tuổi tiểu học mà không được đến trường. Thành ra việc "phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa" nêu ra trong kế hoạch 5 năm có thể kết luận ngay rằng không thành công. Chi tiêu giáo dục của Nhà Nước dành cho 20% thành phần giàu nhất trong dân số (trung bình 859 000 đồng) đáng kể hơn là cho 20% thành phần nghèo nhất (trung bình 837 000 đồng).

Sang tới các chỉ tiêu y tế, thì tính cách tụt hậu về phương diện xã hội này càng thêm rõ nét: 26.9% của các chi tiêu của Nhà Nước dành cho 20% thành phần giàu nhất, trong khi 13.5% dành cho 20% thành phần dân số nghèo nhất. Những bất bình đẳng về chi tiêu y tế giải thích tại sao có nhiều chênh lệch giữa các chỉ số y tế của các vùng và các sắc tộc. Tử suất của trẻ sơ sinh tại miền núi Bắc bộ cao gấp 4 lần miền Tây Nam (41 phần ngàn so với 11 phần ngàn), cũng như giữa những hộ mù chữ và những hộ được học xong trung học (58.6 phần ngàn so với 13.2 phần ngàn).

Thông thường, công chi về y tế và giáo dục là phương tiện tốt nhất để làm giảm thiểu các chênh lệch xã hội và mang lại cho các thành phần khốn khó nhiều cơ hội hơn để cải thiện cuộc sống cho chính mình và cho con cái của mình. Một chính sách giáo dục và y tế nhằm hỗ trợ cho các thành phần đang được ưu đãi nhất trong xã hội, thay vì nâng đỡ các thành phần yếu kém thiếu may mắn, hiển nhiên là có tính cách phản xã hội và có tác dụng làm cho các chênh lệch thêm trầm trọng giữa những thành phần nhân dân. Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa tiêu xài như vậy thì sự việc xã hội Việt Nam càng ngày càng thêm phân hoá ắt là điều khó tránh khỏi và tương đối dễ hiểu thôi!

Không có nhận xét nào: